8+ Mẫu Phân Tích Bài Thơ Thiên Trường Vãn Vọng (Ngắn Hay)

SCR.VN gợi ý cho bạn 8+ mẫu phân tích bài thơ Thiên trường vãn vọng ngắn hay nhất, đồng thời hướng dẫn bạn cách lập dàn ý tại bài viết sau đây.

Giới Thiệu Bài Thơ Thiên Trường Vãn Vọng

Thiên trường vãn vọng thuộc thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đường luật. Bài thơ được sáng tác trong một dịp về thăm quê. Các vua đời Trần cho xây ở quê một hành cung gọi là cung Thiên Trường để thỉnh thoảng về nghỉ ngơi. Mỗi dịp về đó, các vua thường có thơ lưu lại, nay còn giữ được vài bài, trong đó có bài này.

Ngày tháng sáng tác không thấy ghi cụ thể nhưng chắc chắn bài thơ ra đời sau chiến thắng quân Nguyên – Mông lần thứ ba không lâu, vào giai đoạn cuộc sống yên lành của nhân dân đang được khôi phục lại (nghĩa là vào khoảng những năm 90 của thế kỉ XIII).

👉 Gửi đến bạn nội dung bài thơ dưới đây.

Thiên Trường vãn vọng
Tác giả: Trần Nhân Tông

天長晚望
村後村前淡似煙,
半無半有夕陽邊。
牧童笛裡歸牛盡,
白鷺雙雙飛下田。

Phiên âm

Thiên Trường vãn vọng
Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô, bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi há điền.

Dịch nghĩa

Trước thôn, sau thôn, khí trời mờ nhạt như khói,
Bóng chiều tà nửa không, nửa có.
Trẻ chăn trâu thổi sáo dẫn trâu về hết,
Từng hàng cò trắng bay xuống ruộng.

Bản dịch của Ngô Tất Tố

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều man mác có dường không.
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

Gợi ý bạn cách 👉 Viết Bài Văn Phân Tích Một Tác Phẩm Văn Học

Ý Nghĩa Bài Thơ Thiên Trường Vãn Vọng

“Thiên Trường Vãn Vọng” là một bài thơ tuyệt đẹp, không chỉ miêu tả cảnh sắc thiên nhiên mà còn phản ánh những suy tư, triết lý và tâm trạng của Trần Nhân Tông. Qua bài thơ, ta thấy được tình yêu quê hương, sự an nhiên tự tại và triết lý sống sâu sắc của một vị vua, một thiền sư đã tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống giản dị, hòa mình với thiên nhiên.

Cách Phân Tích Bài Thơ Thiên Trường Vãn Vọng

Bạn chưa biết cách phân tích bài thơ Thiên trường vãn vọng như thế nào thì hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây nhé.

  1. Giới thiệu chung về tác giả và tác phẩm:
  2. Phân tích nội dung:
    • Hai câu đầu: Miêu tả khung cảnh làng quê vào buổi chiều, với hình ảnh “đạm tự yên” (nhạt như khói), và sự tồn tại mơ hồ giữa có và không (bán vô bán hữu). Hình ảnh tịch dương (mặt trời chiều) làm tăng thêm cảm giác tĩnh lặng và bình yên.
    • Hai câu sau: Khung cảnh sinh hoạt của làng quê hiện ra rõ nét hơn với hình ảnh mục đồng thổi sáo, đàn trâu lũ lượt trở về, và đôi cò trắng bay lượn song song rồi đậu xuống ruộng.
  3. Phân tích nghệ thuật:
    • Sử dụng hình ảnh và ngôn ngữ: Bài thơ dùng hình ảnh giản dị, quen thuộc của làng quê Việt Nam như mục đồng, đàn trâu, đôi cò trắng, mặt trời chiều, tạo nên bức tranh thơ mộng, bình yên.
    • Phép đối: Hai câu thơ đầu và hai câu thơ sau tạo thành hai cặp đối nhau, thể hiện sự hài hòa, cân đối trong cảnh sắc và con người.
    • Âm thanh và màu sắc: Hình ảnh làng quê không chỉ được miêu tả qua hình ảnh mà còn qua âm thanh (tiếng sáo của mục đồng) và màu sắc (trắng của cò, vàng của mặt trời chiều).
  4. Kết luận: Bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” không chỉ là bức tranh thiên nhiên đẹp mà còn là bài ca về cuộc sống an nhàn, thanh bình của con người.

Chia sẻ bạn 5+ bài văn 👉 Phân Tích Bài Thơ Tiếng Ru Ngắn

Dàn Ý Phân Tích Bài Thơ Thiên Trường Vãn Vọng

SCR.VN chia sẻ bạn cách lập dàn ý phân tích bài thơ Thiên trường vãn vọng sau đây.

a. Mở bài: Giới thiệu tác giả và tác phẩm:

– Tác giả Trần Nhân Tông (1258 – 1308): là một ông vua yêu nước, anh hùng, nổi tiếng khoan hòa, nhân ái và cũng là một nhà văn hóa, một nhà thơ tiêu biểu của thời Trần.

– Tác phẩm “Thiên Trường vãn vọng” đã thể hiện được tinh thần yêu nước của Trần Nhân Tông.

b. Thân bài:

– Vẻ đẹp cảnh vật thiên nhiên trong bức tranh quê hương: hình ảnh cảnh chiều tà khi hoàng hôn đang dần buông xuống:

+ Thời gian: buổi chiều tà, sắp về tối.

+ Không gian: trước xóm sau thôn – khung cảnh làng quê Việt Nam.

+ Cảnh vật: “bán vô bán hữu” – phong cảnh mờ ảo, vừa như có lại vừa như không có, vừa thực, lại vừa không có thực gợi nên quang cảnh làng quê yên bình đang mờ trong sương khói, cảnh vừa có nét thực vừa có nét ảo.

=> Bức tranh thiên nhiên độc đáo, mơ hồ như một bức tranh.

– Sự hòa quyện, đan xen giữa con người và thiên nhiên:

+ Hình ảnh về một chú bé mục đồng – trẻ chăn trâu đã gợi lên trong tác giả những kỉ niệm về tuổi thơ của chính mình.

+ Đàn trâu trở về.

+ Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

=> Cảnh vật bình dị, gần gũi, quen thuộc với làng quê Việt Nam.

