Liên Hệ Chữ Người Tử Tù: 22+ Mẫu Liên Hệ Mở Rộng Hay

Liên Hệ Chữ Người Tử Tù ❤️ 22+ Mẫu Liên Hệ Mở Rộng Hay ✅ Bài Văn Liên Hệ Chữ Người Tử Tù Hay Nhất Dành Cho Bạn Tham Khảo.

Cách Liên Hệ Chữ Người Tử Tù Của Nguyễn Tuân

Tham khảo cách liên hệ bài “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân dưới đây để biết cách làm dạng đề này nhé!

  • Bước 1: Đọc hiểu bài “Chữ người tử tù”
    • Nắm chắc câu truyện, diễn biến, nhân vật.
    • Hiểu được tính cách từng nhân vật, dụng ý của tác giả.
  • Bước 2: Phân tích “Chữ người tử tù” theo khía cạnh đề bài yêu cầu
    • Phân tích nhân vật Huấn Cao
    • Phân tích nhân vật Quản ngục
    • Phân tích vẻ đẹp con người trong câu chuyện,….
  • Bước 3: Liên hệ
    • Lựa chọn 1 tác phẩm có nội dung liên quan hoặc tác phẩm mà đề bài yêu cầu.
    • Nêu ngắn gọn câu chuyện được liên hệ và ý nghĩa của nó.
    • Chỉ ra sự tương đồng của 2 ngữ liệu.
  • Bước 4: Nhận xét, đánh giá “Chữ người tử tù”

Chữ Người Tử Tù Liên Hệ Với Bài Nào

Mời bạn đọc xem ngay các bài văn gợi ý có thể dùng để liên hệ với bài “Chữ người tử tù” ở ngay bên dưới:

1. Liên hệ Chữ người tử tù với Người lái đò sông Đà, đều là tác phẩm của Nguyễn Tuân. Một tác phẩm sáng tác trước cách mạng, tập trung khai thác vẻ đẹp chỉ còn vang bóng. Một tác phẩm sáng tác trong thời kỳ xây dựng cuộc sống mới, khai thác vẻ đẹp của những con người lao động.

2. Liên hệ Chữ người tử tù với Vĩnh biệt cửu trùng đài của Nguyễn Huy Tưởng. Thông qua cái chết của nhân vật, tác giả gửi gắm quan niệm về số phận người nghệ sĩ giữa cuộc đời, quan niệm về nghệ thuật và đời sống. Gửi gắm thông điệp về người nghệ sĩ với nghệ thuật và cuộc sống.

3. Liên hệ với tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao để thấy được cái đẹp có thể cứu vớt cuộc đời của một con người, hướng con người sống vươn tới chân, thiện, mỹ.

4. Liên hệ Chữ người tử tù với Ông Đồ để thấy sự thay đổi của xã hội khiến cho vẻ đẹp của “chơi chữ” cũng bị mai một theo thời gian.

5. Liên hệ Chữ người tử tù với Hai đứa trẻ để thấy được tài hoa thủ pháp nghệ thuật đối giữa bóng tối và ánh sáng của tác giả.

6. Liên hệ Chữ người tử tù với Chiếc thuyền ngoài xa để thấy được triết lí: những thứ nhìn được bằng mắt, biểu hiện ra bên ngoài chưa chắc đã là thật và ngược lại.

Bạn nên đọc 🌸 Tóm Tắt Chữ Người Tử Tù 🌸 để hiểu về câu chuyện!

Những Mẫu Liên Hệ Chữ Người Tử Tù Hay Nhất

Gợi ý cho bạn những bài văn liên hệ “Chữ người tử tù” hay nhất, xem ngay bạn nhé!

Liên Hệ Mở Rộng Chữ Người Tử Tù Ngắn Gọn

Chia sẻ đến độc giả bài văn liên hệ mở rộng “Chữ người tử tù” ngắn gọn, mời các bạn cùng xem:

Nguyễn Tuân (1910 – 1987) được mệnh danh là một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp của cuộc đời và viết lên những áng văn hay cho hậu thế. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, quan niệm cái đẹp của Nguyễn Tuân là những thứ chỉ còn xuất hiện trong quá khứ ở những bậc cao nhân tài hoa. Còn sau cách mạng với sự thay đổi của thời đại quan điểm cái đẹp của ông đã thay đổi gắn liền với cuộc sống thường nhật từ những gì dung dị nhất.

Thông qua hai nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” và ông lái đò trong “Người lái đò sông Đà” ta thấy rõ nhất sự chuyển dịch trong cảm hứng sáng tác của nhà văn Nguyễn Tuân.

Có thể nói, “Chữ người tử tù” được xem là truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Tuân trong gia đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Truyện ngắn này được trích ra từ tập “Vang bóng một thời” đây là tập truyện kể về những con người tài hoa giờ đã vang bóng một thời. Nhân vật chính của truyện là Huấn Cao người mang vẻ đẹp của một người nghệ sĩ tài hoa với khả năng viết chữ thư pháp đẹp nức tiếng gần xa.

Ngay cả Viên quản ngục của một huyện nhỏ vô danh cũng biết: “Chữ ông đẹp lắm, vuông lắm…có được chữ ông Huấn Cao mà treo trong nhà là có một vật báu ở trên đời“. Cho nên sở nguyện của Viên quản ngục là một ngày kia ngôi nhà của ông sẽ được treo một đôi câu đối do chính tay ông Huấn Cao viết.

Huấn Cao không chỉ có tài viết chữ đẹp mà ông còn có một thiên lương trong sáng. Ông không bao giờ ép mình cho chữ vì tiền hay vì quyền thế. Ông chỉ cho chữ những người biết trân quý cái đẹp cái tài. Cho nên suốt đời Huấn Cao mới chỉ viết hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn mà ông yêu mến.

Lúc đầu, ông tỏ ra khinh bạc viên quản ngục vì nghĩ rằng hắn định có âm mưu đen tối gì với mình khi biệt đãi trong phòng giam. Rồi từ từ Huấn Cao mới cảm nhận được tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của ông quản ngục và viên thơ lại. Họ là những người biết yêu cái đẹp thành tâm xin chữ Huấn Cao. Và để không phụ lòng viên quản ngục ông đã cho chữ ngay trong nhà lao.

Nhân vật Huấn Cao không chỉ đẹp ở tài năng mà còn đẹp ở cái tâm và ý chí bất khuất hiên nang của người quân tử. Ở ông có khí phách của người anh hùng mà không phải ai cũng có thể có được. Thông qua nhân vật Huấn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân đã bộc lộ niềm tin bất diệt vào những cái đẹp mang giá trị cao quý ngay cả trong những nơi tối tăm, dơ bẩn nhất vẫn tỏa sáng.

Nếu như Huấn Cao được ví như anh tài xuất chúng được xây dựng trong hoàn cảnh có một không hai thì nhân vật ông lái đò lại có chút bình dị hơn. Trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân nhân vật ông lái đò được xây dựng hết sức chân thật qua công việc ông làm.

Ông lái đò là người có ngoại hình rất đặc biệt với hai tay “lêu nghêu”, chân “khuỳnh khuỳnh”, giọng nói thì “ào ào như tiếng nước trước mặt gềnh”, đôi mắt thì “vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào đó”… Với đặc điểm ngoại hình như thế chúng ta thấy được rất phù hợp với môi trường lao động trên sông nước của ông.

Ông lái đò được Nguyễn Tuân miêu tả là một người rất tài trí và có phong thái ung dung pha chút nghệ sĩ. Ông là người làm nghề rất có tâm hiểu biết tường tận từng ngóc ngách của con sông cũng như tính nết của nó. Ông nhớ như đóng đanh vào lòng những luồng nước và tất cả những con thác hiểm trở. Nắm bắt được trận đồ binh pháp của thần sông, thần đá. Thuộc làu quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở. Đặc biệt, ông còn chỉ huy được các cuộc vượt thác một cách tài tình biết rõ từng cửa sinh, cửa tử mà vượt qua.

