Biểu Cảm Về Loài Cây Em Yêu ❤️️ 28+ Bài Văn Hay Nhất ✅ Tham Khảo Tuyển Tập Văn Mẫu Đặc Sắc Biểu Cảm Về Loài Cây Mà Em Yêu Thích.
Dàn Ý Biểu Cảm Về Loài Cây Em Yêu
Đối với các em học sinh, việc lập dàn ý là điều rất cần thiết để có thể nắm bắt được bố cục và cách trình bày bài văn đúng chuẩn. Vì vậy hãy tham khảo ngay dàn ý biểu cảm về loài cây em yêu mà scr.vn gợi ý sau đây.
I. Mở bài : Giới thiệu về loài cây mà em yêu thích (là những loài cây thân thuộc ở làng quê Việt Nam như: tre, dừa, chuối, gạo, đa,…)
II. Thân bài:
– Biểu cảm về loài cây em yêu
- Đặc điểm hình dáng, kích thước của cây (ví dụ: em thích những cây tre cao vút thẳng tắp)
- Đặc điểm cành, lá, hoa, quả (ví dụ: nhìn chiếc lá đa to như những chiếc quạt nan)
– Biểu cảm về những giá trị của cây
- Cây cho hoa, quả, gỗ, củi (ví dụ: quả chuối vừa ăn ngon lại rất bổ dưỡng)
- Cây cho bóng mát (ví dụ: (em yêu những rặng tre xanh rì che nắng những trưa hè)
– Tình cảm của em với loài cây mà em yêu thích
- Kể một kỉ niệm của em với loài cây đó (ví dụ: đã có lần em trèo lên cây dừa hái quả)
- Em luôn chăm sóc và bảo vệ cây
III. Kết bài: Khẳng định tình cảm của em với loài cây mà em yêu thích
Biểu Cảm Về Loài Cây Em Yêu Ngắn – Bài 1
Bài văn biểu cảm về loài cây em yêu ngắn gọn với những hình ảnh sinh động đã thể hiện được vẻ đẹp và đặc điểm nổi bật của cây dừa làng quê Việt Nam.
Cứ mỗi lần về thăm quê vào dịp nghỉ hè em lại được thưởng thức một thứ quả đặc sản dân dã và quen thuộc của làng quê Việt Nam, đó chính là quả dừa.
Nhà ông bà ngoại em có hai cây dừa, hai cây dừa ấy đã ngót nghét gần hai mươi tuổi. Hai cây dừa mọc ở hai bên bờ của chiếc ao nhỏ, cây nào cũng cao, dáng cây thon dài nhỏ dần từ gốc đến ngọn và cùng cong mình về phía mặt ao. Cây dừa đã già cỗi nhưng sức sống của nó chẳng thấy già đi chút nào, thân cây xù xì xám xịt và đầy rêu nhưng lá vẫn cứ xanh tươi, tàu lá vươn dài ra hàng mét như những cánh tay rắn rỏi chắc khoẻ.
Những buồng dừa vẫn sai trĩu, có buồng mới ra quả non mơn mởn, có buồng quả đã to bằng cả cái xoong. Chọn dừa lấy nước uống phải lựa quả “bánh tẻ” nghĩa là không quá non cũng không quá già, dừa non thì không có cùi mà nước nhạt còn dừa già thì cùi cứng mà nước lại chua. Em thích uống những cốc nước dừa cho thêm đá sẽ rất mát và có vị ngọt thanh, cùi dừa non ăn với bánh đa lại rất thơm và ngậy.
Em quên sao được những lần trèo cây hái dừa rách quần rách áo xước xát chân tay, nhưng đó mới chính là tuổi thơ, là những kỉ niệm đẹp mà bây giờ khó có thể quay lại được.
Tham khảo văn❤️️ Cảm Nghĩ Về Loài Cây Em Yêu ❤️️ 15 Bài Văn Hay Nhất
Biểu Cảm Về Loài Cây Em Yêu Hay Nhất – Bài 2
Bài văn “Biểu cảm về loài cây em yêu hay nhất – cây đa ” sau đây là gợi ý không thể bỏ qua dành cho các em học sinh cấp 2 khi viết văn biểu cảm.
Vừa bước chân trở về làng xưa, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt đồng thời cũng làm choáng ngợp tâm hồn bất cứ ai: Đó là dáng sừng sững của cây đa cổ thụ làng tôi. Không biết từ bao đời nay, nó đã đứng đó, như một vệ sĩ oai phong của làng tôi, niềm tự hào của làng tôi.
Tôi yêu làng. Trong tình yêu bao la ấy có tình yêu những mái nhà san sát lợp ngói đỏ bình yên; yêu những vườn đào nở rộ mỗi khi xuân về, yêu những vườn hồng xiêm ửng vàng trái chín. Nhưng tôi yêu nhất là cây đa – đó chính là biểu tượng của làng tôi. Cây đa làng như chứa đựng bên trong tất cả những gì tinh tuý nhất của làng tôi. Tôi không biết cây bao nhiêu tuổi. Các cụ bảo khi làng tôi ra đời thì cũng là lúc cây đa được trồng. Những buồn vui, khó khăn, gian khổ hay phát triển, và biết bao chuyện của làng quê, cây đa đều chứng kiến.
Thân cây đa to, phải năm sáu người ôm không xuể. Rễ cây dài, đâm sâu xuống lòng đất. Có nhánh rễ trồi lên khỏi mặt đất thành một chiếc ghế băng cho những người ngồi nghỉ mát dưới gốc cây. Tôi thường ngồi lên chồi rễ, tựa lưng vào thân cây, nhắm mắt lại, thầm trò chuyện với cây, và nghe cành lá xạc xào. Khi ấy, tôi có cảm giác cây đa là mái nhà mà sự an toàn và chở che của đa là tuyệt đối và không gì sánh được.
Với lũ trẻ trong làng, cây đa là nguồn vui tuổi thơ, là kỉ niệm về quê hương. Sau này, các lớp anh chị trong làng di xa, hay như lũ chúng tôi còn ở lại thường nhớ về cây đa như linh hồn của quê hương. Quên sao được những buổi trưa trốn ngủ, cả lũ kéo nhau ra gốc đa chơi đánh trận giả, rồi trèo lên cây hái quả. Quả đa là món quà lí thú với lũ trẻ chúng tôi. Quả đa chín ngọt lừ đến đâu, vẫn thấy có vị chan chát ở đầu lưỡi. Có đứa ăn cả quả đa ương ương, thậm chí xanh. Có lẽ, vị chát thì nhớ lâu hơn vị ngọt.
Những mùa lá đa rụng, chúng tôi vun thành đống, rồi đốt lên sưởi ấm với nhau trong những ngày se se lạnh. Những làn khói bay lên, nhuốm vào cành lá, quyện với hơi sương tạo thành một làn khói kì ảo, lung linh huyền diệu như cổ tích. Đó thực sự là thứ cổ tích hiện đại mà cây đa làng đã mang đến cho làng tôi và lũ trẻ chúng tôi.
Biểu Cảm Về Loài Cây Mà Em Yêu Thích – Bài 3
Với yêu cầu viết văn Biểu cảm về loài cây mà em yêu thích thì các bạn học sinh có thể tham khảo bài văn mẫu viết về cây phượng dưới đây.
