Biểu Cảm Về Cây Bàng ❤️️ 27+ Bài Văn Cảm Nghĩ Hay Nhất ✅Tham Khảo Tuyển Tập Văn Mẫu Đặc Sắc Nêu Cảm Nghĩ Về Cây Bàng.
Dàn Ý Biểu Cảm Về Cây Bàng
Dàn ý biểu cảm về cây bàng được biên soạn và chia sẻ dưới đây sẽ giúp các em học sinh dễ dàng thực hiện bài viết đúng bố cục, đầy đủ nội dung và đạt kết quả cao.
I. Mở bài:
Một loài cây lưu trữ biết bao kí ức hồn nhiên, vô tư của tuổi học trò ngoài cây phượng thì đó chính là cây bàng.
II. Thân bài:
a. Miêu tả một vài nét về cây bàng
- Rễ cây: sần sùi, ngoằn ngoèo như những con rắn khổng lồ.
- Gốc cây: to màu nâu đậm
- Thân cây: màu nâu nhạt chỗ gần gốc, màu xanh chỗ gần ngọn.
- Cành cây: Cây có nhiều tán lá, như những cái ô khổng lồ.
- Tả lá: Lá to như bàn tay.
- Tả quả: Quả bàng nhỏ, giữa phình to, hai đầu nhỏ.
b. Tình cảm, kỉ niệm với cây bàng
- Ngồi dưới gốc bàng, những kỉ niệm thời học sinh cứ xuất hiện trong đầu tôi.
- Vào giờ ra chơi, tôi cùng các bạn trong lớp xuống sân để bày trò chơi
- Những câu chuyện sẻ chia cùng nhau dưới gốc bàng, cùng những tiếng cười khúc khích, giòn tan của tuổi học trò chúng tôi….
III. Kết bài:
- Bàng đã trở thành một người bạn thân thiết của tôi.
- Một người mà tôi tin tưởng để chia sẻ niềm vui và nỗi buồn.
Bài Văn Biểu Cảm Về Cây Bàng Ngắn Nhất – Bài 1
Chia sẻ cho bạn đọc bài văn biểu cảm về cây bàng ngắn nhất, dùng để tham khảo trong các bài kiểm tra 15 phút trên lớp.
Trước cổng nhà em có trồng một cây bàng. Tuy không quá cao lớn nhưng cây vẫn có một vẻ đẹp rất riêng.
Từ hồi nhà em chuyển về đây là đã có cây bàng rồi, nên cũng không biết cây đã bao nhiêu tuổi. Cây không cao lắm, chỉ hơn cột đèn đường một chút. Thân cây thẳng, to và vạm vỡ như cây cột đình. Lớp vỏ bên ngoài sần sùi, riêng phần vỏ gần gốc được quét vôi trắng để bảo vệ cây.
Cây bàng có ba cành chính to chừng bắp tay. Từ đó tỏa ra rất nhiều nhánh nhỏ, rồi nhánh nhỏ lại đẻ ra nhánh con, chi chít đan vào nhau như mạng nhện. Lá bàng to chừng gần bằng quyển vở, như hình giọt nước. Mùa xuân, hè lá xanh biếc, tươi mát. Mùa thu lá chuyển đỏ, cam rồi rụng hết về cội.
Em và các bạn rất thích chơi dưới gốc cây bàng. Nào là chơi nấu ăn, nhảy dây, đọc truyện. Không thì chỉ đơn giản là ngồi trò chuyện đủ thứ trên đời, rồi tiện tay lấy một chiếc lá bàng làm quạt. Thế là vui vẻ hết buổi chiều.
Em rất quý cây bàng. Nên mong cây sẽ luôn khỏe mạnh và xanh tốt.
Xem thêm văn ❤️️Thuyết Minh Về Cây Bàng ❤️️ 15 Bài Thuyết Minh Hay Nhất
Bài Văn Biểu Cảm Về Cây Bàng Hay Nhất – Bài 2
Giới thiệu cho các em học sinh bài văn biểu cảm về cây bàng hay nhất sau đây, cùng tham khảo nhé!
Trước sân nhà em có một cây bàng. Trường em cũng rất nhiều bàng. Hai bên hè phố nơi em ở lại là những dãy bàng xanh ngút ngái. Những cây bàng đứng đó, nhìn em lớn lên và lưu giữ bao kỷ niệm ấu thơ. Em yêu cây bàng như yêu một người bạn gần gũi nhất, thân thương nhất và không bao giờ vắng mặt trong cuộc sống của em.
Vào mùa nào, cây bàng cũng có một vẻ đẹp riêng, khi trẻ trung xanh mướt khi già cỗi, sắt siu. Cây bàng lúc tươi tắn, lúc trầm ngâm, lúc vui, lúc buồn như con người vậy.
Em thích nhất là ngắm nhìn cây bàng vào xuân. Đó là mùa hồi sinh của vạn vật. Trong làn mưa bụi, hơi lạnh se se, những chồi non chúm chím hé nở trên những nhành cây gầy mảnh vươn dài, xoè rộng. Màu xanh non nớt, mượt mà ấy làm dãy phố sáng bừng lên sau một mùa đông dài xanh xám. Có lúc em thấy cây bàng đang cháy lên những ngọn nến xanh. Có lúc em lại thấy dường như bàng là một cô gái đang múa đèn duyên dáng. Cây bàng biến hoá với bao hình dáng kỳ diệu.
Những chồi bàng lớn rất nhanh. Khi trong những vòm lá bắt đầu lấp ló nhánh hoa li ti ấy là lúc mùa xuân sắp tàn nhường quyền tạo hoá cho mùa hè rực rỡ. Mùa hè sang mang đến cho cây bàng một sức sống mạnh mẽ. Cả phố phường ngợp bóng mát xanh um của những tán bàng toả rợp. Em lại được nô đùa chơi đồ hàng, chơi nhảy dây với lũ bạn dưới gốc bàng.
Lũ trẻ trong xóm em bao giờ cũng háo hức đón cây bàng vào thu. Bởi khi ấy những chùm quả bàng bắt đầu chín toả hương thơm nồng nàn ngai ngái phảng phất quyến rũ khắp phố phường . Em còn nhớ một buổi chiều đi lao động ở trường, cả cô trò tụ tập dưới gốc bàng to nhất sân trường đẩy bàng chín ăn. Cô cứ đẩy được chùm nào cả bọn lại xúm xút tranh nhau. Em cắn ngập răng vào quả chín cảm nhận cái vị ngọt rất riêng, bùi ngùi như vị của nắng thu mà thêm yêu da diết cây bàng thân quen ấy. Cây bàng sần sùi, nâu xám. Mỗi vết nám là một kỷ niệm học trò được lưu giữ . Một ngày nào đó, khi em xa rời mái trường yêu dấu, em sẽ về đây đặt tay lên những vết chai sần này để tìm lại bao ký ức đẹp tuổi thơ.
Thương nhất là khi cây bàng vào đông. Dãy bàng ngoài phố thỉnh thoảng lại rùng mình khi cơn gió lạnh lướt qua. Trong nắng đông hao hao, những chiếc lá bàng đỏ sạm buồn buồn. Bà bán xôi đầu ngõ gói xôi bằng chiếc lá đỏ ấy cầm gói xôi vừa thổi vừa ăn, em mới thấy cây bàng dù khi tươi tốt hay khi tàn úa vẫn luôn luôn có ích cho đời.
Dưới gốc bàng đơn côi, trơ trọi khẳng khiu ngoài phố, quán cóc mọc lên nhiều hơn, lũ trẻ xóm em ít ngồi chơi hơn. Còn ở sân trường thì thật vắng vẻ. Chúng em chẳng muốn ra ngoài vì lạnh. Lúc ấy trông cây bàng thật tội. Cái dáng gầy guộc, khô se thỉnh thoảng lại lay lay như muốn gọi chúng em “Lại đây chơi với tôi đi, tôi buồn lắm”! Nhưng chắc chắn bàng sẽ vượt qua mùa đông buốt giá một cách dễ dàng thôi.
