Thuyết Minh Về Danh Lam Thắng Cảnh Ở Phú Yên [34+ Bài]

Thuyết Minh Về Danh Lam Thắng Cảnh Ở Phú Yên ❤️️ 34+ Bài ✅ Văn Mẫu Đặc Sắc Giới Thiệu Về Địa Danh, Cảnh Đẹp Nổi Tiếng Ở Vùng Đất Xứ Nẫu Này.

Dàn Ý Thuyết Minh Về Danh Lam Thắng Cảnh Ở Phú Yên

Mẫu Dàn Ý Thuyết Minh Về Danh Lam Thắng Cảnh Ở Phú Yên sau đây sẽ giúp các em triển khai bài văn dễ dàng hơn.

  • Mở bài: Giới thiệu về danh lam thắng cảnh thuyết minh.
  • Thân bài: Thuyết minh chi tiết.
    • Nguồn gốc, lịch sử hình thành nên danh lam thắng cảnh.
    • Vị trí, địa lý
    • Đặc điểm
    • Ý nghĩa, giá trị lịch sử của địa danh đó.
    • Giá trị danh lam thắng cảnh đó mang lại
  • Kết luận: Nêu cảm nhận về danh lam thắng cảnh ở Phú Yên.

Giới Thiệu Về Du Lịch Phú Yên Đặc Sắc – Bài 1

Đón đọc bài văn Giới Thiệu Về Du Lịch Phú Yên Đặc Sắc để có cái nhìn tổng quan về tiềm năng du lịch nơi đây.

Du lịch Phú Yên vốn đã nổi tiếng giờ đây lại càng được nhiều người biết đến khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được lên sóng. Nét đẹp bình dị của Phú Yên trên sóng truyền hình khiến nhiều người tò mò muốn khám phá Phú Yên ngoài đời thật.

Phú Yên là một tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Định, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai và tỉnh Đắc Lắc, phía Đông giáp với Biển Đông.

Thời gian thích hợp nhất để đi du lịch Phú Yên là vào tháng 3 – 9 dương lịch. Thời điểm này ít mưa, trời đẹp, biển êm thuận tiện cho việc đi lại, tham quan. Tuy nhiên, nắng ở Phú Yên vào mùa hè tương đối gắt, nên bạn cần trang bị đầy đủ mũ nón, áo chống nắng tránh ảnh hưởng sức khỏe. Những địa điểm du lịch Phú Yên:

Bãi biển Tuy Hòa: Khi mới đặt chân đến TP. Tuy Hoà bạn có thể ghé ngay bãi biển Tuy Hoà. Bãi biển này khá đẹp, hạt cát to, trắng nhìn rất thích mắt. Vào những ngày nắng nước biển xanh ngắt, những hàng phi lao trải dài, đến đây cảm giác rất dễ chịu và mát mẻ. Sóng biển ở đây khá mạnh, bãi biển dốc và nước sâu, cát dễ lún nên nếu bạn tắm biển nhớ chú ý an toàn. Những ngày sóng mạnh bạn chỉ nên chơi quanh bãi biển, không nên tắm.

Đầm Ô Loan cách TP. Tuy Hoà 22km, là một điểm đến có tiếng từ lâu ở Phú Yên. Đứng từ đèo Quán Cau nhìn xuống, đầm Ô Loan tựa như một con phượng hoàng đang xoè cánh, vô cùng đẹp và lộng lẫy.

Đầm Ô Loan đẹp nhất trong những khoảnh khắc chiều tà, khi mà hoàng hôn buông xuống thật lãng mạn. Đứng nơi đây bạn sẽ nhẹ nhàng cảm nhận được sự bình yên, cùng hơi gió mát nơi đất trời Phú Yên.

Vịnh Vũng Rô có diện tích 16,4 km và là ranh giới tự nhiên trên biển giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà. Được bao bọc bởi Đèo Cả, Đá Bia và Hòn Bà nên Vịnh Vũng Rô không khác gì chiếc gương khổng lồ nằm lọt thỏm giữa rừng núi bao la.

Vịnh Vũng Rô với khung cảnh hiền hoà, làn nước trong xanh, và cũng là nơi neo đậu của nhiều thuyền bè. Ven vịnh có nhiều bãi cát trắng mịn, trong vịnh là nơi cư ngụ của nhiều loài tôm cá và thảm san hô đa sắc màu dưới đáy biển. Vịnh Vũng Rô làm say đắm lòng bao du khách khi đặt chân đến đây.

Bờ biển Bãi Môn không lớn, chỉ kéo dài khoảng 400m, thế nhưng điều đặc biệt nhất là bãi biển này nằm giữa 2 ngọn núi lớn nên tạo thành hình dáng vòng cung đặc biệt. Ngoài ra, nơi này còn rất phù hợp cho gia đình có trẻ em vì bãi biển không có sóng lớn như ở những nơi khác.

SCR.VN tặng bạn 💧 Giới Thiệu Về Một Danh Lam Thắng Cảnh 💧 17 Bài Văn Hay

Giới Thiệu Về Danh Lam Thắng Cảnh Ở Phú Yên – Bài 2

Bài thuyết minh Giới Thiệu Về Danh Lam Thắng Cảnh Ở Phú Yên sẽ mang đến bạn đọc nhiều thông tin hay và thú vị về Hòn Nưa nổi tiếng.

Phú Yên có rất nhiều địa danh với nét đẹp thiên nhiên hoang sơ, thu hút khá đông đảo khách du lịch đến đây tham quan. Trong số đó, không thể không nhắc đến địa điểm du lịch Hòn Nưa.

Hòn Nưa thuộc vùng giáp ranh giữa tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa. Nằm ngay chân Đèo Cả. Địa hình cao 105m, Hòn Nưa có hình dáng giống như cây trụ chia đôi cánh cửa phía Nam vào vịnh Vũng Rô, nên trong Đại Nam Nhất Thống Chí ghi là Trụ tự.

Hòn Nưa có bãi biển nhỏ dài khoảng 500m theo hình vòng cung, có bờ cát chạy dọc trắng mịn và nước biển trong xanh. Hòn Nưa được mệnh danh là “Thiên Đường Quyến Rũ” bởi vẽ đẹp mà nó mang lại cho khách du lịch hoàn toàn có thể thu hút lòng người.

Đến Hòn Nưa tham quan, khách du lịch sẽ được ngắm nhìn những phong cảnh đẹp nơi đây. Nhìn những mũi đá nhô tại đây, hình ảnh cánh chim bay lượn trên bầu trời cùng những vách đá, những hàng cây xanh biếc làm phong cảnh trở nên hùng vĩ hơn.

Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nơi đây những vách núi cao. Những võm đá thơ mộng. Nếu những ai yêu thích và có niềm đam mê với chinh phục các đỉnh núi, trèo vách đá cao thì hẳn nơi đây là một chọn lựa rất phù hợp.

Hòn Nưa là một địa điểm du lịch hoàn hảo cho khách đến tham quan nơi đây. Bởi nét đẹp không lẫn vào đâu của nó sẵn sàng làm mê hoặc bạn.

Chia sẻ 🌼 Thuyết Minh Về Một Danh Lam Thắng Cảnh Ngắn Gọn 🌼 15 Mẫu Hay Nhất

Bài Văn Thuyết Minh Về Danh Lam Thắng Cảnh Ở Phú Yên Chi Tiết – Bài 3

Bài Văn Thuyết Minh Về Danh Lam Thắng Cảnh Ở Phú Yên Chi Tiết được SCR.VN chọn lọc và chia sẻ đến các bạn đọc sau đây.

Cao nguyên Vân Hòa hấp dẫn du khách bằng khí hậu mát mẻ dễ chịu, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, các di tích văn hóa lịch sử và ẩm thực truyền thống của người dân bản địa.

Cao nguyên Vân Hòa nằm ở trung tâm tỉnh Phú Yên, thuộc địa bàn các xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân của huyện Sơn Hòa và một phần huyện Tuy An với nhiều nắng, gió và cả sương mờ, được mệnh danh là “Đà Lạt của Phú Yên”. Đây là vùng đất đỏ bazan được hình thành do quá trình phun trào núi lửa có độ cao trung bình 400m so với mực nước biển, tạo nên tiểu vùng khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm.