Nguyễn Tuân miêu tả ông lái đò như một vị tướng hiên ngang “tả xung hữu đột” trước muôn trùng sóng nước của sông Đà. Ông là người rất dũng cảm biết chịu cái đau của thể xác do vật lộn với sóng to gió lớn để chiến thắng thác dữ bằng những động tác táo bạo và vô cùng chuẩn xác. Ta thấy ông lái đò được xây dựng như một nghệ sĩ thực thụ chứ không phải là một người lái đò bình thường.

Cả hai nhân vật Huấn Cao và ông lão lái đò đều được xây dựng bằng biện pháp lý tưởng hóa. Xuất phát từ cơ sở cái nhìn độc đáo của nhà văn Nguyễn Tuân. Ông nhìn con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ có thể làm nổi bật lên những vẻ đẹp phi thường trong tài năng, cốt cách của họ. Nhà văn đã đặt hai nhân vật vào những tình huống đầy thử thách để giúp họ bộc lộ được phẩm chất đáng quý của mình.

Nếu như khi xây dựng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân sử dụng tri thức nghệ thuật thì xây dựng nhân vật ông lái đò nhà văn lại vận dụng nhiều vốn tri thức đời sống. Chính điều này đã khiến cho ngòi bút Nguyễn Tuân thuyết phục được nhiều đối tượng độc giả. Những tác phẩm văn chương của ông không chỉ đẹp về mặt ngôn từ còn có giá trị nghệ thuật rất đặc sắc mà hậu thế phải công nhận.

Mẫu 🌸 Dàn Ý Chữ Người Tử Tù 🌸 chi tiết!

Liên Hệ Bản Thân Chữ Người Tử Tù Đặc Sắc

Bạn có thể tham khảo bài văn liên hệ “Chữ người tử tù” bên dưới để làm bài hay hơn!

Mỗi tác phẩm đều được nhà văn thai nghén để tạo nên những tác phẩm kiệt tác trong tác phẩm của mình, chính vì thế để thai nghén nên tác phẩm Chữ Người Tử Tù Nguyễn Tuân đã phải miêu tả chi tiết, hấp dẫn những chi tiết đem lại nhiều giá trị và nội dung nghệ thuật đặc sắc xuất hiện trong tác phẩm.

Tác phẩm Chữ Người Tử Tù là tác phẩm để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm đó là kiệt tác của Nguyễn Tuân trên con đường đi tìm cái đẹp chân chính, ông là văn xuất sắc với những tác phẩm hay để lại cho người đọc rất nhiều suy ngẫm, lo âu, chính tác phẩm của ông đã đem đến cho người đọc nhiều giá trị to lớn cho tác phẩm của mình. Mỗi tác phẩm đều được thai nghén để tạo nên những giá trị riêng cho toàn bộ tác phẩm.

Tác phẩm chữ người tử từ đã để lại cho người đọc thấy được khung cảnh của cuộc cho chữ của Huấn Cao với tên quản ngục, khung cảnh ở nơi cho chữ là ngục tù tối tăm, có nhiều phân chuột, nó hoàn toàn đối lập với cái đẹp trong nhân cách của người nghệ sĩ, trong nhân cách của người nghệ sĩ, và tinh thần yêu cái đẹp trong cuộc sống của hai người.

Mỗi chi tiết đều được tác giả miêu tả chi tiết, sâu sắc nhất, Huấn Cao nổi bật lên là một người nghệ sĩ tài hoa, ông là người nghệ sĩ yêu cái đẹp chân chính, những chi tiết miêu tả sâu sắc, chi tiết trong tác phẩm là hình ảnh người anh hùng luôn cố gắng vì cái đẹp, luôn hết mình, hy sinh vì cái đẹp, ông là người nghệ sĩ tài ba, ung dung đứng vững trước cuộc sống, không bị cái xấu, cái ác chi phối.

Người nghệ sĩ tài hoa, ông có biệt tài viết chữ đẹp, chính vì thế ông được rất nhiều người ngưỡng mộ trong đó có Viên Quản Ngục. Hình ảnh viên quản ngục xuất hiện để nhằm đề cao cái đẹp trong nghệ thuật chân chính, ông yêu cái đẹp, ca ngợi cái đẹp, luôn mong được thể hiện và hết mình vì cái đẹp.

Chính người nghệ sĩ tài ba đó đã để lại cho chúng ta nhiều cảm xúc đặc biệt sâu sắc, xuất hiện trong tác phẩm, mỗi một chi tiết lại biểu hiện một hình ảnh đặc biệt, chi tiết, hình ảnh người nghệ sĩ tài hoa Huấn Cao viết chữ như rồng cuốn, phượng bay, biệt tài đó đã đề cao cái đẹp, đề cao người nghệ sĩ chân chính.

Còn viên quản ngục là người tài hoa, ông có tinh thần yêu cái đẹp, đam mê cái đẹp, tuy nhiên ông lại sống trong nơi tối tăm của ngục tù, chính vì điều đó mà Huấn Cao đã khuyên ông nên trốn khỏi nơi ngục tù để giữ cho thiên lương trong sạch. Với tấm lòng cao cả, Huấn Cao nhận thực được kẻ xấu, người ác, ông thể hiện tấm lòng mến mộ của mình với những người yêu cái đẹp, với người đam mê đi tìm cái đẹp chân chính.

Trong tác phẩm, tác giả đã thể hiện chi tiết sâu sắc hình ảnh của người nghệ sĩ tài hoa, hết mình vì cái đẹp, một người có phong thái ung dung, tự tại, kiên cường, không sợ cái xấu, cái ác, ông luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống, dù đang đối diện với cái chết cận kề.

Thông qua hai nhân vật, chúng ta có thể thấy hình ảnh của người nghệ sĩ chân chính, tài hoa, hết mình vì cái đẹp, vì nghệ thuật chân chính, luôn theo đuổi niềm đam mê, nghệ thuật tài hoa, tinh thần ham học hỏi, đam mê cái đẹp trong nghệ thuật chân chính đó. Người nghệ sĩ là người yêu cái đẹp, luôn tôn thờ cái đẹp.

Chúng ta có thể thấy, Nguyễn Tuân là nhà văn đi tìm cái đẹp, trong mỗi tác phẩm của ông, cái đẹp luôn hiện hữu, xuất hiện trong từng chi tiết, khoảnh khắc, tác phẩm này đã thể hiện được sâu sắc những điều đó thông qua từng chi tiết, giá trị đặc sắc trong tác phẩm là thể hiện được cái đẹp, qua đó tố cáo xã hội mục ruỗng, thối nát, đang vùi dập những con người tài năng, có nhiều phẩm chất cao quý, tốt đẹp như Huấn Cao. Tuy nhiên nó cũng ca ngợi hình ảnh của người nghệ sĩ tài hoa với phẩm chất kiên cường, hiên ngang vững chãi trong cuộc sống.

Liên Hệ So Sánh Chữ Người Tử Tù Ấn Tượng

Nếu vẫn gặp khó khăn trong việc viết bài văn liên hệ “Chữ người tử tù”, mời các bạn xem thêm mẫu sau đây:

Là một tài năng đặc biệt trong diễn đàn thi ca Việt Nam, Nguyễn Tuân cho thấy ngòi bút sung sức, độc đáo của mình khi có cách tiếp cận nhiều mảng khác nhau của đời sống. Từ “Chữ người tử tù” trước cách mạng tháng 8 cho đến “Người lái đò sông Đà” sau cách mạng, chúng ta đều thấy điểm chung trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: nhà văn suốt đời đi tìm kiếm cái đẹp. Liên hệ mở rộng bài Chữ người tử tù sáng tác trước cách mạng với Người lái đò sông Đà sau cách mạng để thấy được những nét độc đáo trong phong cách của ông.

 “Chữ người tử tù” sáng tác trước trước cách mạng tháng 8 được in trong tập “Vang bóng một thời” tức là phản ánh những vẻ đẹp chỉ còn vang bóng. Trên nền hiện thực đen tối của nhà tù phong kiến nửa thực dân, Nhân vật Huấn Cao là điểm sáng ít ỏi có tác dụng chiếu sáng cả tác phẩm. Huấn Cao là một tên tử tù đang chờ ngày bị hành quyết, người tài hoa nổi tiếng viết chữ đẹp khiến bao người nể phục, ước ao có được nét chữ của ông để treo trong nhà.