Nhà thơ Vân Anh từng viết:
“Tháng năm về rợp trời hoa phượng đỏ
Ve râm ran, nắng gió đến xao lòng…”
Có lẽ, bất kì người học sinh nào khi nhìn thấy hoa phượng nở, cũng có những cảm xúc như nhà thơ vậy.
Mỗi khi tháng năm về, nắng hè lại chói chang, rực rỡ, bầy ve lại rộn ràng ca vang. Và lúc ấy, phượng vĩ – loài hoa của mùa hè lại nở rộ.
Có lẽ sẽ là bất ngờ với rất nhiều người. Bởi phượng nở rất nhanh, rất đột ngột. Mới hôm qua thôi, còn là những búp xanh nhỏ, lẫn trong tán lá. Vậy mà trưa nay, lúc đi học về, các học sinh đã phải ngẩn ngơ trước những tầng đỏ rực trên cao. Ấy là phượng đã vào mùa.
Mùa hoa phượng chính là mùa của những thao thức. Học sinh thao thức vì những đêm ôn bài, chuẩn bị cho kì thi. Học sinh thao thức vì sắp phải chia xa bạn bè. Và phượng cũng thức, nhưng không ai hiểu vì sao. Các loài hoa khác ngủ về đêm, còn riêng phượng sẽ thức suốt cả mùa hè. Phượng thức để tiếp thêm động lực cho học trò, thức để xì xào cùng đàn ve, thức để cháy sáng cùng trăng sao… Thật là bận rộn.
Những ngày hè ấy, phượng đỏ lửa trên khắp nẻo đường, đem đến sự vui tươi, phấn khởi cho những cô những cậu học trò khi được đến với kì nghỉ dài ngày. Niềm vui, họ sẽ mang đi, còn nỗi buồn chia ly sẽ gửi lại cho phượng. Mượn đó mà thiêu đốt, cháy sáng mãi suốt mùa hè dài đằng đẵng. Mượn đó, mà phượng trở thành người gác trường thầm lặng. Cô đơn mà chờ đợi, chờ đợi đến cái khoảnh khắc cánh cổng kia được mở ra, mọi người trở lại trường học. Khi đó, phượng mới chịu lụi tàn.
Mỗi năm, khi hoa phượng nở, em lại có rất nhiều cảm xúc đan xen khó tả. Nhưng dù là vui hay buồn đi chăng nữa thì em vẫn yêu phượng vĩ vô cùng. Đối với em, nó chính là hoàng hậu của mùa hè.
Xem thêm ✅ Tả Cây Cối Lớp 5 ❤️️ 15 Bài Văn Mẫu
Tả Văn Biểu Cảm Về Loài Cây Em Yêu – Bài 4
Khi làm bài tập tả văn biểu cảm về loài cây em yêu thì các em học sinh có thể lựa chọn biểu cảm về loài cây gần gũi với nông thôn Việt Nam như cây chuối trong bài văn mẫu dưới đây.
Cây chuối là một trong những loại cây vô cùng thân thuộc với những gia đình ở vùng thôn quê. Quanh làng, xã em hầu như nhà ai cũng có một vài cây chuối sau vườn. Chuối dễ sống, ít công chăm bón mà lại mang nhiều lợi ích phục vụ cho cuộc sống chính vì vậy, nó phổ biến cũng là điều dễ hiểu.
Người xưa có câu: “trước cau sau chuối”, cây chuối vì thế xuất hiện nhiều ở sau vườn, chứ chẳng mấy khi thấy nó um tùm trước nhà. Chuối sinh trưởng tốt ở điều kiện khí hậu nhiệt đới như ở nước ta, và tốt nhất là những nơi ven sông hoặc vùng đất ẩm.
Cây chuối mọc từng cây, nhưng nó thường sống thành 3-4 cây san sát nhau. Chuối sở hữu một màu xanh mướt từ lá đến thân, lá xòe bản to che mát một vùng, thân được tạo bởi các bẹ chuối từng lớp từng lớp bao bọc phần lõi non nhỏ ở trong cùng. Còn nhớ hồi nhỏ, em và lũ bạn thường dùng lá chuối để che mưa, trú mưa…
Cây chuối trưởng thành có thể cao từ 2-3 mét tùy loại, rồi nở hoa, người ta thường gọi là bắp chuối, nó có màu tím trông như hình quả bắp nhưng ú hơn nhiều. Từ bắp chuối sẽ trở thành quả chuối, sắp thành từng nải, mỗi buồng có từ 5, 7 thậm chí 10 nải hoặc hơn nữa. Có một điểm đặc biệt về cây chuối đó là loài cây này không có cành, mỗi thân cây, lá và hoa, quả thôi.
Em rất thích ăn chuối, nhất là chuối lùn, quả to ngọt, mềm, rất dễ ăn, nó lại còn bổ dưỡng nữa. Ở quê em, chuối được ăn như một món tráng miệng quen thuộc mà kể cả người già hay trẻ em đều có thể thưởng thức.
Chuối không chỉ có giá trị bởi quả ngon, bổ dưỡng, mà từ chuối có thể tạo nên nhiều dạng thực phẩm khác như chuối sấy (thành snack), chè chuối, kẹo chuối,… Bắp chuối thì có thể chế biến thành gỏi, nấu canh rất ngon, thân chuối thường được sử dụng làm thực phẩm cho lợn. Trong khi đó, lá chuối để gói bánh, món bánh truyền thống bánh chưng bánh giầy cũng được gói từ lá chuối.
Cây chuối mang lợi ích về kinh tế và nó cũng rất hữu ích cho cuộc sống con người. Còn với em, nó còn như một người bạn. Từ nhỏ em và lũ bạn thân đã biết dựng nên ngôi nhà nhỏ lợp đầy lá chuối, cửa nhà treo đầy dây chuối (được cắt nhỏ theo chiều dọc của thân chuối), rất đẹp, đến bây giờ em vẫn còn nhớ.
Hồi đó chỉ mong đến giờ tan học để chạy về rúc vào ngôi nhà nhỏ bé mà chính bản thân mình trang trí. Cây chuối vì thế gắn với tuổi thơ, nằm trong ký ức đẹp đẽ của em, mà mỗi khi nhớ về em chỉ ước mình được một lần ngắm nhìn lại ngôi nhà bé xinh bằng lá chuối của ngày đó….
Ngày nay, dù xã hội đã phát triển, chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn, người nông dân có đất để làm ăn kinh tế, trồng cây thực phẩm, cây công nghiệp năng suất cao thì cây chuối vẫn hiện hữu đâu đó quanh vườn, sau hè, ven sông. Nải chuối đều đẹp vẫn được người ta sử dụng trên bàn thờ tổ tiên những ngày lễ tết, ngày giỗ, cúng kỵ. Đó vừa là nét đẹp của văn hóa truyền thống vừa là nét đặc trưng riêng của làng quê Việt Nam.