Trong cái giá rét ấy, những nhánh cây ngày nào cũng giơ ngón tay gầy gom nắng đông lại chăm chút, ấp ủ một cái gì đó để khi mùa xuân về thì tách lên những búp nõn xanh tươi. Cây bàng lại hồi sinh, lại bắt đầu một vòng sống mới đẹp đẽ hơn, rực rỡ hơn. Em rất khâm phục sức sống bất diệt của cây bàng.
Em yêu cây bàng như yêu một người bạn lặng thầm bình dị và gần gũi. Người bạn ấy lúc nào cũng ở bên cạnh em, có mặt trong cuộc sống của em. Một ngày nào đó, em không còn được ăn trái bàng chín thơm nồng, không được cầm gói xôi bọc lá bàng đỏ đầu đông nóng hổi, không được nghe tiếng ve bàng rộn rã thì cuộc sống khi ấy sẽ tẻ nhạt biết bao. Cây bàng là nhà ở, là phố phường, là trường học, là kỷ niệm…là tất cả những gì mà em gắn bó và yêu quý.
Gửi tặng bạn 💕 Tả Cây Bàng Trường Em 💕 15 Bài Văn Miêu Tả Hay Nhất
Những Bài Văn Biểu Cảm Về Cây Bàng Hay Nhất – Bài 3
Nếu bạn đang tìm những bài văn biểu cảm về cây bàng hay nhất để học hỏi cách hành văn thì có thể tham khảo mẫu văn mà scr.vn gợi ý sau đây.
Trong các loài cây trên đất nước Việt Nam, cây nào cũng có vẻ đẹp và ý nghĩa riêng của có. Nhưng với tôi, có lẽ cây bàng là người bạn vô cùng thân thiết. Tôi yêu bàng như một sinh thể sống bởi bàng là chứng nhân cho biết bao kỉ niệm vui buồn thời thơ ấu của tôi.
Từ khi biết nô đùa, chạy nhảy cùng lũ bạn gần nhà, tôi đã thấy cây bàng đứng sừng sững ở đầu làng gần khu chợ nhỏ từ bao giờ. Nhìn từ xa, cây bàng như một chiếc ô khổng lồ. Thân cây to, nổi lên những u, những cục sần sùi. Bà tôi bảo đó là mắt của bàng. Rễ cây bám sâu vào trong lòng đất vững vàng qua mưa gió.
Các bạn cùng lứa tuổi với tôi thường ngắm màu đỏ của hoa phượng để đón chờ hè tới. Nhưng tôi lại thích ngắm sự đổi thay kì diệu của những mầm chồi non của bàng chuyển dần thành lá – với tôi, đó là sự báo hiệu của ngày hè. Mùa hè, bàng khoác trên mình chiếc áo màu xanh. Những tán lá như những chiếc lọng xanh mát rượi che đi cái nắng oi ả trong buổi trưa hè. Dưới gốc bàng là cả một kho cổ tích của lũ trẻ con xóm nhỏ. Bọn trẻ chúng tôi thường lấy lá bàng làm những chú trâu chọi, nghênh nghênh đôi sừng nhọn hoắt, sáp vào nhau trong tiếng hò reo náo nhiệt. Những đêm trăng sáng mất điện, chúng tôi lại rủ nhau chơi trò “rồng rắn” quanh gốc bàng cổ thật vui…
Gốc bàng xù xì, rễ toả ra nhiều phía nên bao nhiêu sinh lực bàng dành hết cho lá, cho cành, cho những chùm hoa trắng nhỏ li ti kết thành trái. Bàng hứng nắng trên đầu để gốc mát quanh năm, để ánh nắng trưa hè lọc qua lung linh huyền ảo. Trong tán lá bàng xanh ấy là thế giới riêng của những chú chim sẻ, chim sâu bé nhỏ. Đứng dưới gốc bàng nghe tiếng kêu lích chích của chung rộ lên thật vui tai.
Tạm biệt mùa hè, bàng đón thu sang với làn sương mỏng cùng ánh nắng thu hanh hao để những chiếc lá xanh của mình chuyển dần sang màu vàng. Rồi một ngày gió heo may se lạnh, những cơn mưa thưa dần, đó cũng là lúc quanh gốc bàng đã lác đác rụng những quả bàng chín. Lũ trẻ xóm tôi, cứ đi học về là lại đến bên cây bàng tìm hái bàng để ăn. Với chúng tôi, bàng chín là một món đặc sản ngon tuyệt.
Bàng chín ăn có vị ngòn ngọt, chua chua, hơi chan chát… Nếu ai đã cầm trái bàng chín trên tay, chắc chắn sẽ không thể nào quên được mùi thơm dịu toả ra từ lớp vỏ vàng bóng. Đập vỡ hạt ra bạn sẽ thấy nhân trái bàng màu trắng đục, ăn thơm béo lạ thường. Phải chăng rễ bàng đã phải cần mẫn, vất vả chắt chiu màu mỡ trong lòng đất mẹ để chúng tôi có được những trái, nhân ngon, ngọt lành đến vậy!
Lá bàng từ màu vàng nhạt, sậm dần rồi chuyển sang nhuộm màu đỏ sẫm. Đó là lúc bàng gửi những tấm thiệp hồng đầu đông cho con người, cho cây cỏ. Từng cơn gió bấc thổi mạnh, lá bàng lìa khỏi cành bay vào không gian như nuối tiếc điều gì đó rồi nhẹ nhàng đáp xuống cỏ. Đông đã đến thật rồi! Bàng trút lá, cành cây trơ trụi khẳng khiu giữa mùa đông buốt giá. Nhiều hôm mưa phùn, gió bấc, tôi thấy thương cây bàng vô cùng và thầm hỏi: “Bàng ơi, trời lạnh lắm, bạn có rét nhiều không?”. Lá bàng khô rơi xào xạc trên lối mòn như trả lời: “Cám ơn bạn, mình không sao đâu. Thu qua, đông tới, và rồi xuân sẽ lại sang, chúng tôi quen rồi bạn ạ!”
Giã từ những ngày đông giá rét, xuân về, cây bàng khoác lên mình những đốm lửa màu xanh. Rồi những đốm lửa màu xanh ấy cứ lớn dần, lớn dần,… Bàng cựa mình rung rinh hé mắt nhìn bầu trời xanh thẳm. Và kì diệu thay, chỉ vài ba hôm không để ý, bàng đã hoàn toàn đổi khác với tấm áo choàng xanh non tươi mới. Cây xoè rộng tán, đung đưa lá cành vẫy gọi chim chóc trở về tụ họp hót ríu ran. Lũ trẻ con chúng tôi lại nô đùa vui vẻ dưới gốc bàng, ngước lên nhìn cây bàng đổi thay sắc áo và mong đợi một mùa hè với bao kỉ niệm tuyệt vời…
Giới thiệu cùng bạn 🍀 Tả Thân Cây Bàng 🍀 15 Bài Tả Hay Nhất Tả Lá Bàng, Gốc Bàng
Những Bài Văn Biểu Cảm Về Cây Bàng Ấn Tượng – Bài 4
Dưới đây là một trong những bài văn biểu cảm về cây bàng ấn tượng mà các em học sinh không nên bỏ qua.
Gắn với kí ức thời áo trắng của mỗi cô cậu học sinh là dưới những tán cây bàng rộng khắp sân trường. Cây bàng là loài cây mọc khắp từ những hẻm xóm, đến cạnh các con sông rồi mọc tràn lan khắp sân trường. Cây bàng như một cái ô che nắng che mưa khắp các làng quê.
Cây Bàng vươn ra những cánh bàng rộng, mọc thành tầng lớp xếp chồng lên nhau. Đứng dưới cây bàng ta cảm thấy dễ chịu dưới một mùa hè oi ả nắng nắng, dưới những cơn mưa rào mặc dù không che mưa được hết những nó cũng cố tạo thành cái ô tạm thời mỗi dịp mưa rào chợt tới.
Cây Bàng là loài cây gắn với tuổi thơ chúng tôi. Mỗi ngày trước giờ học hay giờ ra chơi chúng tôi lại tụ tập dưới gốc cây bàng kể chuyện trên trời dưới đất cho nhau nghe. Chơi những trò chơi của tuổi trẻ thơ. Ngồi dưới góc cây bàng chúng tôi cảm giác như bàn tay mẹ giang rộng che nắng cho các con thơ của mình. Cái nắng nực của thời tiết làm chúng tôi phát minh ra cây quạt tay được làm từ chính lá bàng, lá bàng như một cái quạt nan.