Cao nguyên Vân Hòa nằm trên con đường giao thương cổ nối liền khu vực ven biển Phú Yên với khu vực miền tây rộng lớn của Phú Yên, để từ đó thông lên đến tận Tây Nguyên. Tại đây còn lưu lại nhiều di tích lịch sử cách mạng liên quan đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Yên trong thời kỳ 1954 – 1975, trong đó di tích Nhà thờ Bác Hồ, Căn cứ địa cách mạng của tỉnh Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và di tích Địa đạo Gò Thì Thùng đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào năm 2008.

Di tích lịch sử tiêu biểu tại Cao nguyên Vân Hòa là Nhà thờ Bác Hồ, được xây dựng vào năm 1969. Đây là nơi nhân dân Phú Yên chức làm lễ truy điệu khi Bác qua đời, từ đó trở thành nơi để nhân dân Phú Yên tưởng niệm Bác cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Sau khi được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia vào năm 2008, Nhà thờ Bác Hồ đã được tu bổ tôn tạo khang trang trên diện tích khuôn viên 0,5 héc ta. Du khách thường tới đây để dâng hương tưởng niệm Bác, tìm hiểu lịch sử tại phòng truyền thống, phòng trưng bày liên quan đến khu căn cứ kháng chiến của tỉnh Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Không chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh có địa đạo Củ Chi hay Quảng Trị có địa đạo Vịnh Mốc, tại Cao nguyên Vân Hòa cũng có hệ thống địa đạo vô cùng độc đáo. Di tích lịch sử quốc gia Địa đạo Gò Thì Thùng được xây dựng vào tháng 5/1964 và hoàn thành vào tháng 8/1965, gồm địa đạo dài khoảng 2km nằm sâu từ 4 đến 5m so với mặt đất, hệ thống công sự chiến đấu, giao thông hào trên mặt đất dài hơn 10km nối liền nhau tạo thành một thế trận đánh địch vững chắc.

Tại khu vực Địa đạo Gò Thì Thùng, vào ngày 24/6/1966 đã diễn ra trận đánh Mỹ lớn nhất ở Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, gây thiệt hại nặng Sư đoàn không vận số 1 của Mỹ, bắn rơi và bắn hỏng 9 máy bay. Hiện nay di tích Địa đạo Gò Thì Thùng đã được tu bổ tôn tạo, trong đó đã khôi phục khoảng 200m địa đạo để phục vụ khách tham quan.

Đến với cao nguyên Vân Hòa du khách không chỉ đến với vùng đất có khí hậu mát mẻ dễ chịu, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và nhiều di tích lịch sử, cách mạng mà còn thưởng thức các món ăn đặc sản truyền thống của người dân bản địa như gà kho mắm thơm hay nấu canh chua lá dít, bò một nắng chấm muối kiến vàng, nấm mối Sơn Hòa…

Xem Thêm Bài 🌹 Thuyết Minh Về Di Tích Lịch Sử ❤️️17 Bài Văn Mẫu Hay Nhất

Thuyết Minh Về Một Danh Lam Thắng Cảnh Ở Phú Yên Ấn Tượng – Bài 4

Thuyết Minh Về Một Danh Lam Thắng Cảnh Ở Phú Yên Ấn Tượng, cùng tham khảo bài văn giới thiệu về Hải đăng Đại Lãnh – Nơi đón ánh bình minh đầu tiên của tổ quốc.

Là điểm cực Đông của Việt Nam, Hải đăng Đại Lãnh là địa điểm du lịch ở xứ “Hoa vàng cỏ xanh” Phú Yên thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng ánh bình minh đầu tiên trên đất liền ở Việt Nam.

Nằm trên Mũi Đại Lãnh (một nhánh của dãy Trường Sơn), thuộc huyên Đông Hoà, tỉnh Phú Yên, hải đăng Đại Lãnh được người Pháp xây dựng vào cuối thế kỉ 19 với diện tích hơn 300m2. Khoảnh khắc đón những tia nắng đầu tiên của mặt trời ló lên dần dần trên đường chân trời trong phong cảnh thiên nhiên đẹp như tranh trên ngọn hải đăng Đại Lãnh sẽ là một trải nghiệm thú vị bạn không thể nào quên trong suốt cuộc đời.

Để đến được ngọn hải đăng này, bạn có thể đi theo cung đường ven biển Phú Yên dưới chân đèo Cả và ngắm cảnh biển đẹp bao la bên đường. Từ xa, ngọn hải đăng Đại Lãnh sừng sững giữa không gian núi non trùng điệp và biển xanh mênh mông.

Có hai đường để đi lên ngọn hải đăng Đại Lãnh, đó là leo núi và đi dọc theo bờ suối. Cung đường băng qua suối thì hơi vất vả hơn một chút nên bạn có thể chọn leo trên những trên những bậc thang quanh co bên cạnh hàng rào trắng, vừa đi vừa ngắm nhìn cảnh biển. Trên đường đi, bạn sẽ được ngắm nhìn Bãi Môn với eo biển xanh mát và bãi cát trắng đẹp tuyệt diệu bên tiếng sóng rì rào vỗ vào bờ bên tai.

Càng đi lên cao cảnh vật càng đẹp với khung cảnh biển trời mênh mông xung quanh. Vào trong ngọn hải đăng và leo hơn 110 bậc thang gỗ, toàn cảnh thiên nhiên đẹp lộng lẫy như được thu gọn vào trong tầm mắt. Đứng trên đây, bạn như được đắm chìm vào tuyệt tác thiên nhiên đẹp rực rỡ của biển trời và non núi mà tạo hoá đã ban tặng cho cảnh vật nơi đây. Từng cơn gió mát rượi thổi lên cao mang theo hương vị biển mặn mà khiến ta cứ muốn hít thật sâu và tận hưởng trọn vẹn không gian khoan khoái mát lành.

Để đón bình minh đầu tiên trên đất liền, bạn sẽ phải lên đây từ 5 giờ sáng. Đứng trên ngọn hải đăng Đại Lãnh cao sừng sững, ngắm nhìn mặt trời từ từ lên dần lên cao giữa khung cảnh bao la hùng vĩ của thiên nhiên đất trời chìm trong màu đỏ rực rỡ chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị và đáng nhớ không bao giờ quên.

Chia Sẻ Bài 💦 Thuyết Minh Về Một Danh Lam Thắng Cảnh Ở Địa Phương Em❤️️ Bài Mẫu Hay Nhất

Bài Văn Thuyết Minh Về Danh Lam Thắng Cảnh Ở Phú Yên Điểm 10 – Bài 5

Bài Văn Thuyết Minh Về Danh Lam Thắng Cảnh Ở Phú Yên Điểm 10 được nhiều bạn đọc quan tâm sau đây.

Ghềnh Đá Dĩa còn có các cách gọi (viết) khác là Gành Đá Dĩa là một danh thắng thiên nhiên kỳ thú về cảnh quan và độc đáo về địa chất ở Việt Nam, thắng cảnh này nằm tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Ghềnh Đá Đĩa có diện tích khoảng 2 km vuông, chỗ hẹp nhất khoảng 50m; nơi dài nhất 200m. Ghềnh Đá Đĩa hay gành Đá Dĩa nằm trong xã An Ninh Đông, huyện Tuy An của tỉnh Phú Yên. Từ thành phố Tuy Hòa theo Quốc lộ 1A về hướng Bắc khoảng 30 km, đến thị trấn Chí Thạnh rẽ phải về phía Đông khoảng 12 km là đến ghềnh Đá Đĩa. Bạn cũng có thể đi theo tuyến đường ven biển từ Tuy Hòa đến ghềnh Đá Đĩa dài khoảng 35 km.

Ghềnh Đá Đĩa rộng khoảng 50 m và trải dài hơn 200 m, là một trong những danh thắng tuyệt đẹp của mảnh đất Phú Yên. Từ trên cao, có thể nhìn thấy khu ghềnh lấn biển với những khối đá mặt hình lục giác, gắn chặt với nhau tựa miếng sáp ong khổng lồ đều đặn, tạo nên một tổng thể vững chắc với màu đen bóng.

Khu ghềnh đặc biệt này được hình thành khi núi lửa tuôn trào dung nham xuống biển. Dòng dung nham nóng gặp biển lạnh đông cứng lại, cùng với hiện tượng di ứng lực nên toàn bộ khối nham thạch bị rạn nứt đa chiều tạo nên cảnh quan kỳ thú hôm nay.

Gềnh Đá Đĩa là một tập hợp các trụ đá hình lăng trụ xếp liền nhau, hòn nọ nối hòn kia kề với sóng nước. Bãi đá trải rộng san sát nhau chung màu đen huyền bí. Có trụ thẳng đứng, có trụ nghiêng vẹo nhưng vẫn chồng chất tầng tầng trông như chồng bát dĩa nên có tên gọi là Ghềnh Đá Đĩa. Nhìn từ xa, Ghềnh Đá trông giống một tổ ong thiên tạo khổng lồ vô cùng kỳ vĩ.