Gợi ý cho bạn ☘ Tả Cây Cối Hay Nhất ☘ 15 Bài Văn Miêu Tả Cây Cối Điểm 10
Biểu Cảm Về Loài Cây Em Yêu Ngắn Nhất – Bài 5
Tham khảo bài viết biểu cảm về loài cây em yêu ngắn nhất với những ý tứ sâu sắc và chi tiết miêu tả ấn tượng về cây đa như sau:
Khi nhớ về quê hương ta luôn nhớ đến hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam, đó là mái đình, cây đa, giếng nước. Em yêu tất cả những hình ảnh đó và hơn thế, tuổi thơ ấu của em đã gắn liền với cây đa nơi cổng làng.
Cổng làng em có một cây đa cổ thụ, niên đại của nó đã vài chục năm, cây cao lớn hàng chục mét, thân cây phải 3-4 người vòng tay ôm mới hết. Tán cây rất rộng có thể che kín một mái nhà năm gian, cây đa như một nhân chứng lịch sử đứng hiên ngang sừng sừng chứng kiến sự đổi thay từng ngày của ngôi làng, dưới tán cây đa đã lắng nghe biết bao câu chuyện buồn vui của những thế hệ người dân nơi đây.
Đối với em nói riêng và người làng nói chung đã coi cây đa là một biểu tượng của ngôi làng, chẳng ai dám chặt lấy một cành cây hoặc tiện tay bứt một chiếc lá. Em nhớ những buổi trưa hè trốn ngủ trưa để ra gốc đa đùa vui với lũ bạn chăn trâu, chúng em chơi những trò như bắn bi, làm diều. Dưới tán của cây đa, vừa có bóng mát lại có gió thoảng rất dễ chịu, không khí thoáng đãng và mát hơn ở trong nhà. Cứ đến Tết là cây đa lại được trang trí rất đẹp mắt với cờ đỏ sao vàng, dây óng ánh và đèn nhấp nháy, giống như một sự chào đón mọi người trở về quê hương.
Em yêu cây đa và dù có phải xa quê hương đi đến bất cứ nơi đâu em vẫn luôn nhớ về hình ảnh cây đa quê hương.
Biểu Cảm Về Loài Cây Em Yêu Hoa Sen – Bài 6
Tham khảo cách hành văn ngắn gọn, mạch lạc nhưng vẫn giàu sức biểu đạt thông qua bài văn Biểu cảm về loài cây em yêu hoa sen dưới đây.
Trong rất nhiều các loại hoa như: hoa hồng, hoa thược dược, hoa cúc, hoa oải hương… thì em thích nhất là loài hoa sen. Một lần về quê chơi, em đã được bà ngoại dẫn ra đầu làng để ngắm nhìn và thưởng thức vẻ đẹp của loài hoa xinh đẹp này.
Đó là một sớm mùa hè tinh mơ và mát mẻ. Một không khí thật đẹp tại đầm sen. Ẩn hiện sau những màn sương sớm mỏng manh là hình ảnh những bông hoa sen. Những bông hoa sen nở trong đầm lầy, có đủ các màu sắc: nào hồng, nào trắng. Xen lẫn vào đó là màu xanh thẫm đến đặc biệt của những chiếc lá sen.
Có những bông hoa sen còn chúm chím, xinh xinh trông hệt như những cô thiếu nữ tuổi còn trẻ, còn đang e ấp, ngại ngùng. Có những bông hoa sen lại nở xòe ra rực rỡ, phô hết ra được toàn bộ vẻ đẹp của mình. Bên trong hoa sen lại nhị hoa màu vàng tươi trông thật thích mắt. Hương hoa sen thì không nồng nàn như hoa hồng mà lại dịu nhẹ, thoảng qua nhưng không kém phần quyến rũ.
Hương hoa sen quyện vào trong không khí còn ẩm hơi sương vào sáng sớm làm cho con người không khỏi siêu lòng, ngây ngất. Em rất yêu hoa sen!
Tặng bạn 🌹 Tả Hoa Sen Hay Nhất 🌹 15 Bài Văn Miêu Tả Điểm 10
Viết Đoạn Văn Biểu Cảm Về Loài Cây Em Yêu – Bài 7
Đối với đề bài dạng “Viết đoạn văn biểu cảm về loài cây em yêu” thì đoạn văn về cây gạo dưới đây là một sự gợi ý phù hợp cho các em học sinh tham khảo.
Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ. Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng. Hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh. Tất cả đều lóng lánh lung linh trong nắng. Chào mào, sáo sậu, sáo đen, đàn đàn lũ lũ bay đi bay về. Chúng nó gọi nhau, trêu ghẹo nhau, trò chuyện ríu rít. Ngày hội mùa xuân đấy…
Hết mùa hoa, chim chóc cũng vãn. Cây gạo chấm dứt những ngày tưng bừng, ồn ã, lại trở về với dáng vẻ xanh mát, trầm tư. Cây đứng im cao lớn, làm tiêu cho những con cò cập bến và những đứa con về thăm quê mẹ.
Bài Văn Biểu Cảm Về Loài Cây Em Yêu Cây Phượng Chọn Lọc – Bài 8
Bài văn biểu cảm về loài cây em yêu cây phượng chọn lọc – cùng tham khảo bài văn mẫu về loài cây gắn liền với tuổi học trò của chúng ta.
Những câu hát như vang vọng đâu đây: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng. Em chở mùa hè của tôi đi đâu…”. Hoa phượng loài cây gắn bó với tuổi học trò và những kỉ niệm đẹp đẽ của một thời học sinh, hoa phượng cũng là loại cây mà tôi rất yêu quý.
Đối với tôi mỗi lần đứng trên ban công của lớp học, nhìn lại cây phượng nơi góc sân trường, trong đầu tôi như xuất hiện hàng trăm đốm lửa ấm nóng đến chói chang. Ai đó đã từng nói về hoa phượng rằng: Một loài hoa luôn cháy hết mình và vắt kiệt những đam mê. Đúng vậy, hoa phượng đỏ rực như muốn sống hết mình với tụi học trò chúng tôi. Màu đỏ của hoa phượng như kết lại trong tâm tưởng chúng tôi những vòng nguyệt quế của niềm khát khao, và làm cháy lên những niềm thương nhớ trong những ngày hè xa trường xa lớp.
Cây phượng đứng âm thầm và thầm lặng bên sân trường và chứng kiến những cột mốc và những sự trưởng thành từ chúng tôi. Bởi không chỉ tôi mà hầu như mọi người những ai được sống trong những năm tháng học trò thì sẽ luôn cảm thấy yêu hoa phượng bằng một tình yêu đặc biệt. Năm nào cũng vậy, đã thành thông lệ nhưng tôi không thể nào quên cảm giác bồi hồi, xao xuyến khi thấy hoa phượng nở, hoa phượng rơi.hòa trong tiếng ca nóng bỏng, râm ran của lũ ve sầu!
Hoa phượng mãi là biểu tượng đẹp của tuổi học trò, những chiếc giỏ xe vẫn chở những mùa phượng vĩ đi qua thời gian và lưu lại trong kí ức mỗi người về một thời học sinh không thể nào quên dưới mái trường yêu dấu.