Nó gắn với thế hệ học trò dưới những mái trường. Học từ cấp một lên đến cấp hai cấp ba, hình ảnh cây bàng luôn có trước mắt chúng tôi. Giờ ra chơi là giờ giải trí để chúng tôi ngồi dưới những ghế đá sân trường trao đổi bài cùng nhau.
Đó cũng là điểm hẹn quen thuộc của mỗi học sinh chúng tôi vì lẽ đương nhiên không chỗ nào lại mát và che khuất ánh nắng hơn ở chỗ đó. Điểm hẹn đó gắn với những người bạn thân quen là cùng nhau nhảy dây, cùng nhau chơi đùa.
Vào mùa đông những tán lá xanh ngắt đó không còn nữa, vậy là chúng em phải đợi đến lúc nó hồi sinh. Nhìn cây bàng em cảm phục sự sống của nó, nó trơ trọi gầy hao vào mùa đông bao nhiêu thì nó lại càng tỏ ra sức sống mãnh liệt vào mùa xuân bấy nhiêu.
Chúng em thầm xem cây bàng như là người bạn tri kỉ của mình vậy, nó luôn luôn có mặt trên bước hành trình học tri thức của chúng em
Làm Bài Văn Biểu Cảm Về Cây Bàng Vào Mùa Xuân – Bài 5
Hướng dẫn bạn đọc cách làm bài văn biểu cảm về cây bàng vào mùa xuân ấn tượng nhất.
Sau 3 tháng lạnh đến run người thì cuối cùng mùa xuân cũng về đến quê hương của em rồi. Nhớ ngày nào trời đông chẳng ai muốn ra khỏi đường. Cây cối dường như cũng ẩn mình tránh rét. Những búp lá bàng cũng vậy, chúng đã ngủ đông suốt 3 tháng qua và giờ là lúc mà chúng vươn mình khoe sắc.
Còn nhớ mùa đông đến, cây bàng xơ xác lá. Những cành cây trở nên cô đơn trong mùa đông lạnh giá. Chúng chẳng còn được những tán lá bao bọc nữa nên dù những cơn gió có đi ngang qua, chúng cũng chẳng buồn reo hò, cổ vũ như những ngày mùa hè.
Thế nhưng khi mùa xuân về thì lại khác. Sức sống mới đã trở lại với cây bàng. Những búp lá đầu tiên đã mọc và phủ xanh cho những cành cây ẩm ướt vì mưa xuân. Có lẽ, chúng cũng chỉ chờ đến ngày được đắm mình dưới làn mưa này để mà bung mình. Những cái lá bàng li ti điểm tô trên những cành cây xám trông thật là nổi bật. Đây là một bức tranh xuân độc đáo nhất mà em từng được chứng kiến. Những chú chim én đi tránh rét ở phương Nam hôm nay cũng đã bay về đậu trên những cành cây bàng. Chúng cùng nhau reo hò và cất lên tiếng hót nghe thật vui tai.
Chao ôi cây bàng mùa xuân, chúng mới thật tươi đẹp biết bao. Nhìn vào những chiếc lá bàng non mới nhú, em như thấy được một sự sống mới. Mùa đông lạnh là vậy mà cây bàng vẫn tiềm ẩn sức sống thật mãnh liệt. Em nhìn cây bàng và tự nhủ mình cũng phải nỗ lực nhiều hơn trong cuộc sống.
SCR.VN tặng bạn 💧 Tả Cây Bàng Vào Mùa Xuân 💧 15 Bài Văn Miêu Tả Hay Nhất
Tả Bài Văn Biểu Cảm Về Cây Bàng Đặc Sắc – Bài 6
Cùng scr.vn khám phá cách hành văn lôi cuốn, hấp dẫn trong “Tả bài văn biểu cảm về cây bàng đặc sắc” dưới đây.
Sân trường em có trồng rất nhiều loại cây nhưng loại cây mà em cảm thấy ấn tượng nhất đó chính là cây bàng. Những hàng bàng xanh ngút ngàn, đứng trên tầng hai nơi lớp học của em nhìn xuống là những tán lá xum xuê gắn liền với những năm tháng học trò.
Em rất thích những cây bàng bởi nó như người bạn thân thiết của em. Nó gắn bó với em trong những kỷ niệm buồn vui của thời thơ ấu. Bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, vào mùa nào cây bàng cũng mang một vẻ đẹp vô cùng riêng biệt độc đáo của mình.
Vào mùa đông, những cây bàng trơ trụi lá, thân cây xù xì thô ráp, tưởng như đã chết đi vì những rét buốt và mưa bão. Nhưng em biết rằng cây bàng có sức sống vô cùng mãnh liệt. Nó chỉ đang nép mình lại để vượt qua những khắc nghiệt của thời tiết giá lạnh mà thôi.
Để rồi khi mùa xuân tới, những cây bàng xù xì đó sẽ nở bung ra những chồi non lộc biếc những chiếc chồi non xanh mơn man, làm ấm áp lòng người, mang tới cho con người những sức sống vô cùng mãnh liệt.
Nhìn những chồi non đó con người sẽ hiểu được cây bàng đã sống như thế nào. Đã hồi sinh ra sao sau những ngày tháng mùa đông lạnh giá. Rồi khi những lá cây kia lớn dần những chiếc lá to xòe như những chiếc quạt mo của thằng Bờm ngày xưa tạo thành bóng râm che nắng cho những cô cậu học trò ngồi ôn bài, rồi chơi đùa nhảy dây, bắn bi dưới tán lá rộng rãi mát mẻ.
Lúc này cây bàng như một cô gái đang ở lứa tuổi xuân thì của mình vô cùng duyên dáng với lớp áo màu xanh kỳ diệu tạo nên một bức tranh tươi mát. Trên những tán lá xanh mơn mởn đó sẽ xuất hiện những bông hoa li ti vô cùng dễ thương, để khi nắng hè bắt đầu xuyên qua những cành lá thì cũng là lúc các cô cậu học trò có cơ hội được hưởng những bóng mát dịu nhẹ dưới bóng cây bàng.
Cây bàng như người mẹ hiền tốt bụng sẵn sàng che chở cho những đứa con tinh nghịch của mình chơi đùa, nghịch ngợm dưới bóng to lớn của mình. Và mỗi trưa hè người ta thường thấy năm ba đứa trẻ con nô đùa râm ran dưới bóng lá bàng.
Rồi khi mùa thu tới, những cây bàng chuyển màu lá xanh sáng màu vàng, rồi chuyển thành sắc đỏ tạo thành bức tranh mùa thu vô cùng đẹp mắt. Những quả bàng, cũng chín vàng trên cây trở thành những món ăn của các cô cậu học trò yêu thích. Vị của trái bàng vừa chua chua, chát chát nhưng lại khiến học trò vô cùng thích thú.
Khi mới cắn miếng đầu tiên sẽ có cảm giác hơi chan chát nhưng càng ăn càng thấy trái bàng có vị ngọt bùi rất riêng của nó. Nếu ai đã từng đi qua tuổi học trò mà chưa từng ăn trái bàng thì quả thật là đáng tiếc bởi bạn chưa sống đúng với tuổi thần tiên của mình.
Những trái bàng chua chát ấy làm nên mùi vị của tuổi thần tiên có một không hai. Nó trở thành những kỷ niệm không thể nào quên trong trái tim của mỗi chúng ta. Rồi trong mùa thu những chiếc lá vàng dần dần theo những cơn gió heo may để lìa cạnh tạo nên một bức tranh mùa thu vàng vô cùng đẹp mắt nhưng cũng gợi một chút buồn man mác, chút vấn vương không nỡ của tuổi học trò.
Em rất yêu cây bàng bởi nó là một người bạn thân thương tri kỷ của tuổi học trò chúng em. Cây bàng đã chia sẻ với chúng em biết bao kỷ niệm buồn vui trong đời học sinh của mình.
