Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường: 43+ Bài Thơ Hay

Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường ❤️️ Tuyển Tập 43+ Bài Thơ Hay ✅ Bên Cạnh Các Tác Phẩm Văn Xuôi, Thơ Của Ông Cũng Thấm Đượm Một Vẻ Đẹp Rất Riêng.

Nhà Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường

Nhà Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường thường được công chúng mến mộ với những bài văn xuôi thể loại bút ký đã rất nổi tiếng, nhưng ông cũng được biết đến như một nhà thơ với hồn thơ mang vẻ đẹp của nỗi buồn.

Khi nhắc đến tác giả của những áng văn thơ nổi tiếng về những dòng sông thì không ai khác đó chính là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Ông là một trong những nhà văn chuyên về thể loại bút kí với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng được nhiều người biết đến như: “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, “Rất nhiều ánh lửa”, “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu”…

Ông viết văn và viết báo từ khi còn rất trẻ nhưng đến năm 1978 ông mới kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông cũng từng nắm giữ rất nhiều chức vụ quan trọng như: Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên-Huế, Tổng thư kí Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình thành phố Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt, Sông Hương.

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà văn vô cùng tài hoa, đặc biệt là về thể loại bút kí. Mỗi một tác phẩm của ông đều có một phong cách viết rất độc đáo, đó là sự kết hợp ăn ý giữa chất trí tuệ và chất trữ tình về rất nhiều kiến thức, chủ đề khác nhau như: văn học, triết học, lịch sử, địa lí… bất kì chủ đề gì cũng không làm khó được ông.

Những sáng tác của ông hấp dẫn người đọc ở lối hành văn hướng nội, súc tích và tấm lòng nhân văn sâu sắc, trí tuệ uyên bác cùng chất Huế quyến rũ.

Ngoài thể loại bút kí, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn sáng tác thơ. Thơ của ông cũng được rất nhiều yêu thích nhờ có nhiều nét đặc sắc trong sáng tác. Các tập thơ của ông đều mang vẻ đẹp của nỗi buồn hoài niệm cùng những suy ngẫm về lẽ sống, cái chết,… có ảnh hưởng rất sâu sắc đến tâm hồn người đọc.

Xem nhiều hơn chùm 🍀 Thơ Vũ Hoàng Chương 🍀 độc đáo và thú vị.

Tiểu Sử Nhà Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường

Tiểu Sử Nhà Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường chi tiết để đọc giả có thể hiểu thêm về những chặng đường sáng tác của ông.

Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9 tháng 9 năm 1937, tại thành phố Huế, nhưng quê gốc ở làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Sau khi học hết bậc trung học ở Huế, năm 1960 ông tốt nghiệp khóa I ban Việt Hán, Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1964, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận bằng Cử nhân triết Đại học Văn khoa Huế.

Từ năm 1960 đến năm 1966 ông dạy tại Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc Học Huế. Tư năm 1966 đến 1975, Hoàng Phủ Ngọc Tường thoát ly gia đình để lên chiến khu, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng hoạt động văn nghệ.

Đến năm 1978 ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên-Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt.

Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cùng đợt với vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Phu nhân của ông là Lâm Thị Mỹ Dạ – bà cũng là một nhà thơ khá nổi tiếng và có rất nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam. Nối tiếp sự nghiệp văn chương của ông bà là hai cô con gái là Hoàng Dạ Thư và Hoàng Dạ Thi, họ cũng đã từng làm thơ, viết văn và công tác tại Nhà xuất bản.

Từ năm 2012 đến nay, gia đình nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đang cư ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, gửi tặng bạn 💕 Thơ Tế Hanh 💕 hay và ý nghĩa.

Sự Nghiệp Văn Học Của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Tổng hợp Sự Nghiệp Văn Học Của Hoàng Phủ Ngọc Tường với danh sách đầy đủ những tác phẩm của ông.