Xem thêm ✅Thuyết Minh Về Cây Phượng Vĩ Lớp 8 ❤️️ 15 Mẫu Hay Nhất
Bài Văn Biểu Cảm Về Loài Cây Em Yêu Cây Bàng – Bài 9
Ngoài cây phượng thì cây bàng cũng là một loại cây rất được các em học sinh yêu thích, bài văn mẫu biểu cảm về loài cây em yêu – cây bàng sau đây rất hay mà bạn đọc không nên bỏ lỡ.
Trong quãng đời đi học ai cũng có cho mình những kỉ niệm. Em cũng vậy, mỗi khi nhớ đến những kỉ niệm ấy hình ảnh cây bàng lại hiện lên trong em. Đây chính là người bạn thân thiết chia sẻ vui buồn cũng là loài cây mà em yêu thích nhất.
Vào mỗi mùa cây bàng lại khoác lên mình những vẻ đẹp riêng. Khi xanh mướt, tươi tốt khi lại già cỗi, khẳng khiu. Có lẽ cây bàng đẹp nhất là vào mùa xuân. Khi đó nó khoác lên trên mình bộ áo xanh rực rỡ, tràn đầy sức sống.Từ những chiếc búp nhú mầm chúng nở ra những chiếc lá non xanh mướt. Những tia nắng mùa xuân len lỏi vào các kẽ lá như những cô tiên nhảy múa, đùa giỡn. Nó tạo nên một bức tranh đẹp đẽ, chân thật mà đầy sống động.
Hình ảnh cây bàng để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong em có lẽ là vào mùa hè. Những chiếc lá chuyển từ màu xanh non thành xanh đậm. Cây bàng như khoác lên mình chiếc áo khổng lồ. Những chiếc lá xum xuê, xếp chồng lên nhau che mát cho cả một góc sân trường. Em và lũ bạn thích nhất là ngồi dưới bóng râm để đọc sách, chơi nhảy dây,…..đón những đợt gió mát rượi.
Vào thu, lá bàng lại chuyển màu. Từ những chiếc lá xanh mơn mởn chúng chuyển thành màu đỏ vàng.Và đặc biệt, lũ học trò chúng em lại được thưởng thức những trái bàng với vị ngọt rất riêng. Cây bàng vào thu có lẽ chính là lúc mà lũ học sinh chúng em vui nhất.
Nhưng khi chuyển đông, cây bàng lại trở nên cằn cỗi, già nua. Thương biết bao nhiêu! Những chiếc lá xanh kia còn đâu,chúng trở nên đỏ sẫm rồi rụng nhanh chạm khẽ trên mặt đất. Đây là thời điểm mà cây bàng chỉ còn lại những nhánh cây khẳng khiu. Chúng như những cánh tay gầy guộc, trơ trọi giữa cái lạnh giá, rét buốt ngày đông. Lúc đấy nhìn nó thật cô đơn, buồn bã biết bao. Cứ ngỡ cây bàng sẽ bị mùa đông tàn phá, nhưng không, chính vào mùa xuân nó lại được hồi sinh,những chồi lá lại nhú lên nó lại khoác lên mình chiếc áo xanh đẹp đẽ.
Chẳng phải tự nhiên mà em lại yêu thích cây bàng. Cây bàng như một người bạn thân thiết trong những năm tháng học sinh của em. Khi có chuyện vui, chuyện buồn em đều chia sẻ với nó. Còn nhớ khi em bị điểm kém, bị mẹ la em lại chạy ra chia sẻ với cây bàng. Không chỉ lắng nghe mà cây bàng như muốn ôm lấy em như muốn cùng chia sẻ, an ủi với nỗi buồn của em. Nó như không phải vô tri vô giác mà có cảm xúc, hiểu chúng ta, cùng chúng ta trưởng thành và lớn lên trong những tháng năm học đường.
Cây bàng chính là người bạn yêu quý mà em không thể nào quên. Nó gắn bó với em thật nhiều. Nó chia sẻ,cùng em tâm sự những vui, buồn, hạnh phúc ……Chính tất cả những điều đấy khiến em càng thêm yêu quý nó. Và có lẽ mãi về sau này em chẳng thể quên được nó dẫu thời gian hay khoảng cách có xa bao nhiêu đi chăng nữa.
Gửi tặng bạn 💕 Tả Cây Bàng Trường Em 💕 15 Bài Văn Miêu Tả Hay Nhất
Tả Bài Văn Biểu Cảm Về Loài Cây Em Yêu Giàu Hình Ảnh – Bài 10
Tham khảo bài tả văn biểu cảm về loài cây em yêu giàu hình ảnh được scr.vn chọn lọc và chia sẻ đến bạn đọc sau đây.
Hè năm ngoái em về quê ngoại chơi và thấy cây mít ông bà trồng từ lâu đã bắt đầu sai trĩu quả trông rất thích mắt.
Em đứng lặng ngắm cây mít. Thân cây khá to cỡ hơn một vòng tay em ôm lận. Thân màu nâu sẫm, khi đứng cạnh trông em trở nên bé nhỏ so với nó. Cành lá sum suê, vươn rộng tỏa bóng mát cả một góc vườn. Dưới gốc cây ông em còn đóng một cái xích đu be bé để dành riêng cho hai chị em em ngồi. Những ngày hè nóng nực, chỉ cần ra vườn ngồi nghỉ dưới gốc cây sẽ thấy rất mát mẻ và dễ chịu.
Lá mít rất to, dày, xanh đậm. Mặt trước của lá sáng bóng còn mặt đằng sau thì ngược lại, xanh nhạt hơn. Từ thân cây, nảy ra những trái mít non. Lúc đầu chúng be bé màu xanh cỡ cái cốc rồi lớn dần lên đến khi có thể ăn được thì to hơn cái ấm tích của bà. Khi chín, vỏ mít chuyển màu sáng màu sậm. Nhìn bên ngoài vỏ mít sần sùi nhiều gai là thế nhưng bên trong thì vô cùng thơm ngon.
Khi mít chín thì thơm lan tỏa khắp vườn. Mùi thơm ấy ngọt ngào len lỏi từ vườn vào trong nhà. Em háo hức lắm nên cứ giục ông ra thăm cây liền. Ông nở nụ cười thân thương rồi đến cây mít, nhẹ nhàng cắt bỏ cuống rồi ôm quả vào lòng. Ông vui lắm đấy vì cây mít ông trồng từ lâu đã có thể hái cho các cháu ăn. Bổ quả mít ra, những múi mít vàng ươm nằm xen kẽ với xơ mít trông rất hấp dẫn. Mùi thơm khi bổ tăng lên gấp bội.
Cả nhà quây quần dưới hiên ngồi ăn mít và trò chuyện thật vui vẻ. Những múi mít ngọt đậm, thơm lừng khiến ai ăn cũng phải tấm tắc khen. Hạt mít có thể luộc hoặc rang ăn rất bùi và ngon.
Vào những trưa hè đầy nắng, em rất thích nằm dưới gốc mít nghe bà kể chuyện và xem ông tỉa lá vì đã có tán lá rợp rộng tỏa bóng mát dễ chịu. Mong rằng mỗi năm em đều được về quê và được thu hoạch hoa quả trong vườn cùng ông bà.