Mai sau khi đã lớn lên em sẽ không bao giờ quên được vị đắng chua chát của trái bàng chín thơm nồng, của những tán lá sum xuê trong ánh nắng mùa hè, tiếng ve kêu râm ran trên vòm lá xanh tươi, của những chồi non lộc biếc khi xuân tới. Cây bàng đã là kỷ niệm ghi dấu ấn mãi mãi trong lòng em. Nó là một phần tuổi thơ được giấu kín trong ký ức tuổi thơ.
Mời bạn xem nhiều hơn 🌟 Tả Cây Bàng Theo 4 Mùa 🌟 15 Bài Tả Văn Tả Hay Nhất
Văn Biểu Cảm Về Cây Bàng Theo 4 Mùa – Bài 7
Tham khảo cách hành văn súc tích và giàu ý nghĩa biểu đạt với bài văn biểu cảm về cây bàng theo 4 mùa dưới đây.
Đông lạnh, một ngọn gió sắc nhọn vuốt qua làm rơi xuống vai tôi một chiếc lá bàng già, vàng sẫm. Chiếc lá úa cuối cùng. Tôi nhẹ nhàng cầm lấy nó, kỉ niệm về cây bàng chợt ùa về.
Suốt những năm học, tôi đã quen với hình ảnh cằn cỗi của cây bàng. Tôi đã rất nhiều lần đứng dưới cây, tự hỏi bàng có gì đặc biệt đến thế? Bàng không bao giờ giữ nguyên một dáng vẻ! Có lẽ sự thay đổi suốt bốn mùa làm nên điều đặc biệt chăng?
Mùa thu, lá bàng thả đầy sân trường, lộ ra những trái bàng xanh và có hình dáng như con thoi. Thoắt cái, quả bàng đã có sắc vàng, nhẹ nhàng và không phô trương. Tôi chưa bao giờ ăn quả bàng, nhưng nghe nói nó có vị ngọt và chát, vỏ quả bàng cứng cáp, nhưng tôi vẫn có thể ngửi thấy mùi thơm nhè nhẹ.
Đông về, cây bàng trần trụi, cô đơn. Đâu rồi tán lá bàng xum xuê? Cây bàng giơ những cánh tay gầy guộc. Nhìn bàng, tôi cảm thấy chạnh lòng. Khi những cơn gió lạnh thổi qua, liệu bàng có run? Bàng có lạnh không, với thân thể gầy guộc như thế? Nhưng bên trong cơ thể săn gầy ấy lại là một dòng nhựa sống mãnh liệt. Để xuân đến, cây bàng bừng tỉnh, đâm chồi nảy lộc. Từ những nách cành, nhú ra những những chồi non xanh mơn mởn, nhỏ xinh như những ngón tay em bé. Chồi nụ như những đốm lửa xanh thắp nến trên cây trông thật thích mắt. Mỗi ngày ngắm cây bàng, tôi lại thấy nó thay đổi chút ít. Cho đến khi những chồi nụ nở thành lá, tôi nhận ra đã sang hè.
Hè – Những chiếc lá bàng to bằng bàn tay ken vòm thành chiếc ô xanh khổng lồ che mát cho chúng tôi khi học thể dục dưới nắng. Những bông hoa bàng màu trắng ngời như những ngôi sao từ trên trời rơi xuống.
Tôi còn nhớ khi mới bước vào trường, cây bàng thả xuống đầu tôi một quả bàng như một lời chào tinh nghịch với người bạn mới. Khi tôi buồn, cây cũng buồn cùng tôi. Cây dịu dàng thả xuống vai tôi những chiếc lá, vài bông hoa. Với tôi, cây bàng như một người anh hiền lành, chất phác. Anh không biết tặng tôi những món quà giá trị vật chất, mà chỉ ngô nghê tặng tôi những gì anh có.
Cây bàng cũng có mặt trong những loài cây “thu về”. Đó là những loài cây đẹp nhất khe khẽ dắt mùa vào thu. Tôi nhớ đến câu hát “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…”. Cây bàng của tôi đã trở thành một nét thu Hà Nội. Không thể tưởng tượng nổi nếu sân trường tôi bỗng thiếu bóng cây bàng… Sẽ như thế nào nhỉ? Sẽ là nỗi trống trải và nhớ đến khắc khoải mất thôi…
Giờ thì tôi đã hiểu tại sao cây bàng lại đặc biệt đến thế! Không có vẻ đẹp tuyệt vời cũng không có hương thơm quý phái. Cây bàng đặc biệt theo cách riêng của nó. Không thể nhầm lẫn với bất cứ cây nào khác…
Phát Biểu Cảm Nghĩ Về Cây Bàng Sinh Động – Bài 8
“Phát biểu cảm nghĩ về cây bàng sinh động” – với yêu cầu này thì các em có thể tham khảo bài văn mẫu sau đây.
Trong bài thơ Khi cây bàng đỏ lá… nhà thơ Đinh Thường đã viết:
Cây bàng đỏ lá mùa Đông
Chạm vào khắc khoải tuổi hồng ngày xanh
Con chim thương khẳng khiu cành
Tràn đông, buông tiếng mong manh gợi buồn…
Những câu thơ ấy khiến lòng em lại thổn thức nhớ về cây bàng già trước sân nhà bà nội.
Cây bàng ấy được trồng từ khi nội em vừa sinh đứa con trai đầu lòng. Vậy là nó còn lớn tuổi hơn cả bố em nữa. Tuổi thơ của em – một đứa trẻ ở nông là những tháng ngày quanh quẩn chơi đùa bên gốc bàng và những nấm rơm thơm phức.
Cây bàng sống rất lâu rồi, nên nó rất cao, cao vượt qua cả hàng mái ngói đỏ tươi của nhà bà nội. Che mát cả khoảng trời bé xíu kia. Dưới cái nhìn của em lúc ấy, cây bàng như là một gã khổng lồ ngạo nghễ không gì vượt qua được. Trời nắng chang chang, đứng dưới gốc cây sẽ mát rười rượi. Trời mưa rào xối xả, đứng dưới gốc cây là chẳng thể nào bị ướt.
Gốc cây bàng ấy, là nơi cho em và những đứa trẻ bày đủ trò chơi. Nào ô ăn quan, nhảy dây, trốn tìm. Là nơi, chúng em chỉ với chiếc chăn cũ, một vài que củi đã dựng thành túp lều nhỏ xinh. Những chiếc lá sẽ được dùng làm quạt nhỏ, đứa nào giỏi leo trèo sẽ tìm những chiếc lá to nhất, xanh nhất. Khiến ai cũng ngưỡng mộ. Quả bàng khi chín chuyển vàng, đập vỡ phần vỏ, để lộ nhân cơm trắng, chan chát bên trong là món ngon thượng hạng của những đứa trẻ quê nghèo. Những thứ ấy cùng em trải qua những năm tháng tuổi thơ
Còn nhớ hồi ấy, mỗi khi sang đông, cây bàng lại rụng lá, rụng đến khi chẳng còn chiếc lá nào cả. Thân cây trơ trọi, khẳng khiu và cô đơn. Em và các bạn lo cây rét, đi gom rơm ở các nhà về, vây quanh gốc cây để ủ ấm. Thậm chí còn lấy những chiếc áo cũ không mặc nữa quàng cho cành cây. Bà nội nhìn thấy thế, chỉ bật cười, để cho những đứa trẻ được tự do sống với tấm lòng yêu thương trong sáng.
Năm lên lớp 3, cả nhà em chuyển lên thành phố. Bạn bè, hàng xóm ai cũng ngưỡng mộ, chúc mừng. Riêng em chẳng vui gì cả. Chỉ thấy buồn thôi, bởi em sẽ nhớ nội, nhớ cây bàng già, nhớ các bạn nhiều lắm. Ngày em lên xe rời đi là một ngày mùa hè đầy nắng. Những chiếc lá bàng cứ rung rinh, như muôn nghìn bàn tay đang vẫy chào tạm biệt em. Thế là từ lúc ấy, nghỉ hè luôn là thời gian em mong mỏi nhất. Vì khi đó em sẽ được về quê thăm nội, thăm cây bàng già trước sân. Những hôm ấy, trời trong xanh, nắng vàng ruộm, em cùng bà ngồi dưới gốc bàng, tựa lưng vào thân cây, kể cho nhau nghe những câu chuyện trong suốt mấy tháng qua.