Thể loại bút ký:

  • Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1971).
  • Rất nhiều ánh lửa (1979, Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 1980-1981)
  • Ai đã đặt tên cho dòng sông, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế (1984)
  • Bản di chúc của cỏ lau (truyện ký, 1984)
  • Hoa trái quanh tôi (1995)
  • Huế – di tích và con người (1995)
  • Ngọn núi ảo ảnh (2000)
  • Trong mắt tôi (bút ký phê bình, 2001)
  • Rượu hồng đào chưa uống đã say (truyện ký, 2001)
  • Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé (bút ký văn hóa, 2005)
  • Miền cỏ thơm (2007)
  • Ai đã đặt tên cho dòng sông. Tinh tuyển bút ký hay nhất, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2010
  • Lời tạ từ gửi từ một dòng sông (2011)

Thể loại thơ:

  • Những dấu chân qua thành phố (1976)
  • Người hái phù dung (1992)
  • Dạ khúc

Thể loại nhàn đàm:

  • Nhàn đàm, Nhà xuất bản Trẻ, 1997
  • Người ham chơi, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1998
  • Miền gái đẹp, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2001 (Tặng thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2001)

Tuyển tập:

  • Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, 4 tập (Nhà xuất bản Trẻ, 2002)

Giải thưởng:

  • Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1980
  • Tặng thưởng Văn học Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, 1999, 2008
  • Giải A giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (1998-2003)
  • Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007

Bên cạnh Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường còn có Chùm 💌 Thơ Hồ Dzếnh 💌 đặc biệt được chọn lọc dành cho bạn.

Phong Cách Thơ Của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Phong Cách Thơ Của Hoàng Phủ Ngọc Tường với những nét riêng độc đáo của một hồn thơ luôn khắc khoải suy tư về nổi buồn và sự trôi chảy của thời gian.

Là nhà văn chuyên viết bút ký nên thơ của ông không nhiều, trong những bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, tác phẩm giàu chất thơ là “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, một bài bút ký ca ngợi sông Hương như là biểu tượng của Huế.

Nếu ký của ông đây đó ngoài “những ánh lửa” vẫn còn nhiều chất độn, xơ, xốp đo tính biến động bề mặt và sự đòi hỏi phản ánh nhanh, thúc hối về mặt thời gian như một đặc thù của Báo chí, thì thơ ông lại tĩnh tại hơn, nó như một tấm gương soi lại chính nội tâm ông. Ông đã có những bài thơ hay chịu được độ lãng quên của thời gian…

Nếu không quá máy móc căn cứ ở những ngày tháng ghi dưới mỗi bài thơ thì có thể thấy cảm hứng sáng tạo chính trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là sự hòa quyện những cảm hứng lớn về nhân dân, đất nước và cảm hứng thẳm sâu về thiên nhiên, về tình yêu được thể hiện tiếp biến từ những năm tháng kháng chiến đến những năm tháng hòa bình.

Con người nghệ sĩ và con người công dân cùng với những trải nghiệm và kiếm tìm từ cuộc sống thật của mình đã làm nên hồn thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa hiện thực vừa lãng mạn; vừa trang nhã quý phái vừa triết lý, ảo diệu cả trong 2 tập thơ Những dấu chân qua thành phố (1976) và Người hái phù dung (1995), (tái bản lần thứ nhất 1998).

Có thể nhận xét một cách khái quát về động thái thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, đó là cách kiến trúc trục không gian – thời gian nghệ thuật một cách ảo diệu gắn liền với ký ức tâm hồn giàu biến thái của anh khi nghĩ về tình yêu, thiên nhiên và đất nước.

Thơ anh không mới về thể thơ và hình thức biểu đạt, nhưng thơ anh có sức ám ảnh lớn về sự sống thật của cõi người qua cách tổ chức ý thơ và tứ thơ cùng việc vận dụng vốn ngôn ngữ giàu tính văn hóa hán học, triết học, sử học; kể cả dân tộc học, sinh vật học…

Cũng như cách huy động hình ảnh thơ, liên tưởng thơ ảo diệu, làm cho hiện thực cuộc sống và tâm trạng luôn xao động giữa các phạm trù sống – chết, giới hạn – vĩnh hằng, cái thoáng chốc phù du và cái thiên thu bất tuyệt.

