Liên Hệ Hạnh Phúc Của Một Tang Gia [33+ Mẫu Mở Rộng Hay]

Liên Hệ Hạnh Phúc Của Một Tang Gia ❤️ 33+ Mẫu Mở Rộng Hay ✅ Bài Văn Mẫu Tham Khảo Liên Hệ Mở Rộng Hạnh Phúc Của Một Tang Gia.

Cách Liên Hệ Bài Hạnh Phúc Của Một Tang Gia Của Vũ Trọng Phụng

Mời bạn xem ngay cách liên hệ bài “Hạnh phúc của một tang gia” của Vũ Trọng Phụng mà SCR.VN chia sẻ!

  • Bước 1: Đọc hiểu tác phẩm “Hạnh phúc của một tang gia”
    • Tìm hiểu về tác giả Vũ Trọng Phụng và phong cách sáng tác của ông.
    • Nắm vững tóm tắt tác phẩm “Hạnh phúc của một tang gia”
    • Nhân vật và tính cách của họ trong “Hạnh phúc của một tang gia”
  • Bước 2: Tìm kiếm đề tài liên hệ
    • Liên hệ với “vợ nhặt”, hoặc “Đám Tang Lão Gôriô”
  • Bước 3: Phân tích tác phẩm “Hạnh phúc của một tang gia”
    • Tùy vào đề liên hệ mà phân tích theo khía cạnh nhân vật hay diễn biến câu chuyện hoặc nghệ thuật.
  • Bước 4: Liên hệ
    • Nêu điểm giống và khác nhau của 2 tác phẩm.
  • Bước 5: Kết luận
    • Nhận xét về nghệ thuật trào phúng.
    • Ý nghĩa của tác phẩm muốn truyền tải.

Hạnh Phúc Của Một Tang Gia Liên Hệ Với Bài Nào

Dưới đây là các tác phẩm bạn có thể sử dụng để liên hệ với bài “Hạnh phúc của một tang gia”, xem ngay nhé!

  • Liên hệ tác phẩm “Hạnh phúc của một tang gia” với tác phẩm “Đám Tang Lão Gôriô”
  • Liên hệ cảnh đám tang trong tác phẩm “Hạnh phúc của một tang gia” với đám cưới trong “Vợ nhặt”.

Tham khảo 🌸 Sơ Đồ Tư Duy Hạnh Phúc Của Một Tang Gia 🌸 dễ nhớ!

Những Mẫu Liên Hệ Mở Rộng Bài Hạnh Phúc Của Một Tang Gia Hay Nhất

Xem ngay những bài văn mẫu liên hệ mở rộng bài “Hạnh phúc của một tang gia” hay nhất để có thêm tư liệu tham khảo!

Liên Hệ Hạnh Phúc Của Một Tang Gia Đặc Sắc

Cùng SCR.VN viết bài văn mẫu liên hệ mở rộng bài “Hạnh phúc của một tang gia” thật hay nhé!

Có lẽ với hầu hết mọi người đọc Số đỏ, khi đọc đến chương XV của tiểu thuyết, đều giật mình thảng thốt khi nhà văn Vũ Trọng Phụng lại đặt tên chương là Hạnh phúc của một tang gia – Văn Mình nữa cũng nói vào – Một đám ma gương mẫu. Phải chăng là một sự nhầm lẫn, hay là ngụ ý châm biếm của tác giả? Tất cả đều không chính xác. Hạnh phúc của một tang gia – đó chính là một hiện thực đang diễn ra tại nhà cụ cố Hồng khi cụ cố tổ nằm xuống.

Đọc tiểu thuyết, độc giả đã được biết đến niềm mong mỏi đợi chờ đến sốt ruột cụ cố tổ qua đời ở đám con cháu của cụ. Rồi cũng đến lúc, cụ cố tổ chết thật. Và sự kiện cụ cố tổ chết đã mang lại niềm vui cho mọi thành viên trong gia đình cụ cố Hồng bởi đã đến lúc gia tài kếch xù của cụ cố tổ được chia cho con cháu chứ không còn là lí thuyết viễn vông nữa. Đó là một niềm vui chung, niềm hạnh phúc lớn lao của đại gia đình họ.

Nhưng không chỉ có vậy, chất chứa trong mỗi thành viên còn là những niềm hân hoan, sung sướng khác nữa khi đám tang sẽ là cơ hội để họ được phô diễn ý thích, sở trường của mình.