Đối với em, cây bàng là một người bạn thân thiết, cùng em trải qua những tháng ngày tuổi thơ vô tư lự. Sau này, dù đi qua nhiều vùng đất, nhìn ngắm nhiều khung cảnh hào hoa tráng lệ. Thì đối với em, hình ảnh mái ngói đỏ, cái sân đất nâu, những nấm rơm vàng cùng cây bàng già cỗi vẫn sẽ mãi là hình ảnh đẹp nhất.
Gợi ý văn ✅Tả Cây Bàng Vào Mùa Hè, Mùa Thu ❤️️ 15 Bài Hay Nhất
Nêu Cảm Nghĩ Của Em Về Cây Bàng Trường Em – Bài 9
Với đề bài yêu cầu “Nêu cảm nghĩ của em về cây bàng trường em” thì scr.vn sẽ gợi ý ngay cho bạn đọc bài văn mẫu sau đây.
Hình ảnh cây bàng ở sân trường đã để lại rất nhiều ấn tượng trong em ngay từ khi em lần đầu đến trường. Cây bàng ở góc trái của sân trường. Thầy hiệu trưởng nói nó được trồng ngay từ khi trường em mới thành lập. Vậy là nó đã trở thành nỗi nhớ của nhiều thế hệ anh chị học sinh đã trưởng thành từ mái trường này.
Cây bàng này rất to nên nổi bật ở sân trường. Nó cao đến tầng ba của trường, cành lá cứng cáp, xum xuê vươn ra rất nhiều phía. Thân cây bàng rất to, em và bốn đứa bạn vòng tay nhau mới ôm được thân cây. Rễ của cây bàng rất nhiều và dài, mọc trồi lên cả mặt đất, cong cong trông như các chú rắn. Cây bàng tuy vậy nhưng ăn mặc giản dị lắm. Bao giờ cây cũng chỉ khoác trên mình một tấm áo nâu sần sùi và hay đội chiếc mũ màu xanh. Cây bàng rất đẹp, ngay cả mùa đông cũng vậy. Mỗi khi mùa đông đến, cả cây bàng lại đội chiếc mũ màu đỏ chứ không còn đội chiếc mũ xanh của mùa hè nữa và cây càng lộ rõ vẻ cứng cáp, khỏe mạnh.
Hết kì một thì cây bàng đã trở thành người bạn thân thiết của em và các bạn. Hàng ngày sau những tiết học căng thẳng, mọi người lại ngồi vây xung quanh cây bàng đọc sách, truyện. Khi trời nắng, cây bàng lại phủ bóng mát xuống cho em ngồi. Cây bàng thật là một người bạn tốt..
Càng ngày, cây bàng và em càng trở nên thân thiết hơn, mỗi lần nghỉ hè, ngoài niềm vui được nghỉ ngơi, trong lòng em lại có một nỗi da diết, mong cho thời gian nghỉ hết mau để được gặp cây bàng. Chắc cây bàng ở trường cũng buồn lắm.
Em rất yêu quý cây bàng, đó là người bạn không thể thiếu đối với em. Sẽ không bao giờ em quên được hình ảnh cây bàng.
Văn Biểu Cảm Về Cây Bàng Trên Sân Trường Em Chọn Lọc – Bài 10
Bài văn biểu cảm về cây bàng trên sân trường em chọn lọc sẽ giúp các em học sinh trau dồi cách diễn đạt đặc sắc và hấp dẫn người đọc.
Cây bàng ơi
toả bóng tháng năm dài
dưới vòm lá
tuổi thơ dễ thương bao mơ mộng đẹp
rồi một sớm lớn khôn
nhặt chiếc lá mà lòng nghĩ suy…
Đó là những câu hát mà em vô cùng yêu thích trong ca khúc Cây bàng của nhạc sĩ Trần Lập. Mỗi lần những câu hát ấy vang lên, hình ảnh cây bàng già ở gốc sân trường tiểu học cũ lại hiện về trong tâm trí em
Cây bàng ấy già lắm rồi, không ai biết nó đã bao nhiêu năm tuổi. Chỉ biết, từ lúc xây trường nó đã sống ở góc đấy rồi. Thấy cây đẹp nên người ta không chặt đi mà để nguyên như thế, xây khung bao xung quanh. Vì vậy, chúng em thường gọi là cụ bàng. Trên thân cây, là rất nhiều những mảng rêu xanh bám lên. Cô giáo bảo, đó chính là dấu vết của thời gian, chỉ những cây sống rất lâu thì mới có. Dưới gốc cây, có một thảm nhỏ những hoa mười giờ do chúng em trồng và chăm sóc, nhằm trang trí thêm cho cụ.
Cụ bàng cao lớn lắm, cao hơn bất cứ cây gì trồng trong trường học. Và tán lá của cụ cũng lớn lắm, che mát cả một khoảng sân to. Thế nên, chẳng lấy làm lạ khi gốc cây của cụ luôn có rất đông học sinh ngồi chơi. Điều em yêu thích nhất chính là nằm lên chiếc ghế đá dưới gốc cây, gác đầu lên cặp sách mà nhìn xuyên qua tán lá dày và rộng ấy, mơ tới trời xanh.
Mùa hè, nhìn lên chỉ thấy một màu xanh mướt mát, vẽ ra những ô nhỏ đủ hình dáng ánh nắng. Mỗi khi cơn gió nghịch ngợm lướt qua, các vệt sáng ấy lại nhảy nhót khắp sân, như những cô cậu học trò nhỏ đang sung sướng mà tung tẩy sau giờ học mệt mỏi. Mùa thu, em lại nhìn thấy một mảng trời đỏ rực, như ngọn lửa. Ngọn lửa ấy không tươi mới, phơi phới như màu đỏ của hoa phượng. mà mang chút gì đó mệt mỏi, phong sương.
Lúc này ánh nắng cũng nhạt nhòa, những chiếc lá cũng thưa dần đi. Mỗi khi một luồng gió se lướt qua, lại thêm vài chiếc thuyền nan đỏ tía từ giã cụ bàng già mà về với đất mẹ. Thế là như trò chơi hé mở bí mật, các chiếc lá rụng càng nhiều, hình ảnh bầu trời thu trong xanh càng hiển lộ nhiều hơn. Nhắm mắt lại, em tưởng như mình đang bay trong những mây trời. Mùa đông đến, gốc bàng trơ trọi, những cành khô khẳng khiu rạch giữa trời tạo thành những hình khối khó hiểu.
Đó là cụ bàng đang ngủ đấy. Nhưng cũng không hẳn là cụ đang ngủ. Cụ chỉ giả vờ thế thôi. Thực ra, cụ đang âm thầm mà hút lấy, mà trữ lấy những tinh hoa của đất trời từ lòng đất sâu, từ sương đêm ẩm ướt. Cứ thế, cây bàng già âm thầm làm việc, âm thầm chờ đợi. Cụ chờ điều gì thế nhỉ? Cụ chờ khoảnh khắc nào thế nhỉ? À, ra là cụ đang chờ một khoảnh khắc. Cái khoảnh khắc mà cánh én nhỏ chao liệng trên nền trời xanh, mang theo những hạt bụi của mưa xuân. Cái khoảnh khắc mà lòng người bồi hồi, thổn thức, mà các em học sinh chộn rộn, ngóng chờ. Ấy là khi xuân về.
Hòa với nhịp thở của nàng xuân, cụ bàng cũng như trẻ lại. Từ các cành khô, những chồi non xanh mơn mởn nhú lên. Chúng ngại ngùng chào anh chim én, chào chị mưa xuân, chào các cô bé học trò dưới sân trường. Rồi ưỡn mình lên, thành những chiếc lá non xanh. Chẳng mấy chốc, em lại được nhìn thấy một cụ bàng trong tấm áo non tơ.