Và sau tất cả những xao động đó là khát vọng hiện sinh đầy trách nhiệm của những con người biết sống qua sự đối chiếu với thiên nhiên và thời gian khách quan thường nghiệm.

Ngoài những bài Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, đọc nhiều hơn 🌹 Thơ Bằng Việt 🌹 dành cho bạn!

Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường

Chia sẻ những bài Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đặc sắc và giàu ý nghĩa.

Biệt Tiền Giang
Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

Đàn ca bềnh bồng trong đêm sương
Về sông Tiền gặp lại sông Hương
Sông hồng sông xanh tuy có khác
Một biệt ly rồi cũng vấn vương

Mai ta về với gió heo may
Gởi lại trường giang một nét mày
Chợt nhớ màu tóc xanh Ấp Bắc
Trông hoài phương Nam mây trắng bay

Bói hoa
Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

Hoa mai
Năm cánh vàng mơ
Ngón tay thiếu nữ thêu thùa trên cây

Hoa mai
Sáu cánh hoa gầy
Tương tư là bệnh của ngày nhắn nhe

Hoa mai
Bảy cánh tròn xoe
Hỏi trăng mượn mảnh gương thề thử soi

Hoa mai
Bốn cánh tròn môi
Nhớ ai đứng hát trên đồi gió đông

Hoa mai tám cánh đầu sân
Nửa đêm xiêm áo đứng gần mé hiên

Bồng bềnh cho tới mai sau
Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

Có con thuyền trong sương trắng
Bềnh bồng như một cánh chim
Có em chèo thuyền áo trắng
Xôn xao như trốn như tìm
Có vầng mặt trời rựng sáng
Bồi hồi như một trái tim

Em chèo thuyền về phía hừng đông
Hứng chút phấn mặt trời trên má
Bụi mặt trời vương đầy gót chân
In những dấu hoa hài trên sóng
Anh mãi nghe từ đáy
màu sương mỏng
Bài hát tình yêu dậy một phương hồng

Từ thuở nào vũ trụ đã sinh ra
Mà sao mặt trời mối ngày vẫn trẻ
Mà sao anh đã từ vạn kỷ
Bên sông này anh đứng hát
mặt trời lên

Vẫn đi hoài trong cõi vô biên
Mặt trăng là mảnh gương
riêng soi trái đất
Trái đất trôi như một cánh bèo dâu
Mặt trời nhiều khi phập phồng hơi thở
Mê man nhớ những tinh cầu

Những hành tinh ngẫm rồi thấy lạ
Bềnh bồng mà vẫn theo nhau
Anh với em, ừ thì cũng lạ
Bềnh bồng cho tới mai sau.

Cỏ, chim sẻ và châu chấu
Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

1.
Có nhiều khi tôi quá buồn
Tôi ước mong về ngồi dưới cội cây xưa
Em có nhắn điều gì theo lá rụng
Ký ức nào khẽ động vai tôi

Dáng ai như tôi đi qua cánh đồng
Thu nhặt lại mình trên ngọn gió
Giống như con chim sẻ nọ
Thu về từng cọng vàng khô

2.
Có nhiều khi tôi quá buồn
Tôi ước mong chung quanh chỗ tôi ngồi
Mọc lên thật nhiều cây cỏ
Cây xấu hổ đau gì mà rủ lá
Tôi gập người trên bóng tôi

Không nghe tiếng ai nói cười
Tôi còn ngồi chi đây một mình
Cắn móng tay từng ký ức mong manh
Giống như con châu chấu nọ
Gặm hoài lá cỏ xanh.