– Nỗi buồn xót xa và nỗi lòng thầm kín của tác giả: Âm thanh: sáo vẳng – tiếng sao văng vẳng đâu đó nơi chốn làng quê.

=> Tiếng sáo ấy hay chính là tiếng lòng của tác giả, nó chứa đựng một nỗi buồn xót xa.

c. Kết bài: Nêu ý nghĩa của bài thơ: Bài thơ không chỉ thể hiện cho tài năng, sự tinh tế trong cách quan sát của nhà thơ mà còn thể hiện sự nặng tình nặng nghĩa của tác giả đối với mảnh đất quê hương.

Đón đọc 7+ bài văn 💛 Mẫu Phân Tích Nhân Vật Sói Lam Ngắn 💛 hay nhất

8+ Mẫu Phân Tích Bài Thơ Thiên Trường Vãn Vọng Ngắn Hay

SCR.VN gửi đến bạn các bạn 8+ mẫu phân tích bài thơ Thiên trường vãn vọng ngắn hay nhất dưới đây. Mời bạn tham khảo.

Phân Tích Bài Thơ Thiên Trường Vãn Vọng Ngắn Gọn

Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, đã lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng hai cuộc xâm lược của quân Nguyên và khôi phục lại nền kinh tế, văn hóa Đại Việt. Chiến tranh qua đi, ông có dịp đến thăm phủ Thiên Trường và ngắm nhìn cảnh vật nơi đây. Vì thế mà “Thiên Trường vãn vọng” ra đời. Bài thơ đã thể hiện cái nhìn nâng niu, trân trọng cảnh sắc thiên nhiên và cảnh sinh hoạt của người dân khi đất nước đang thái bình.

“Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,

Bán vô bán hữu tịch dương biên”.

Từ hành cung của vua, ông đã nhìn thấy cảnh cả thôn xóm đang chìm trong màn sương mờ ảo, lảng bảng, khiến cho cảnh vật trở nên không rõ ràng, nửa như có, nửa như không.  Khói tác giả thấy có thể là sương mù do thời tiết, cũng có thể là khói bốc lên từ những mái bếp đang thổi cơm chiều.

Ý thơ này như đang muốn miêu tả cuộc sống yên bình, dưới những nóc nhà yên tĩnh là bữa cơm ngon ngọt, quây quần chứ không còn cảnh nheo nhóc, đau thương nữa. Ánh “tịch dương” cuối ngày chiếu vào nơi ấy càng làm cho mọi thứ như hư ảo hơn, như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Cảnh đẹp thanh bình, dung dị này được miêu tả qua việc sử dụng cấu trúc đối xứng, biện pháp tiểu đối kết hợp với điệp từ “thôn hậu – thôn tiền”, “bán vô – bán hữu”. Chính điều này tạo nên sự cân xứng, hài hòa và uyển chuyển cho câu thơ. 

“Mục đồng địch lí quy ngưu tận,

Bạch lộ song song phi hạ điền”.

Hai câu thơ cuối gợi khung cảnh trở nên sinh động nhờ xuất hiện âm thanh và hoạt động của sự vật. Tiếng sáo gọi trâu về văng vẳng cùng màu trắng của cánh cò, màu xanh của cánh đồng, màu xám của khói chiều khiến người đứng ngắm cảnh cảm giác thư thái, nhẹ nhàng.

Tác giả đã chuyển điểm nhìn từ thôn xóm ra cánh đồng rộng lớn, thoáng đãng hơn. Nơi đó có lũ trẻ mục đồng, có đàn cò trắng bay xuống cánh đồng để bắt đầu một buổi kiếm ăn. Thiên nhiên và con người trở nên thân thiết, hòa hợp đến lạ lùng. Hình ảnh “cò trắng từng đôi liệng xuống đồng” làm cho không gian được mở ra, thoáng đãng, cao rộng, trong sạch, yên ả hơn. Hình ảnh những chú trâu đủng đỉnh, chậm rãi, vắt vẻo trên lưng là mục đồng như gợi tiếng reo vui về một đất nước thanh bình sau bao nhiêu tháng ngày bị giặc ngoại xâm giày xéo.

Bức tranh này không chỉ làm nổi bật sự êm ả của làng quê mà “từng đôi cò trắng” còn thể hiện sự sinh sôi nảy nở. Cuộc sống nhẹ nhàng, đầm ấm của những gia đình trong làng quê nhỏ bé, chân chất, chính là sự phát triển bền vững của một đất nước, một dân tộc bởi gia đình chính là tế bào của xã hội.

Cảnh tượng buổi chiều ở phủ Thiên Trường là cảnh tượng vùng quê trầm lặng mà không đìu hiu. Ở đây vẫn ánh lên sự sống con người trong sự hòa hợp với cảnh vật thiên nhiên một cách nên thơ, chứng tỏ tác giả là con người tuy có địa vị tối cao nhưng vẫn gắn bó máu thịt với quê hương thôn dã. Những tình cảm của tác giả đối với quê hương được bộc lộ kín đáo: nhà vua rất gần dân chúng, rất yêu dân, yêu chuộng sự thanh bình

Bài thơ được viết theo thể thơ tứ tuyệt có ngôn ngữ hàm súc nhưng tinh tế, đậm chất hội họa. Cảm tưởng như mỗi một từ trong bài thơ đều là một đường bút, vẽ nên bức tranh của làng quê trong buổi chiều tà. Không những thế, nhịp thơ chậm rãi, đều đều cũng khiến người đọc cảm nhận được sự thanh bình, yên ả nơi chốn ấy.

Trong bài có nhiều hình ảnh thơ vừa chân thực, bình dị, gần gũi, vừa giàu ý nghĩa ẩn dụ tượng trưng. Biện pháp tiểu đối kết hợp với điệp ngữ đầy thú vị, độc đáo, giúp tác phẩm mang đầy tính nghệ thuật. 

“Thiên Trường vãn vọng” là một bài thơ đơn giản, gợi tả cảnh xóm thôn, đồng quê vùng Thiên Trường qua cái nhìn và cảm xúc của Trần Nhân Tông. Thế nhưng ẩn sâu trong đó là niềm yêu quê hương, yêu vẻ đẹp thanh bình, yên ả cùng nhiều triết lí sâu xa của Phật giáo. Thông qua bài thơ, độc giả thế hệ sau có thể nhận thấy bức chân dung của tác giả: một vị vua hiền minh. 