Đối lập với Huấn Cao là viên quản ngục – người quản lý tù nhân, đại diện cho trật tự xã hội đương thời yêu và say sưa với cái đẹp, hâm mộ người có tấm lòng lương thiện. Xét trên bình diện xã hội hai nhân vật này hoàn toàn đối lập nhau nhưng họ lại có điểm chung là đều say mê cái đẹp, có tâm hồn thanh khiết, luôn hướng tới cái đẹp. Như vậy trên bình diện nghệ thuật họ chính là tri kỉ của nhau.

Tuy gặp nhau trong một hoàn cảnh éo le, ban đầu hiểu lầm nhau, chà đạp nhau nhưng sau cùng Huấn Cao vẫn thấy vẻ đẹp còn sót lại của viên quan coi ngục và quyết định cho chữ, như là một sự đền ơn, đãi ngộ dành cho cái đẹp hiếm hoi còn sót lại trong tù ngục.

Tình huống truyện độc đáo là cái cớ để hai nhân vật bộc lộ cái đẹp của mình, và một cảnh tượng hiếm hoi xưa nay chưa từng có đã xảy ra trong tù ngục. Một tên tội phạm cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang khoan thai đứng cho chữ; một bên là viên quan coi ngục khúm núm để nhận từng nét chữ của kẻ cấp dưới mình. Chính trong hoàn cảnh đối lập đó,Nguyễn Tuân đã cho thấy sự chiến thắng mạnh mẽ của cái đẹp, cái thiện trước hoàn cảnh tăm tối, ca ngợi vẻ đẹp của Huấn Cao, con người đại diện cho cái đẹp tài hoa, kiệt xuất.

Cũng viết về đề tài phản ánh vẻ đẹp của con người, Người lái đò sông Đà vẫn thể hiện cách tiếp cận chung của Nguyễn Tuân đó là tiếp cận con người trên phương diện tài hoa nghệ sĩ. Một bên cái đẹp của con người trong chốn lao tù, quyết giữ gìn phẩm chất của mình, chiến thắng cái tầm thường, giả dối nơi chốn ngục tù. Một bên là cái đẹp trong cuộc sống lao động mới, vẻ đẹp từ sự chinh phục những dữ dội của thiên nhiên để khẳng định vị trí trung tâm của mình.

Cả hai tác phẩm đều sử dụng vốn từ hết sức tinh lọc, phong phú, độc đáo, tổ chức câu văn đầy chất tạo hình. Sử dụng các biện pháp tu từ độc đáo như nhân hoá, so sánh, nghệ thuật tương phản, đối lập. Đặc biệt là ngòi bút tạo hình đầy tài hoa của Nguyễn Tuân, sự am hiểu tường tận trên nhiều lĩnh vực khác nhau như hội hoạ, âm nhạc, văn học, sử học…

Tuy vậy cả hai tác phẩm vẫn có những điểm khác trong cách khai thác đề tài và tiếp cận con người của nhà văn. Điểm khác này chính là do hoàn cảnh thời đại chi phối. Chữ người tử tù sáng tác trước cách mạng, thời kỳ văn học hiện thực phê phán nở rộ, con người và đề tài tiếp cận của Nguyễn Tuân có điểm khác. Ông chú trọng đi tìm vẻ đẹp chỉ còn vang bóng, Chữ người tử tù ca ngợi vẻ đẹp tài hoa, thiện lương, phủ nhận lối sống đớn hèn và bộ mặt tàn bạo của xã hội thực dân phong kiến.

Còn Người lái đò sông Đà sáng tác sau cách mạng giải phóng, nhân dân tập trung xây dựng cuộc sống mới, hân hoan trước sự đổi thay của thời đại nên Nguyễn Tuân lại khát khao đi tìm vẻ đẹp của những con người trong cuộc sống đời thường.  Qua cuộc chiến đấu của ông lão lái đò với con sông Đà hung bạo, Nguyễn Tuân ca ngợi vẻ đẹp hào hoa, dũng mãnh của người lao động trong cuộc sống. Cũng qua tác phẩm tác giả bày tỏ niềm yêu mến tha thiết đất nước, cuộc sống và con người mới.

Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” là con người của quá khứ, lịch sử, vẻ đẹp chỉ còn vang bóng, thời vàng son đã qua rồi, không quay trở lại nữa. Người lái đò sông Đà là vẻ đẹp của con người trong cuộc sống mới hôm nay, con người lao động bình thường nhưng vẫn có những nét tài hoa, nghệ sĩ.

Nguyễn Tuân cũng cho thấy điểm nhất quán trong phong cách của mình, dù là con người ở quá khứ hay con người trong thời đại mới thì vẫn luôn có vẻ đẹp tài hoa, lịch lãm. Và dù trong hoàn cảnh nào thì Nguyễn Tuân vẫn trung thành với tình yêu của mình dành cho con người.

Qua “Chữ người tử tù” người đọc thấy được vẻ đẹp trong cốt cách của Huấn Cao cũng là của nhà văn Nguyễn Tuân. Cả hai tác phẩm tuy có điểm khác nhau nhưng đều nói lên đặc điểm phong cách của Nguyễn Tuân: tài hoa, uyên bác, say sưa khám phá vẻ đẹp của con người trong quá khứ và cuộc sống mới.

Tổng hợp mẫu 🌸 Mở Bài Chữ Người Tử Tù 🌸 hay nhất!

Liên Hệ Mở Rộng Tác Phẩm Chữ Người Tử Tù Nâng Cao

SCR.VN đã tuyển tập và biên soạn bài văn liên hệ “Chữ người tử tù” hay nhất gửi tặng quý vị đọc giả:

Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại.. Trước Cách mạng, ông được biết đến với tư cách là một nhà văn lãng mạn nổi tiếng với những sáng tác “Vang bóng một thời” “Thiếu quê hương”.

Trong văn nghiệp của Nguyễn Tuân, truyện ngắn Chữ người tử tù ( trong tập Vang bóng một thời- sáng tác trước Cách mạng) là tác phẩm thành công nổi bật, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của tác giả ở giai đoạn này.

“Chữ người tử tù’ là cuộc gặp gỡ giũa hai con người trong một tình huống vô cùng hi hữu: Một bên là Huấn Cao có tài viết chữ nhanh và đẹp, văn võ song toàn nhưng lại là kẻ phản nghịch lãnh án tử hình; một bên là viên quản ngục – kẻ thực thi pháp luật đang giam giữ Huấn Cao nhưng lại là người có tấm lòng biệt nhỡn liên tài, yêu quý cái đẹp. Trên bình diện xã hội, họ đối lập nhau, nhưng trên bình diện nghệ thuật , họ đều là những nghệ sĩ chân chính.

Sự gặp gỡ giũa hai con người ấy trong chốn đề lao tạo ra một tình huông đầy kịch tính, kịch tính càng được đấy đến cao trào khi quản ngục bỗng nhận được công văn khẩn và biết sáng sớm mai Huấn Cao đã bị giải ra pháp trường.

Liệu cái sở nguyện thiết tha của viên quản ngục là có được chữ Huấn Cao để treo trong nhà có thực hiện được không? Liệu tấm lòng biệt nhỡn liên tài của ông có được Huấn Cao thấu hiểu? Liệu con người tài hoa Huấn Cao trước khi từ giã cõi đời có kịp để lại cho đời những dòng chữ cuối cùng?

Đặt trong dòng cốt truyện, trong kết cấu của tác phẩm, cảnh cho chữ có vai trò “cởi nút”, giải tỏa. Từ đây, nổi bật lên vẻ đẹp kỳ vỹ của nhân vật , nổi bật lý tưởng thẩm mỹ của người nghệ sỹ Nguyễn Tuân.