Chiều xuân
Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

Chiều xuân màu nắng như mơ
Mặt trời lắng đục giăng mờ núi non

Thu đi, tiếng nhạn hãy còn
Mà trên ghềnh đá đã mòn dấu chân

Em từ trở bến thanh xuân
Hồn ta đã trải một phần phụ nhau

Em về xứ bạn đã lâu
Vầng trăng cố cựu bên lầu vắng không

Ai sang nhắn hộ hoa hồng
Ngoài kia lúa đã ngậm đòng thanh xuân

Xin em khoác áo tứ thân
Cho dài tiếng hát cho bồng tóc mây

Chiều xuân như tỉnh như say
Nhớ em uống cả bóng cây ngô đồng.

Gợi ý cho bạn những nội dung thú vị có trong bài viết chọn lọc 🌹 Thơ Nguyễn Đình Chiểu 🌹

Những Bài Thơ Hay Của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Những Bài Thơ Hay Của Hoàng Phủ Ngọc Tường mang đậm màu sắc của nổi buồn và nỗi suy tư trăn trở về cuộc đời.

Dạ khúc
Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

Có một buổi chiều nào như chiều xưa
Anh về trên cát nóng
Đường dài vành môi khát bỏng
Em đến dịu dàng như một cơn mưa

Có buổi chiều nào như chiều qua
Lòng tràn đầy thương mến
Mang cả xuân thì em đến
Thắm nồng như một bông hoa

Có buổi chiều nào người bỏ vui chơi
Cho tôi chiếc hôn nồng cháy
Nỗi đau bắt đầu từ đấy
Ngọt ngào như trái nho tươi

Có buổi chiều nào mộng mị vây quanh
Nửa vành mi cong hờn dỗi
Em xoã muộn sầu trên gối
Rối bời như mớ tơ xanh

Có buổi chiều nào hình như chưa nguôi
Vầng trăng sáng màu vĩnh viễn
Em có lời thề dâng hiến
Cho anh trọn một đời người

Có buổi nào như chiều nay
Căn phòng anh bóng tối dâng đầy
Anh lặng thầm như là cái bóng
Hoa tàn một mình mà em không hay.

Dù năm dù tháng
Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

Anh hái cành phù dung trắng
Cho em niềm vui cầm tay
Màu hoa như màu ánh nắng
Buổi chiều chợt tím không hay
Nhìn hoa bâng khuâng anh nói
Mới thôi mà đã một ngày.

Ruộng cấy ta mong cơn mưa
Ruộng gặt ta mong ngọn nắng
Chăm lo cánh đồng tình yêu
Anh đếm từng vầng trăng sáng
Thiết tha anh nói cùng trăng
Mới thôi đã tròn một tháng.

Mùa xuân lên đồi cỏ thơm
Mùa hạ nhìn trời mây khói
Mây tím chân cầu tím núi
Đông xa ngày trắng mưa dầm
Nhìn trời ngẩn ngơ anh nói
Mới thôi mà đã một năm.

Sẽ đến một ngày trắng tóc
Nhưng lòng anh vẫn không nguôi
Thời gian sao mà xuẩn ngốc
Mới thôi đã một đời người.

Dù năm dù tháng em ơi
Tim anh chỉ đập một đời
Nhưng trái tim mang vĩnh cửu
Trong từng giọt máu đỏ tươi.

Địa chỉ buồn
Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

Nhà tôi ở phố Đạm Tiên
Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu
Có mùi hương cỏ đêm sâu
Có loài hoa biết nuôi sầu tháng năm

Tôi về ngủ dưới vầng trăng
Có em từ chỗ vĩnh hằng nhìn tôi
Tình xa , xa mãi trong đời
Tóc xanh tiên nữ rối bời trên tay

Tôi còn ngọn nến hao gầy
Chảy như nước mắt từ ngày sơ sinh
Tôi xin em chút lòng thành
Cài lên một phiến u tình làm hoa

Những chiều Bến Ngự giăng mưa
Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi
Tôi ra mở cửa đón người
Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang

Nhà tôi ở phố Đạm Tiên
Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu
Cây sầu đông , cây sầu đau
Thương tôi cây cũng nở màu hoa râm .