Những Bài Văn Biểu Cảm Về Loài Cây Em Yêu Ấn Tượng – Bài 11
Bài văn viết về cây vải dưới đây là một trong những bài văn biểu cảm về loài cây em yêu ấn tượng nhất, được giáo viên đánh giá cao.
Khu vườn nhà em trồng rất loại cây ăn quả như vải, nhãn, ổi, na, mít,… Nhưng cây vải được trồng từ rất lâu từ thời ông nội đến nay vẫn sai trĩu quả khiến em rất yêu thích.
Cây vải nhà em cao hơn mái nhà, tán cây xòe rộng lan tỏa bóng mát mỗi khi mùa hè về. Tuy nhiên tán và cành cây của nó không lớn, khẳng khiu nhưng có độ dẻo dai rất cao nên khi leo lên đó không bị gãy. Thân cây vải xù xì, sờ vào cảm giác nham nhám và sần sùi. Chỉ cần một vòng tay của em là đã có thể ôm lấy thân cây vải một cách dễ dàng. Nó không có bộ rễ to đồ rộ và mọc tràn lan trên mặt đất. Rễ của cây vải mọc rất khiêm tốn, chỉ có một vài rễ ngoi lên mặt đất mà thôi.
Lá của cây vải có màu xanh thẫm, có hơi hướng giống với lá của cây nhãn. Mỗi khi mùa thu về lá của cây vải bắt đầu ngả màu và sang màu đông thì nó khô héo và rụng xuống cội. Đến khi mùa xuân đến thì những chiếc lá lại bắt đầu nhú lên, đâm chồi nảy lộc non. Chờ đến khi mùa hạ đến thì cành lá sum xuê và tỏa bóng mát rợp khắp. Cây vải có hoa màu trắng bé xíu chen chúc nhau giấu sau từng tán lá xanh.
Từng cụm từng cụm cứ khép kín vào nhau, khi có gió thổi qua thì những cánh hoa bé xíu mỏng manh lại rơi rụng xuống mặt đất. Chờ thời kì thụ phấn thì bắt đầu đơm quả bé tí xíu. Quả vải cứ thế lớn lên từng ngày. Vỏ của quả vải không trơn mịn mà sờ vào hơi nhám. Vải là loại quả đặc trưng của mùa hè, khi ăn hơi nóng so với những loại quả khác. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều người mê mẩn quả vải này. Vì hương vị thơm lừng, cùi vải dày và ngọt lịm khiến người ăn không thể cưỡng lại được.
Mùa vải của gia đình em năm nào cũng có rất nhiều quả, từng chùm, từng chùm cứ chụm vào nhau trĩu cả cành. Có khi ba em phải buộc từng chùm vào lại với nhau vì sợ cành cây sẽ bị gãy. Cả nhà em ai cũng thích ăn vải. Khi mùa vải chín, mẹ thường hái những chùm quả to và tròn nhất đặt lên bàn thờ ông để tưởng nhớ công lao trồng và chăm sóc vải của ông. Mỗi lần nhìn cây vải em lại thấy nhớ ông nhiều vô kể.
Tiếp tục đón đọc ☘ Tả Loài Cây Em Yêu Thích ☘ 15 Bài Văn Mẫu Hay Nhất
Bài Văn Loài Cây Em Yêu Chọn Lọc – Bài 12
Khám phá cách hành văn sâu sắc, hấp dẫn trong bài văn về loài cây em yêu chọn lọc dưới đây.
Không biết tự bao giờ, cùng với bến nước sân đình, cây đa đã trở thành biểu tượng của làng quê đất Việt. Ai đó xa quê hẳn không thể không có những phút nao lòng mỗi khi nhớ về những kỉ niệm bên gốc đa làng. Cây đa đi vào ca dao, trong chuyện cổ tích, trong mỗi khúc dân ca. Quên sao được câu chuyện của bà dưới gốc đa có Thạch Sanh, chú cuội. Nhớ vô cùng điệu lí cây đa người thương ta đã hát. Cây đa bến nước sân đình phải chăng đã trở thành những thiết chế văn hóa không thể thiếu được của làng quê?
Thật vậy, với đặc tính sinh vật của mình, cây đa đã gắn bó sâu sắc với làng. Đa rất dễ trồng và sống lâu tới ngàn tuổi. Trong bão táp phong ba, trải qua bao thế hệ cây đa vẫn sừng sững tỏa bóng mát giữa trời, ôm cả một góc quê hương. Cành đa vươn đến đâu buông rễ chùm, rễ nổi đến đó. Từ rễ hóa thành thân, để cây đa có thêm nhiều cội. Có cây có tới chín cội lừng lững uy nghiêm cả một góc làng. Những cội đa đó như những cánh tay khổng lồ, cơ bắp cuồn cuộn nâng cả tán cây lên giữa trời xanh.
Ngoài những cội chính ra đó, đa còn có nhiều lá rễ chùm rễ phụ buông lơ lửng lưng trời như tóc ai đang xòa bay trong gió. Trẻ chăn trâu tha hồ ẩn náu trong từng cội đó chơi trò đuổi bắt. Lá đa xanh ngắt bốn mùa chim gọi về làm tổ. Trong vòm lá, chim ríu rít gọi bầy. Dưới gốc đa trẻ nô đùa hò hét. Và kia, con trâu nhà ai đang mơ màng lim dim nằm nhai cỏ để cho lũ chim sáo nhảy nhót cả lên đầu.
Đa không có giá trị kinh tế như các loài cây khác, không có quả thơm như mít như xoài; không có hoa đỏ như gạo, hoa tím như xoan. Đa chỉ có tấm thân lực lưỡng trăm cành hiên ngang và tán lá quanh năm xanh ngát. Đa chỉ có bóng mát cho đời. Đa càng sống lâu càng khỏe chắc kiên cường. Bởi thế giá trị tinh thần của cây đa thật lớn.
Đa là cây cao bóng cả của làng. Chim muông tìm đến đa để làm tổ. Người thương lấy gốc đa để làm nơi hò hẹn đợi chờ. Xao xuyến làm sao một đêm trăng, cành đa la đà trước ngõ để cho ai đó ngắm trăng ngơ ngẩn đợi người! Những trưa hạ oi nồng, gốc đa thành nơi dừng chân cho bao lữ khách.
Người làng ra đồng ra bãi gồng gánh trên vai, cả con trâu cái cày cũng lấy gốc đa làm chỗ nghỉ. Quán nước ven đường dưới gốc đa ấy râm ran bao chuyện ở đời. Bát nước chè xanh hay bát vối đặc cùng với ngọn gió mát làng dưới bóng đa rì rào ấy đã xua đi bao gian khó nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh.
Cổng làng bên cạnh gốc đa nơi thuở thiếu thời ta chong chong chờ mẹ đi chợ về có gió cành đa vỗ về ôm ấp để đến bây giờ cái cảnh ấy vẫn hoài niệm canh cánh mãi trong ta. Và anh nghệ sĩ góc máy nào gam màu nào để anh có được một tấm ảnh một bức tranh cổng làng ta, mái đình quê ta với gốc đa sần sùi rêu mốc, lá đa xanh ngát đẹp ngời đến thế!