Nơi đây có những phiến đá kỳ ảo, thô ráp xếp tầng tầng, lớp lớp lên nhau, thành một vách núi sừng sững trải dài lấn ra tới biển. Hình ảnh này gợi cho du khách liên tưởng tới một lớp vảy khổng lồ của một con kình ngư đang đắm mình trong giấc mộng triệu năm dưới làn nước trong mát và mây trời cao xanh của Phú Yên.

Trải qua hàng trăm năm biến đổi khí hậu, những cơn sóng biển vẫn miệt mài tung bọt trắng bên ghềnh đá hoang sơ. Những ghềnh đá xếp lô xô cao thấp và bạn có thể dễ dàng đến sát mép biển, nơi sóng vỗ về, để ngắm toàn cảnh biển xanh tuyệt đẹp. Đi sâu xuống dưới ghềnh, bắt gặp một hang ăn sâu vào chân núi, bọt tung trắng xóa. Xa xa là bãi Bàng với làn nước trong vắt in bóng mây trời.

Năm 1998, ghềnh Đá Đĩa được Nhà nước cấp chứng nhận danh thắng cấp quốc gia và bắt đầu được tỉnh Phú Yên đưa vào khai thác du lịch. Nhưng do địa hình đường xá đi lại phải qua nhiều làng bản mới vào được nên việc đẩy mạnh du lịch tại ghềnh gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, người dân lại biến ghềnh đá thành điểm picnic cuối tuần với vô số rác thải.

Năm 2010, con đường vào ghềnh Đá Đĩa được trải nhựa hoàn toàn với những biển chỉ lối cụ thể. Ghềnh cũng đã được làm sạch, nạo vét và thu nhặt rác bẩn, được địa phương quan tâm chăm sóc. Ghềnh Đá Đĩa đã trở thành một điểm đến thú vị cho du khách khi ghé thăm mảnh đất Phú Yên nắng gió.

Một buổi ghé chơi với ghềnh Đá Đĩa, bạn hãy dành thời gian ghé thăm nhà thờ Mằng Lăng cổ kính ngay đầu lối rẽ vào, đi chậm xuyên qua những làng mạc yên bình và đón những cơn gió lồng lộng thổi không ngừng từ trên ghềnh Đá Đĩa.

Hoàng hôn nhuộm màu lên phiến đá, nhìn từ trên cao như những chiếc đĩa dát vàng. Ghềnh này được hình thành khi núi lửa tuôn trào dung nham xuống biển. Dung nham nóng gặp biển lạnh đông cứng lại và do hiện tượng di ứng lực nên toàn bộ khối nham thạch bị rạn nứt đa chiều tạo nên cảnh quang tuyệt vời như ngày hôm nay. Bên dưới ghềnh đá là bãi Bằng với nước biển dịu mát và tĩnh lặng. Có lẽ do địa hình hiểm trở và chưa mấy ai biết đến nên nước biển bãi Bằng trong vắt một màu, nhìn từ trên cao xuống có thể thấy cả đáy.

Với những cảnh vật sơ khai kỳ vĩ, cùng thiên nhiên nhuộm một màu sắc lãng mạn, Gành Đá Đĩa đã trở thành một địa điểm lý tưởng để thực hiện các bức ảnh đẹp không chỉ đối với các bạn trẻ đi du lịch mà cả những nhà nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lẫn những bạn trẻ sắp lập gia đình, tìm đến đây để có những bộ ảnh cưới tuyệt mỹ.

Ghềnh Đá Đĩa tuy hùng vĩ hoang sơ, nhưng vẫn không thiếu nét thơ mộng khi chiều về. Bạn cũng có thể ngâm mình trong làn nước mát và nhắm mắt tận hưởng cái vỗ nhè nhẹ của sóng biển vào da thịt, những làn gió mơn trớn trên tóc và mùi biển mặn đậm đà. Được đắm mình giữa một chốn hoang sơ của thiên nhiên, du khách như gột rửa hết mọi lo toan.

Chia Sẻ Bài 🌹Thuyết Minh Về Đà Nẵng ❤️️15 Bài Giới Thiệu Đà Nẵng Hay

Thuyết Minh Về Danh Lam Thắng Cảnh Ở Phú Yên Ngắn Gọn – Bài 6

Thuyết Minh Về Danh Lam Thắng Cảnh Ở Phú Yên Ngắn Gọn và súc tích thể hiện qua từng câu văn, hình ảnh miêu tả chân thực và sáng tạo.

Dọc theo đường cong hình chữ S của mảnh đất duyên hải miền Trung, du khách sẽ được khám phá và tận hưởng những bãi biển, vùng vịnh tuyệt đẹp với làn nước xanh biếc, bờ cát phẳng mịn và khung cảnh thiên nhiên đẹp đến nao lòng. Nếu như phố biển Nha Trang mang đến cho bạn không gian biển nhộn nhịp, sầm uất thì tìm về với mảnh đất xứ Nẫu Phú Yên, bạn sẽ được đắm chìm trong giữa biển trời bình yên, tĩnh lặng đầy mê hoặc, quyến rũ lòng người.

Vịnh Vũng Rô là vùng vịnh biển xinh đẹp, hoang sơ của mảnh đất thuộc xã Xuân Hòa Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, trải dài trong diện tích khoảng 16.4 km2 và được bao bọc bởi 3 dãy núi cao hùng vĩ giữa biển trời gồm Đèo Cả (ở hướng Bắc), Đá Bia (ở hướng Đồng) và Hòn Bà (ở hướng Tây) và được đảo Hòn Nưa ở hướng Nam che chắn.

Trên con đường tiến về vịnh Vũng Rô, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những hàng cây xanh mát, những thảm cỏ đồng quê bạt ngàn, thấp thoáng biển xanh thăm thẳm phía xa xa và những ngôi nhà nhỏ đơn sơ giữa mảnh đất rộng lớn. Nếu đến vịnh Vũng Rô từ đèo Cả, bạn sẽ được thử thách bởi những khúc cua tay áo ngoạn mục và trải nghiệm những con dốc dựng đứng hiểm trở nữa đấy! Hẳn đó sẽ là một hành trình tuyệt vời phải không nào?

Từ đèo Cả trông về, vịnh Vũng Rô đẹp đến diệu kỳ, khiến bao người phải dừng chân trên đoạn đèo ấy và hướng tầm mắt chiêm ngưỡng về phía vịnh Vũng Rô. Vịnh Vũng Rô tựa như tấm gương khổng lồ soi chiếu mọi cảnh vật. Cảnh sắc nơi đây vừa hùng vĩ lại vừa trữ tình, nên thơ biết nhường nào! Vùng vịnh biển này là bức tranh phong cảnh thiên nhiên nguyên sơ tuyệt đẹp, được tạo nên từ những chất liệu thiên nhiên thân thuộc, có bầu trời, có đất, có núi, có biển và có cả mây trắng, rừng xanh.

Bên cạnh đó, đến với vịnh Vũng Rô du khách còn có thể được tận hưởng những khoảnh khắc thư giãn cùng với những bãi tắm nguyên sơ, yên bình như bãi Lách, bãi Mù U, bãi Chùa, bãi Chân Trâu, bãi Lau, bãi Nhãn, bãi Bàng,… Bạn sẽ được khám phá những bờ cát phẳng mịn trải dài bên biển xanh mênh mông, lặn ngụp giữa làn nước mát lạnh và thỏa thích chơi đùa giữa không gian vắng lặng, bình yên.

Vịnh Vũng Rô như đứa con yêu của mảnh đất này, bởi nó luôn được bao bọc, chở che từ những dãy núi luôn sẵn sàng dang tay bảo vệ nó. Chính vì thế, vùng biển nơi đây luôn êm đềm, hiền hòa biết bao! Giữa bầu không gian nơi đây, bạn có thể thả hồn phiêu du cùng những đám mây bồng bềnh, những làn gió nhẹ hoặc những con sóng nhỏ lăn tăn trên mặt biển.

Vịnh Vũng Rô còn là chứng nhân lịch sử cho những cuộc chiến khốc liệt của lịch sử, thế nhưng qua bao năm tháng nó vẫn giữ trọn vẻ đẹp dịu dàng, hiền hòa và bình lặng. Trong vùng vịnh Vũng Rô, du khách hẳn sẽ ngỡ ngàng trước những đoàn tàu neo đậu tấp nập và đâu đó nằm sâu giữa lòng biển vẫn còn xác con tàu không số đã bị đắm và mang theo những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1964 – 1965.