Với cụ cố Hồng – người con trai cả của cụ cố tổ – đám ma của cụ cố tổ là dịp may để cụ được mặc áo xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa mếu máo diễn trò già nua ôm yếu giữa phố đông người, để thiên hạ phải trầm trồ, khen là gia đình có phúc.

Với ông Vãn Minh – gã cháu đích tôn của cụ cố tổ – đám ma là dịp để nhà cải cách y phục Âu hoá này được dịp lăng-xê những mốt y phục táo bạo nhất, có thể ban cho những ai có tang đương đau đớn vì kể chết cũng được hưởng chút ít hạnh phúc ở đời. Với vợ ông, bà Văn Minh, đám ma sẽ là dịp để mặc đồ tang tân thời.

Cô Tuyết, đứa cháu gái xinh đẹp của cụ cố tổ sẽ được mặc bộ y phục Ngây thơ – cái áo dài voan mỏng trong có coóc-sê, trông như hở cả nách và nửa vú. Cậu Tú Tân thì sướng điên người vì được dùng đến cái máy ảnh mới mua. Trong đám tang, cậu Tú Tân có thể chứng tỏ tài nghệ chụp ảnh của mình.

Ông Phán mọc sừng lại sung sướng vì không ngờ cái sừng trên đầu mình lại có giá trị đến thế và ông tin chắc mình cũng được trả công xứng đáng. Bởi lẽ cụ cố tổ sở dĩ lăn đùng ra cấm khẩu vì biết tin con rể mọc sừng. Mỗi kẻ trong đám con cháu đó mãi hoan hỉ với niềm vui của mình đến nỗi nhiều kẻ lại mang bộ mặt đau đớn đúng cái mặt một người lúc gia đình đương là tang gia bối rối.

Bọn con cháu thì cứ điên người lên, sốt cả ruột vì mãi không được dùng đến cái máy ảnh, mãi không được mặc đồ xô gai tân thời. Tuyết thì đau khổ một cách rất chính đáng bởi không hiểu vì lẽ gì người tình (Xuân Tóc Đỏ) mất mặt.

Đó chẳng phải những gương mặt ấy – những đứa con cháu chí hiếu của cụ cố tổ – đang vui sướng, hạnh phúc tột bậc khi cụ chết đấy sao? Người đọc buồn thương vì cái chết của cụ cố tổ bao nhiêu thì lại đau đớn, xót xa bấy nhiêu trước cái chết của nhân tính, của đạo đức xã hội. Vũ Trọng Phụng quả thật dũng cảm khi vạch trần bản chất vô nhân tính của xã hội tư sản Việt Nam đương thời.

Nhưng câu chuyện nhà văn Vũ Trọng Phụng kể lại đâu phải là chuyện của một thời và đâu còn là chuyện ở một tầng lớp trong xã hội lúc bấy giờ. Câu chuyện đau lòng còn được đối chứng trong chính thời đại của chúng ta – thời đại ngày nay.

Ngay trong làng, trong xã, trong khu phố nơi ta ở vẫn còn kia những nhà kia lỗi phép con khinh bố, mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng (Tú Xương); vẫn còn những đứa con đã ăn trộm tiền của cha mẹ để lấy tiền ăn chơi; vẫn còn những đứa cháu đang tâm giết ông ngoại để cướp tiền chơi điện tử; vẫn còn những đứa con có cháu gọi bằng ông bà rồi mà không nuôi nổi cha mẹ, để cha mẹ phải đón Tết ngoài đường…

Những câu chuyện đó hoàn toàn có thực và nó khiến cho chúng ta – những người luôn băn khoăn, trăn trở trước sự suy thoái của đạo đức xã hội có lúc phải rơi nước mắt. Tất thảy những con người ấy, sao chẳng ngượng ngùng, xấu hổ, sao chẳng thẹn khi miệng vanh vách đọc những câu Kiều:

Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.

Với những người thân yêu nhất trong gia đình, những con người ấy còn nhẫn tâm, vô sỉ thì với người ngoài không cùng huyết thống, chúng còn táng tận lương tâm đến mức nào? Vậy thì điều gì đã đẩy họ – đám con cháu “đại bất hiếu” của gia đình cụ cố tổ, của xã hội nỡ lòng đối xử với người thân của mình như thế? 