Gửi đến bạn đọc 7+ 👉 Mẫu Phân Tích Tác Phẩm Mắt Sói Ngắn Gọn

Phân Tích Thiên Trường Vãn Vọng Lớp 8 Hay Nhất

Trần Nhân Tông là một nhà thơ tiêu biểu của thời Trần. Ông là một vị vua yêu nước, một người anh hùng nổi tiếng với tấm lòng nhân ái. Tác phẩm “thiên trường vãn vọng” thể hiện tinh thần yêu nước sâu đậm của tác giả Trần Nhân Tông. Bài thơ thể hiện tấm lòng nặng tình nặng nghĩa đối với mảnh đất quê hương. Bài thơ được viết nhân dịp Trần Nhân ông về thăm quê cũ ở huyện Thiên Trường.

“Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lí ngưu quy tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền”.

Nhà văn Ngô Tất Tố dịch là:
“Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều man mác có dường không
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”.

Mở đầu bài thơ là nỗi nhớ tràn ngập, da diết của tác giả về quê hương. Hai câu thơ đầu mô tả cảnh chiều hôm chốn thôn quê:

“Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch dương biên.”

Sau khi lãnh đạo đánh thắng được quân Mông- Nguyên, đất nước được độc lập, trở về trạng thái yên bình. Nhân dịp thăm quê hương vua Trần Nhân Tông ngẫu nhiên sáng tác ra bài thơ này. Hai câu thơ đầu miêu tả cảnh thiên nhiên vùng quê lúc chạng vạng tối. Cảnh vật hiện lên mờ mờ ảo ảo. Những xóm làng, mái nhà san sát nhau, mờ ảo “tựa khói lồng”. Đó chính là những làn sương hòa quyện với mái nhà tranh, tạo nên một khung cảnh mờ ảo, nên thơ.

Hay đó chính là khói từ bếp lửa của những ngôi nhà trong xóm, mang lại cho ta cảm giác ấm áp, yên bình. Đất nước đã được yên bình, hình ảnh những ngôi nhà liền với bếp lửa cho thấy nhân dân có cuộc sống ấm no, đủ đầy. Sương khói đan quyện vào “xóm trước thôn sau” tạo lên một cảnh đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh. Điệp từ “bán” được lặp lại hai lần tỏ rõ sự băn khoăn trước sự mờ ảo của cảnh đẹp.

Cảnh vật trong hai câu thơ đầu hiện lên thật yên bình, là cảnh tĩnh với bóng chiều cùng khói bếp, đem đến khung cảnh nửa thật nửa hư “ bán vô bán hữu” gời những cảm xúc khó tả trong lòng người đọc. Chính tình yêu quê hương đất nước, cùng sự cảm nhận tinh tế và sâu sắc Trần Nhân Tông đã đưa ngòi bút của mình viết lên những lời thơ thật đẹp, thật nên thơ. Hai câu thơ sau cho thấy sự hòa quyện, đan xen giữa con người và thiên nhiên:

“Mục đồng địch lí ngưu quy tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền”

Ngoại cảnh và tâm cảnh phải chăng đang hòa hợp, tạo nên sự gắn kết giữa thiên nhiên và con người. Bức tranh làng quê đã đẹp này càng thêm đẹp hơn khi có sự xuất hiện của bóng dáng con người. Nhà thơ đã khéo léo khi đưa hình ảnh cánh cò và lũ trẻ đang chăn trâu vào trong tác phẩm, là hình ảnh đặc trưng của chốn làng quê.

Trong bóng chiều chập chờn hư ảo là hình ảnh mấy đứa trẻ chăn trâu đang thong thả trên con đường làng. Cùng với đó là tiếng “sáo vẳng”, “cò trắng từng đôi liệng” một bức tranh làng quê thật đẹp, thật có hồn đậm đà phong vị quê hương đất nước. Cánh cò không xuất hiện đơn lẻ mà bay theo từng đôi, là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc. Thi nhân đang phơi phới niềm vui khi được đứng trên mảnh đất thân thương, nơi nuôi dưỡng tâm hồn nhà thơ từ những ngày còn bé.

Qua đó cho ta thấy được sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, đem lại những cảm giác gần gũi, thân thuộc. Con người xuất hiện làm cho không khí bài thơ trở nên sinh động. Cảnh đã đẹp nay có hồn người lại càng đẹp hơn. Hình ảnh con người là nét chấm phá làm cho bức tranh trở nên có hồn. Ta đã từng bắt gặp khung cảnh đẹp đẽ, cùng tình người ấy trong những câu trinh phụ ngâm:

“Nhà thôn mấy xóm chông chênh
Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm”

Chỉ bằng một vài nét chấm phá tài hoa, Trần Nhân Tông đã tạo lên một bức tranh làng quê đẹp đẽ, mờ ảo bởi những cánh cò trắng. Một bức tranh thật đẹp và có hồn đậm đà phong vị quê hương, thấm đậm tình người. Với việc sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn, hàm súc cùng nhịp thơ êm ái hài hòa, ngôn ngữ miêu tả đậm chất hội họa, bức tranh thiên nhiên và cảnh sinh hoạt hiện lên đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.

Qua bài thơ “thiên trường vãn vọng”, tác giả như đắm chìm vào cảnh vật, vào non sông đất nước. Ẩn sâu trong đó là tình yêu quê hương, yêu vẻ đẹp thanh bình, bức chân dung của một vị vua hiền minh.

Xem ngay những 💛 Mẫu Phân Tích Bài Thơ Vịnh Cây Vông 💛 Hay Nhất

Phân Tích Bài Thơ Thiên Trường Vãn Vọng Đầy Đủ

Nếu phải tìm bản nhạc hay nhất, có lẽ tôi sẽ chọn văn chương. Bởi chỉ khi đến với văn chương, người nghệ sĩ mới được tự do để trái tim dẫn dắt, được thể hiện quan niệm của chính mình và rồi mang đến cho người đọc biết bao giai điệu cảm xúc với nhiều cung bậc. Và nhà thơ Trần Nhân Tông đã để tác phẩm “Thiên Trường vãn vọng” của mình là nốt ngân đầy sáng tạo trong bản hòa tấu của văn học Việt Nam. Bài thơ là một sáng tạo độc đáo về nội dung và nghệ thuật.