Khu di tích đoàn tàu này hẳn sẽ gợi cho du khách nhiều cảm xúc cùng với lòng biết ơn, niềm tự hào về những anh hùng đã mãi nằm sâu dưới biển vì lòng yêu Tổ quốc, vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước. Những giá trị lịch sử ấy sẽ mãi gắn liền với vịnh Vũng Rô và là một phần của vùng vịnh biển xinh đẹp này.

Nhiều người vẫn ví von vịnh biển Vũng Rô là chốn thiên đường của mảnh đất xứ Nẫu. Nó không chỉ mang sở hữu bầu không gian yên ả, hiền hòa đặc trưng của mảnh đất này mà còn gợi nên những vẻ đẹp tuyệt diệu của những thiên đường biển nguyên sơ ở đất Việt.

Xem Thêm Bài 🌹 Thuyết Minh Về Cần Thơ ❤️️ 15 Bài Giới Thiệu Cần Thơ Hay

Thuyết Minh Về Danh Lam Thắng Cảnh Ở Phú Yên Đầm Ô Loan – Bài 7

Thuyết Minh Về Danh Lam Thắng Cảnh Ở Phú Yên Đầm Ô Loan giúp các em có thêm nhiều kiến thức hay cho mình.

Đầm Ô Loan nằm sát quốc lộ 1A, dưới chân đèo Quán Cau, cách thành phố Tuy Hoà 22km. Đây là một địa danh gắn với phong trào Cần Vương của tỉnh Phú Yên. Đầm Ô Loan rộng khoảng 1.200 ha. Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống, Ô Loan giống như con phượng đang xòe cánh, còn trên bản đồ, Ô Loan giống như con thiên nga đang thong thả bay.

Phía tây đầm Ô Loan là những quả đồi nhỏ nằm san sát nhau. Phía đông là mả Cao Biền. Dân gian cho rằng trên đường đi ếm hại nhân tài nước Nam , Cao Biền đã bị trời chôn tại đây.

Cao Biền chết tại Đồng Môn
Trên Sơn dưới Thủy, trời chôn Cao Biền.

Thật ra, đây không phải là mả mà là một cồn cát. Tuy nằm sát biển, sóng gió vô chừng nhưng nhờ có một luồng gió xoáy mang cát bồi đắp, nên không khi nào mả bị sụp xuống thấp. Ô Loan là một đầm nước lợ, gần như nằm trọn trong đất liền, có món đặc sản là sò huyết. Dưới thời phong kiến, các quan lại khi về Phú Yên thường ra đầm Ô Loan thưởng ngoạn phong cảnh và thưởng thức món sò huyết.

Món đặc sản khác ở Ô Loan là hàu. Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu) nhà thơ nổi tiếng sành ăn đã từng đi khắp nước, ăn khắp nơi, đến Phú Yên nếm món ngon vật lạ cũng khen rằng: “Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu”.

Hàu sống dựa vào các tảng đá ngập mặn, có cạnh rất sắc. Hàu dùng để nấu cháo, nấu canh, xào, nhưng ngon và hấp dẫn nhất là món hàu tái hoặc hàu trộn với đậu phụng và cà chua.

Món ngon vật lạ ở Ô Loan còn có cua đế, còn gọi là huỳnh đế hay hoàng đế. Mai cua hoàng đế màu đỏ hoặc vàng đậm, ngay khi cua còn sống ở dưới nước, đằng sau có một chùm lông vàng, ngắn. Đặc biệt, loài cua này không bò ngang mà bò tới, vì càng và que đều mọc ở đằng trước đầu. Ngoài ra, Ô Loan còn có tôm rằn, tôm bạc, mực, sứa, rau câu, điệp. Giữa đầm có hai tảng đá lớn chồng lên nhau gọi là hòn Chồng.

Hàng năm đến ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch, lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng đầm Ô Loan được tổ chức. Hàng vạn người từ khắp nơi về tham dự. Đây là một nét đẹp của văn hóa dân gian truyền thống Phú Yên. Đầm Ô Loan đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích danh thắng quốc gia.

Gợi Ý Bài 🌹 Thuyết Minh Về Cao Bằng ❤️️15 Bài Giới Thiệu Cao Bằng Hay

Thuyết Minh Về Tháp Nhạn Phú Yên – Bài 8

Thuyết Minh Về Tháp Nhạn Phú Yên, cùng đón đọc bài văn hay được SCR.VN chọn lọc ngay sau đây.

Tháp Nhạn là một di tích duy nhất còn tương đối nguyên vẹn của người Chăm trên đất Phú Yên và hiện vẫn bảo tồn những giá trị của nó. Mặc dù, đã qua nhiều đợt trùng tu, tu sửa.

Tháp Nhạn được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 11, đầu thế kỷ 12 trên một khu đất tương đối bằng phẳng gần đỉnh núi Nhạn. Chung quanh việc xây dựng ngọn tháp trên núi Nhạn, có truyền thuyết kể rằng, thuở ấy quân của ông Lương Phù Già (tức Lương Văn Chánh) giao tranh với quân Chăm (Chiêm Thành). Chiến trường diễn ra ở phần đất thành phố Tuy Hoà ngày nay. Quân của ông Phù Già đóng ở núi Nựu, quân Chiêm đóng ở núi Nhạn để cố thủ.

Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt không phân thắng bại. Để tránh thiệt hại về người và của cho lương dân, hai bên giao ước với nhau sẽ cùng xây tháp, bên nào hoàn thành trước thì thắng cuộc, còn bên thua cuộc sẽ phải tự động rút quân khỏi Phú Yên. Hai địa điểm được hai bên lựa chọn là: quân Chăm trên núi Nhạn, quân ông Phù Già trên núi Cổ Rùa, một phần nhô ra của núi Nựu.

Quân Chăm dốc toàn sức lực ngày đêm xây đắp cho đến khi sắp hoàn thành thì ngọn tháp của ông Phù Già đã xây xong, đứng sừng sững một góc trời. Quân Chăm đành phải chấp nhận thua cuộc. Sau đó, quân ông Phù Già thách Chiêm Thành đốt tháp, tháp bên nào cháy trước thì bên đó thắng cuộc và bên kia phải rút binh. Tháp của ông Phù Già chỉ sau một đêm đã cháy sạch trong khi ngọn tháp bên núi Nhạn vẫn đứng vững. Lương Văn Chánh mang đại quân đến chân núi Nhạn buộc quân Chăm phải rút quân qua khỏi bên kia đèo Cả.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng nã pháo làm cho đỉnh tháp và 3 góc tháp bị đổ. Do bị hư hại nhiều trong chiến tranh, vào cuối năm 1960, dưới chính quyền Ngụy, tỉnh Phú Yên cho tu bổ tháp, hàn gắn những chỗ bị nứt bên trong và ngoài tháp.

Vật liệu xây dựng tháp đều bằng gạch nung với nhiều kích cỡ khác nhau tuỳ theo vị trí của từng mảng tường, từng tầng tháp và được xếp liền khít, không thấy mạch hồ song kết dính rất vững chắc. Những hàng gạch bên trên hơi lùi vào so với hàng gạch bên dưới cho đến khi khép kín vòm.

Tháp Nhạn có phong cách kiến trúc như tháp Chăm Pô Nagar ở Nha Trang, đó là xây dựng theo hình thức tầng cao. Tháp có hình tứ giác với 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại so với tầng dưới, nhưng vẫn theo phong cách tầng dưới. Tháp cao gần 23,5m, mỗi cạnh chân tháp dài 10m.

Nóc của tháp gồm nhiều lớp xếp, phần chóp được cấu tạo bằng phiến đá nguyên tảng có hình búp sen cân đều. Đó là biểu tượng Linga của người Chăm. Trên đỉnh tháp, bốn mặt đều có bốn cửa sổ giả, tách biệt giữa phần trên và tầng dưới. Cửa chính ở hướng đông, phần trên cửa hình vòm, xây cuốn theo kiểu giật cấp, trụ và xà ngang của cửa là khối đá vôi mềm, dễ đẽo gọt, đục chạm.