Vậy đây, suốt bốn mùa, em luôn thầm lặng mà ngắm nhìn cây bàng đổi thay như vậy. Và có lẽ, chính cụ bàng cũng đang trầm tư mà quan sát em. Quan sát em nằm mơ mộng trên ghế đá, quan sát em cùng bạn bè chơi nhảy dây, đuổi bắt, quan sát em trong những buổi vội vàng ôn bài chuẩn bị cho mùa thi. Từ lúc nào không hay, em và cụ bàng đã trở thành tri kỉ của nhau. Không cần một cái nắm tay, một lời chào hỏi, một cái ôm ấm áp, chỉ cần trái tim luôn đong đầy yêu thương thôi, ấy đã là tri kỉ rồi.
Sau khi lên cấp 2, em đi học ở một ngôi trường mới. Ngôi trường mới ấy rất lớn, rất đẹp, cũng trồng rất nhiều cây bàng. Thế nhưng, chẳng có cây bàng nào thay thế được cụ bàng trong lòng em cả. Thỉnh thoảng, em lại đạp xe ra trường tiểu học cũ. Mang theo cặp sách, tìm đến chiếc ghế đá dưới gốc cụ bàng, để nằm lên đó, lim dim mà mơ mộng về trời cao qua những kẽ bàng.
Tham khảo văn❤️️ Cảm Nghĩ Về Loài Cây Em Yêu ❤️️ 15 Bài Văn Hay Nhất
Biểu Cảm Về Cây Bàng Sân Trường Đạt Điểm Cao – Bài 11
Cùng học hỏi cách diễn đạt hấp dẫn, thu hút người đọc thông qua bài văn biểu cảm về cây bàng sân trường điểm cao dưới đây.
Không biết tự bao giờ, cây bàng trước cửa lớp đã trở nên vô cùng thân thương đối với tôi. Tôi đã ngắm cây bàng ấy trong suốt cả bốn mùa. Mùa nào, bàng cũng có một vẻ đẹp riêng. Không biết có phải thế không hay do tình yêu tôi dành cho loài cây này mà tôi thấy bàng mùa nào cũng đẹp.
Khi những tiếng ve đầu tiên bắt đầu ngân lên báo hiệu mùa hè đến, cũng là lúc dòng nhựa chảy trong bàng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dòng nhựa ấy tiếp sức để những chiếc lá bàng mới ngày nào còn bé bỏng non nớt, giờ đã xanh ngắt xòe ra to. Thì ra, bàng đã phải làm việc siêng năng suốt ba mùa để bây giờ xòe tán xanh che mát cho chúng tôi.
Bàng cũng thật hào phòng khi thỉnh thoảng nhờ chị gió gửi cho mấy chiếc lá để làm quạt. Cũng chính lúc này, bàng nở những chùm hoa trắng muốt, nhỏ li ti. Mỗi làn gió nhè nhẹ thoảng qua là có cả thảm hoa bàng lại trải đều quanh gốc, vương đầy trên mái tóc dài Óng ả của các nữ sinh.
Bàng đẹp và bọn con gái chúng tôi hình như cũng đẹp hơn khi điểm hoa bàng trên tóc.Sau ba tháng hè xa cách các bạn học sinh, bàng rạng rỡ hẳn lên khi thu về. Nắng thu vàng dịu ngọt xuyên qua từng mặt lá làm gương mặt bàng sáng bóng lên. Ai thấy mình đẹp mà chẳng vui, Bàng vui vì thấy mình đẹp. Mà hình như còn được nghe lại tiếng nói, tiếng cưới xôn xao của các bạn học trò tinh nghịch, dễ thương.
Bàng xôn xao cùng chúng tôi trong mỗi ngày học mới, bàng chia sẻ cùng chúng tôi bao buồn vui của tuổi học trò. Còn nhớ, một lần không làm bài tập, thầy giáo đã phạt tôi thật nặng. Tôi buồn quá, giờ chơi lân la đến gốc bàng. Bất ngờ, bàng gửi tặng tôi một trận mưa hoa. Cảm xúc trào dâng, tôi viết liền một bài thơ. Ai có ngờ đâu, bài thơ ấy trong cuộc thi sáng tác trẻ lại giành ,cho tôi giải A. Tôi lại thầm cám ơn bàng. Nhờ có bàng mà tôi hiểu rằng cuộc sống thật là một chuỗi những buồn vui như thế!
Thu qua, đông lại. Mùa đông lá bàng chuyển màu sẫm nâu. Rồi một buổi sáng tôi thấy cây bàng rực lên màu đỏ như lửa. Ngọn lửa khổng lồ ấy cháy đỏ suốt mấy tuần. Tôi đứng dưới gốc bàng, thấy mình sưởi ấm. Có lẽ cây bàng đã tự đốt mình để chống lại giá rét mùa đông?
Rồi gió bấc thổi qua, những chiếc lá màu lửa rụng xuống. Sau khi cởi bỏ tấm áo rực rỡ của mình, bàng chỉ còn lại tấm thân sần sùi với những cành khẳng khiu đứng trơ trọi giữa gió mưa. Bàng thu mình ngủ ngon lành trong tiếng ru của gió. Cây bàng cứ đứng vậy chống đỡ cả mùa đông. Để xuân về, bàng lại vươn mình bừng dậy…
Mùa xuân về, thời tiết trở nên ấm áp, và cây bàng nhú ra muôn vạn lộc non. Hầu như suốt mùa đông, cây bàng đã giấu trong nó tiềm tàng màu xanh non của sự sống. Cây bàng đón xuân nhiệt thành, say đắm. Có lẽ, nó hiểu rằng nó cũng phải góp chút ít tinh túy của mình để làm nên sức dào dạt của đất trời.
Tôi lặng đi khi nghĩ đến ngày mai phải chia tay mái trường, phải chia tay cả bàng nữa. Còn bây giờ, tôi và bàng vẫn cứ là bạn thân. Sớm nay, trời thật đẹp. Bàng vẫn đang giơ tay đón chào tôi đến lớp. Tôi yêu bàng nhiều lắm, nhiều lắm.
Chia sẻ ✅Văn Biểu Cảm Lớp 7 Về Loài Cây Em Yêu ❤️️ 15 Bài Hay Nhất
Tả Văn Biểu Cảm Về Cây Bàng Vào Mùa Thu – Bài 12
Vẻ đẹp cây bàng đã gắn liền với lứa tuổi học trò, nhất là vào mùa thu. Cùng tham khảo bài tả văn biểu cảm về cây bàng vào mùa thu để thấy được vẻ đẹp đó nhé!
Mùa hạ vừa đi qua thì mùa thu cũng đã kịp đến, mùa thu về mang theo tiết trời ấm áp, ánh nắng rất nhẹ, không gay gắt như cái nắng hè. Em thích tiết trời của mùa thu vì nó mang đến cho mọi người cảm giác rất dễ chịu, những cơn gió thổi nhẹ nhàng, khoan thai hơn. Tuy nhiên, mùa thu là mùa tàn úa, cây bắt đầu rụng lá, thay đi hết những chiếc lá già để chuẩn bị cho một mùa xuân bắt đầu đâm chồi, nảy lộc những chiếc lá tươi mới.
Trước sân trường em trồng rất nhiều những cây bàng, thân cây cao lớn, tán lá rộng, cành lá xum xuê, xanh tốt rợp bóng cả một góc sân trường.
Mùa thu đến, những chiếc lá bàng xanh bắt đầu vàng úa, rụng dần. Cây bàng không còn xanh tốt, xum xuê như trước nữa. Những chiếc lá cứ rụng dần, rụng dần đến khi cành cây trơ trọi, không còn chiếc lá nào. Những quả bàng cũng già dần, mất đi sắc xanh vốn có mà ngả sang màu nâu vàng, bàng rụng xuống sân trường tạo nên những âm thanh lộp độp. Mỗi khi có cơn gió, dù rất nhẹ thổi qua cũng làm những chiếc lá đỏ vàng rơi lả tả, những chiếc lá rụng rơi đầy một góc sân trường, bay xào xạc khắp nơi.
Nhặt những chiếc lá rụng, tung lên cho bay trong gió, hay nhặt những quả bàng khô để chơi chắt, chơi hòn là những trò chơi rất thú vị của đám học sinh.