Trần Nhân Tông là vị vua thứ ba của nhà Trần. Nhắc tới Trần Nhân Tông, người ta nghĩ ngay tới người anh hùng cứu nước, vị vua tài trí lỗi lạc đã cùng quân dân nhà Trần đánh bại quân xâm lược Mông Cổ, làm nên một thời đại anh hùng trong lịch sử dân tộc – thời đại Đông A. Trần Nhân Tông còn là vị thiền sư sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nên văn học trung đại nói riêng và thơ ca Việt Nam nói chung. Thơ Trần Nhân Tông tràn đầy cảm hứng yêu nước và hào khí Đông A. Đặc biệt, thơ ông luôn thể hiện cái nhìn trìu mến, nâng niu; tình cảm gắn bó với cảnh sắc thiên nhiên đất nước và cuộc sống của nhân dân.

Cuộc sống hết sức phong phú, đa dạng, nhà văn nhà thơ phải quan sát kỹ lưỡng và tinh tế mới phát hiện ý nghĩa sâu xa tiềm ẩn trong sự vật, hiện tượng. Không dừng lại ở việc quan sát những con người bình thường mà phải tìm được chìa khóa để khám phá thế giới nội tâm con người.

Nhan đề bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” đã thể hiện được tư tưởng, tình cảm của người nghệ sĩ. Thiên Trường là một địa danh thuộc vùng đất Nam Định. Từ “vãn” có nghĩa là chiều; “vọng” là nhìn, ngắm, trông ra. Nhan đề được dịch là ngắm cảnh Thiên Trường trong buổi chiều tà. Trước hết, chúng ta cần phải đặt trong hoàn cảnh sáng tác của bài thơ để hiểu rõ hơn về nhan đề.

Bài thơ được sáng tác trong dịp vua Trần Nhân Tông về thăm quê cũ ở Thiên Trường (thuộc tỉnh Nam Định ngày nay). Nhan đề bài thơ đã gợi mở cho người đọc về thời gian, không gian được nhắc đến trong bài thơ. Thời gian lúc này là buổi chiều, đây là khoảng thời gian kết thúc của một ngày, vạn vật đều trở về nghỉ ngơi. Còn không gian là ở phủ Thiên Trường, đó là nơi quê hương của tác giả. Từ “vọng” đã miêu tả hành động của nhân vật trữ tình, đang phóng tầm mắt ra xa để ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên. Như vậy, nhan đề tuy ngắn gọn nhưng đã khái quát được nội dung của bài thơ.

Hai câu thơ mở đầu, nhà thơ đã gợi tả khung cảnh làng quê vùng Thiên Trường trong ánh chiều tàn:

 “Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên,

Bán vô, bán hữu tịch dương biên.”

(“Trước thôn, sau thôn, khí trời mờ nhạt như khói,

Bóng chiều tà nửa không, nửa có”)

Ở hai câu thơ đầu, nhà thơ khắc họa một không gian làng quê đẹp và mộng ảo tựa như bức tranh vẽ. Cảnh vật hiện ra không rõ nét, nửa hư nửa thực, mờ ảo. Không gian được nhắc đến là “trước thôn, sau thôn”. Cặp từ trái nghĩa “trước-sau” cùng với hình ảnh thôn quê gợi ra một bức tranh vùng quê ấm cúng, gần gũi, thân thương.

Hình ảnh thơ “Khí trời mờ nhạt như khói” là một khám phá tinh tế của nhà thơ. Phải chăng khói từ những căn bếp của nhà dân đang nấu cơm, nên khói bay lên nhiều tạo thành cả màn khói bảng lảng phủ kín ngôi làng. Điều đó cho thấy cuộc sống ấm no, sung túc của thôn quê.

Thời gian được thi sĩ nhắc đến trong câu thơ là buổi chiều tà. Buổi chiều là một khoảng thời gian rất đắt giá trong văn học trung đại, cũng như văn học nói chung. Nó thường đem đến cho con người những cảm xúc đặc biệt, khơi gợi trong tâm hồn những nỗi xúc động sâu sắc, đặc biệt là với những con người xa quê lâu ngày. Viết về khoảng thời gian chiều tà ấy đã có biết bao thi nhân để lại những vần thơ đặc sắc. Thôi Hộ trong bài “Hoàng hạc lâu”, một lần nữa cũng biểu đạt tài tình cái khoảnh khắc này: 

Nhật mộ hương quan hà xứ thị? 

Yên ba giang thượng sử nhân sầu”.

(“Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu? 

Trên sông khói toả, sóng gợn, khiến người sinh buồn!”)

Thời sau, Huy Cận cũng có một lần rung cảm như thế:

 “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc… 

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa

 Lòng quê dợn dợn vời con nước, 

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

Hai câu thơ cuối là sự kết hợp hài hòa, hòa quyện giữa con người và thiên nhiên:

“Mục đồng địch lý ngưu quy tận”

Bạch lộ song song phi hạ điền

(“Mục đồng sáo vẳng trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”)

Hình ảnh “mục đồng sáo” gợi ra cho người đọc bức tranh của những chú bé mục đồng. Câu thơ như ùa về những kỉ niệm đẹp gắn bó của thi nhân. Hình ảnh đàn trâu trở về, trâu là vật gắn bó quen thuộc của mỗi nhà dân. Người ta thường nói “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Hiện lên trên bức tranh ấy là hình ảnh đàn cò trắng bay lượn.

Nhà thơ đã sử dụng bút pháp chấm phá điểm xuyết “Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”. Câu thơ giàu chất hội họa, hiện lên trên nền xanh của cánh đồng lúa là màu trắng đẹp của con cò siêng năng kiếm ăn nơi đồng ruộng. Nó khiến người đọc dễ nghĩ đến một cảnh tượng đẹp trong ca dao: “Con cò bay lả bay la, bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”. 

Mỗi một tác phẩm là một phát minh về nội dung và một khám phá về nghệ thuật. Bài thơ Thiên Trường vãn vọng thành công nhờ vào giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.  Với bốn câu thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn, Cảnh tượng buổi chiều ở phủ Thiên Trường trầm lặng mà không đìu hiu. Ở đây vẫn ánh lên sự sống của con người trong sự hòa hợp với cảnh vật thiên nhiên một cách nên thơ.