Đường phố ấy
Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

Đường phố ấy ngày xưa em đã chọn
Để đi về trong những tháng năm xanh
Đường đưa em đến những ngày khôn lớn
Niềm tin yêu hoa cỏ vẫn nguyên lành

Đường qua phố như dòng sông áo trắng
Tiếng guốc nào vang động tuổi thơ qua
Và phượng ơi! Những cánh hoa thầm lặng
Mỗi sắc hồng gọi những ước mơ xa

Hai hàng cây cứ xanh hoài như tuổi
Mùa xuân, mùa thu lá đẹp như hoa
Những chuyến buýt chiều mưa em đứng đợi
Đón những khoang đời náo nức ghé qua

Yêu tuổi trẻ từ một màu lá biếc
Yêu đồng bào từ bát nước lòng dân
Yêu đất nước từ con đường phố hẹp
Tâm hồn em mở rộng muôn lần

Đường phố ấy bây giờ giặc chiếm
Ngã ba ngã tư quỉ sứ đứng giăng bầy
Từng hơi thở của mái trường uất nghẹn
Trong khói mù lựu đạn hơi cay

Không thể mặc cho loài bán nước
Vung bàn tay cướp đoạt những thiêng liêng
Không thể mặc cho quân xâm lược
Dẫm gót giày lên thành phố yêu thương

Lời đất nước giương trùng trùng biểu ngữ
Người đi lên, tóc lộng nắng như cờ
Đường áo trắng hôm nay thành sông lửa
Nổi đuốc thiêng nhìn rõ mặt quân thù

Có bao giờ ta sống đầy tuổi trẻ
Như hôm nay cùng đất nước đứng lên
Nên dòng máu trên ngực em tươi đỏ
Nở hoa hồng trên màu áo trinh nguyên

Đường phố ấy ngày xưa em đã chọn
Tháng năm xanh cầm tay bạn đến trường
Với thành phố bỗng bây giờ lớn rộng
Thành chiến hào em giữ quê hương.

Gửi cho người
Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

Thôi xem em là bông hoa,
Một ngày qua – một ngày qua – một ngày
Thôi xem anh là đám mây
Một đường bay – một đường bay – một đời

Tài hoa cũng chuyện đùa chơi
Làm sao thưa hết một lời yêu thương
Anh đi tìm khắp thiên đường
Chỉ còn một đoá vô thường gởi em

Gửi em một nét sông mềm
Con đò áo trắng đã chìm trong mưa,
Rằng sông buồn tự thuở xưa
Vầng trăng mộng mị bây giờ là anh

Về trong huyền sử cũng đành
Gửi em hương phấn kinh thành chưa nguôi
Mùa thu anh góp tơ trời
Dệt vàng lụa gửi cho người Huyền Trân

Gửi hoa hồng cho mùa xuân
Môi hồng riêng gửi thiên thần đắm say
Anh cầm ngọn gió trên tay
Gửi cho trần thế những ngày rong chơi

Gửi nghìn năm cho mây trời
Gửi cơn mê đắm cho đời phù du
Gửi thêm một chút sương mù
Vào trong đôi mắt hồ thu của người

Giới thiệu cùng bạn 🍀 Thơ Hồ Xuân Hương 🍀 được chọn lọc đặc sắc và mang nhiều ý nghĩa.

Tuyển Tập Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường Hay Nhất

Tuyển Tập Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường Hay Nhất với những bài thơ đã định hình phong cách thơ của ông.

Hoa cúc xanh
Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

Em tặng anh bông hoa cúc màu xanh
Màu hoa quý tìm một thời chẳng thấy
Ước mong hoa mãi như màu ngày ấy
Như cái nhìn xanh biếc dõi trông theo.