Từ phía khách quan, có thể nói chính xã hội với sự xâm lấn ồ ạt của những luồng văn hóa ngoại lai – không được kiểm duyệt kĩ càng và sự phát triển chóng mặt của nền kinh tế tư bản… đã khiến cho nhiều người dễ dàng quay lưng lại với bao truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Tất nhiên, đó là những kẻ có bản lĩnh quá kém cỏi, không đủ năng lực chống đỡ, miền nhiễm trước sự xâm lấn của cái xấu, cái ác…

Còn bạn và tôi – thế hệ trẻ hôm nay – liệu rằng chúng ta có sống như họ? Tôi nghĩ rằng chúng ta đã đủ khôn lớn để nhận thức được mỗi lời nói, hành động của mình. Vậy thì đúng hay sai, tốt đẹp hay xấu xa…, ai cũng có thể phân biệt được. Và để có thể lựa chọn, hành động đúng đắn, còn gì đáng làm hơn là yêu thương nhiều hơn, tích cực vun đắp yêu thương trong chính mình hơn?

Tình yêu thương không giới hạn sẽ là ngọn hải đăng không để ta lầm đường lạc lối. Cộng với yêu thương, thái độ vững vàng, bản lĩnh trước những cám dỗ, đổi thay của cuộc sống sẽ là số hạng thứ hai để chúng ta thêm khôn lớn, trưởng thành.

Cuộc sống sẽ vẫn chảy trôi như những dòng sông không bao giờ ngừng trôi chảy. Nhưng tôi tin chắc rằng những người trẻ hôm nay sẽ luôn ngạo nghễ, ngẩng cao đầu bởi chẳng bao giờ chúng ta trở lại quá khứ để sống bất hiếu, vô đạo như đám người tư sản những năm đầu thế kỉ.

Bài văn 🌸 Phân Tích Hạnh Phúc Của Một Tang Gia 🌸 đặc sắc!

Liên Hệ Hạnh Phúc Của Một Tang Gia Với Vợ Nhặt Ấn Tượng

Mẫu bài văn liên hệ mở rộng bài “Hạnh phúc của một tang gia” ấn tượng dưới đây sẽ giúp bạn trau dồi thêm kĩ năng viết!

Những nghịch lý, mâu thuẫn luôn là một phương diện của xã hội, nhất là khi xã hội ấy đang rối ren, bế tắc trong cảnh đói nghèo của năm 1945 hay đang bát nháo, giả dối trên con đường Âu hóa ở thành thị. Hãy nhìn vào cái đám cưới qua ngòi bút xây dựng tình huống truyện của Kim Lân trong truyện ngắn Vợ nhặt và cái đám ma được viết bằng nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng qua đoạn trích Hạnh phúc một tang gia, để thấy được rằng “một đám cưới thiếu tất cả mà đầy đủ tất cả, một đám ma có tất cả mà lại chẳng có điều gì”

Trong “Vợ nhặt”, Kim Lân miêu tả Tràng là dân xóm ngụ cư nghèo khổ lại xấu xí. Trong cơn đói quay quắt và người chết như ngả rạ, Tràng lại “cưới” một cô vợ nghĩa là thêm một miệng ăn. Không có dạm hỏi, làm quen hay mai mối, cũng không hề tìm hiểu nhau như những cái đám cưới bình thường.

Lí do Thị theo Tràng về nhà chỉ bằng vài ba câu bông đùa và bốn bát bánh đúc. Để bám víu, tầm gửi thân phận trong cảnh đói khổ Thị đã không hề suy nghĩ lựa chọn cho quyết định của mình còn Tràng thì sự tình đến bất ngờ khiến Tràng chỉ “chậc, kệ” phó mặc cho cuộc đời. Không có sính lễ của đàng trai cũng không có của hồi môn bên đàng gái. Món quà mà Tràng cho vợ ngày cưới là “cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt”.

Đám cưới chẳng hề có một quan khách hay họ hàng nào đến chia vui bởi vì nghèo túng miếng cơm còn không có ăn thì lấy đâu đãi khách khứa “kể ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này”. Đêm tân hôn diễn ra trong căn chòi rúm ró, phên nứa rách nát lại có tiếng khóc tỉ tê bên ngoài vọng vào.

Thảm hại nhất là bữa ăn sáng hôm sau ngày gia đình chào đón nàng dâu mới. Đã không có mâm cao cổ đầy để ra mắt họ hàng lại chẳng được bữa cơm thịnh soạn cho ra hồn “giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo… Nồi cháo lõng bõng, mỗi người ăn có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn”. Bữa ăn bị gián đoạn và sự xuất hiện bất ngờ của nồi “chè khoán” – thật ra là món cháo cám chát đắng, thức ăn lẽ ra của động vật chứ không phải con người.