Qua đó giúp chúng ta tâm hồn gắn bó máu thịt với quê hương dân dã của nhà vua. Bài thơ là sự kết hợp điệp ngữ và tiểu đối sáng tạo, nhịp thơ êm ái hài hòa. Nhà thơ đã sử dụng ngôn ngữ miêu tả đậm chất hội họa. Tất cả làm nên thành công của bài thơ.

Tham khảo thêm ❤️️ Mẫu Phân Tích Bài Thơ Lễ Xướng Danh Khoa Đinh Dậu ❤️️ ngắn gọn

Phân Tích Bài Thơ Thiên Trường Vãn Vọng Học Sinh Giỏi

Nền văn học Việt Nam trong thời trung đại (từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX), cùng với những bài thơ biểu ý như Nam quốc sơn hà, Tụng giá hoàn kinh sư, cha ông ta đã sáng tác khá nhiều tác phẩm biểu cảm. “Để biểu cảm, người viết biến đồ vật, cảnh vật, sự việc, con người… thành hình ảnh bộc lộ tình cảm của mình”. Bài thơ Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông và Côn sơn ca của Nguyễn Trãi chính là hai văn bản như thế.

Qua bức tranh cảnh vật và con người, hai tác giả đã bộc lộ những tình cảm thật chân thành của mình. Hai bức tranh thiên nhiên, hai hồn thơ thắm thiết tình yêu quê hương, đất nước, niềm lạc quan, yêu đời, rất đáng trân trọng.

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,

Bán vô bán hữu tịch dương biên.

Mục đồng địch lí ngưu quy tận,

Bạch lộ song song phi hạ điền”.

Nhà văn Ngô Tất Tố dịch là:

“Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,

Bóng chiều man mác có dường không

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”.

Tương truyền, sau khi lãnh đạo quân dân ta chiến đấu chống giặc Mông – Nguyên thắng lợi, đất nước trở lại thanh bình, nhân dịp về thăm quê hương ở Thiên Trường (thuộc tỉnh Nam Định ngày nay), vua Trần Nhân Tông đã ngẫu hứng sáng tác bài thơ này. Bài thơ được viết theo thể thơ Đường, thất ngôn tứ tuyệt, âm điệu hài hòa, nhẹ nhàng, thanh thoát. Đây là bức tranh thôn dã vào lúc chiều tà, đang ngả dần về tối. Hai câu đầu tả cảnh làng xóm mơ màng, yên ả:

“Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,

Bóng chiều man mác có dường không”.

Thôn xóm, nhà tranh mái rạ nối nhau, sum vầy phía trước, phía sau, bốn bề san sát, khói phủ nhạt nhòa, mờ tỏ, “bán vô bán hữu” nửa như có, nửa như không. Khói tỏa từ đâu ra thế? Phải chăng, đó là những làn sương chiều lãng đãng hòa quyện với những vầng khói thổi cơm ngay từ những mái nhà lan tỏa thành một màn sương – khói trắng mờ, êm dịu bay nhẹ nhàng thanh thản khiến người ngắm cảnh cảm thấy chỗ tỏ, chỗ mờ, lúc có, lúc không.

Cảnh thoáng, nhẹ, khiến tâm hồn con người cũng như lâng lâng. Hay chính lòng người đang lâng lâng, mơ mộng nên nhìn thấy làng xóm, khói sương êm ả, thanh bình như thế? Ngoại cảnh và tâm cảnh hòa hợp rất tự nhiên. Xuống hai câu sau, trong cảnh có chút xao động:

“Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”.

Bức tranh thôn dã có thêm âm thanh, màu sắc và vài ba cử động. Nơi gần, có mấy “mục đồng” lùa trâu về xóm, vừa đi vừa thổi sáo, tiếng sáo vi vu, văng vẳng cất lên. Nơi xa, mấy cánh cò trắng, từng đôi, từng đôi sà xuống đồng như muôn tìm mồi, hay định nghỉ ngơi! Người và vật, thiên nhiên, đồng ruộng, âm thanh và màu sắc…, tất cả đã hòa nhập với nhau vẽ nên bức tranh quê hương thanh bình, êm vắng mà thật có hồn. Nhà thơ chỉ chọn vài chi tiết tiêu biểu, rồi chấm phá vài nét như muốn thổi cả tâm hồn mình vào cảnh vật.

Cảnh vốn đẹp, qua hồn người càng đẹp thêm. Cả một miền quê rộng lớn được thu lại trong bốn dòng thơ hàm súc và biểu cảm. Rõ ràng cảnh tượng buổi chiều ở phủ Thiên Trường là cảnh tượng vùng quê trầm lặng mà không đìu hiu vì ở đây vẫn có sự sống con người trong mối giao hòa với cảnh vật thiên nhiên rất đỗi nên thơ. Một ông vua mà sáng tác những vần thơ gợi cảm như thế chứng tỏ đây là con người tuy có địa vị tối cao, nhưng tâm hồn vẫn gắn bó máu thịt với quê hương thôn dã.

Nói khác đi, qua bài thơ Thiên Trường vãn vọng, vua Trần Nhân Tông đã bộc lộ tình yêu quê hương, tình yêu nhân dân, yêu đời trong sáng. Điều đó cũng chứng tỏ, ở thời đại nhà Trần, dân tộc ta, nhân dân ta sống rất cao đẹp. Bài thơ của Trần Nhân Tông góp thêm một vầng sáng nữa vào “Hào khí Đông A” của thơ văn đời Trần.

Xem ngay 👉 Bài Văn Phân Tích Bài Thơ Số 28 Của Tago

Phân Tích Thiên Trường Vãn Vọng Lớp 8 Ngắn Nhất

Thiên Trường vãn vọng hay còn được biết đến với cái tên Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra, là một thi phẩm nổi tiếng của thi sĩ Trần Nhân Tông.

Bài thơ Thiên Trường vãn vọng được viết bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Và cũng là một sáng tác mẫu mực, điển phạm cho thể thơ này, được nhiều nhà văn, nhà thơ ca ngợi hết mực.

Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô, bán hữu tịch dương biên

Ở hai câu thơ đầu, nhà thơ khắc họa một không gian làng quê đẹp và mộng ảo tựa như tranh vẽ. Toàn bộ ngôi làng, từ đầu làng cho đến cuối làng đều được bao phủ bởi làn khói chiều. Đây là khói được tao ra từ những căn bếp đốt bằng rơm khô, bay qua ống khói rồi chảy ngược lên trời. Nhà nhà đều đang nấu cơm, nên khói bay lên nhiều tạo thành cả màn khói bảng lảng phủ kín ngôi làng. Điều đó cho thấy các gia đình ở đây đều có cuộc sống ấm no, đến tối đều được nấu cơm để ăn uống, nghỉ ngơi.

Cùng với đó, là ánh hoàng hôn vàng cam hắt xuống mặt đất, xuyên qua những làn khói mờ ảo, nhuộm lên cả ngôi làng một màu sắc mờ ảo, tựa như chốn bồng lai tiên cảnh. Điêp từ bán được lặp lại hai lần, tỏ rõ sự ngờ vực, băn khoăn khó phân biệt của nhà thơ trước cảnh đẹp này.

Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi há điền.

Giữa cảnh đẹp thần tiên ấy, xuất hiện hình ảnh chú bé mục đồng dẫn trâu trở về nhà. Chi tiết ấy khiến cảnh vật trở nên thực hơn, chân thật hơn và ấm cúng hơn. Cậu bé ấy đang trở về mái ấm của mình, về căn bếp đang đỏ lửa. Tiếng sáo của chú bé mục đồng là âm thanh dẫn trâu đi đúng lối về nhà, và cũng là tín hiệu cho những cánh cò trắng phía đằng xa.

Hình ảnh đôi cò trắng bay xuống cánh đồng trong dòng thơ cuối được tác giả gửi gắm nhiều ngụ ý. Cò không xuất hiện đơn lẻ, mà là từng đôi bay song song với nhau, chính là biểu tượng cho đôi lứa nông dân, cho sự phát triển dòng giống của dân tộc. Đó chính là xuất phát điểm cho những gia đình, những làng quê nhỏ bé. Các làng quê đó là nền móng cho đất nước phát triển ngày càng thịnh vượng hơn.

Bài thơ Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông là một sáng tác thơ với những cảm xúc lắng đọng sâu sắc. Từ cảnh đẹp đầm ấm, sum vầy của làng quê được miêu tả, tác giả thể hiện niềm tự hào về sự phát triển của giang sơn, về cuộc sống ấm no của bà con. Cùng với đó, tác giả gửi gắm những hi vọng về sự phát triển, mở rộng hơn nữa của làng quê qua hình ảnh biểu tượng đôi có trắng.

Gợi ý bạn 👉 Mẫu Phân Tích Bài Thơ Lai Tân Ngắn Gọn

Phân Tích Nhan Đề Thiên Trường Vãn Vọng Hay

Trần Nhân Tông (1258 – 1308) là ông vua anh hùng – thi sĩ của Đại Việt trong thế kỷ XIII. Thông minh, học rộng, có tài thao lược và rất tài hoa.

Tên tuổi nhà thơ gắn liền với những chiến công hiển hách của nhân dân trong hai cuộc kháng chiến lần thứ hai và lần thứ ba đánh thắng giặc Nguyên – Mông xâm lược.

Trong một số bài thơ chữ Hán của Trần Nhân Tông để lại có hai bài viết về Thiên Trường, mảnh đất ‘phát nghiệp đế vương’ của nhà Trần: “Hạnh Thiên Trường hành cung’ và ‘Thiên Trường vãn vọng’.

Thiên Trường là một trong 12 lộ thời Trần, thuộc Sơn Nam; nay thuộc thành Nam Định. Thiên Trường vốn là Thái ấp của vua chúa nhà Trần, ở đây xưa không có nhiều cung điện nguy nga tráng lệ.

‘Thiên Trường vãn vọng’ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật (luật trắc, vần bằng). Bài thơ gợi tả cảnh xóm thôn, đồng quê vùng Thiên Trường qua cái nhìn và cảm xúc của Trần Nhân Tông, cảm xúc lắng đọng, cái nhìn man mác, bâng khuâng ôm trùm cảnh vật:

‘Thôn hậu, thôn tiền, đạm tự yên,
Bán vô, bán hữu, tịch dương biên.
Mục đồng địch lí ngưu quy tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền’

Hơn 60 năm về trước, cụ Ngô Tất Tố đã dịch rất hay bài thơ này.

Hai câu thơ đầu gợi tả cảnh làng quê vùng Thiên Trường trong ánh chiều tàn. Bốn chữ ‘thôn Hậu thôn tiền’ và ‘bán vô bán hữu’ liên kết đôi, tạo nên sự cân xứng hài hòa về ngôn ngữ đã gợi lên cảnh xóm thôn nối tiếp gần xa, đông đúc, trù phú. Trong bóng chiều nhạt nhòa, xóm thôn ‘trước xóm sau thôn’ phủ mờ khói như càng trở nên mơ màng, mênh mang. Khói của sương chiều. Khói lam chiều vấn vương, nhẹ bay trên những mái nhà gianh sau lũy tre làng.

Chỉ bằng 3 nét vẽ rất chọn lọc, lối tả ít mà gợi nhiều của thi pháp cổ, thi sĩ đã làm hiện lên một không gian nghệ thuật về cảnh sắc làng quê một buổi chiều tàn phủ mờ sương khói và ánh tà dương nơi yên bình, êm đềm, nên thơ. Nét vẽ thanh nhẹ. Cảnh vật bao la, tĩnh lặng. Ngoại cảnh và tâm cảnh đồng hiện. Tưởng như thi sĩ đang thả hồn mình vào cảnh vật, lặng ngắm thôn xóm quê hương gần xa không chán. So sánh ‘đạm tự yên’ (mờ nhạt như không là một hình tượng đầy thi vị. Cả một hồn quê man mác gợi cảm):

‘Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô, bán hữu tịch dương biên

(Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều man mác có dường không).

Hai câu cuối là cảnh sắc đồng quê rất dân dã, bình dị, thân thuộc mà đáng yêu. Trên những nẻo đường quê, đàn trâu nối đuôi nhau về thôn. Có âm thanh tiếng sáo mục đồng cất lên, âm thanh réo rắt, hồn nhiên, thanh bình của làng quê ta xưa nay. Có từng đôi, từng đôi cò trắng bay liệng, nối tiếp nhau hạ xuống đồng.