Cây đa đi vào lịch sử mỗi làng. Thời chống Pháp, ngọn đa là nơi treo cờ khởi nghĩa, gốc đa là nơi cất giấu thư từ, tài liệu bí mật. Thời chống Mĩ gốc đa lại là chòi gác máy bay, nơi treo kẻng báo động. Còn mãi trong ta cây đa Tân Trào thủ đô kháng chiến khi xưa. Đa là nỗi kinh hoàng cho lũ giặc, là bình yên cho xóm làng. Phải chăng “thân cây đa” cũng là từ ý nghĩa đó. Đa là một trong những biểu tượng của làng.
Bác Hồ – người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người đã phát động Tết trồng cây và việc trồng cây mỗi mùa xuân đến theo lời Bác dạy là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam chúng ta. Cả cuộc đời Người, Bác đã trồng biết bao cây xanh tạo bóng mát cho đời, trong đó có nhiều cây đa. Tết Kỉ Dậu (1969) Tết cuối cùng của đời người, Người đã kịp trồng cây đa cuối cùng tại xã Vật Lại (Ba Vì). Những cây đa Bác trồng đã vươn cành xanh lá tỏa bóng rợp mát quê hương.
Theo chân Bác, cùng với việc trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, chúng ta hãy trồng thêm nhiều cây đa nữa ở những nơi trung tâm làng xã để cho “cây đa bến nước sân đình” mãi là những tín hiệu bình yên, biểu tượng của một làng quê văn hóa Việt Nam.
Tham khảo 💕 Luyện Tập Miêu Tả Các Bộ Phận Của Cây Cối 💕 Tập Làm Văn
Bài Văn Biểu Cảm Về Loài Cây Em Yêu Cây Tre Chi Tiết – Bài 13
Cùng tham khảo những bài văn biểu cảm về cây cối hay nhất trong đó có bài văn biểu cảm về loài cây em yêu – cây tre chi tiết sau đây.
Cây tre từ lâu đã trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Tre cũng có những phẩm chất đáng quý như con người vậy.
Tre có từ bao giờ cũng không ai biết nữa, nhưng từ thời Hùng Vương thứ Sáu đã đi vào truyền thuyết lịch sử chống giặc cứu nước. Tre tượng trưng cho người quân tử bởi thân hình gầy guộc thẳng đứng, cao vút, bất khuất vươn lên bầu trời cao. Lá thì mong manh với “manh áo cộc bao ngoài thì để dành cho măng”.
Tre như người mẹ hiền âu yếm, hy sinh cho đứa con yêu bé bỏng. Dù gầy guộc nhưng tre vẫn biết sống chung biết kết nên luỹ nên thành, sự đoàn kết đó không sức mạnh gì tàn phá nổi. Những cây con thì nhọn hoắt, đâm thẳng và vươn lên tràn đầy sức sống. Tre kiên gan bền bỉ vững chãi trong mọi môi trường sống dù bùn lầy, khô hạn, đất sỏi đất vôi bạc màu tre cũng xanh tươi mượt mà. Tre mộc mạc, nhũn nhặn, cứng cáp, dẻo dai và thanh cao.
Từ lâu cây tre đã trở thành người bạn thân của con người. Tre hiện diện trong đời sống con người từ ăn, ở, làm việc, trong phong tục, tập quán, dựng nhà dựng cửa… Từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi, tre với con người sống chết có nhau chung thuỷ.
Tre cũng tạo nên cảm hứng sáng tác trong nhiều tác phẩm thơ văn. Từ những câu hát, câu thơ như xâu chuỗi tâm hồn dân tộc “bóng tre trùm mát rượi”, một lời tâm sự về mùa màng “Cánh đồng ta năm đôi ba vụ. Tre với người vất vả quanh năm” hay một khúc hát giao duyên “ Lạt này gói bánh chưng xanh. Cho mai lấy trúc cho anh lấy nàng”. Nhạc của trúc của tre là khúc nhạc đồng quê. Những buổi trưa hè lộng gió, tiếng võng tre kẽo kẹt bay bổng, xao xuyến bâng khuâng man mác như lời của đồng quê của cuộc sống thanh bình.
Trong cuộc chiến giữ nước, tre cũng bất khuất, can trường với khí tiết ngay thẳng. Tre cùng với con người đã lăn xả vào kẻ thù vào cái ác, dù cái ác rất mạnh, để giữ gìn non sông đất nước, giữ tính mạng cho con người. Tre là đồng chí của ta, tre vì ta mà đánh giặc.
Ngày nay cuộc sống đã thay đổi, các vật dụng làm từ tre cũng không nhiều nữa, đầu làng ít thấy thấp thoáng lũy tre xanh, con người cũng ít phải ngồi hóng mát dưới gốc tre nữa. Tuy vậy cây tre mãi mãi vẫn tồn tại trong tâm trí người dân Việt, là biểu tượng không bao giờ thay đổi của dân tộc ta.
Mời bạn tham khảo 🌠 Tả Cây Tre Hay Nhất 🌠 15 Bài Văn Tả Về Cây Tre Điểm 10
Bài Văn Biểu Cảm Về Loài Cây Em Yêu Quý Hay Đặc Sắc – Bài 14
Bài văn biểu cảm về loài cây em yêu quý hay đặc sắc sau đây giúp cho các em có thêm nhiều ý tưởng mới để hoàn thiện bài văn của mình.
Nhà thơ Đào Mạnh Thạnh đã từng viết:
“Tia nắng hè hồng nắng rực râm ran
Cho phượng hồng thắp tràn lên màu lửa.”
Những câu thơ ấy đã khiến cho hình bóng những đóa phượng đỏ nở rộ lên trong tâm trí em. Gợi lên rất nhiều những cảm xúc khó tả.
Cây phượng là một loài cây cổ thụ, thân cây thô ráp, sần sùi. Lá cây luôn xanh tốt quanh năm. Không có lúc trầm buồn, trơ trụi khi vào đông như cây bàng, cũng không có lúc cựa mình nhú từng chồi non như cây sấu. Hoa phượng cũng trầm lặng giống như vậy. Hoa phượng không có mùi hương nồng nàn như các loài hoa khác. Thế nhưng nó vẫn được tất cả mọi người yêu quý. Và được ưu ái mệnh danh là hoa của học trò.
Những bông hoa phượng có màu đỏ rực như máu, như lửa. Đỏ như là nó đã hút hết những cái nắng oi ả của mùa hạ, hút hết những tinh túy của đất trời chỉ để nuôi màu hoa. Có lẽ vì đã dồn hết máu lửa cho màu đỏ ấy, làm hoa phượng không có mùi thơm.
Những cánh phượng màu đỏ rực ấy mỏng tanh, mềm mại như cánh bướm. Chỉ một cơn gió nhẹ thôi cũng làm chúng phập phồng, như muôn nghìn cánh bướm đang tung bay. Những cánh bướm đỏ thắm ấy chở biết bao tâm sự của tuổi học trò. Đó là những lo lắng khi lại một mùa thi nữa đến. Đó là những tiếc nuối khi một năm học nữa lại trôi qua. Đó là những vui sướng khi sắp được nghỉ dài ngày. Đó là vô vàn những cảm xúc khó quên trộn lẫn trong tâm hồn mỗi người học sinh.