Bên trong tháp, tường xây thẳng đứng cao vút từ phần đế tháp cho đến hết phần thân. Càng lên cao, tường càng thu nhỏ dần cho đến đỉnh, tạo thành hình chóp nón. Trên mặt tường tháp không có hoa văn trang trí, chỉ có một vài họa tiết hoa văn hình rồng được chạm khắc cách điệu bằng đá hoa cương đặt bên ngoài góc tháp. Trong lòng tháp không có bệ thờ, không có tượng, chỉ có một am nhỏ phía trước để thờ bà Thượng Đỉnh Chúa Thiết A Na Diễn Ngọc Phi được xây dựng từ thời Hậu Lê.

Đặc biệt, dưới chân núi Nhạn về phía tây nam, ven bờ sông Chùa có một tảng đá cao 1,3m, mỗi cạnh rộng 0,9m, dưới chân có chạm hình cánh sen, trên khắc 3 chữ cổ (dạng chữ Phạn) thường gặp ở các tấm bia trụ cột trong các tháp Chăm. Chữ khắc ở 1/3 tảng đá. Có lẽ đây là thư tịch duy nhất ở khu vực tháp còn lưu lại đến nay.

Tháp Nhạn là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử cao của người Chăm và đây cũng là một thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh Phú Yên. Tháp Nhạn đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 16/11/1988.

Xem Thêm Bài 🌵 Thuyết Minh Về Đất Mũi Cà Mau ❤️️ 16 Bài Giới Thiệu Cà Mau

Thuyết Minh Về Gành Đá Đĩa Phú Yên – Bài 9

Thuyết Minh Về Gành Đá Đĩa Phú Yên, một điểm đến du lịch không thể bỏ lỡ nếu có dịp trải nghiệm vùng đất này.

Nhắc đến du lịch Phú Yên, không ai không nhắc đến gành Đá Đĩa- địa điểm du lịch độc đáo với các trụ đá xếp dựng đứng như những chiếc đĩa vô cùng lạ mắt và có thể nói là có một không hai ở Việt Nam.

Gành Đá Đĩa thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 40km. Đá ở đây được dựng đứng theo từng cột, liền khít nhau, có tiết diện hình lục giác hoặc hình tròn, giống như những cái đĩa xếp chồng lên nhau nên mới có tên gọi là gành Đá Đĩa.

Theo kết quả nghiên cứu địa chất, đá ở gành Đá Đĩa là loại đá bazan được hình thành do hoạt động của núi lửa cách nay khoảng gần 200 triệu năm. Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa gặp nước biển bất ngờ bị đông cứng lại, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lực gây nên sự rạn nứt toàn bộ khối nham thạch theo mạch dọc, xiên, ngang khiến những cột đá bị cắt thành nhiều khúc. Đá Dĩa có diện tích khoảng 2 km vuông, chỗ hẹp nhất 50 mét; nơi dài nhất 200 mét.

Từ trên cao nhìn xuống trông giống như một tổ ông khổng lồ vì kết cấu lạ mắt của các dãy đá. Theo các bậc tam cấp tự nhiên do đá tạo nên, du khách xuống tận chân đá đĩa để tận mắt thấy sự tạo hóa của thiên nhiên làm nên một công trình nghệ thuật mà cứ như chính bàn tay con người tạo ra.

Đến với danh thắng này, nhiều người đều liên tưởng đến những hình thù được làm bằng đá ở đảo Phục Sinh- Chile hay Cánh đồng Chum – Lào, khác nhau là những công trình đá trên do chính bàn tay con người tạo ra- và đến nay nó vẫn đang là một ẩn số đối với các nhà nghiên cứu.

Gành Đá Đĩa còn là nơi lý tưởng cho những người thích câu cá, đứng ở đây quăng câu ra xa để ngồi chờ, đây chính là thời gian để người ta có thể thả mình theo những đợt sóng xô vào gành đá đĩa, tạo nên những âm thanh khi dữ dội lúc lại nhẹ nhàng. Bên cạnh, những chiếc thuyền thúng của ngư dân để dài trên gành đá đĩa đã tạo nên một điểm nhấn đẹp cho địa điểm du lịch này.

Tự hào khi nói về gành Đá Đĩa, anh Đỗ Vũ Thành- Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Tuy An đã kể về truyền thuyết gành đá như sau: Từ rất lâu, không biết chính xác là thời điểm nào nhưng theo tương truyền thì ở đây có đôi vợ chồng rất giàu có. Tuy vậy, người vợ không may chết sớm trong khi chưa kịp sinh một mụn con nào cả.

Sau khi vợ chết, người chồng lấy rất nhiều tài sản ban phát cho dân nghèo. Phần còn lại ông đã cất vào kho cạnh bờ biển (tức gành Đá Đĩa ngày nay) và đi tu. Sau đó ông đã qua đời mà chưa sử dụng hết số của cải còn cất dấu. Biết được số của cải to lớn này đang được cất giấu ở gần bờ biển nên những kẻ tham lam đã dùng nhiều cách để chiếm đoạt. Tuy vậy, sau nhiều tháng chúng vẫn không xâm nhập được vào chỗ cất giấu tài sản nên chúng đã chất củi đốt cháy nơi này.

Lửa đang cháy bỗng xảy ra cơn gió xoáy như vòi rồng cuốn những kẻ đứng chung quanh kho bạc mất hút lên không trung và phát ra một tiếng nổ kinh hoàng. Sáng hôm sau, người dân khu vực này kéo nhau ra phía bờ biển, thì phát hiện kho bạc của người nhà giàu nọ không còn nữa mà chỉ thấy những phiến đá to hình lục giác xếp chồng lên nhau thành từng cột ngay ngắn, cao thấp khác nhau… Và còn rất nhiều truyền thuyết li kì xung quanh địa điểm du lịch này nữa.

Tuy là địa điểm du lịch thiên nhiên hấp dẫn rất nhiều du khách khi có dịp đến Phú Yên nhưng tại địa điểm này, các dịch vụ du lịch cộng thêm đều không có. Do đó du khách chỉ có thể ghé thăm, chụp ảnh lưu niệm rồi liền quay lại thành phố Tuy Hòa hoặc ra thẳng thành phố Qui Nhơn.

SCR.VN Gợi Ý Bài 🌵Thuyết Minh Về Bình Thuận ❤️️ 16 Bài Giới Thiệu Bình Thuận

Thuyết Minh Về Vịnh Xuân Đài Phú Yên – Bài 10

Thuyết Minh Về Vịnh Xuân Đài Phú Yên, một món quà mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất nơi đây.

Phú Yên – xứ sở “hoa vàng cỏ xanh” trù phú không chỉ nổi tiếng với những đầm nước trong vắt, những bãi biển xanh bao la hay gành đá đĩa kì thú mà còn nổi tiếng với những vịnh biển đẹp đến xao lòng.

Nằm trên tuyến Quốc lộ 1A trải dài chừng 50km ven bờ biển Đông từ thị xã Sông Cầu đến huyện Tuy An ở phía Bắc tỉnh Phú Yên, vịnh Xuân Đài hiện ra đẹp như một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp. Vịnh được tạo thành bởi một dãy núi chạy dài ra biển khoảng 15km, trông giống hình đầu của một con kì lân.

Ba mặt của vịnh là những dải núi bao bọc và vươn dài ra biển. Phần đá tiếp giáp với mặt biển bị sóng bào mòn, tạo những hình thù lạ mắt. Ít có vịnh nào lại có sự đan xen đa dạng về địa hình như vịnh Xuân Đài – ghềnh nối tiếng vũng, vũng nối tiếp bãi, bãi nối tiếp núi uốn lượn trùng điệp. Chỉ riêng vũng đã có hơn chục cái to nhỏ, nông sâu khác nhau. Chẳng thế mà người ta vẫn thường ngân nga rằng:

”Vũng La, vũng Xứ, vũng Chào
Vũng Dông, vũng Mắm, vũng nào cũng thương”.

Vịnh Xuân Đài còn được biết đến là nới mang đậm dấu ấn lịch sử của dân tộc. Thời xưa, quân Tây Sơn và nhà Nguyễn đã từng có một trận thủy chiến tại đây. Năm 1832, phái đoàn ngoại giao Hoa Kì mang thư của tổng thống nước này đến đây gặp gỡ Ngoại lang Nguyễn Tri Phương (do vua Minh Mạng cử đến) để xin “giao hảo thông thương”. Vịnh Xuân Đài trở thành nơi bang giao đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kì, suốt một thời gian dài khu vực này là thủ phủ của tỉnh Phú Yên.