Nhà thơ không nói đến màu xanh và hương lúa mà người đọc vẫn cảm nhận được. Ngôn ngữ thơ, hình tượng thơ đầy gợi thanh và màu sắc, thanh tao và dào dạt sức sống. Bút pháp điểm nhãn, lấy động để tả tĩnh của tác giả được thể hiện một cách nhiều ấn tượng về bức tranh đồng quê này:

‘Mục đồng địch lí ngưu quy tận’
Bạch lộ song song phi hạ điền

(Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng).

Tình quê và hồn quê chan hòa, dào dạt. Thiên Trường thuở ấy, đường sá rầm rập ngựa xe, có biết bao cung điện của vua chúa, tôn thất nhà Trần, nhưng Trần Nhân Tông không nói đến lầu son gác tía, bệ ngọc ngai vàng tráng lệ nguy nga, mà chỉ nói đến cảnh sắc thiên nhiên, cảnh vật đồng quê. Điều đó cho thấy tâm hồn thi sĩ giàu tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước. Tính bình dị, dân dã, hồn nhiên là cốt cách, là hồn thơ của ông vua anh hùng – thi sĩ này. Cảm nhận ấy càng rõ khi ta đọc bài thơ ‘Hạnh Thiên Trường hành cung’ (Ngự chơi hành cung Thiên Trường):

‘Cảnh thanh u, vật cũng thanh u,
Mười mấy châu tiên ấy một châu.
Trăm tiếng đàn chim, dàn nhạc hát,
Nghìn hàng đám quýt, đám quân hầu.
Trăng vô sự chiếu người vô sự,
Nước có thu lồng Trời có thu.
Vừa bốn bể trong, vừa bụi lặng,
Độ xưa so với độ này thua’

Cảnh buổi chiều được nói đến trong bài ”Hạnh Thiên Trường hành cung’ là cảnh chiều thu, đó là điều ai cũng rõ. Trong bài ‘Thiên Trường vãn vọng’ là cảnh chiều xuân hay chiều thu? Rất khó xác định. Ta chỉ cảm nhận được đó là một buổi chiều êm đềm, xóm thôn phủ mờ sương khói tà dương. Không gian nghệ thuật và tâm trạng nghệ thuật đồng hiện cho ta khẳng định: Trần Nhân Tông viết ‘Thiên Trường vãn vọng’ sau năm 1288, khi giặc Nguyên – Mông đã bị nhân dân ta đánh bại, nước Đại Việt thanh bình, yên vui.

Bài tứ tuyệt ‘Thiên Trường vãn vọng’ là một bức tranh quê đậm nhạt, mờ sáng, rất đẹp và tràn đầy sức sống. Một bút pháp nghệ thuật cổ điển tài hoa. Một tâm hồn thanh cao, yêu đời. Tình yêu thiên nhiên, yêu đồng quê xứ sở đã được thể hiện bằng một số hình tượng đậm đà, ấm áp qua những nét vẽ tinh tế, gợi hình, gợi cảm, giàu liên tưởng. Kì diệu thay, bài thơ đã vượt qua một hành trình trên bảy trăm năm, đọc lên, nó vẫn cho ta nhiều thú vị. Ta vẫn cảm thấy cánh cò trắng được nói đến trong bài thơ vẫn còn bay trong ráng chiều đồng quê, và còn chấp chới trong hồn ta. Thơ đích thực là thế!

Bạn xem thêm 💛 Phân Tích Thông Tin Về Ngày Trái Đất Năm 2000 💛 cực hay

Phân Tích Bài Thơ Thiên Trường Vãn Vọng Chọn Lọc

Trong lịch sử nước ta, vị vua Trần Nhân Tông là một nhân vật lịch sử thật đặc biệt: ông là một vị vua yêu nước, có phẩm chất anh hùng, từng có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân giặc xâm lược Mông – Nguyên, làm nên một hào khí Đông A ngút trời, khiến cho dân tộc mãi tự hào cho đến hôm nay; ông còn là một con người có tấm lòng yêu thương con người và yêu cái đẹp, có một tâm hồn nghệ sĩ tinh tế thể hiện trong các tác phẩm thơ đặc sắc.

Bài thơ “Thiên Trường Vãn Vọng” là một bài tứ tuyệt được ông sáng tác khi về thăm quê ở phủ Thiên Trường (nay thuộc tỉnh Nam Định). Vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ gợi những xúc cảm thật nhẹ nhàng mà thấm thía:

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng

Bóng chiều man mác có dường không

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Có lẽ, mỗi khi bóng chiều phủ xuống, ở nơi nào chốn đồng quê Việt Nam cũng mang một nét đẹp yên ả. Và ở phủ Thiên Trường cũng vậy, sương chiều hay khói bếp nhà ai bắt đầu vương vấn trên cành cây ngọn cỏ, khiến cho nhà thơ để cái nhìn hết trước xóm, lại sau thôn rồi nhận xét:

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng

Câu thơ như gợi ra cảnh làng mạc thanh bình: những ngôi nhà, và những khu vườn trầm mặc trong sương khói. Một không gian rộng lớn mà yên ả, mà ở đó, ta thấy một niềm vui đời thường của cuộc sống nông thôn chỉ có được trong một thời đại thái bình thịnh trị, dưới quyền một vị minh quân. Có lẽ tâm trạng của nhà vua khi ngắm cảnh phủ Thiên Trường cũng đang dâng trào một niềm vui nhẹ nhàng mà to lớn trước cảnh tượng yên lành này. Nhà thơ hạ bút viết tiếp:

Bóng chiều man mác có dường không

Câu sau bổ trợ ý cho câu trước, trong làn “khói lồng” cảnh xóm thôn, bóng chiều buông phủ cũng huyền ảo quá, khi có khi không, khiến cho hồn người phải bồi hồi, man mác. Tả sương khói, bóng chiều vốn là thi liệu quen thuộc trong thơ cổ. Nhà thơ Thôi Hiệu, đời Đường cũng từng tả cảnh chiều trong bài “Hoàng Hạc lâu” như sau:

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu”

Nhưng ý thơ của Thôi Hiệu thì buồn quá, có lẽ vì ông đang phải xa quê, còn ý thơ của tác giả Trần Nhân Tông thì ẩn chứa niềm vui, bởi nhà thơ cảm nhận được sự sống yên bình của thiên nhiên và con người đang hòa quyện trong một không gian ấm cúng, thời gian giàu xúc cảm, trong ánh sáng dịu dàng của chiều tà và những màu sắc nhẹ của “tử yên”.