Kim Lân xây dựng tình huống truyện và những chi tiết mang sức ám ảnh đến lay động lòng người. Sự tuềnh toàng và thảm hại trong cái đám cưới đã phản ánh được chân dung cảnh nghèo túng đến thảm thương của người dân trước năm 1945, họ phải giành giật, đấu tranh hằng ngày với cái đói, cái chết.

Ngược lại với cái đói, cái nghèo, con người trong Vợ Nhặt lại ấm áp, giàu tình yêu thương và khát khao sống. Bữa ăn không đủ no nhưng mọi người ăn với thái độ vui vẻ. Đến lúc nồi cháo cám xuất hiện dù miếng cám chát xít nghẹn ứ cổ nhưng cô con dâu vẫn chấp nhận vì cô thông cảm, thấu hiểu cho cảnh ngộ éo le của cơn đói.

Bà cụ Tứ hiện lên trong bữa ăn như một ngọn lửa cố gắng đem ánh sáng của mình thắp niềm tin cho hai con. Bà kể toàn những chuyện vui, ở cái tuổi xế chiều bà vẫn lạc quan, tin tưởng vào chân lí của ông bà “không ai nghèo ba họ, không ai khó ba đời”. Bà truyền cho các con mình chút an ủi, chút hi vọng cho cuộc sống quá tối tăm. Chi tiết nồi chè khoán “ngon đáo để” là chi tiết xúc động về tình mẫu tử về tấm lòng nhân hậu của người mẹ nghèo.

Trong tất cả những thứ không có thì Kim Lân đã khẳng định điều thiêng liêng tồn tại trong truyện, đó chính là tình người. Tình người giúp Thị tìm được nơi nương tựa, giúp Tràng và bà cụ Tứ thêm hi vọng sống, giúp xóm ngụ cư vui tươi hơn mọi khi và cũng giúp trang văn ấm áp lạ thường.

Đến với “Hạnh phúc của một tang gia”, ta có thể thấy sự đối lập với “vợ nhặt”, “một đám ma có tất cả mà lại chẳng có điều gì.

Ngay nhan đề đoạn trích cũng chứa đựng nghịch lí trào phúng. Thông thường nghĩ đến tang gia người ta nghĩ đến sự đau buồn vì ai lại vui được khi vừa mất đi một người thân, kể cả những người dưng, nghĩa tử là nghĩa tận. Bằng nghệ thuật trào phúng, Vũ Trọng Phụng phản ánh một sự thật mỉa mai: con cháu của đại gia đình này thật sự sung sướng, hạnh phúc khi cụ cố Tổ chết. 

Có một đám con cháu đông đúc đang đợi phát tang để tỏ vẻ đau thương đưa người về nơi an nghĩ: cụ cố Hồng thì mơ màng nghĩ đến lúc được mặc áo xô gai, chống gậy, ho khạc, mếu máu để thiên hạ chỉ trỏ “Úi kìa, con giai nhớn đã già thế kia kìa”; vợ chồng ông Văn Minh (cháu nội) thì vui vì cái chúc thư kia đã thực thi và được dịp khoe những bộ trang phục của tiệm may nhà mình;

Tuyết – cô cháu gái trên mặt một nét buồn lãng mạn rất đúng mốt nhà có tang nhưng trên người thì mặc bộ ngây thơ cho thiên hạ biết mình còn nửa chữ trinh; cậu Tú Tân được dịp dùng đến những chiếc máy ảnh để trổ tài chụp ảnh; cháu rể người chết là ông Phán mọc sừng thì giả vờ đau khổ để che mắt mọi người về giá trị đôi sừng trên đầu ông…

Có đám đông vui lây những niềm vui của gia chủ: hai vị cảnh sát “sung sướng cực điểm” khi đang thất nghiệp mà được mời dẹp trật tự cho đám ma; Xuân thì lấy được lòng tin, uy tín với gia chủ vì nhờ hắn mà cái chết của người đáng chết kia đã thành sự thật; bạn bè cụ cố Hồng thì được dịp khoe đủ thứ huy chương, huy hiệu và ngắm cô Tuyết; trai thanh gái lịch xem đám tang là dịp để bình phẩm, chê bai, cười tình…

Có tất cả đầy đủ những lễ nghi cần thiết của một đám ma to, long trọng nhất vùng: đồ tang được thiết kế riêng với những kiểu dáng thời thượng của tiệm may Âu Hóa; đưa tang là đội kèn kết hợp Tây, Tàu, Ta lẫn lộn nghe ai oán mà náo nức, mọi ngươi thi nhau chụp ảnh kỉ niệm như hội chợ; tràn ngập vòng hoa, câu đối, có cả sư trụ trì của chùa…

Có tiếng khóc thương đến đau lòng của những đứa con, cháu đặc biệt là ông cháu rể quý hóa khóc hứt hứt để che đậy cái giá trị của chiếc sừng trên đầu mình.