Chúng em tụ tập thành từng nhóm ba đến bốn người, “đại bản doanh” là dưới gốc cây bàng, chúng em phân công nhau đi nhặt quả ở xung quanh bồn cây, sau đó tập hợp lại để cùng nhau chơi. Những quả bàng khô rất nhẹ và vừa tay nên khi chơi xóc hòn, chúng em sẽ không bị đau tay như khi dùng những viên đá. Trò chơi từ những quả bàng cũng rất đa dạng, có khi chúng em chơi xóc hòn, có khi chơi ô ăn quan, nhảy ô… trò nào cũng rất thú vị, chúng em chơi rất vui vẻ.
Lá bàng rụng nhiều cũng làm các cô lao công bận rộn, tất bật hơn với công việc của mình. Sân trường có khi vừa được các cô dọn sạch sẽ thì những cơn gió lại làm rơi xuống rất nhiều lá mới, sân trường luôn được bao phủ bởi lá rụng.
Những chiếc lá bàng đỏ phủ kín sân trường làm cho sân trường rất khác lạ, như mặc trên mình một chiếc áo mới đầy màu sắc. Khi có ánh nắng chiếu vào, những chiếc lá càng trở lên rực rỡ, bắt mắt đến lạ kì. Những chiếc lá bị thổi tung bay trong gió trông rất đẹp, như những bông tuyết rơi vậy. Nhưng những bông tuyết này lớn hơn, nhẹ hơn, không hề giá lạnh và màu sắc cũng rực rỡ hơn.
Khung cảnh sân trường được bao phủ bởi lá bàng tuy rất đẹp, có phần thơ mộng, lãng mạn nhưng mỗi khi ngước tầm mắt nhìn lên thân cây trơ trọi lá thì em lại cảm thấy rất buồn và có chút xót xa.
Mỗi lần có gió thổi làm rụng lá, những cành cây trơ trọi, xơ xác lại khe khẽ đung đưa như muốn nói lời li biệt với những chiếc lá. Những chiếc lá thì bay chầm chậm trong không trung trước khi đáp xuống mặt đất như tiếc nuối, lưu luyến nơi mà nó đã sinh ra, lớn lên, cũng là nơi nó rụng xuống, nói lời tạm biệt cuối cùng với cây. Khung cảnh mùa thu tuy đẹp nhưng sao thật buồn, những mất mát vẫn in dấu trên từng cảnh vật. Cây bàng không còn lá làm em thấy nó thật trống trải, như thiếu vắng gì đó rất quan trọng, cảm giác rất lạ lẫm, mất mát.
Tuy nhiên, cây bàng rụng lá không phải tình trạng kiệt quệ, suy yếu của cây mà là một quy luật tất yếu của tự nhiên, của đất trời. Năm nào cũng vậy, cứ hễ thu về là cây bàng lại bắt đầu trút hết lá, tình trạng này sẽ kéo dài cho đến hết mùa đông lạnh giá, để khi bước vào mùa xuân, khi những hạt mưa xuân rơi xuống thì cây bàng lại bắt đầu sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc, những chiếc lá mới sẽ lại được mọc ra xanh tốt. Cây bàng một lần nữa khoác lên mình bộ quần áo mới rực rỡ hơn, tươi tốt hơn; sức sống được hồi sinh mạnh mẽ, nhựa sống lại căng tràn trong từng tán lá. Diện mạo của cây bàng lại trở lại hình ảnh xanh tốt, tán rộng, cành lá xanh mướt như ngày nào.
Mùa thu làm cho cây bàng rụng lá, nhưng khi mùa đông qua đi thì sức sống của nó lại được hồi sinh, cây bàng mang trong mình một sức sống tiềm tàng thật mạnh mẽ, sức sống ấy làm nó có thể chống chọi với cả một mùa đông lạnh lẽo để tiếp tục sinh sôi. Có lẽ, lá rụng là khi cây bàng ấp ủ trong nó những nguồn sống mới dạt dào, mạnh mẽ hơn. Khi những chiếc lá mới nảy mầm là khi nó chứng minh được sức sống mãnh liệt, kì diệu của mình.
Tham khảo văn mẫu ❤️️Biểu Cảm Về Loài Cây Em Yêu ❤️️ 18 Bài Mẫu
Làm Bài Văn Biểu Cảm Về Cây Bàng Lớp 7 Ngắn Gọn – Bài 13
Tham khảo cách làm bài văn biểu cảm về cây bàng lớp 7 ngắn gọn cùng với bài văn mẫu dưới đây.
Ở giữa ruộng lúa của làng em, có trồng một cây bàng già. Mọi người thường gọi nó là cây bàng cô đơn.
Cây bàng cao chừng gần năm mét, thân to và dựng thẳng đứng như cột đình. Lớp vỏ thân cây sần sùi, thô ráp, trắng xám từng mảng. Dưới gốc của nó, là cả một bộ rễ khổng lồ, cắm sâu vào mặt đất. Một vài đoạn nhỏ của rễ sẽ bò lan lên cả mặt đất, y như là con trăn lớn.
Cách mặt đất một đoạn khoảng mét rưỡi, các cành bàng bắt đầu tỏa ra. Từ những cành to như bắp tay, mọc ra đủ các nhánh nhỏ. Cứ thế đan lồng vào nhau, tỏa ra tứ phía, khiến cây bàng hệt như cái nấm xanh khổng lồ trong các bộ phim em hay xem. Lá bàng to hơn cả bàn tay, xanh biếc. Vào thu thì chuyển dần sang vàng, đỏ rồi rụng hết về cội. Vào những ngày đông giá rét thì cây bàng trông lại càng cô đơn hơn.
Cây bàng gắn bó với người dân làng em đã từ rất lâu rồi. Nó chứng kiến những người nông dân ra đồng chăm chỉ cày cấy. Chứng kiến những người con đi xa quê hương để lập nghiệp. Chứng kiến những đổi thay rạo rực của làng quê. Có thể nói, cây bàng cô đơn ấy chính là một phần không thể thiếu đối với làng em.
Em yêu cây bàng tha thiết. Mong rằng xuân đi hạ tới, cây bàng vẫn mãi tươi tốt, tiếp tục cắm rễ đâm chồi ở giữa cánh đồng lúa thân thuộc.
Không thể bỏ lỡ cơ hội 🔜Nhận Thẻ Cào 100k Miễn Phí🔜
Viết Bài Văn Biểu Cảm Về Cây Bàng Lớp 7 Giàu Hình Ảnh – Bài 14
Tham khảo cách viết bài văn biểu cảm về cây bàng lớp 7 giàu hình ảnh sinh động thông qua bài văn mẫu sau đây.
Hôm nay là ngày hai mươi tháng mười một, sau hai năm trời xa cách ngôi trường tiểu học thân thương, tôi cùng đám bạn cũ quay lại thăm trường. Ngôi trường lúc bấy giờ không khác mấy ngày xưa, lớp học thì sạch sẽ và trông khang trang hơn, hòn non bộ phía sau trường có thêm nhiều loài cá hơn. Tuy vậy, giữa sân trường, bác bàng vẫn sừng sững đứng đó dang hai tay như chào đón chúng tôi trở về. Bác bàng tuy đã già nhưng đó là nơi lưu trữ bao kỉ niệm thân thương thời học sinh. Nhìn bác mà kỉ niệm cứ ùa về trong tôi.
Từ xa nhìn vào, trông bác cứ như một người vệ sĩ đứng giữa sân để bảo vệ an ninh cho trường vậy. Thân cây sần sùi, to lớn, phải đến bốn, năm vòng tay của bọn trẻ chúng tôi ôm mới xuể. Sao mà bác to quá! Cây cao đến lầu ba của trường. Tuy to lớn là thế nhưng các cành cây chỉ vươn ra các nhánh khẳng khiu, dài và cố gắng với đến từng lớp học như muốn lắng nghe thầy cô giảng bài cùng với học sinh. Trên cành cây chi chít những chiếc lá xanh và điểm xuyến là một vài chiếc lá vàng do đã vào thu. Đôi khi, có một vài chú chim đậu trên cành và ngân nga những lời hát véo von làm vang động cả một không gian xung quanh khiến cho chúng tôi chộn rộn trong lòng.