Hoa phượng như là một tín hiệu của lời chào tạm biệt. Lời chào của trường cũ, thầy cô, bạn bè để họ tiếp tục tiến về phía trước. Và những cô cậu ấy, sẽ mang theo những chú bướm có cánh phượng ấy đi theo khắp cuộc đời.
Cây phượng là loài cây mà em yêu thích nhất. Bởi màu sắc nhiệt huyết của những cánh hoa ấy. Nó như là ngọn lửa bất diệt – niềm tin, sự cố gắng vô cùng của em. Và nó sẽ đại diện cho những tình cảm nồng ấm, chân thành của em dành cho ngôi trường, dành cho tuổi học trò.
SCR.VN tặng bạn 💧 Thuyết Minh Về Cây Chuối 💧 15 Bài Văn Ngắn Gọn Hay
Bài Văn Biểu Cảm Về Loài Cây Em Yêu Thích – Bài 15
Bài văn biểu cảm về loài cây em yêu thích – cây hoa hồng được nhiều bạn đọc quan tâm và chia sẻ rộng rãi trên các diễn đàn văn học.
Loài hoa nào cũng đều có những vẻ đẹp khác nhau. Nếu như hoa đào đem đến không khí Tết an khang, hạnh phúc. Hoa đồng tiền tượng trưng cho sự may mắn. Thì hoa hồng lại mang một vẻ đẹp rực rỡ.
Cây hoa hồng được trồng ở nhiều quốc gia. Thân cây mảnh chỉ bằng chiếc đũa, mang một xanh sẫm. Khắp thân nhỏ ấy là những chiếc gai nhọn bao phủ để bảo vệ cây khỏi kẻ thù. Lá kép hình bầu dục, lá chét khía răng, có lá kèm. Hoa thơm, màu sắc đa dạng: hồng, trắng, vàng hay đỏ… Hoa hồng có nhiều cánh, từng cánh hoa chụm vào nhau rất duyên dáng. Hương hoa hồng nhẹ nhàng, thanh thoát.
Hoa hồng được trồng nhiều ở Việt Nam, chủ yếu là ở Đà Lạt với loài hoa đẹp. Đây là loài hoa được mệnh danh là “nữ hoàng của các loài hoa”. Mỗi loại hoa hồng sẽ mang một ý nghĩa khác nhau. Hồng nhung tượng trưng cho tình yêu mãnh liệt, hoa hồng trắng biểu tượng cho sự trong sáng, thuần khiết. Hay hoa hồng vàng mang ý nghĩa về tình bạn chân thành, còn hoa hồng tím lại thể hiện cho sự thủy chung.
Trong cuộc sống hằng ngày, hoa hồng đem đến rất nhiều lợi ích. Những bó hoa hồng tươi thắm dành tặng cho thầy cô giáo trong ngày 20 tháng 11 bài tỏ lòng biết ơn. Hay những bó hoa hồng rực rỡ trong ngày mùng 8 tháng 3, 20 tháng 10 dành tặng những người phụ nữ bày tỏ tình yêu, trân trọng. Hay ngay từ thời cổ đại, hoa hồng được sử dụng là một phương pháp làm tăng hiệu ứng tích cực cho cơ thể con người, như tác động lên tâm trí và được sử dụng để làm đẹp da, người ta đã sử dụng hoa hồng làm ra nhiều loại nước hoa… Quả là một loài hoa đem đến rất nhiều lợi ích cho con người.
Mỗi bông hoa tươi thắm có được cũng là nhờ bàn tay chăm sóc nâng niu của con người. Chúng ta hãy trân trọng hòa hồng – loài hoa với nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
Đón đọc tuyển tập 💧 Tả Một Cây Hoa Mà Em Yêu Thích 💧 15 Bài Văn Hay Nhất
Bài Văn Biểu Cảm Về Loài Cây Em Yêu Ngắn – Bài 16
Nếu các bạn đang tìm một bài văn biểu cảm về loài cây em yêu ngắn gọn để tham khảo thì đừng nên bỏ qua bài văn về cây tre sau đây nhé!
Cây tre – một loài cây gắn liền với mọi người dân Việt Nam và trở thành loài cây biểu tượng cho sự ngay thẳng, kiên cường của dân tộc ta. Em yêu cây tre bởi nó gắn liền với cuộc sống và có rất nhiều công dụng hữu ích.
Cây tre là cây thân đốt, thường mọc thành bụi với rất nhiều cây, thế hệ tre già măng mọc cứ nối tiếp nhau tạo nên những luỹ tre sừng sững trong những ngôi làng, bờ đê, đường đi. Cây tre xanh, màu xanh đầy sức sống, thân cây thẳng tắp xanh sẫm và lá nhỏ xanh tươi. Tre luôn vươn thẳng lên cao, sống thành bụi giống như người Việt Nam ta sống rất ngay thẳng lại đoàn kết với nhau.
Những rặng tre xanh rì rào rít trong gió những tiếng kẽo kẹt khi thân cây cọ vào nhau, luỹ tre xanh là nơi người nông dân ngồi nghỉ khi làm đồng mệt, nơi cọc trâu cọc bò, hay là nơi ngồi bán hàng nước nhỏ. Người dân làng em thường chặt thân tre để đan thúng, rổ, rá, nong, nia, rồi làm cán cuốc, làm giàn trồng rau. Tre rất có ích với cuộc sống người dân thôn quê, còn đối với chúng em, tre làm diều sáo làm cần câu. Em nhớ như in những chiều đi chặt tre làm diều bị gai tre cứa chảy máu nhưng lại rất vui.
Bây giờ khi tre đã không còn nhiều như ngày xưa nhưng em tin rằng cây tre vẫn luôn là người bạn thân thiết không thể nào quên của mọi thế hệ người dân Việt Nam.
Làm Bài Văn Biểu Cảm Về Loài Cây Em Yêu Thật Sinh Động – Bài 17
Với yêu cầu “Làm bài văn biểu cảm về loài cây em yêu thật sinh động” thì bài văn mẫu về cây phượng dưới đây là một ví dụ điển hình rất thích hợp để học hỏi.
“Những chiếc giỏ xe, chở đầy hoa phượng. em chở mùa hè của tôi đi đâu…”. Mỗi lần nghe những giai điệu du dương và quen thuộc ấy, lòng tôi thấy nao nao buồn. Những lời ca gợi cho tôi nhớ về một loài hoa cây tôi yêu quý – cây phượng.
Hương phượng thơm thoang thoảng chứ không ngạt ngào như hoa sữa. Vì thế thưởng thức hương hoa phượng bao giờ cũng tìm ra được những cảm giác thư thái, an lành. Phượng bắt đầu thắp lửa lúc đầu hè. Bởi thế mà cũng giống mọi người, tôi yêu hoa phượng bởi nó khắc ghi những dấu mốc quan trọng của đời tôi.
Phượng nở là dấu ấn của mùa thi. Ở đó, tôi dù thành công hay thất bại nhưng tôi đã có những bài học và tôi vì thế đã trưởng thành. Phượng nở rộ cũng là lúc phải chia tay. Ôi! Chỉ cần nghỉ vậy thôi tôi tôi cũng đã cảm thấy nao lòng. Năm nào cũng vậy, tuy đã thành lệ nhưng không làm sao quên được cảm giác hồi hồi xao xuyến ấy.