Cảnh cho chữ nằm ở phần cuối truyện ngắn – “một cảnh tượng xưa nay chưa tùng có”. Thư pháp( nghệ thuật viết chữ đẹp) là một thú chơi tao nhã mang nét đẹp của văn hóa phương Đông. Nó thường diễn ra trong thư phòng hoặc trong khung cảnh sơn thủy hữu tình, trời trong gió mát, có trà, có rượu, có hoa…

Vậy mà cảnh cho chữ ở đây lại diễn ra trong đêm khuya ,ngay trong nhà giam tăm tối chật hẹp, ẩm ướt , tường đâỳ mạng nhện, nền đầy phân chuột phân gián..,trái ngược với những cái tăm tối bẩn thỉu ấy, nổi bật lên ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc, khói tỏa ra như đám cháy nhà, tấm lụa trắng tinh, chậu mực thơm …thật đúng là một hoàn cảnh, thời gian, không gian “xưa nay chưa từng có”.

Tư thế của người cho chữ và nhận chữ lại càng “chưa từng có” hơn nữa: Người cho chữ là kẻ tử tù chỉ sáng sớm mai đã ra pháp trường, cổ vẫn đeo gông , chân vướng xiềng đang dậm tô những nét chữ vuông tươi tắn trên tấm lụa bạch trắng tinh còn nguyên vẹn lần hồ.Những thứ gông xiềng quái ác ấy càng tô đậm lên vẻ đẹp hiên ngang, hành động nghĩa hiệp, thiêng liêng của người cho chữ. Tương phản với tư thế, hành động này là người được nhận chữ: viên quán ngục lại khúm núm, thầy thơ lại gầy gò thì run run bưng chậu mực.

Trong cảnh này có rất nhiều điều trái với trật tự thông thường, nhà lao – nơi ngự trị của bóng tối, cái xấu, cái ác trở thành nơi để sáng tạo nghệ thuật – sản sinh ra cái Đẹp; người tù vượt lên sự trói buộc của gông xiềng trở thành người nghệ sĩ với niềm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật mãnh liệt, ông hiện lên một cách uy nghi , đĩnh đạc, đường hoàng. Đó chính là sự lên ngôi của cái đẹp giữa chốn ngục tù, là chiến thắng của cái Đẹp, cái cao thượng, cái thiên lương trong lành đối với những cái xấu, cái ác, cái thấp hèn.

Hai con người ở những vị trí đối kháng trở thành hai người bạn tri âm. Cái Đẹp đã đưa họ đến với nhau, không còn ranh giới giữa phạm nhân và quan coi ngục mà là một tấm lòng đáp lại một tấm lòng. Vì thực sự coi nhau là tri âm, cho chữ xong, Huấn Cao còn đỡ quản ngục dậy và nói với ông những lời khuyên chân thành, tâm huyết:

“…Thầy Quản nên tìm về quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.”

Ngục quan cảm động, chắp tay vái người tù: Kẻ mê muội này xin bái lĩnh.

Thái độ của Huấn cao thể hiện vẻ đẹp văn hóa và tinh thần nghĩa hiệp sáng ngời của một tấm lòng bè bạn, lời khuyên của Huấn Cao mang ý nghĩa sâu sắc: Cái Đẹp không thể chung sống với cái ác, cái xấu, cái gốc của chữ nghĩa chính là thiên lương, người nghệ sĩ say mê cái đẹp trước hết phải giữ được thiên lương.

Trước lúc giã từ cõi đời, Huấn cao đã để lại lời di huấn ấy với niềm thiết tha mong mỏi con người còn sống sáng ra lẽ đó. Niềm mong mói ấy không phải chỉ có thời ông Huấn mà đến hôm nay nó vẫn còn nguyên giá trị. Đó cũng chính là lý tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Tuân về sự thống nhất giữa TÂM và TÀI, giữa THIỆN và MỸ.

Đoạn văn đã thể hiện tài nghệ của Nguyễn Tuân trong việc dựng cảnh, tạo không khí, giọng văn trang trọng, cổ kính, vận dụng khai thác triệt để thủ pháp tương phản để dựng nên một cảnh tượng đúng là “xưa nay chưa từng có”.

Cảnh cho chữ là một trong những áng văn đẹp nhất của văn học Việt nam hiện đại, là một điểm sáng góp phần không nhỏ làm nên thành công cho tác phẩm Chữ người tử tù. Cảnh cho chữ đem đến một kết thúc có hậu, giúp người đọc thêm yêu mến một nét đẹp trong văn hóa dân tộc, cảm phục trước một tài năng, nhân cách cao cả, gieo vào lòng người một niềm tin bất diệt vào chiến thắng của thiên lương.

Nếu như trong cảnh cho chữ ở “Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân đi tìm cái đẹp vang bóng một thời đã lùi vào quá khứ, ở các bậc siêu phàm. Thì ở trong cảnh vượt thác của ông lái đò trong “Người lái đò sông Đà” ông đã phát hiện và ngợi ca cái đẹp trong đời sống thực taị của đất nước, nhân dân lao động. Ngày trước ông đem cái tài hoa uyên bác để chống đối, phủ nhận thực tại đen tối, giờ đây, ông dùng nó để kiếm tìm và khẳng định những vẻ đẹp trong xã hội mới.

Trước đây ông tuyệt đối hóa cái phi thường, nay ông phát hiện sự thống nhất giữa cái phi thường và bình thường. Ngôn ngữ trước đây cổ kính, đài các, giọng văn ngang tàng, kiêu bạc, nay hiện đại, gắn với đời thường. Những sự thay đổi đó làm cho văn Nguyễn Tuân vẫn tài hoa uyên bác mà không Ngông ngạo , tài hoa uyên bác mà đôn hậu tin yêu.

Hiện thực cuộc sống thay đổi đem dến cho nhà văn cái nhìn mới, nguồn cảm hứng mới, đặc biệt là dưới đường lối lãnh đạo của Đảng, xác định nhiệm vụ của người cầm bút. Tình yêu với quê huơng đất nước, niềm lạc qua tin tưởng vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới hòa vào niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật. Tất cả tạo nên một Nguyễn Tuân tài hoa nghệ sĩ – niềm tự hào của Văn học Việt Nam.

Liên Hệ Chữ Người Tử Tù Với Ông Đồ Ý Nghĩa

Nếu bạn đang gặp khó khăn khi viết bài văn liên hệ “Chữ người tử tù” với “Ông Đồ” thì hãy dành thời gian tham khảo mẫu dưới đây:

Nằm trong mạch chủ đề “Một thời vang bóng”, “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân là những trang văn đẹp về chân dung người nghệ sĩ thư pháp hội tụ tài hoa, khí phách và thiên lương trong sáng vô ngần. Vũ Đình Liên cũng có một “Ông đồ” và cũng để cho nền thi ca Việt Nam có một tuyệt tác mà những ai đã một lần đọc không khỏi phải xuyến xao…

Hai tác phẩm cùng viết về thú chơi thư pháp xưa, nhưng nếu Huấn Cao là biểu tượng cho vẻ đẹp toàn mỹ của người nghệ sĩ của “Một thời vang bóng” trong quá khứ thì ông đồ lại là một chứng nhân của thời đại Hán học đang suy tàn.

Khổ thơ đầu bài thơ “Ông đồ” được tạo dựng bằng lối tự sự:

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”.

Mới đọc qua tưởng chừng như giản dị bình thường nhưng kỳ thực ẩn tàng sau những câu thơ ấy là nỗi niềm xót xa của thi nhân trước sự biến dịch của thời gian trong thế đối lập với kiếp người. Thời gian của đất trời tuần hoàn vô thủy vô chung nên thiên nhiên vì thế mà có dịp tái sinh: Xuân đi hoa tàn, xuân đến hoa lại nở. Nhưng thời gian của con người là hữu hạn nên mỗi mùa xuân đến thì lại càng tô đậm thêm, khẳng định thêm sự già nua của ông đồ.

Tại đây đã xuất hiện sự đối nghịch âm thầm giữa nét trẻ trung tươi mới của mùa xuân và cái già nua tàn tạ của ông đồ trong một kiếp nhân sinh một đi không trở lại. Mặc dầu tuổi đời chồng chất cùng năm tháng, nhưng mỗi độ “đào nở” ông lại mang bút mực, giấy đỏ ra lề đường để được thuê viết chữ. Mực tàu và giấy vốn là hai trong “văn phòng tứ bảo”, nó được dùng để viết nên những con chữ “Thánh hiền” (chữ Nho), những con chữ nói lên được “sự tung hoành của cả một đời con người” (Chữ người tử tù).