Vẻ đẹp thiên nhiên và phong cảnh phủ Thiên Trường lại được miêu tả thêm đẹp trong hai câu thơ cuối:

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

Cái đẹp cảnh chiều bây giờ được cảm nhận qua âm thanh “sáo vẳng” của mấy em bé mục đồng đang lùa đàn trâu về chuồng trước khi trời tối. Câu thơ khiến ta hình dung tiếng sáo ấy cứ từ xa đi đến ngày một gần hơn, du dương, vút cao niềm vui của tuổi nhỏ ngây thơ trong sáng. Đàn trâu cặm cụi đi trên cánh đồng trong ánh chiều bảng lảng thật là một chi tiết đẹp đẽ và yên bình. Cuộc sống nhân dân ấm no, vui tươi, nên cảnh chiều càng khiến người vui mừng khôn xiết.

Và với nét vẽ cuối trong bài thơ tứ tuyệt súc tích, thi sĩ hạ xuống một hình ảnh thân thuộc là “cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”. Đây quả là câu thơ giàu chất hội họa, khi giữa nền xanh của cánh đồng lúa bỗng nổi bật lên màu trắng đẹp của mấy con cò siêng năng kiếm ăn nơi đồng ruộng. Nó khiến người đọc dễ nghĩ đến một cảnh tượng đẹp trong ca dao: “Con cò bay lả bay la, bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”. Và trong vị trí là một người đứng đầu tối cao của đất nước, nhà vua vẫn cảm động trước một âm thanh tiếng sáo, vài cánh cò trên đồng lúa xanh, thì chắc hẳn đó phải là một vị vua yêu nước, thương dân, có lối sống giản dị, và có một tâm hồn yêu thiên nhiên, lai láng tình người, tình đời.

Như vậy, bài thơ tứ tuyệt “Thiên Trường vãn vọng” đã góp vào khu vườn thi ca Việt Nam một bức tranh phong cảnh đẹp, với hình ảnh thân thuộc, bình dị, với sắc màu tao nhã, và âm thanh trong trẻo dịu êm. Từ đó, tác giả Trần Nhân Tông giúp cho chúng ta, những con người của thế hệ sau, có thể hình dung và cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên và đời sống thanh bình no ấm của thời đại bấy giờ.

Tặng bạn —> 1001 Dẫn Chứng Nghị Luận Xã Hội (Mới Nhất)

Cảm Nhận Về Bài Thơ Thiên Trường Vãn Vọng Ngắn

Trong văn học trung đại bên cạnh đề tài thể hiện tình yêu đất nước, tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc thì còn có những bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu cảnh vật. Tình cảm đó được thể hiện rõ nét trong bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” của Trần Nhân Tông.

Hai câu thơ đầu tiên tả thời điểm và vị trí khi mà tác giả có mặt:

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên

Bán vô bán hữu tịch dương biên

Đọc câu thơ ta thấy xuất hiện thời gian đó là thời điểm cảnh hoàng hôn. Chọn thời điểm như vậy dường như cũng là một dụng ý của tác giả bởi cảnh vật khi đã hoàng hôn trên thôn quê thì vô cùng vắng lặng hiếm có hình ảnh con người nhưng khi ấy cảnh vật lại đang chuyển giao màu sắc nên cảnh vật sẽ vô cùng phong phú khiến cho thi nhân ngỡ ngàng. Địa điểm mà tác giả nói đến ở đây chính là trước xóm nhưng lại sau thôn và cảnh tượng ấy như đang chìm dần vào làn khói mờ giăng mắc khiến cho tầm mắt thi nhân khó quan sát hơn. Đó là làn khói từ trong bếp của các ngôi nhà đang chuẩn bị cơm tối.

Hình ảnh này gợi cho chúng ta cảm giác về tình cảm ấm cúng của gia đình, đó là một hình ảnh quen thuộc mà quê hương ai cũng có để rồi đi xa ai cũng nhớ cái hương vị của bếp củi đó. Cụm từ “bán vô bán hữu” nửa như có lại nửa như không có khiến cho chúng ta thấy được khung cảnh ấy vừa thực lại vừa ảo không rõ thực hư.

Mục đồng địch lí ngưu quy tận

Bạch lộ song song phi hạ điền

Âm thanh tiếng sáo làm cho bức tranh trở nên đầy sức sống. Chiều về , ngoài đồng, những con trâu theo tiếng sáo của trẻ con mà về, khung cảnh thật yên bình, đẹp đẽ. Màu trắng của từng đôi cò liệng xuống đồng cũng làm không gian bớt phần quạnh hiu.

Bức tranh được tác giả cảm nhận bằng nhiều giác quan: thị giác – sắc trắng tinh khôi của những cánh cò; thính giác – âm thanh tiếng sao du dương, trầm bổng của những đứa trẻ đi chăn trâu. Nếu như ở hai dòng thơ đầu, cảnh vật tịch mịch, tĩnh lặng không xuất hiện bất cứ chuyển động nào thì đến hai câu thơ cuối khung cảnh trở nên sinh động nhờ xuất hiện âm thanh và hoạt động của sự vật.

Hình ảnh “cò trắng từng đôi liệng xuống đồng” làm cho không gian được mở ra, trở nên thoáng đãng, cao rộng, trong sạch, yên ả. Qua đó còn cho thấy sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, đem lại cảm giác thân quen, gần gũi.

Cho đến nay bài thơ đã vượt qua rất nhiều những bài thơ viết về quê hương và trở thành bài thơ gây được nhiều ấn tượng lớn trong lòng người đọc. Tác phẩm đã gợi được cái hồn cái cốt cũng như con người của làng quê Việt Nam. Bài thơ sâu sắc nhưng lại vô cùng giản dị thể hiện khí chất của bậc hiền tài.

QUÀ VIP 👉 Thẻ Viettel Miễn Phí

Viết một bình luận