Cứ đến đầu tháng năm, khi hoa phượng đang lúc đỏ tươi và bước vào kì thi đẹp nhất thì cũng là lúc tụi học trò chúng tôi lục đục cho những ngày hè sôi động. Tuy những ngày hè vui vẻ đang chực đón chờ, nhưng chúng tôi vẫn thấy buồn lắm lắm. Bạn bè cả năm học vui vẻ với nhau vậy mà bây giờ phải tạm xa mấy tháng. Chúng tôi buồn thậm chí có bạn còn phát khóc khi phải trải qua những lần như thế.
Hoa phượng đẹp và tất nhiên nó sẽ mãi là biểu tượng cho tuổi học trò. Hoa phượng rất giống lũ học trò nhỏ chúng tôi bởi nó cũng ngây thơ và cũng sống hết mình một cách thủy chung bằng tấm lòng son đỏ. Dưới mái trường cấp một thân yêu, không phải ai hết mà chính là hàng phượng đã chứng kiến lũ học trò chúng tôi lần lượt trưởng thành.
Giờ đây khi đã chia xa, tôi nhớ đến nao lòng hàng phượng, nhớ những bông hoa đỏ khắc ghi bao kỉ niệm học trò nhất là những kỉ niệm của năm học lớp 5. Ở ngôi trường mới của chúng tôi, hàng phượng mới trồng chưa kịp trổ hoa. Hoa phượng không biết tự lúc nào đã trở thành một phần máu thịt của tôi. Nó là tình yêu của tôi, là nỗi nhớ mà tôi đã dành trọn cho một thời học trò đầy cảm xúc.
Chia sẻ cùng bạn 🌹 Thuyết Minh Về Một Loài Cây Cối Em Yêu 🌹 15 Mẫu Hay Nhất
Bài Văn Mẫu Biểu Cảm Về Loài Cây Em Yêu Đạt Điểm Cao – Bài 18
Nhất định không nên bỏ qua bài văn mẫu biểu cảm về loài cây em yêu đạt điểm cao sau đây nếu muốn có thêm nhiều gợi ý hay trong quá trình viết văn nhé!
Hà Nội – biết bao năm trôi qua vẫn chẳng đổi thay. Cứ mỗi độ xuân sang, thời tiết ấm áp lên, hoa sưa lại rực nở trên những con đường đầy mộng mơ của Hà Nội. Hoa sưa trắng cây, trắng trời như những bông tuyết bay trong gió mà chẳng bao giờ tan biến mất. Cái màu trắng muốt tinh khôi trong tiết trời se se lạnh sao mà yêu đến lạ. Cây sưa ngủ vùi giữa mùa đông lạnh lẽo dưới cái tán sù sì, với lớp lá vàng ảm đạm, để rồi một ngày xuân bỗng bừng lên trút cái lớp vỏ già nua trở thành nàng tiên mùa xuân xinh đẹp.
Chẳng có một tâm hồn nào lại không một lần rung lên khi bắt gặp vòm hoa lặng lẽ kiêu sa ấy. Cũng chẳng có vần thơ, tranh nào diễn tả hết cái hồn của sưa, giống như tâm hồn người con gái Hà Nội. Một chiều lang thang trên những con đường quen thuộc, tôi chợt giật mình vì mới chỉ mấy hôm trước đây thôi, hoa sưa còn e ấp điểm vài sắc trắng trên những thân cành khẳng khiu mà giờ lại nồng nàn bung lên sức sống mãnh liệt. Bỗng nhiên cảm thấy lòng rưng rưng, như gặp lại một người bạn cũ. Chẳng có loài hoa nào lại cùng thay lá, đâm chồi, ra hoa và lụi tàn trong một mùa duy nhất như hoa sưa.
Cũng thật chẳng sai khi ai đó nói rằng: “hoa sưa có mùa và mùa ngắn nhất năm”. Nhanh lắm, cái khoảnh khắc hoa rộ lên để rồi lại vụt qua chỉ như trong chớp mắt. Vẻ đẹp tươi tắn nhưng cũng thấm đẫm những u hoài, hoa mang trong mình quy luật vĩnh hằng của tạo hoá, cái đẹp thế gian chẳng thể được cho riêng ai, rồi sẽ đến một lúc lụi tàn.
Nếu như Hà Nội mùa thu làm say lòng người bởi hương hoa sữa thơm nồng từng con phố, nếu như mùa đông làm hiu hắt không gian với những cây sấu già trơ trụi, nếu như mùa hè cháy lên sắc tím bằng lăng, thì tạo hoá cũng thật công bằng khi ban cho mùa xuân một nét riêng của mình – hoa sưa. Dưới cái nắng nhẹ nhàng của mùa xuân, sắc hoa sưa thật chan hòa, dịu dàng, nhưng nếu đứng dưới tán hoa sưa sau cơn mưa, mới cảm nhận hết sự khác biệt kỳ lạ của nó.
Giống như một thứ ánh sáng mát mẻ, vừa làm tâm hồn người ta thanh tĩnh, có thể xua tan hết muộn phiền. Hoa sưa gắn với tôi “cả một trời” kỉ niệm của thời sinh viên. Đó là những ngày đi học qua con đường Hoàng Hoa Thám xanh mướt bốn mùa với những tán cây rợp lá. Đó là những chiều lang thang trong vườn Bách thảo để nhớ tên của các loài cây. Và đặc biệt hơn, đó là vào mùa xuân, khi những chùm sưa đầu tiên hé nở, rồi rộ lên như say, như mê trong một sắc màu tinh khiết.
Năm nay, hoa sưa nở vẫn nhiều, vẫn đẹp đến lạ, nhưng tôi chợt thấy buồn vì không phải ai cũng hiểu và trân trọng vẻ đẹp một thành phố, nhờ có những chùm hoa sưa tinh khiết thanh tao. Tiền bạc, lợi lộc đã làm con người ta mờ mắt và ích kỷ phạm tội, để chẳng ngại ngần giữa đêm trộm đốn ngã từng thân cây gỗ sưa, để những dòng nhựa chảy ra âm thầm, xa xót. Khách du lịch đến Hà Nội cũng yêu sắc trắng thuần khiết của những chùm hoa li ti kia lắm. Thế nhưng họ đâu hiểu rằng loài hoa bé nhỏ này giờ không còn được sống cuộc sống bình yên.
Giữa lòng phố cổ yên ả, cây sưa vẫn từng ngày từng giờ lo lắng bởi không biết sẽ bị đốn ngã lúc nào.. Năm nay, hoa sưa vẫn đẹp dịu dàng, vẫn say men hương nồng trời đất. Nhưng hoa có cảm hoá được chăng những tâm hồn cằn cỗi để một ngày biết rung động trước vẻ đẹp của cuộc sống? Biết hoa có lòng người? Biết người có hiểu lòng hoa?
Chia sẻ cơ hội 🌟 Nạp Thẻ Ngay Miễn Phí 🌟 Tặng Card Nạp Tiền Ngay Free Mới