Đằng sau cái vẻ ngoài long trọng của đám ma là một xã hội thành thị thu nhỏ với đủ hạng người đê hèn, ích kỉ, mưu mô, tham lam, giả dối, hám danh, hám lợi… Đám tang có tất cả nhưng những thứ ấy chắc gì khiến người chết gật gù cái đầu vì sự rỗng tuếch trong những tâm hồn thiếu vắng tình người. Một lũ con cháu tham lam, bất hiếu, chỉ đợi thời cơ để giành giật, tranh phần và mong chờ cái chết của cha, ông mình đến bối rối. Một lũ người dự tang bề ngoài đạo mạo mà trong lòng chỉ mong muốn hư danh.

Nếu như cảnh đám cưới của Vợ Nhặt được Kim Lân xây dựng trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 để ca ngợi, tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn con người, tình người và sức sống, khát vọng hạnh phúc ở người lao động. Thì Vũ Trọng Phụng dùng ngòi bút trào phúng để đả kích, châm biếm xã hội thượng lưu mục nát, rỗng tuếch, giả dối mà làm ra vẻ văn minh, đạo đức.

Xã hội bao gồm nhiều mảnh ghép nhỏ mà mỗi nhà văn là người phản ánh từng khía cạnh ấy trong cuộc sống. Nếu Kim Lân xây dựng tình huống đám cưới chẳng có gì để khẳng định phẩm chất con người lao động ở nông thôn thì Vũ Trọng Phụng lại đặt nhân vật mình trong tấn hài kịch cười ra nước mắt để chế giễu sự thối nát của tầng lớp thượng lưu thành thị trước CM tháng tám.

Đọc thêm 🌸 Mở Bài Hạnh Phúc Của Một Tang Gia 🌸 hay nhất!

Liên Hệ Hạnh Phúc Của Một Tang Gia Với Đám Tang Lão Gôriô Học Sinh Giỏi

Cuối cùng là bài văn mẫu liên hệ mở rộng bài “Hạnh phúc của một tang gia” với “Đám tang lão Gôriô” dành cho học sinh giỏi!

Ô. Banzắc là một nhà văn lớn của nước Pháp ở thế kỉ XIX, Vũ Trọng Phụng là nhà văn lớn của Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX. Hai nhà văn, hai cuộc đời, hai hoàn cảnh sống nhưng lại có điểm giống nhau về bản chất của xã hội tư bản.

Đọc Lão Gôriô của Ô. Banzắc chắc chắn không ai quên những trang viết sắc lạnh đến tàn nhẫn của nhà văn khi miêu tả đám tang lão Gôriô. Cũng như vậy, ta gặp lại cảnh đám tang trong tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng qua tiếng cười hoạt kê, châm biếm sâu sắc bản chất của xã hội tư sản Việt Nam những năm đầu thế kỉ này.

Lão Gôriô là một tư sản giàu có một thời. Ông chủ hãng buôn bán lúa mì ấy đã một thời khiến nhiều người mơ ước. Vậy mà đến khi khánh kiệt vì gia tài bị con gái bòn rút, lão phải ra ở quán trọ của bà Vôke. Cái chết của lão trong quán trọ không khiến cho một ai trong gia đình lão phải bận tâm. Lão còn gì để người ta phải để ý? Lão chết trong cô đơn, nghèo khó. Nếu không có sự quan tâm của Ráxtinhắc thì không hiểu ai sẽ chôn cái xác đau khổ ấy.

Cảnh chuẩn bị cho đám tang hết sức sơ sài. Ráxtinhắc làm công việc cuối cùng với người chết bằng lòng thương của kẻ khó với kẻ khó. Anh đặt lên ngực lão Gôriô hình ảnh ngây thơ trong trắng “và không biết lí sự” của hai cô con gái ngày xưa. Kỉ vật thiêng liêng ấy được đặt nơi trái tim lão như muốn an ủi người đã khuất bằng hình ảnh đẹp, giả dối về hai đứa con.