Ngồi dưới gốc bàng, những kỉ niệm thời học sinh cứ xuất hiện trong đầu tôi. Nhớ lắm những kỉ niệm thuở nào! Trong những kỉ niệm ấy, tôi ấn tượng nhất là câu chuyện đã xảy ra với tôi cách đây hai năm tức là lúc tôi học lớp năm.
Vào giờ ra chơi, tôi cùng các bạn trong lớp xuống sân để bày trò chơi. Đứng dưới gốc cây bàng, chúng tôi đã nảy ra ý định chơi trò chơi leo cây, ai leo cao nhất trong hai phút sẽ chiến thắng. Tôi đã chiến thắng được hiệp một nhưng vì quyết tâm muốn chiến thắng hiệp sau nên tôi đã leo lên rất cao, bỗng có một con thằn lằn chạy ngang qua mặt tôi làm tôi hoảng quá, tôi té xuống và đập cánh tay xuống đất. Do quá đau nên tôi oà khóc và được cô y tế bế vào phòng ngay lập tức để băng bó. Sau mười phút, cô bảo tôi bị gãy xương do bị va đập mạnh. Các thầy cô ngồi bên cạnh giúp tôi bằng cách động viên tôi rất nhiều.
Giờ đây khi đứng dưới gốc bàng, tôi chạm vào vết sẹo năm xưa mà nước mắt tôi rơi xuống, một cảm xúc rất khó tả, kỉ niệm ngày ấy ôi chao! Sao mà thân thương quá!
Tôi quý cây bàng này lắm. Bác bàng đã cho tôi rất nhiều kỉ niệm khi còn là học sinh tiểu học. Nhớ lắm những trò chơi “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, những câu chuyện sẻ chia cùng nhau dưới gốc bàng cùng những tiếng cười khúc khích, giòn tan của tuổi học trò chúng tôi.
Tôi xem bác bàng như một người bạn thân thiết để có thể chia sẻ tất cả niềm vui nỗi buồn của lòng mình. Sau này, tôi sẽ cố gắng về trường thường xuyên để thăm bác. Tôi mong rằng, mỗi lần về trường tôi sẽ lại được thấy bác khỏe mạnh, tươi tốt Bác bàng à, hẹn gặp lại bác vào một ngày không xa nhé!
Gợi ý cho bạn ☘ Tả Cây Cối Hay Nhất ☘ 15 Bài Văn Miêu Tả Cây Cối Điểm 10
Những Bài Văn Biểu Cảm Về Cây Bàng Lớp 7 Xuất Sắc – Bài 15
Một trong những bài văn biểu cảm về cây bàng lớp 7 xuất sắc được scr.vn chọn lọc và chia sẻ mà các em học sinh không nên bỏ qua.
Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến cánh hoa đào Nhật Tân tươi thắm, đến bát canh sấu ngày hè làm dịu mát cái nắng gắt gay, đến hương hoa sữa dịu dàng, vương vấn từng bước chân trên phố. Và, đã là người Hà Nội, có lẽ tuổi thơ ai cũng ít nhất từng một lần nếm thử vị thơm bùi của quả bàng khi gió lạnh se se…
Không hiểu sao, tôi lại yêu nhất cây bàng vào mùa thu, khi nắng thu vàng dịu như mật ngọt làm sáng bóng lên từng mặt lá. Ai thấy mình đẹp mà chẳng vui. Cây bàng thay áo đẹp cũng vui. Bàng xôn xao dõi theo bước chân em bé cắp sách tới trường ngày khai giảng, biết khi chiều về, thể nào em bé cũng tới gốc cây, chăm chú tìm giữa tán lá những đốm sáng vàng. Quả bàng đấy! Trong bàn tay thơ bé, trái bàng nhỏ xinh đã ngọt ngào toả hương…
Tiết trời đã sang đông. Từng đợt gió lạnh làm con người phải co lại trong chiếc áo ấm. Bàng thì ngược lại, cứ nhẩn nha thả từng chiếc lá xuống như em bé chơi đếm ngón tay. Những chiếc lá từ lúc ở trên cành đã kiêu hãnh đón luồng gió lạnh từ phương Bắc tràn về, tự thấy mình khô se đi rồi dứt khoát bứt cuống mà nhẹ nhõm rơi xuống. Bấy nhiêu lá là bấy nhiêu áo cho Mẹ đất đang ấp ủ những mầm non. Sau khi cởi bỏ tấm áo đẹp của mình, bàng chỉ còn tấm thân sần sùi với những cành khẳng khiu. Bàng thu mình ngủ ngon lành trong tiếng ru của gió. Cứ ngủ ngon nhé bàng, để xuân về rồi vươn mình bừng dậy!…
Một giấc đêm của ta qua nhanh bao nhiêu thì giấc ngủ đông của bàng cũng chóng hết bấy nhiêu. Mọi người đều mong chờ cái thời khắc thiêng liêng khi mùa xuân mang theo hi vọng gõ cửa từng nhà. Cô bé nhặt trái bàng hôm nào xúng xính trong bộ quần áo mới, mang một chữ “Lộc” thắm đỏ dán lên cây. Cô bé yêu cây bàng, bé có thấy cây bàng đang vươn lên hãnh diện hay không? Có đấy, vì ngày nào cô bé cũng ra đây tâm sự với cây bàng, để một ngày mừng rỡ reo vui: Cây bàng có chồi non rồi? Đúng đấy, nhờ chữ “Lộc” của cô bé, bàng đang khoe những cái chồi nhỏ xíu đầy cành.
Cũng như chúng ta chứng kiến một em bé ra đời sau bao khó khăn của người mẹ thôi. Cảm giác vui sướng nhẹ nhõm này, chẳng phải ai cũng được biết đâu. Giữa mùa xuân cả đất trời tràn một màu xanh ngọc bích, làm nên sắc màu ấy, bàng cũng góp phần.
Rồi những hạt mưa phùn lắc rắc nhường chỗ cho nắng gắt, cơn giông chiều. Cô bé ráo riết chuẩn bị cho kì thi cuối năm nên chẳng mấy khi đến chơi với bàng nữa. Bàng buồn hiu. Những chồi non đã khỏe khoắn vươn ra xoè tán, khoác chiếc áo mới cho bàng. Sau mỗi lần tắm dưới những giọt nước trĩu nặng mát lành của cơn mưa rào, những chiếc lá lại càng sáng bóng hơn, xanh mướt một màu. Nhưng bàng còn đẹp với ai, khi hầu hết con người bây giờ sống như máy, vội vã đi, hối hả về họ đắm chìm trong khói bụi cuộc sống, nhưng chẳng bao giờ dừng chân để xem cây cối bên đường đã thay đổi thế nào.
Bàng thấy tiếc cho họ. Sao họ không như bàng đây, lim dim mắt nghỉ ngơi giữa tiếng dế, tiếng ve râm ran. Trong bàng đang rạo rực tuôn chảy dòng nhựa sống được những cái rễ chắc khoẻ cắm sâu vào lòng đất cần cù đưa lên. Bàng hào phóng gửi tặng dòng nhựa đó cho những chú ve nhỏ và được đền đáp bằng dàn đồng ca suốt cả một mùa hè…
Một ngày của bàng bằng một năm đời người. Từ một mầm cây nhỏ, bàng đã lớn, đã thấy, đã nghe, đã chứng kiến bao điều trong cuộc sống… Cô bé nhặt trái bàng ngày nào giờ đã trưởng thành. Đôi lúc trở lại góc phố xưa, cô vẫn ngước đôi mắt ướt nhìn lên tán bàng. Bàng lại nghiêng tán toả bóng vỗ về cô… Cứ thế, bao thế hệ người Hà Nội sinh ra, lớn lên. Còn bàng, bàng vẫn đứng đấy, mỗi mùa thu về lại thả những quả vàng cho những cô bé và xoè tán chở che cho những đứa trẻ lang thang không mái ấm…
Tiếp tục đón đọc ☘ Tả Loài Cây Em Yêu Thích ☘ 15 Bài Văn Mẫu Hay Nhất