Ngày xưa Huấn Cao đã khen: “Thoi mực kiếm được ở đâu tốt và thơm lắm. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?”. Mùi thơm của mực hay chính mùi thơm của tấm lòng kẻ liên tài được Huấn Cao cảm nhận được? Vậy mà bây giờ cùng với những tờ giấy đỏ chúng được bày bên những con phố đông người qua lại, thật xót xa biết bao nhiêu!

Từ vị trí trung tâm nơi “cửa Khổng sân Trình” giờ vị trí của ông là bên hè phố. Đây chẳng phải là bi kịch ngồi nhầm chổ của ông đồ đó sao? Ngày xưa để xin chữ, gần đến Tết người ta sắm sanh bút mực sang nhà những thầy đồ đức cao vọng trọng, văn hay chữ tốt để xin chữ về treo trong nhà cầu may mắn. Bây giờ chữ đã trở thành một thứ hàng hóa để mua bán. Người viết chữ đẹp được nhìn như một anh thợ, một người viết chữ thuê không hơn không kém: “Bao nhiêu người thuê viết”.

Còn đâu cái khí khái của người cho chữ năm xưa: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc mà ép mình viết câu đối bao giờ” (Chữ người tử tù). Huấn Cao chỉ cho chữ chỗ tri âm tri kỷ nên ông chỉ để lại cho đời ba bộ tứ bình và một bức trung đường. Nhưng nay ông đồ phải liền tay viết lách, bởi càng viết nhiều thì càng được nhiều tiền! Một sự chuyển dịch lớn về quan niệm, một sự “giải thiêng” thật xót xa.

Trong “Chữ người tử tù”, Huấn Cao là một tử tù nghệ sĩ đã trở thành một người sáng tạo cái đẹp và cái thiện: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chỗ ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn rõ ràng như thế… Ta bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về quê mà ở đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.

Từ vị thế của một người ban phát những giá trị tinh thần, ông đồ đã bị lôi tuột xuống hàng những người buôn bán. Chữ đã trở thành một thứ hàng hóa để được mọi người bình phẩm “tấm tắc ngợi khen tài”. Nếu nhìn thật kín kẽ giữa mối quan hệ người sáng tạo cái đẹp và người tri âm tri kỷ biết thưởng thức cái đẹp thì đằng sao một chút ánh sáng le lói của ngày tàn:

“Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài”

là cả một sự thất vọng đến não nề. Bởi lẽ họ đến thuê viết, mua chữ không phải để treo như một vật báu ở trong nhà, để những khi nhìn vào những con chữ nghệ thuật ấy họ sẽ tự răn mình mà lúc này việc mua câu đối Tết đã trở thành một “thủ tục” cần phải có khi năm hết Tết đến.

Cái khen của họ trong câu thơ là cái khen đãi bôi của sự hời hợt: “Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay” chứ hoàn toàn không xuất phát từ tâm thế của một người thưởng thức nghệ thuật đích thực như viên quản ngục đối với chữ của Huấn Cao: “Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quản ngục này coi là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một câu đối do tay ông Huấn Cao viết, chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm. Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỷ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời”.

Từ chuyện xin chữ đến chuyện bán chữ, chúng ta nhận thấy một sự dịch chuyển lớn về quan niệm, một hệ quả tất yếu từ sự dịch chuyển hệ ý thức trong xã hội…

Giá như mọi việc dừng lại ở đây để dù là đãi bôi, dù là phải bán chữ nhưng ông đồ vẫn có niềm an ủi riêng. Thế nhưng, cùng với sự biến dịch của thời đại, những giá trị tinh thần của cha ông đã dần mai một trong buổi: “Tây Tàu nhố nhăng” để rồi tình cảnh của cụ đồ viết chữ bên hè phố càng thảm thương hơn:

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…”.

Người thuê viết năm xưa, năm nay vẫn tất tả trên đường phố lúc xuân về. Người cũ nhưng lòng đã đổi khác. Để rồi giấy đỏ cũng lợt lạt phôi phai, mực tàu cũng sầu tủi trong nghiên lạnh. “Ông đồ vẫn ngồi đấy”, nhân chứng của một thời hoàng kim Nho học vẫn ngồi đấy để cố níu kéo nhưng lòng người đã đổi thay để rồi những sảy bước tất tả “qua đường” của người đời đã bỏ quên một ông đồ vẫn kiên nhẫn ngồi bên lề đường bên nhành đào thắm sắc.

“Pho tượng” ông đồ trầm tư trong phông nền thiên nhiên càng đậm tô thêm cho sự tàn tạ: “Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài trời mưa bụi bay”. Đọc “Chữ người tử tù”, ta từng sảng khoái biết bao trước hình ảnh người tử tù “cổ đeo gông chân vướng xiềng” dậm tô từng nét chữ trên vuông lụa trắng đã hạnh phúc biết bao bởi đã trao được cho người biệt nhỡn liên tài “dòng chữ cuối cùng” của cuộc đời ngang dọc. Nhưng ông đồ trong bài thơ đã mãi ra đi trong xót xa và tiếc nuối: “Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bay giờ?”.

Đọc lại “Chữ người tử tù” phải chăng chúng ta cũng bắt gặp niềm băn khoăn, trăn trở về những giá trị một thời vang bóng của dân tộc sẽ phô pha trong xã hội Âu hóa thời bấy giờ vẫn miên man chảy trong từng con chữ của người nghệ sĩ tài hoa uyên bác Nguyễn Tuân. Một sự đồng điệu của hai tâm hồn luôn nặng lòng với văn hóa dân tộc.

Tham khảo 🌸 Kết Bài Chữ Người Tử Tù 🌸 ấn tượng!

Liên Hệ Chí Phèo Và Chữ Người Tử Tù Học Sinh Giỏi

Các bạn học sinh đang tìm kiếm bài văn liên hệ “Chữ người tử tù” với “Chí Phèo” thì đừng bỏ qua bài viết này nhé!

Nguyễn Tuân là một nhà văn nổi tiếng của nền văn học Việt Nam. Ông có những sáng tác xoay quanh những nhân vật lí tưởng về tài năng xuất chúng, về cái đẹp tinh thần như “Chiếc ấm đất”, “Chén trà sương”… và một lần nữa, chúng ta lại bắt gặp chân dung tài hoa trong thiên hạ, đó là nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù”.

Nhà văn Nguyễn Tuân đã lấy nguyên mẫu hình tượng Cao Bá Quát làm nguồn cảm hứng sáng tạo nhân vật Huấn Cao. Họ Cao là một lãnh tụ nông dân chống triều Nguyễn năm 1854. Huấn Cao được lấy từ hình tượng này với tài năng, nhân cách sáng ngời và rất đỗi tài hoa.

Huấn Cao là một con người đại diện cho cái đẹp, từ cái tài viết chữ của một Nho sĩ đến cốt cách ngạo nghễ phi thường của một bậc trượng phu, tấm lòng trong sáng của một người biết quý trọng cái tài, cái đẹp. Huấn Cao trước hết là một người có tài viết thư pháp. Chữ viết không chỉ là kí hiệu ngôn ngữ mà còn thể hiện tính cách con người.

Cái tài viết chữ của ông được thể hiện qua đoạn đối thoại giữa viên quản ngục và thầy thơ lại. Tài năng của Huấn Cao còn được miêu tả qua lời người dẫn truyện và trong suy nghĩ nhân vật. Chữ của Huấn Cao “đẹp lắm, vuông lắm”, nét chữ còn thể hiện khí phách hiên ngang, tung hoành bốn bể. Chữ Huấn Cao đẹp và quý đến nỗi viên quản ngục ao ước suốt đời.