Nghĩa tử là nghĩa tận. Có lẽ Ráxtinhắc nghĩ vậy mà cố làm nốt công việc này để coi đó như một cử chỉ an ủi người quá cố. Nó an ủi ông cụ, nhưng khách quan lại đối lập với hiện tại. Cả hai người con gái đã từng được bố yêu chiều hết mức đều tìm cớ vắng mặt ngay trong phút cuối cùng của đời lão.

Nó khiến cho ta nghĩ đến nhiều điều trái ngược và cả sự pha trộn phức tạp quá khứ và hiện tại, chân thật và giả dối, ước mơ và thất vọng… Phải chăng từ sâu thẳm lòng mình lão Gôriô chết vì đau đớn nhận ra chân tướng của các con gái. Xót xa, chua chát hơn là những cử chỉ thân thiết, cảm thông của những con người không phải là ruột thịt, nghèo hèn mà thương người, giàu tình nghĩa.

Người ngoài mà còn nhận xét về lão Gôriô: “Ông cụ là người tử tế và đứng đắn, chưa bao giờ to tiếng, không hề làm hại ai và chưa từng làm điều gì nên tội”. Cảnh này lên án sự vô tình, bạc bẽo của hai cô gái vắng mặt: Ông bố già nghèo túng, ốm đau, đơn chiếc chết đi có lẽ đã lầm trút tất cả tình yêu thương và của cải của họ. Ông bố hết của cải dường như không còn cần thiết, do đó không còn quan hệ gì với hai người con gái lấy chồng quý tộc.

Lễ cầu kinh dẫn ra trong một giáo đường nhỏ, thấp. Con người dự lễ thì thiếu vắng. Chỉ có Raxtinhắc và Crittôphơ. Lão Gôriô nằm trong sự âm thầm, cô quạnh, như lặng đi trong niềm xúc động nén chặt. Lễ cầu kinh diễn ra đúng nghi thức với những đại diện của tôn giáo và nhà thờ, với các lớp bài bản quen thuộc của tôn giáo trong đám tang.

Nhà văn chỉ dùng vài dòng miêu tả ngắn. Lễ cầu hồn không thêm một lời nói, một động tác, một giây phút thừa. Không có cả một không khí bi thương, tang tóc, thường thấy trước một linh hồn vừa được siêu thoát. Tất cả dường như đều vội vã, qua quýt, lấy lệ, cho thật xứng đáng với số tiền ít ỏi mà nhà đám đã bỏ ra, cho đúng với tính chất bố thí (làm phúc). Đúng là tiền “nào của ấy”, thật sòng phẳng, đúng luật, chẳng còn phàn nàn gì được. Duy chỉ thiếu tình người ở những trong “người nhà đạo” đang là nơi gửi gắm niềm tin cậy ở phần lớn các con chiên.

Đám tang không có người dự. Ta có thể hình dung một đám tang mà chỉ có độc nhất một chiếc xe tang, theo sau là xe của linh mục cho phép thêm cả Ráxtinhắc và Crittôphơ, một sự trống vắng đến thê thảm.

Hai chiếc xe đến sau, mang cùng một cung cách hai ông con rể. Chi tiết ấy khác nào một nét vẽ nghịch mắt. Một nét giễu cợt. Hai chiếc xe bất ngờ, treo huy hiệu quý tộc, chúng cố ý tách riêng ra để nêu cao vẻ sang trọng, kênh kiệu, để khỏi bị hòa lẫn trong đám tang. Chúng miễn cưỡng phải có mặt theo nghĩa vụ, hay xấu hổ vì phải nhận kết thân với một người quá nghèo hèn? Hiện tượng không có người ngồi trên hai chiếc xe đưa tang cũng có thể nói lên ý nghĩa của một cái chết. Cả cái xã hội hào nhoáng kia chỉ là cái xác mà chẳng có hồn. Đó cũng là một thứ vật chất giá lạnh không tình người.

Đến nghĩa trang, màn kịch bước vào giai đoạn chót. Đám người đưa tang chỉ vì nghĩa vụ, mệnh lệnh, chỉ chờ dịp “biến” càng nhanh, càng tốt. Không một tiếng khóc than. Không một vẻ sầu bi. Không một nắm đất đưa tiễn. Ông cụ nằm đấy đất chưa phủ lên người đã bị bọn phu đào huyệt đòi trả công. Tất cả, chẳng có gì đáng trân trọng, chẳng có gì đáng quyến luyến, chẳng có gì đáng bận tâm trong cái nhá nhem, chạng vạng của một ngày tàn – đã quá sáu giờ chiều. Chỉ còn có hơi tiền lạnh lẽo và sự vô tình cũng lạnh lẽo không kém ở xứ sở của cái chết – nghĩa địa.