Hoa hồng ở làng Cáclôpherơ
Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

Khi mỗi gương mặt là một hoa hồng
Ta muốn nhìn say mê dù quen hay lạ
Để mắt ra in bóng hình tất cả
Mỗi nụ cười thành một dấu môi hôn

Khi lòng ta là một hoa hồng
Hơi thở người yêu hóa thành ngọn gió
Niềm hạnh phúc là một làn hương nhỏ
Theo hương bay bát ngát giữa đời

Khi trái tim ta là một hoa hồng
Ta kiêu hãnh nở hoa giữa ngực
Màu đỏ hoa là lời thề đất nước
Đem đời ta làm một chiến công

Khi đất nước ta là một hoa hồng
Ta dám thách với muôn lần bão táp
Đất vẫn nở đoá hồng bất diệt
Bởi thân ta làm lá chắn Thành Đồng

Khi tự do là một hoa hồng
Ta nắm lấy, dù gai đâm xé thịt
Dù bàn tay ta máu hồng nhỏ giọt
Thấy lạ lùng, màu máu giống màu hoa.

Hoa ngô đồng
Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

Lạ quá! Sao lòng cứ nhớ nhung
Dáng ai đứng tựa cội ngô đồng
Nụ cười phơi phới theo màu áo
Còn lại cho tôi những cánh hồng.

Thoáng chốc đời người cũng vội qua
Chìm trong ký ức của màu hoa
Nụ cười phơi phới ngày xuân trước
Còn lại trong tôi chút nhạt nhoà.

Tháng năm theo con nước lênh đênh
Hoa ngô rơi từng đám bồng bềnh
Xa rồi hình bóng thanh xuân ấy
Sông vẫn trôi dài trong khói xanh.

Sống ở quê người em biết không?
Tôi thường tìm đến cội ngô đồng
Hỏi cây còn nhớ người xưa ấy
Đứng hát xuân thì trên bến sông.

Hoa thuỷ tiên
Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

Có một loài hoa không biết tên
Vàng tươi như là nỗi buồn riêng
Tôi e những hạt linh hồn ấy
Rơi xuống thành hoa giữa tự nhiên

Nghe nói người tiên vẫn hiện hình
Bước ra từ những coi u linh
Em như cô Tấm trong hoa thị
Về đứng nhìn tôi trên nước xanh

Yên tĩnh rừng thông rộng bốn bề
Mặt hồ mờ mịt khói giăng che
Có con chim nhỏ trong lau sậy
Thoảng giọng người tình chợt lắng nghe

Chim nhạn bay về thu vắng không
Mình tôi trở lại với đồi thông
Sao trên làn nước trong xanh ấy
Vẫn hiện xôn xao một bóng hồng

Hoa dại người đời chẳng biết tên
Sinh ra như loài cỏ ưu phiền
Nhớ em ngà ngọc bên hồ nước
Tôi gọi em là hoa thủy tiên.

Không đề
Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

Niềm vui chung cho bao người
Sầu đau dành cho riêng tôi

Tôi nằm ôm cơn sốt bỏng
Như ôm linh hồn để sống

Như con gấu buồn mùa đông
Ôm trái tim chờ mùa xuân

Bỗng nhiên chiều nay em đến
Hân hoan, thắm nồng, thương mến

Em mang cho anh bông hoa
Rằng ngày buồn sẽ trôi qua

Rồi em vội vã ra đi
Hân hoan, nồng thắm, xuân thì

Và hoa tàn trong phút chốc
Không còn ai người để khóc

Anh chết một mình đêm qua

Mời bạn đọc xem nhiều hơn những trang thơ hay có trong tuyển tập 🌟 Thơ Nguyễn Khoa Điềm 🌟

Hoàng Phủ Ngọc Tường Thơ Hay

Hoàng Phủ Ngọc Tường Thơ Hay với những vầng thơ mang nhiều ý nghĩa cùng dòng cảm nhận rất riêng của hồn thơ người nghệ sĩ với cuộc đời.