Viên quản ngục đến “mất ăn mất ngủ”; không nề hà tính mạng của mình để có được chữ của Huấn Cao – coi nó “một vật báu ở trên đời”. Chữ là “vật báu trên đời” thì chắc chắn chủ nhân của nó phải là một người tài năng xuất chúng, phi thường có một không hai, là kết tinh mọi tinh hoa, khí thiêng của trời đất hun đúc lại mà thành. Chữ của Huấn Cao đẹp đến như vậy thì nhân cách của Huấn Cao cũng chẳng kém gì. Ông là con người tài tâm vẹn toàn.

Huấn Cao có cốt cách ngạo nghễ, phi thường của một bậc trượng phu. Ông thương cho nhân dân vô tội nghèo khổ, làm than bị áp bức bóc lột bởi giai cấp thống trị tàn bạo thối nát. Huấn Cao rất căm ghét bọn thống trị và thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân “thấp cổ bé họng”. Để giờ đây phải sống trong cảnh ngục tối chờ ngày xử chém.

Người anh hùng ấy dù cho thất thế nhưng vẫn giữ được thế lực, uy quyền của mình. Thật đáng khâm phục! Mặc dù ở trong tù, ông vẫn thản nhiên “ăn thịt, uống rượu như một việc vẫn làm trong hứng bình sinh”. Huấn Cao hoàn toàn tự do về tinh thần. Huấn Cao rất có ý thức được vị trí của mình trong xã hội, ông biết đặt vị trí của mình lên trên những loại dơ bẩn “cặn bã” của xã hội – “Bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.

Huấn Cao còn là người có “thiên lương” trong sáng, cao đẹp. Theo ông, chỉ có “thiên lương”, bản chất tốt đẹp của con người mới là đáng quý. Thế nhưng khi biết được nỗi lòng của viên quản ngục, Huấn không những vui vẻ nhận lời cho chữ mà còn thốt rằng: “Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi. Ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có sở thích cao quý đến như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ”.

Huấn Cao cho chữ là một việc rất hiếm bởi vì “tính ông vốn khoảnh. Ta không vì vàng bạc hay uy quyền mà ép cho chữ bao giờ”. Hành động cho chữ viên quản ngục chứng tỏ Huấn Cao là một con người biết quý trọng cái tài, cái đẹp, biết nâng niu những kẻ tầm thường lên ngang hàng với mình.

Cảnh “cho chữ” diễn ra thật lạ, quả là cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”. Kẻ tử tù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” đang “đậm tô từng nét chữ trên vuông lụa bạch trắng tinh” với tư thế ung dung tự tại. Huấn Cao đang dồn hết tinh hoa vào từng nét chữ. Những nét chữ chứa chan tấm lòng của Huấn Cao và thấm đẫm nước mắt thương cảm của người đọc.

Qua đó, Nguyễn Tuân cũng gián tiếp lên án xã hội đương thời đã vùi dập tài hoa con người. Và người tù kia bỗng trở nên có quyền uy trước những người đang chịu trách nhiệm giam giữ mình.

Ông Huấn đã khuyên viên quản ngục như một người cha khuyên bảo con: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn, nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời người… Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.

Theo Huấn Cao, cái đẹp không thể nào ở chung với cái xấu được. Con người chỉ thưởng thức cái đẹp khi có bản chất trong sáng, nhân cách cao thượng mà thôi. Những nét chữ cuối cùng đã cho rồi, những lời nói cuối cùng đã nói rồi. Huấn Cao, người anh hùng tài hoa kia dù đã ra đi mãi mãi nhưng để lại ấn tượng sâu sắc cho những ai đã thấy, đã nghe, đã từng được thưởng thức nét chữ của ông. Sống trên cõi đời này, Huấn Cao đã đứng lên đấu tranh vì lẽ phải; đã xóa tan bóng tối hắc ám của cuộc đời này. Chính vì vậy, hình tượng Huấn Cao đã trở nên bất tử.

Ngược lại với Huấn Cao, Chí Phèo trong sáng tác cùng tên của Nam Cao lại không thể giữ được mình và kết quả hắn đã bị xã hội phong kiến kia tha hóa. Chí sinh ra là 1 đứa không cha không mẹ, ở cái lò gạch cũ và được người làng truyền tay nhau nuôi lớn. Dưới ngòi bút Nam Cao, Chí đã từng có lúc mơ ước cuộc sống bình thường, có gia đình, làm thuê kiếm sống.

Thế nhưng ngay từ giây phút được sinh ra, cuộc đời Chí tại cái làng ấy đã không thể ngóc đầu lên được, chính Bá Kiến, bà cô Thị Nở,… là những người đại diện cho xã hội phong kiến lúc bấy giờ đạp hắn xuống. Con người lương thiện trong Chí chỉ vừa thức tỉnh sau bát cháo hành của thị Nở thì liền bị người đời cấm cản. Hắn hận kẻ đã nhúng hắn xuống chàm, để rồi hắn không thể “rửa sạch tay” nữa. Và hắn đã chọn cái chết để tự giải thoát cho mình.

Quay lại với nhân vật Huấn Cao, ở ông ánh lên vẻ đẹp của cái “tài” và cái “tâm”. Trong cái “tài” có cái “tâm” và cái “tâm” ở đây chính là nhân cách cao thượng sáng ngời của một con người tài hoa. Cái đẹp luôn song song “tâm” và “tài” thì cái đẹp đó mới trở nên có ý nghĩa thực sự. Xây dựng hình tượng Huấn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân đã thành công trong việc xây dựng nên chân dung nghệ thuật điển hình lí tưởng trong văn học thẩm mỹ.

Văn mẫu 🌸 Phân Tích Chữ Người Tử Tù🌸 xuất sắc!

Liên Hệ Hai Đứa Trẻ Và Chữ Người Tử Tù Xuất Sắc

Cùng SCR.VN viết bài văn liên hệ “Chữ người tử tù” với “Hai đứa trẻ” thật hay nhé!

Ánh sáng và bóng tối vốn là hai phương diện quan trọng của cuộc sống, luôn luôn tồn tại bên cạnh nhau, bổ sung cho nhau. Trong hội họa, ánh sáng và bóng tối là một thủ pháp cơ bản được dùng để khắc họa con người và sự vật trong cuộc sống.

Trong văn chương, ánh sáng và bóng tối cũng được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật nhằm tạo tình huống truyện, chuyển tải nội dung tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Với Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân và Hai đứa trẻ của Thạch Lam, ánh sáng và bóng tối được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật nòng cốt.

Nguyễn Tuân và Thạch Lam tuy cùng thuộc dòng văn học lãng mạn nhưng mỗi người có một cách sử dụng các thủ pháp nghệ thuật hoàn toàn khác nhau, tạo nên những thế giới nghệ thuật riêng biệt và độc đáo, mang đậm phong cách cá nhân của tác giả.

Miệt mài trong hành trình kiếm tìm cái đẹp, ngợi ca cái đẹp, Nguyễn Tuân và Thạch Lam, trong Chữ người tử tù và Hai đứa trẻ, ánh sáng và bóng tối được sử dụng không chỉ như một nguyên tắc tạo tình huống truyện mà còn vươn đến ý nghĩa biểu tượng về cái đẹp trong cuộc đời.

Nguyễn Tuân viết Chữ người tử tù từ cảm hứng về một thú chơi tao nhã của người xưa, trong một tình huống đặc biệt mà người viết chữ và người chơi chữ là người tử tù và người quản ngục. Hai nhân vật này tồn tại như ánh sáng và bóng tối, thậm chí là đối thủ trong một hoàn cảnh đặc biệt. Song chính vì là đối cực như ánh sáng với bóng tối nên bản thân sự khác nhau này cũng đã hàm chứa một sự tương liên, bổ sung cho nhau, thậm chí chuyển hóa từ tối ra sáng như một quy luật tất yếu.

“Chữ” hiểu theo nghĩa của tác phẩm chính là Thư pháp, một “nghệ thuật thể hiện chữ viết và là phương tiện để biểu lộ tâm thức của con người… Thư pháp gắn với tính cách, tâm tư, tình cảm, quan niệm triết học, nhân sinh quan của người viết”. Từ nét chữ, người ta có thể đọc được tính tình, nhân cách, khí phách người viết, nó thể hiện thế giới nội tâm của người viết chữ. Viên quản ngục yêu chữ của Huấn Cao là yêu nhân cách, khí phách, tài hoa của người viết chữ, yêu cái đẹp tỏa ra từ thế giới nội tâm của con người này.