Vịnh Xuân Đài sở hữu vẻ đẹp đến ngỡ ngàng, làm say lòng biết bao du khách mỗi khi có dịp đến Phú Yên. Trong vịnh biển xinh đẹp này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên non nước hữu tình với những bãi cát trải dài sạch mịn màng, tinh khiết.

Cạnh các bãi tắm phẳng phiu mơ mộng, nhưng ghềnh đá nhấp nhô phô đủ sắc màu theo từng buổi nắng. Dong thuyền trong gió trinh nguyên Xuân Đài, du khách còn có điều kiện khám phá thêm nhiều điều kì ảo. Hòa mình cùng đời sống của ngư dân du khách sẽ cảm thấy yêu mến hơn tính cách thân thiện, bộc trực, khẳng khái của người dân vùng biển Nam Trung Bộ.

Dọc theo vịnh Xuân Đài còn có làng Thạnh An với nghề ủ chượp nước mắm nổi tiếng miền Trung, đến nay người dân địa phương vẫn còn giữ nghề. Dù không phát triển mạnh mẽ như Phan Thiết – Bình Thuận hay Phú Quốc – Kiên Giang nhưng nước mắm làng này vẫn khá phổ biến ở Phú Yên và các địa phương lân cận. Tại đây, du khách có thể tìm về thiên nhiên hoang sơ, làng xóm sống chan hòa, chen chúc nhưng vẫn giữ được nét đẹp thuần khiết của thiên nhiên.

Quanh vịnh còn có nhiều nơi để du khách dừng chân như: Gành Đèn, bãi biển Bình Sa,… Gành Đèn là một phần của dãy núi Cây Me bao quanh vịnh, với những khối đá chất chồng lên nhau tạo một vị trí hiểm trở. Trên đỉnh có ngọn hải đăng để hướng dẫn tàu thuyền vào ban đêm. Bãi biển Bình Sa là một bãi biển đẹp với rừng phi lao che phủ tạo điệu nhạc lòng biển cả, làm hút hồn bao du khách.

Nơi đây còn có nhiều ngọn núi nhỏ nhô ra biển, chia mặt nước vịnh Xuân Đài thành nhiều vịnh nhỏ. Dưới chân núi giáp biển hình thành những bãi tắm, bãi đá. Dưới chân Hòn Bồ và núi Mù U còn có các Lỗ Tra, bãi Thạn, bãi Nhàu, bãi Bàng… Các bãi biển này không lớn nhưng đủ để du khách thư giãn, ngắm cảnh và trải nghiệm cuốc sống với thiên nhiên, biển cả. Trên vịnh còn có vô số những hòn đảo lớn nhỏ tạo khung cảnh êm đềm cho vịnh biển, thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng, thư giãn và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên.

Ngoài ra, đến tham quan vịnh Xuân Đài du khách còn có thể ghé thăm những địa điểm du lịch thú vị, hấp dẫn của xứ Nẫu nằm trên tuyến quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam như: đầm Cù Mông, đầm Ô Loan,.. gặp gỡ và trò chuyện cùng những người dân vùng biển nơi đây để hiểu hơn về cuộc sống vất vả, nhọc nhằn, quanh năm bám biển…

Đã từ lâu, vịnh Xuân Đài được biết đến là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của mảnh đất Phú Yên đầy nắng và gió.

Tham Khảo Bài 💦 Thuyết Minh Về Lạng Sơn ❤️️ 15 Bài Giới Thiệu Lạng Sơn Hay

Thuyết Minh Về Núi Nhạn Phú Yên – Bài 11

Thuyết Minh Về Núi Nhạn Phú Yên được nhiều bạn đọc quan tâm và chia sẻ rộng rãi trên các diễn đàn văn học nổi tiếng sau đây.

Phú Yên không có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh như những miền đất khác. Trong quá khứ, đây là vùng đất tranh chấp của các tập đoàn phong kiến, chiến tranh sảy ra liên miên, thật khó định hình một nền văn hóa địa phương đậm nét. Nổi bậc trong các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh Núi Nhạn sừng sững bên sông Đà Rằng được xem là biểu tượng của Phú Yên. Nét cổ kính, uy nghiêm của dáng núi như ngọn bút dựng giữa sông dài biển rộng, tạo nên sự quyến rũ, điệu đà của mảnh đất nhiều nắng gió này.

Núi Nhạn nằm bên bờ Bắc sông Đà Rằng, thuộc địa phận phường 1, Tp.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Núi Nhạn còn có tên gọi khác là núi Bảo Tháp, Nhạn Tháp, Tháp Dinh, núi Khỉ. Người Pháp gọi núi Nhạn là núi Khỉ (Montagne des Singes) vì không chỉ trên núi có nhiều khỉ mà chúng còn rất khôn, sống thành bầy đàn đông đảo.

Núi Nhạn có chiều cao 60m so với mực nước biển. Đường chu vi quanh núi khoảng trên 1km. Trên đỉnh núi có Tháp Nhạn vươn cao sừng sững. Ở mạn Đông Nam, chân núi có một ngôi chùa Hàm Long nằm khuất sau chòm cây cổ thụ. Lưng chùa tựa vào vách núi dựng đứng cao ngất, mặt hướng ra sông xanh. Chùa Hàm Long sau đổi tên thành Kim Long Tự và được vua Bảo Đại ban sắc tứ vào năm thứ 5.

Dưới chân vách đá cạnh chùa Hàm Long có một cái hang ăn xuyên vào núi thông ra phía bờ sông. Người xưa cho rằng đó là hàm của con rồng lửa nên mới đặt tên chùa là Hàm Long. Trải qua thời gian, đất đá bồi lấp dần cửa hang.

Vươn lên những tầng cây, ngôi tháp hiện ra đồ sộ, cổ kính tỏng khuôn viên khoảng 1000 mét vuông, xung quanh có tường bao, sân được lát gạch rất sạch sẽ. Tháp Nhạn cao khoảng 25 mét, bao gồm 3 phần: đế tháp, thân tháp và mái tháp.

Đế tháp hình vuông, được xây dựng phân tầng vững chắc, chịu sức năng của toàn bộ thân tháp và đỉnh tháp. Thân tháp cũng có hình khối vuông, to ở phần chân và nhỏ dần ở phần đỉnh. Thân tháp Nhạn uy nguy, tráng lệ. Tuy đã bị phai mòn bởi thời gian và sự tàn phá của mưa gió nhưng vân còn giữ được vẻ đẹp bề thế của nó.

Nóc tháp, hay còn gọi là mái tháp là một tảng đá hình búp sen nhọn được đẽo khắc tỉ mỉ, cấn đối. Đó là biểu tượng của sinh thực khí, sức mạnh sinh thành trong văn hóa Chăm. Đỉnh tháp chính là điểm nhấn mạnh mẽ nhất của ngọn tháp này, biểu dương của niềm tin và tính thẩm mỹ của con người. Nhưng đáng tiếc, trong thời kì chiến tranh, tảng đá đã bị rơi xuống, khiến cho đỉnh tháp có hình dáng bằng phẳng.

Trên đỉnh tháp, bốn mặt đều có bốn cửa sổ, tách biệt giữa phần trên và phần dưới. Cửa chính ở hướng đông đón ánh nắng bình minh. Phần trên cửa hình vòm, xây cuốn theo kiểu giật cấp, càng lên cao càng lùi vào cho đến khi khép kín.

Bên trong tháp tường gạch xây thẳng đứng cao vút từ phần đế tháp cho đến hết phần thân tháp. Phần chóp mái thu nhỏ dần cho đến đỉnh, tạo thành hình chóp nón, tạo nên một khoảng không kì bí, linh thiêng. Trong lòng tháp không có bệ thờ, không có tượng, duy chỉ có những họa tiết hoa văn hình rồng được chạm khắc biến thể cách điệu bằng đá hoa cương đặt bên ngoài ở 4 góc tháp.

Vật liệu xây dựng tháp đều làm bằng gạch nung đặc trưng của kiểu tháp Chăm với nhiều kích cỡ khác nhau. Từng viên gạch được xếp chồng khép kín, vững chắc tuyệt đối không tìm thấy một vết mạch hồ nào.

Bốn mặt thân tháp có những cọt xây áp vào thân có vai trò gia cố cho thân tháp được vững chắc. Nhìn đâu cũng thấy sự tỉ mỉ, công phu của con người trong từng vết chạm khắc, không một khe hở, đường mòn nào, đến nỗi rêu móc cũng rất khó bám vào. Những họa tiết đơn sơ nhưng hết sức điêu luyện, đạt đến trình độ bậc thầy kiến trúc của thời bấy giờ và mãi mãi về sau.