Kinh cầu trong mưa
Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

Mưa một trời hư không
Buồn đau sao muôn trùng
Mưa bay ngoài muôn trùng
Lòng sao như rỗng không

Hai hàng cây âm thầm
Nhớ một làn môi đỏ
Một cung mưa rất trầm
Nhớ hai người qua phố

Trôi trên hai nấm mộ
Một nghìn năm mông lung
Một nỗi khát vô cùng
Khô trên hai phiến đá

Gõ hai đầu âm dương
Một kinh cầu vô vọng
Gửi hai cành hoa trắng
Về một màu khói hương

Hai cánh chim bay về
Một tinh cầu đã tắt
Hai ánh sao sa mạc
Tan thành một cơn mưa

Trên tài hoa nhầu nát
Trên trần gian khói sương
Trên mặt người biến sắc
Mưa in dấu vô thường

Kỷ niệm dành cho hoa Violet
Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

Có một lần như thế trong đời
Một bông hoa Viôlet nhỏ
Đã nở cho riêng tôi.

Hoa không nói với tôi điều gì
Dịu dàng như ngôi sao chiều tím
Mọc lặng lẽ giữa lòng tôi thầm kín

Hỡi bông hoa xinh đẹp vô ngần
Sắc đẹp ấy lạ lùng như chẳng có
Hoa bên tôi- lòng tôi không bớt nhớ
Tôi hỏi thầm, hoa có thực hay không?

Tôi trở về trên ngọn đồi mộng mơ
Chợt gặp lại sắc hoa ngày ấy
Mười năm đi dọc đường lửa cháy
Tôi ngại chừng hoa chết đã xa xưa

Mười năm xa đất có lòng chờ
Nuôi cho tôi một sắc đời mê mải
Thành phố ấy và màu hoa ấy
Tâm hồn tôi nắng gió chợt bâng khuâng

Đời sinh hoa kín ẩn, ngại ngùng
Chút thời gian tím hoài dưới lá
Rồi nhiễm đau một chiều sương rất lạ
Nên yêu thương hoa khẽ bảo tôi rằng…

Về nụ hồng em đã cho anh
Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

Sao cháy bỏng – có phải là nỗi khát
Sao thèm ăn – có phải là nho tươi
Sao sâu thẳm – có phải là kiếp trước
Hỡi hoa hồng, ngươi có phải là Môi?

Sao thơm hoài – có phải là hương phấn
Sao vội vàng – có phải là hôm qua
Sao lặng im – có phải là vô vọng
Hỡi môi hồng, ngươi có phải là Hoa?

Tôi đi trên những con đường rừng cũ
Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

Ai hành quân qua đây?
Đất vẫn in mòn lối cũ
Ai dừng chân nơi đây
Đá vẫn nguyên hình bếp lửa
Đồng chí nào chia tay nơi đây?
Ngã ba rừng hoang lá đầy

Ôi những con đường chỉ một lần qua
Hai mươi năm biết ai còn nhớ
Nhưng từ đó cây hoang rừng già
Thương mãi đàn con gian khổ
Đất nhớ chân người thiết tha

Mẹ Trường Sơn tóc mây bạc phơ
Chiều khói xanh mưa nguồn chớp bể
Hai mươi năm dài trên trán mẹ
Những con đường rừng vẽ nét ưu tư

Ôi những con đường không tên
Dưới ngàn cây im lặng
Vẫn nối dài đất nước hai miền
Vẫn âm thầm đưa máu về tim

Tôi đi trên những con đường ấy
Mang Việt Nam trong linh hồn
Cuộc hành trình hai mươi năm chân chưa hề mỏi
Nên tôi theo đường rừng mê mải vượt Trường Sơn

Hôm nay trên đường đánh Mỹ
Tôi dừng chân mắc võng qua đêm
Nghe suối khuya động tiếng thì thầm
Đang cùng tôi có mặt đêm nay

Quên một ngày đường dài dốc đổ
Trong giấc mơ thơm mùi cỏ lá
Ai người xưa một lần qua đây
Đang cùng tôi có mặt đêm nay

Người trước qua đây hành quân giết giặc
Người sau qua đây thấy dấu ông cha
Trên vết chân người nhọc nhằn gian khổ
Loài lan rừng mùa xuân nở hoa.