Không gian nghệ thuật của Chữ người tử tù chủ yếu được xây dựng dựa trên không gian nhà tù – một “trại giam tối om”, khung cảnh nền ấy ngập tràn bóng tối, “quạnh quẽ” và “tối mịt”, tất cả đều nhuốm vẻ âm thầm, u ám. Cuộc đối thoại ngắn đầy e dè, gìn giữ, nghi ngại lẫn nhau giữa quản ngục và thầy thơ lại như khắc họa rõ hơn số phận những con người quanh năm trong bóng tối, tuy tự do về nhân thân nhưng lại bị cầm tù về nhân cách.

Không gian nghệ thuật của tác phẩm được giới hạn ở một nhà tù nhỏ, một cõi nhân sinh mà bóng tối nhiều hơn ánh sáng. Chút ánh sáng ấy quá nhỏ nhoi so với toàn bộ màn đêm bao phủ nơi đây, nhưng giữa sự tương phản có vẻ không cân đối ấy, tác giả muốn gởi gắm niềm tin về thiên lương con người. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, dù le lói nhưng không bao giờ tắt, và nếu có cơ hội nó lại bùng lên mạnh mẽ như niềm tin của con người vào cái tốt cái đẹp, vào ánh sáng.

Đó là nét đẹp, là chút ánh sáng còn sót lại trong tâm hồn ngục quan. Con người đang tồn tại ở một nơi mà những vẻ đẹp và những điều xấu xa luôn kế cận nhau, ánh sáng luôn có nguy cơ bị dập tắt bởi bóng tối.

Trong thế giới tăm tối ấy, quản ngục như lạc lõng cô độc trong thế giới riêng của mình “đang băn khoăn ngồi bóp thái dương”, với một ngoại hình “tóc hoa râm, râu đã ngả màu”. Tuy vậy ẩn sâu bên trong con người này là một đời sống tâm hồn như “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn và xô bồ.

Nỗi băn khoăn dẫn đến quyết định biệt đãi Huấn Cao của quản ngục được đặt trong một không gian nền đầy bóng tối – nơi chỉ có vài đốm sáng nhấp nháy trên bầu trời, thậm chí có một ngôi sao chính vị sắp từ biệt vũ trụ, tất cả như chòng chành giữa hai thế đứng để rồi ánh sáng của thiên lương tuy nhỏ nhoi vẫn chiến thắng, dẫn đến một thái độ ứng xử đẹp.

Cuộc gặp gỡ giữa hai con người tưởng như đối địch quyết liệt nhưng lại hòa hợp vô cùng ở kết thúc của truyện. Huấn Cao càng khí khái, cương trường, khinh thế ngạo vật bao nhiêu, quản ngục càng nhẫn nhịn, lễ phép, cam chịu bấy nhiêu. Tất cả chỉ vì sự tác động của cái đẹp, của ánh sáng tỏa ra từ một nhân cách, vì quý trọng một tài năng, xót xa một báu vật văn hóa sắp bị chôn vùi vĩnh viễn.

Chính công việc, môi trường trại giam đã ràng buộc quản ngục vào một giới hạn nghiệt ngã, con người này hàng ngày là công cụ, là người máy, còn sâu trong cõi lòng kia chất chứa một nỗi cô đơn không kẻ tỏ bày, không người tri âm tri kỷ. Một con người mà mới thoạt trông bên ngoài tưởng như là một khối bóng tối khổng lồ nhưng rồi cái tài hoa của Nguyễn Tuân, chút ánh sáng le lói trong tâm hồn quản ngục có cơ hội bừng sáng lên.

Không những thế tác giả còn dựng tình huống cho phút giây bừng sáng đó thành thiên thu vĩnh viễn ở đoạn kết – ở sự chiến thắng của ánh sáng với bóng tối, trong “cảnh cho chữ”, “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.

Về truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam có thể nói đây là một truyện ngắn “phi cốt truyện”. Đó là điểm đặc biệt đồng thời cũng là một trong những nét làm nên phong cách riêng trong nghệ thuật viết truyện của Thạch Lam.

Ánh sáng và bóng tối trong Hai đứa trẻ được sử dụng như một thủ pháp chính trong nghệ thuật dựng truyện của Thạch Lam. Sở dĩ nói như vậy bởi ánh sáng và bóng tối được tác giả sử dụng trong cách xây dựng bối cảnh tác phẩm, nhân vật lẫn trong các chi tiết nhỏ nhằm biểu đạt chủ đề của tác phẩm.

Bối cảnh của Hai đứa trẻ là không gian phố huyện buồn tẻ – một không gian nghệ thuật đặc trưng xuất hỉện khá nhiều trong truyện ngắn của ông. Đó là một không gian đan xen giữa làng quê và thành thị. Khung cảnh phố huyện trong bóng tối gợi không khí buồn buồn, hiu hắt, chậm chậm, đơn điệu của cuộc sống nơi đây. Bóng tối ngập đầy trong đôi mắt của Liên. Số phận của lũ trẻ bới rác và những người lao động nghèo ở đây cũng nhạt nhòa trong bóng tối.

Trong ánh sáng của ngọn đèn leo lét trên chõng hàng chị Tý, trên bếp lửa của bác Siêu và những hột sáng lọt qua phên nứa từ ngọn đèn của chị em Liên, con người hiện lên như những cái bóng vật vờ không số phận, không tính cách. Ngoài cuộc sống mò cua bắt ốc ban ngày ra, tối đến họ tập trung ở đây như để bắt đầu một cuộc sống thứ hai trong bóng tối, nhưng là để hướng đến ánh sáng. Tất cả cùng chờ đợi một điều gì đó mới mẻ, khác lạ so với cảnh đời buồn tẻ, quẩn quanh, tù hãm của cái “ao đời bằng phẳng” hàng ngày họ nếm trải.

Ánh sáng từ đoàn tàu thì đã tới, nhưng ánh sáng thực sự, hạnh phúc thực sự của những con người nơi đây thì mãi vẫn tồn tại trong tâm tưởng mà không biết khi nào mới thành hiện thực. Hình tượng ánh sáng và bóng tối ở Hai đứa trẻ khi đặt vào diễn biến nội tâm tinh tế, phức tạp của Liên trong cảm nhận độ dày của bóng tối từ chiều đến đêm khuya mới thấy rõ giá trị của nó, thấy được độ “khát thèm được chiếu sáng và được đổi thay” của hai đứa trẻ và những người dân nơi đây.

Nghệ thuật sử dụng ánh sáng và bóng tối như một thủ pháp trong Chữ người tử tù và Hai đứa trẻ vừa có điểm giống nhau lẫn khác nhau. Cả hai tác giả đều sử dụng ánh sáng và bóng tối như một nguyên tắc đối lập, một thủ pháp nghệ thuật trong xây dựng tình huống truyện.

Nhưng với Nguyễn Tuân ánh sáng và bóng tối vừa đối lập, vừa bổ sung, nâng đỡ nhau, đồng thời có sự chuyển hóa từ bóng tối ra ánh sáng. Nhân vật viên quản ngục khi được Huấn Cao “khai tâm” đã nghẹn ngào “xin bái lĩnh”, là một minh chứng cho sự chuyển hóa này. Ánh sáng và bóng tối ở đây từ nghĩa thực đã chuyển thành nghĩa tượng trưng.