Trên núi Nhạn có rất nhiều cây cối rậm rạp, đặc biệt là mai rừng nở vàng vào mùa xuân và mùa hạ, ở phía Đông-Nam gần sông Chùa có một trảng sim nhỏ, đến mùa hoa sim nở tím cả một vùng. Trước đây, trên núi có nhiều loài chim như nhạn, cò và đặc biệt là rất nhiều khỉ. Trải qua thời gian chiến tranh ác liệt, đàn khỉ và các loài chim cư trú đã rời bỏ chỗ ở này.

Trải qua nghìn năm, Núi Nhạn Phú Yên vẫn đứng sừng sững với thời gian. Tuy có nhiều hư tổn do chiến tranh và thời gian tàn phá nhưng dáng tháp vẫn uy nghi, cổ kính giữa đất trời. Đến Phú Yên mà không ghé thăm Núi Nhạn-sông Đà quả thực đã đánh mất cơ hội hiểu hơn và thêm yêu mến vùng đất phú trời yên, thắm đượm nghĩa tình này.

SCR.VN Giới Thiệu Bài 💦 Thuyết Minh Về Lào Cai ❤️️ 15 Bài Giới Thiệu Lào Cai Hay

Thuyết Minh Về Chùa Ở Phú Yên – Bài 12

Thuyết Minh Về Chùa Ở Phú Yên, cùng đón đọc bài văn sau để có thêm nhiều thông tin hay và hữu ích sau đây.

Từ lâu, Bạch Thạch Từ Quang Tự (Chùa Đá Trắng) đã trở thành một địa danh quen thuộc đối với nhân dân và phật tử Phú Yên. Chùa Đá Trắng Phú yên được tôn vinh là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất ở vùng đất này. Lịch sử của chùa phản ánh sâu sắc quá trình hoằng pháp và truyền bá tư tưởng phật giáo của các nhà sư thuộc dòng Lâm Tế ở đàng trong.

Chùa Đá Trắng (Chùa Từ Quang, Bạch Thạch Từ Quang Tự) là một ngôi chùa cổ ở thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Cách thành phố Tuy Hoà khoảng 35 km về phía Bắc, chùa nằm trên một triền núi có nhiều tảng đá trắng nên thường được gọi là chùa Đá Trắng.

Nằm ở độ cao gần 100m so với mặt nước biển, lại tọa lạc ngay đỉnh núi Xuân Đài, mặt hướng về biển Đông, địa thế chùa Đá Trắng trang nghiêm, kì vĩ thật hiếm có. Những khối đá trắng phau bao quanh, tôn thêm vẻ lung linh, kỳ bí của chùa. Lưng chùa hướng về phía bắc dựa vào dãy núi Xuân Đài.

Mặt trước chùa hướng về phía nam, nhìn ra con sông Cái (sông Ngân Sơn) và sông Nhân Mỹ bao bọc tựa một dải lụa bạc lấp lánh ánh trời. Đứng ở sân chùa có thể nhìn bao quát cả một vùng sông, núi xanh biếc tuyệt vời. Những cụm đá màu trắng nhấp nhô ẩn hiện trong những chòm cây um tùm càng làm tăng thêm vẻ cổ kính, thâm nghiêm.

Ba mặt còn lại là triền núi thoai thoải đổ về hướng Đông với những lùm bụi nhỏ, cỏ xanh tạo cảm giác cho du khách thập phương như đang đứng nhìn ngắm một thảo nguyên thu nhỏ trong những bức danh hoạ cổ điển lúc trời quang mây tạnh, nắng hanh nhẹ.

Những buổi chiều ánh sáng phản chiếu mặt nước biếc dòng sông và dãy núi đá trắng trong khoảnh khắc trời mây sông núi liền một màu trông rất thơ mộng. Phía tây chùa là nơi xây dựng tháp thờ các vị hòa thượng khai sáng và trụ trì.

Trong chiến tranh, phần chính của chùa bị phá hoại, phải dựng lại gần như hoàn toàn mới, nhưng vẫn giữ được một số đường nét kiến trúc của thuở ban đầu. Cổng chùa và đặc biệt là khu vườn mộ tháp còn nguyên vẹn, thể hiện rõ nét nghệ thuật kiến trúc cổ. Với quy mô lớn nhỏ, cao thấp khác nhau, tất cả các bảo tháp đều được trang trí hoa văn, phù điêu và tượng thú một cách tinh xảo phong phú.

Từ tượng hổ đến tượng nghê, kỳ lân… đều toát lên sức mạnh phi thường trong nhiều tư thế khác nhau. Khu mộ tháp cổ là phần quan trọng hình thành chỉnh thể độc đáo toàn cảnh chùa Đá Trắng. Bên cạnh đó, những phiến đá lát lớn tạo nên con đường từ quốc lộ 1A lên cổng chùa, cũng có một ý nghĩa đáng kể về mặt xây dựng.

Tuy không kỳ vĩ bằng những khối đá khổng lồ xây nên Kim tự tháp ở Ai Cập, nhưng những viên đá được đẽo khéo léo, công phu với nhiều kiểu dáng khác nhau, nối dài hằng cây số đã cho thấy óc thẩm mỹ lẫn công tích lớn lao của người xưa…

Vườn chùa có tất cả 8 ngôi tháp xây dựng trên khu đất rộng ở phía Tây. Trong số đó có một ngôi thật đồ sộ, những ngôi tháp khác nhỏ hơn nhưng không kém phần tráng lệ. Nhưng tấm bia của mộ tháp trải qua thời gian đã bọ mòn phai nhiều không còn nhìn rõ chữ khắc càng tôn vẻ thiêng liêng cổ kính.

Trong chù có hai đại hồng chung nặng đến 330 cân, do hòa thượng Pháp Ngữ đặt vào năm Duy Tân thứ 9. Trên đại hồng chung còn ghi rõ kích thước và trọng lượng.

Xung quanh chùa có vườn xoài cổ thụ quý giá hàng trăm năm tuổi, bóng cây rợp mát. Chùa đá trắng nổi tiếng thơm ngon. Trước đây là vật phẩm cung hiến cho nhà vua, nên xoài còn có tên là “xoài ngự”. Ngày nay, vườn xoài này đã hết sức cằn cõi và đang được bảo tồn nghiêm ngặt.

Chùa Đá Trắng là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất của vùng đất phú yên, là một danh lam cổ tự của miền trung, có giá trị to lớn về mặt tôn giáo, văn hóa, lịch sử xã hội. Cảnh sắc tôn nghiêm lạ thường, khí thiêng sông núi tụ hội, trong quá khứ, chùa Đá Trắng trở thành căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa, là điểm tụ hội của văn thân yêu nước.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống mỹ, chùa Đá Trắng trở thành căn cứ cách mạng vững chắc, góp phần làm nên những thắng lợi hào hùng của quân và dân Phú Yên. Chùa Đá Trắng được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia năm 1997.

Ngày nay, chùa Đá Trắng được phật tử và du khách thập phương đến tham quan, phúng viếng. Chùa đá trắng trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Phú Yên.

Chia Sẻ Bài 💦 Thuyết Minh Về Đà Lạt ❤️️ 15 Bài Thuyết Minh Hay Nhất

Thuyết Minh Về Mũi Điện Phú Yên – Bài 13

Thuyết Minh Về Mũi Điện Phú Yên là tài liệu tham khảo hữu ích để các em có thể học hỏi và ôn tập thật tốt.

Danh thắng Mũi Điện được coi là một trong những điểm đến đẹp nhất, hùng vĩ nhất, biểu tượng của du lịch xứ Nẫu ngày nay.

Là một nhánh nhỏ của dãy Trường Sơn đâm ngang ra biển, mũi Điện còn có tên gọi là mũi Đại Lãnh, thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa. Ngoài ra, thế kỷ trước Mũi Điện còn được gọi là Cap Varella để kỷ niệm vị tướng người Pháp cùng tên đã phát hiện và đánh dấu tầm quan trọng đặc biệt của địa danh này lên bản đồ lãnh hải.

Từ trung tâm thành phố Tuy Hòa, qua cầu Hùng Vương rẽ vào con đường ven biển Phước Tân – Bãi Ngà, chạy 30km đường là đến với Mũi Điện. Đây được coi là một trong những cung đường biển đẹp nhất nước ta với biển một bên, núi một bên, cùng vô vàn bãi tắm trong xanh ngăn ngắt bên dưới. Bãi Môn nằm dưới chân Mũi Đại Lãnh này là một ví dụ.