Dưới ngòi bút của Banzắc cả xã hội ấy chỉ vì tiền. Đồng tiền được tôn thờ, lối sống vì tiền đã ăn sâu vào đến tận những ngõ ngách thầm kín dễ rung động nhất, dễ được bao dung nhất. Nó tàn phá tan hoang tất cả những gì đẹp đẽ.

Có những trái tim trong trắng, chưa từng trải cũng bị đồng tiền làm thui chột đi. Raxtinhắc nhỏ những giọt nước mắt cuối cùng cho một con người “tử tế và đứng đắn”, “không hề làm hại ai và chưa từng làm điều gì nên tội”. Những giọt nước mắt của anh bao trùm cả trời đất như muốn khóc cho thói đời bạc bẽo, khóc cho cả xã hội tư sản vô tình đến tàn nhẫn.

Nhưng sự phá hoại của đồng tiền thật là ghê gớm. Nó làm cho con người có lương tri còn sót lại cũng bị biến chất. Ban đầu anh căm ghét, khinh bỉ đồng tiền để rồi sau đó thấy nó và cuộc sống của nó cũng “lấp lánh ánh đèn… rào rào” như cái tổ ong mật đáng thèm khát. Anh muốn lại gần muốn thử thách với nó.

Banzắc đã lên án nó một cách mạnh mẽ. Ông kết tội cả xã hội bạc tình bạc nghĩa, phủ nhận nó trong khi vạch ra sức mạnh ghê gớm và sức hút khó cưỡng lại của nó như những qui luật khắc nghiệt của xã hội tư sản. Đó cũng chính là chỗ tiến bộ của Banzắc – bậc thành chủ nghĩa hiện thực, đồng thời cũng là hạn chế của nhà văn.

Nếu Banzắc sử dụng một bút pháp sắc lạnh để phê phán thì trong Số đỏ, Vũ Trọng Phụng lại dùng bút pháp hoạt kê để miêu tả. Chẳng có đám tang nào đem lại hạnh phúc cho một gia đình. Vậy mà ở chương Hạnh phúc của một tang gia người đọc lại cảm nhận được tất cả niềm vui sướng, hạnh phúc của một gia đình, một xã hội trước đám tang của cụ cố tổ. Mỗi thành viên từ trong gia đình đến ngoài xã đều tìm niềm hạnh phúc theo cách riêng của mình.

Cuộc họp bàn giữa các thành viên chủ chốt của gia đình là cuộc họp bàn vô cùng quan trọng khi ông cụ “nằm xuống”. Bên ngoài nhìn vào ai cũng tưởng là cuộc họp quan trọng bàn về việc “báo hiếu”, bởi lẽ họ bàn căng thẳng, cụ cố Hồng và cụ bà đã cãi nhau rất lâu, ông Văn Minh thì “đăm đăm, chiêu chiêu”. Thực chất họ không bàn chuyện tổ chức đám tang mà lại bàn chuyện lo đám cưới cho cô Tuyết. Thế là từ chuyện “báo hiếu” sang chuyện “báo hỉ”, từ chuyện khóc sang chuyện cười.

Cụ cố Hồng – con trai trưởng – trước cái chết của ông bố đáng kính thì mơ màng, tưởng tượng lúc mặc xô gai, được ho khạc, khóc mếu, trước sự trầm trồ thán phục của thiên hạ “Úi… con giai nhớn đã già đến thế kia à?”. Ông cháu đích tôn Văn Minh thì đăm chiêu vì tìm cách trả ơn Xuân, và lo chia gia tài theo chúc thư. Ông Phán mọc sừng sung sướng vì cái sừng vô hình trên đầu lại có giá trị vài nghìn bạc. Cô Tuyết mong ông chết để được mặc bộ “ngây thơ”.