Ta lại hát như thời trai trẻ
Tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường

Năm xưa thời tuổi trẻ ngang tàng
Ta hát vang bài tình ca trong gió
Gửi trời đất giữ riêng ta nỗi nhớ
Ta khắc tên em trên gốc cây thông

Rồi ta đi mê mải phong trần
Qua tháng năm mịt mờ đạn khói
Giấc ngủ rừng nơi đầu sông cuối núi
Lại hiện về gương mặt đẹp như hoa

Lại hiện về những núi non xa
Trái táo hồng in dấu môi để lại
Mái tóc bồng của một thời con gái
Gió thổi tung trong màu nắng thông vàng

Mới thôi mà, dòng sông thời gian
Đưa ta về giữa hai bờ lau trắng
Một mình ta với mùa thu im lặng
Ta lang thang tìm lại gốc thông già

Có ngờ đâu, rừng vẫn giữ giùm ta
Nét tên em dưới mũi dao ngày nọ
Và những gì em cho ta năm tháng cũ
Chìm trong cây thành một vết thương sâu

Gió cuồng lên hoang dại thuở ban đầu
Ta lại hát như thời trai trẻ
Bài tình ca qua một đời dâu bể
Bay tìm em không biết tận phương nào.

Cùng với Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, SCR.VN tặng bạn tuyển tập 💧 Thơ Hoàng Cầm 💧 giàu cảm xúc!

Nhận Định Về Hoàng Phủ Ngọc Tường

Nhận Định Về Hoàng Phủ Ngọc Tường là những lời đánh giá của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình trong giới văn học về sự nghiệp văn chương của ông.

Đánh giá chung về sự nghiệp văn chương của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sách Ngữ văn 12 có đoạn viết:

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những nhà văn chuyên về bút ký. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý…Tất cả được thể hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa.

Trích thêm ý kiến của người trong giới:

Nhà văn Nguyễn Tuân:

Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường có “rất nhiều ánh lửa”.

Nhà văn Nguyên Ngọc:

Trong một cuốn sách gần đây của anh, viết và in ngay giữa những ngày anh đang vật lộn với cơn bệnh nặng-chứng tỏ ở anh một đức tính dũng cảm và một nghị lực phi thường của một người lao động nghệ thuật-anh tự coi mình là “người ham chơi”.

Quả thật, anh là một người ham sống đến mê mải, sống và đi, đi để được sống, với đất nước, với nhân dân, với con người, đi say mê và say mê viết về họ…

Nhà thơ Hoàng Cát:

Hoàng Phủ Ngọc Tường có một phong cách viết bút ký văn học của riêng mình. Thế mạnh của ông là tri thức văn học, triết học, lịch sử, địa lý sâu và rộng, gần như đụng đến vấn đề gì, ở thời điểm nào và ở đâu thì ông vẫn có thể tung hoành thoải mái ngòi bút được…

Nhà thơ Ngô Minh:

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong số rất ít nhà văn viết bút ký nổi tiếng ở nước ta vài chục năm nay. Bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường hấp dẫn người đọc ở tấm lòng nhân văn sâu sắc, trí tuệ uyên bác và chất Huế thơ huyền hoặc, quyến rũ. Đó là những trang viết tài hoa, tài tử, tài tình…

Thực ra, bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là những áng thơ văn xuôi cuốn hút người đọc…thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là vẻ đẹp của nỗi buồn hoài niệm, những day dứt triết học, từ sâu thẳm thời gian, sâu thẳm đất đai vọng lên trong tâm khảm người đọc.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường thấm đẫm “triết học về cái chết…thơ anh buồn mỗi nỗi buồn đứt ruột…Đấy là thơ của cõi âm”… Đó là một nhận xét xác đáng.

❤️️ Xem thêm 👉 Bài Thơ Việt Bắc❤️️

Viết một bình luận