Ánh sáng trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân là ánh sáng của chân lý, của cái đẹp trong tài hoa, nhân cách, nên tác phẩm cũng được kết thúc đẹp bằng sự chiến thắng của ánh sáng với bóng tối, của thiên lương con người với cái xấu cái ác. Bóng tối ở đây vừa là cuộc sống tù đọng, quẩn quanh mòn mỏi âm u – là nét giống với bóng tối trong Hai đứa trẻ – nhưng nó cũng vừa đại diện cho cái xấu cái ác trong cuộc sống cũng như trong bản chất con người, điểm khác với truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

Với Thạch Lam, bóng tối vừa mang nghĩa biểu trưng cho cuộc sống tù đọng, quẩn quanh nơi phố huyện vừa được sử dụng như phông nền chính nhằm làm nổi bật ba loại ánh sáng: Ánh sáng nơi phố huyện, Ánh sáng đô thị và ánh sáng con tàu. Từ đây ánh sáng, bóng tối không còn mang nghĩa thực nữa mà mang nghĩa biểu tượng, biểu tượng của ước mơ, của khát khao hạnh phúc và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Còn với Nguyễn Tuân, cảm hứng thẩm mỹ của ông bắt nguồn từ cái đẹp lớn lao, cái cao cả, bi hùng hoặc mô tả những nhân cách lớn… nên thủ pháp nghệ thuật cũng xây dựng dựa trên sự đối lập gay gắt, ánh sáng và bóng tối cũng được sử dụng nhằm miêu tả những tương phản mạnh mẽ, những chuyển biến bất ngờ, đột ngột. Đó vừa là một thủ pháp trong xây dựng tình huống truyện, vừa là sự dẫn dắt đi đến kết thúc của sự chiến thắng giữa chân lý, cái đẹp với cái xấu, cái ác.

Chính từ tính quy phạm của ánh sáng và bóng tối trong hội họa, vào văn chương nó đã vừa kế tục vừa phá vỡ tạo ra hiệu quả thẩm mỹ mới, góp phần đắc lực cho xây dựng tình huống truyện, được sử dụng như một tình tiết nghệ thuật đặc sắc. Từ đó có thể khắc họa rõ hơn diện mạo của tác giả, tác phẩm, xác lập một cách thức tiếp cận văn bản không phải chỉ từ chính nó mà bằng liên văn bản.

Xem ngay 🌸 Sơ Đồ Tư Duy Chữ Người Tử Tù Nguyễn Tuân 🌸 logic và dễ nhớ!

Chiếc Thuyền Ngoài Xa Liên Hệ Chữ Người Tử Tù Hay Nhất

Mẫu bài văn liên hệ “Chữ người tử tù” với “Chiếc thuyền ngoài xa” dưới đây được đánh giá hay và ngắn gọn, mời bạn xem ngay

Nguyễn Tuân là “người nghệ sĩ suốt đời đi tìm và phụng sự cái Đẹp” và cũng là cây bút rất mực tài hoa, uyên bác. Nhà văn thường quan sát, miêu tả thế giới ở phương diện thẩm mĩ và đánh giá con người dưới góc độ tài hoa, nghệ sĩ.

Truyện ngắn “Chữ người tử tù” trích trong tập “Vang bóng một thời” (1940) là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trước Cách mạng. Tác phẩm được đánh giá là “gần đạt đến sự hoàn mĩ”.

Tình huống truyện độc đáo của truyện ngắn “Chữ người tử tù” đó là cuộc gặp gỡ kì lạ đầy éo le, trớ trêu giữa Huấn Cao và viên quản ngục. Trớ trêu thay trên bình diện xã hội, Huấn Cao và quản ngục là những kẻ đối địch nhau, là kẻ thù của nhau. Trên phương diện tài hoa, nghệ sĩ, họ lại là những người bạn tri âm, tri kỉ của nhau. Một người là nghệ sĩ, sáng tạo cái đẹp; một người biết thưởng thức và trân trọng cái đẹp. Một người khí phách hiên ngang, cứng cỏi đỉnh thiên lập địa; một người ngưỡng mộ khí phách, biết “biệt nhỡn liên tài”.

Đó là một cuộc gặp gỡ kì lạ giữa không gian là chốn ngục tù, ẩm thấp, bẩn thỉu. Thời gian diễn ra cuộc gặp gỡ cũng rất ấn tượng: đó là những ngày cuối cùng của người tử tù trước khi bị giải về kinh chịu án chém.

Cuộc gặp gỡ éo le tưởng chừng như đối lập nhưng được mở nút bằng cảnh cho chữ – “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Đó là một cảnh tượng thiêng liêng bi tráng: người tù viết chữ trong tư thế: “cổ đeo gông chân vướng xiềng”; không gian nhà tù ẩm thấp, bẩn thỉu lại là nơi cái đẹp thăng hoa, cái tâm và cái tài lên ngôi; Huấn Cao lồng lộng uy nghi toả sáng bao nhiêu, bóng dáng của quản ngục lại càng bé nhỏ bấy nhiêu.

Tác giả khẳng định sự bất tử của cái đẹp, sự tất thắng của cái chân, cái thiện, cái mĩ trong cuộc đối đầu với những gì xấu xa, tăm tối, độc ác. Thông điệp nghệ thuật mà nhà văn gửi gắm qua tình huống truyện là thông điệp về sức mạnh cảm hóa kì diệu của nghệ thuật, của cái đẹp “Cái đẹp cứu rỗi nhân loại”.

Nguyễn Tuân là một người nghệ sĩ tài hoa, đầy cá tính, luôn tìm tòi, khám phá cái đẹp, cái đẹp độc đáo, phi thường nhưng vẫn mang giá trị nhân văn sâu sắc. Nguyễn Minh Châu cũng đã từng đi tìm và khám phá bản chất con người trong cuộc sống mưu sinh và hoàn thiện nhân cách kia.

Nguyễn Minh Châu đã từng phát biểu: “…những người cầm bút có cái biệt tài có thể chọn ra trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất, một khoảnh khắc cuộc sống…nhưng bắt buộc con người ở vào một tình thế phải bộc lộ ra cái phần tâm can nhất, cái phần ẩn náu sâu kín nhất, thậm chí có khi là khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, một đời nhân loại”.

Với ý nghĩa đó, truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” quả thật là một “khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người” khi xây dựng thành công tình huống truyện độc đáo mang tính nhận thức, khám phá phát hiện đời sống.

Vẻ đẹp trong “Chiếc thuyền ngoài xa” được thể hiện qua góc nhìn của Phùng, 1 nhiếp ảnh gia săn tìm cái đẹp ở ngoài bãi biển và ở toà án huyện. Phùng chụp được những bức ảnh hoàng hôn tuyệt đẹp trên biển với con tàu đẹp như mơ, nhưng khi nhìn kĩ, anh lại thấy một cảnh tượng kinh hoàng, xấu xí.

Người đàn bà làng chài với vẻ mặt mệt mỏi, u buồn đang bị chính người chồng bạo lực, việc đánh vợ như 1 cách ông ta giải tỏa áp lực, đau khổ của cuộc đời. Phùng cay đắng nhận thấy: hoá ra đằng sau cái vẻ đẹp thơ mộng của “chiếc thuyền ngoài xa” trên biển sớm mờ sương lại là một sự thực tàn nhẫn của bi kịch gia đình. Đằng sau cái vẻ đẹp ấy mới là sự thực của cuộc đời. Cái vẻ đẹp bên ngoài ấy nhiều khi thường đánh lừa ta như vậy.

Từ sự phức tạp ấy, Nguyễn Minh Châu đã để Phùng nhận ra rằng: để hiểu được sự thật đời sống không thể nhìn đơn giản, người nghệ sĩ phải có cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn. Bởi cái bên ngoài chưa hẳn là bản chất thật bên trong, nhiều khi còn đối lập với phẩm chất bên trong, không phải bao giờ cái Đẹp cũng thống nhất với cái Thiện, vì thế, cần phải có cái nhìn đa chiều sâu sắc, cảm thông với cuộc sống và con người.

Cả hai tình huống truyện tuy khác nhau về cách xây dựng nhưng đều thể hiện những điểm nhìn nghệ thuật về con người và cái tâm, cái tài của người nghệ sĩ. Qua đó cho thấy tài năng bậc thầy truyện ngắn của hai nhà văn Nguyễn Tuân và Nguyễn Minh Châu.

Đọc thêm 🌸 Liên Hệ Mở Rộng Bài Hai Đứa Trẻ 🌸 ý nghĩa!

Viết một bình luận