Mũi Điện là cụm danh thắng bao gồm ba điểm đến: Bãi Môn, hải đăng Đại Lãnh và mũi Rạng Đông. Từ điểm thu vé tham quan, nếu đi thẳng là ra biển Bãi Môn, đi men theo con đường đổ bê-tông bên phải để lên núi sẽ đến hai điểm đến còn lại.

Hải đăng Đại Lãnh được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, cao 26,5m so với nền nhà và 110m so với mực nước biển. Có thể chiếu sáng tới 27 hải lý, đây là một trong 45 ngọn đèn biển cấp quốc gia, giữ nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong việc điều tiết hướng đi của thuyền bè trong vùng.

Cận cảnh bãi Môn với khe nước suối từ trên núi đổ xuống biển, đây cũng là một bối cảnh trong bộ phim nổi tiếng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Thường thì du khách sẽ chọn lên hải đăng ngắm cảnh trước tiên, sau đó “check in” ở mũi Rạng Đông, cuối cùng mới xuống bãi Môn tắm. Hoặc có thể ngược lại vì từ bãi Môn còn có một lối tắt nhỏ đi thẳng lên hải đăng mà không phải qua con đường bê-tông bên phải ở bên ngoài cổng.

Phía dưới hải đăng đi về bên trái là con đường dẫn xuống mũi Rạng Đông, cũng là nơi có phong cảnh đẹp nhất, là điểm nhấn của toàn bộ cụm danh thắng Mũi Điện. Khung cảnh vô cùng ngoạn mục được tạo ra bởi vô vàn những tảng đá khổng lồ, những vách núi dựng đứng, hòa cùng màu xanh ngăn ngắt của đại dương, của bầu trời.

Cột mốc Mũi Điện – Mũi Đại Lãnh ở cuối mũi Rạng Đông. Trên bia khắc dòng chữ “Điểm cực Đông, nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam”. Trước kia, phương tiện đo đạc còn thô sơ Mũi Điện được coi là cực Đông Tổ quốc. Sau này khi khoa học phát triển, người ta đã đo lại địa lý, tọa độ, tất cả đều công nhận điểm cực Đông Việt Nam hiện tại thuộc địa danh Mũi Đôi, nằm ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Xem Thêm Bài 💦 Thuyết Minh Về Hà Tiên ❤️️15 Bài Về Danh Lam Thắng Cảnh Hay

Thuyết Minh Về Đặc Sản Phú Yên – Bài 14

Thuyết Minh Về Đặc Sản Phú Yên , cùng khám phá những món ăn nổi tiếng làm say lòng du khách phương xa.

Xứ sở “hoa vàng, cỏ xanh” không chỉ làm nao lòng người bằng phong cảnh hữu tình, thanh bình của biển trời hiền hòa mà còn gây thương nhớ với các món ngon khó cưỡng: đặc sản Phú Yên.

Bánh canh hẹ là cái tên đầu tiên trong danh sách top món đặc sản Phú Yên. Bánh canh hẹ Phú Yên gần như đã trở thành một “huyền thoại” trong làng ẩm thực. Người ta đến với Phú Yên là lại nôn nao đi tìm món bánh canh hẹ để thưởng thức và kiểm chứng xem nó có thực sự ngon như lời đồn.

Phú Yên là một tỉnh ven biển, nên các món hải sản tươi ngon luôn sẵn sàng làm xiêu lòng thực khách. Trong số đó, không thể không nhắc đến món đặc sản: mắt cá ngừ đại dương.

Món mắt cá ngừ được chế biến khá công phu và đẹp mắt. Mắt cá sau khi sơ chế được lấy phần cầu mắt bỏ vào một hũ đất nung, thêm vài loại rau củ, gia vị trong món tiềm như táo tàu, kỷ tử… và đun chín. Để giảm vị tanh của cá, người ta cho khá nhiều ớt. Ai là “tín đồ” của các món từ cá hay thích ăn cay thì mắt cá ngừ đại dương Phú Yên là sự chọn lựa không thể bỏ lỡ.

Nhắc đến đặc sản Phú Yên thì không thể bỏ qua gỏi cá mai sẽ chinh phục mọi người, kể cả những thực khách khó tính nhất. Để có món gỏi cá mai ngon đến xao xuyến lòng người thì quan trọng nhất là việc chọn nguyên liệu. Làm sao chọn cho được những con cá mai thật tươi thì thịt mới ngon, ngọt. Chọn xong, người ta sẽ tách bỏ xương cá, đem trộn với rau thơm, hành tây, tỏi, ớt, bột ngọt, đường, chanh… nêm nếm vừa miệng. Thế là có ngay món gỏi cá mai – đặc sản Phú Yên, quyến rũ vị giác của thực khách!

Người Phú Yên có câu: “Ô Loan hàu muỗng – Xuân Đài hàu hương”. Hàu được xem là một loại hải sản đặc biệt của vùng sông nước Ô Loan (Phú Yên). Hầu như hàu được người dân ở đây lặn bắt quanh năm, nhưng hàu ngon nhất có lẽ vào khoảng thời gian cuối xuân – đầu hạ (tháng 3 – 4 âm lịch).

Món cháo hàu cũng là đặc sản Phú Yên mà thực khách nên thưởng thức để không thấy có lỗi với cái dạ dày của mình. Bạn có thể thưởng thức cháo hàu nóng hay nguội tùy vào sở thích. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận vị đậm đà, ngọt béo của hàu, vị ngậy, sóng sánh của cháo cùng vị thơm thơm của chút tiêu, của rau nêm cắt nhỏ.

Tặng Bạn 🌵 Thẻ Cào Miễn Phí ❤️ Nhận Thẻ Cào Free Mới Nhất

Giới Thiệu Về Phú Yên Bằng Tiếng Anh – Bài 15

Bài Giới Thiệu Về Phú Yên Bằng Tiếng Anh giúp các em có thể nâng cao khả năng ngoại ngữ cũng như kĩ năng viết của mình.

Phu Yen province encompasses a diverse landscape of mountains, rivers, lagoons and fertile plains with nearly 200 kilometres of shoreline along Vietnam’s curving south-central coast. Lesser known than the beach resort town of Nha Trang, about 120 kilometres away to the south, Phu Yen is a place where visitors can still enjoy having a wide patch of golden sand to themselves.

The capital city Tuy Hoa offers a good base for exploring the beaches, bays and offshore islands up and down the coast, with an ancient tower to see and a large seated Buddha on a hilltop just north of the city. The nearby Vung Ro Bay features a deep-sea port and a forest reserve in its surrounding hills home to a number of rare and exotic plants and animals.

Life here is laid back, with all the attractions of a seaside fishing village to enjoy — fabulous fresh seafood and relaxing on the sands under the tropical sun, plus excursions inland to walk up the gently sloped mountains for gaining a bird’s eye view of this peaceful province.

Tạm dịch

Tỉnh Phú Yên bao gồm một cảnh quan đa dạng về núi, sông, đầm phá và đồng bằng màu mỡ với gần 200 km đường bờ biển dọc theo bờ biển Nam Trung Bộ uốn lượn của Việt Nam. Ít được biết đến hơn thành phố du lịch biển Nha Trang, cách khoảng 120 km về phía Nam, Phú Yên là nơi mà du khách vẫn có thể tận hưởng bãi cát vàng trải rộng cho riêng mình.

Trung tâm thành phố Tuy Hòa là cơ sở lý tưởng để khám phá các bãi biển, vịnh và các hòn đảo xa bờ dọc theo bờ biển, với tháp cổ để chiêm ngưỡng và tượng Phật lớn ngồi trên đỉnh đồi ngay phía bắc thành phố. Vịnh Vũng Rô gần đó có cảng nước sâu và khu bảo tồn rừng trên những ngọn đồi xung quanh là nơi sinh sống của một số loài động thực vật quý hiếm.

Cuộc sống ở đây được thư giãn, với tất cả những điều hấp dẫn của một làng chài ven biển để thưởng thức – hải sản tươi ngon tuyệt vời và thư giãn trên bãi cát dưới ánh nắng nhiệt đới, cùng với chuyến du ngoạn vào đất liền để đi bộ lên những ngọn núi thoai thoải để có được tầm nhìn bao quát về nơi này tỉnh yên bình.

Chia sẻ cơ hội 💧 Nạp Thẻ Ngay Miễn Phí 💧 Tặng Card Nạp Tiền Ngay Free Mới

Viết một bình luận