Tú Tân sung sướng vì được chụp ảnh. Tiệm may Âu hóa thì hạnh phúc vì sẽ thu được nhiều tiền khi đưa ra thị trường những “đặc sản” nhà mình là các kiểu quần áo tang. Cái chết của cụ cố tổ là niềm hạnh phúc lớn lao, niềm hạnh phúc không nén nổi, cứ tràn ra. Nó chẳng làm cho ai sầu não, tiếc thương mà trái lại đã làm cho nhiều người “sung sướng” lắm, “thỏa thích” lắm để “tưng bừng, vui vẻ” đi đưa cáo phó, gọi phường kèn, thuê ke đám ma… Thành ra “tang gia ai cũng vui vẻ cả”. Đó là không khí của ngày chuẩn bị hội hè vui vẻ.

Mâu thuẫn giữa cái thật và cái giả, giữa cái bên ngoài và cái thực chất bên trong cứ được nhà văn miêu tả qua nghệ thuật trào phúng xuyên suốt cảnh đám ma. Khác với đám tang của lão Gôriô, đám tang này rất trọng thể, đúng là “một đám ma gương mẫu” nhưng kì thực lại giống như một đám hội, đám rước.

Nếu đám tang lão Gôriô là đám tang của kẻ khó thì đám tang này lại phô bày sự sang trọng, thừa thãi của tất cả mọi thứ. Từ cái trịnh trọng cần có đến cái hổ lốn, hỗn độn không nên có. Một đám ma “to tát”, “long trọng”, có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng.

Vài trăm câu đối vòng hoa, vài trăm người đi đưa, máy ảnh chụp lia lịa như ở hội chợ… kèn đám ma thì đầy đủ cả ta, Tàu, Tây… (Ta nhớ đến lễ cầu hồn của lão Gôriô chỉ là hai mươi xu). Đám ma to tát đến nỗi người thật thà nhất trong gia đình này là cụ bà mà cũng cảm thấy “hết sức sung sướng”. Người hàng phố thì “nhốn nháo cả lên khen đám ma to”. Đám to đến nỗi “có thể làm cho người nằm trong quan tài nếu không mỉm cười sung sướng thì cũng gật gù cái đầu”.

Kì thực, những cái “to tát”, “long trọng”, “danh giá” của cái “đám ma gương mẫu” ấy chỉ là sự phô trương giả dối, lộ liễu, hợm người, hợm của lố lăng, vô văn hóa. Cảnh ấy cho thấy ở xã hội ấy người ta quen và rất thích, rất bằng lòng với sự lừa dối mọi người, lừa dối chính mình bằng những trò lòe loẹt, om sòm.

Nhà văn muốn đưa lên cận cảnh một vài nhóm nhân vật ngoài xã hội cùng chung hưởng niềm hạnh phúc ấy. Đó là sự hí hửng, mẫn cán của hai viên cảnh sát Minđơ, Mintoa được thuê giữ trật tự cho đám ma. Đó là những quan khách đến viếng đám ma để có dịp khoe các loại huân chương và các kiểu râu ria.

Đáng mỉa mai là họ làm tất cả những việc ấy bằng vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa đám. Những mẩu đối thoại mà họ nói với nhau khi tác giả có ý ghi lại đã nói lên rằng: Những kẻ đi đưa ma hoàn toàn dửng dưng với người chết. Bởi họ đều thản nhiên vui vẻ, để soi mói, ngắm nghía, bình phẩm nhau với những chuyện đồi bại thường ngày.

Đám tang của lão Gôriô tẻ nhạt, thiếu vắng, nghèo khổ nhưng ít nhất còn được một người dưng nhỏ vài giọt nước mắt xót thương, còn được lời nhận xét chân thành cuối cùng bằng sự cảm thông trân trọng, ở đây đám tang này được cả xã hội chú ý, quan tâm, tốn tiền, hao của, thừa thãi mọi thứ. Vậy mà trong sự to tát, trọng thể ấy vẫn thiếu một thứ quan trọng nhất là lòng thương tiếc, sự đau buồn chân thành với người đã khuất. Thiếu một chút ấy thôi thì tất cả đều trở nên vô nghĩa và giả dối.

Hàng trăm người đi đưa, cảnh con cháu khóc tưởng ngất đi, cảnh chụp ảnh có dàn dựng như sân khấu kia, cảnh kèn ta, tàu, tây với bao thứ nghi thức cồng kềnh kia liệu có khiến cho người chết “mỉm cười sung sướng” khi nhận ra vẻ dửng dưng, sung sướng của những người đưa đám mình không?

Những người đưa đám lão Gôriô đều cố gắng đi cho thật nhanh, về cho thật nhanh còn ở đây đám tang cụ cố cứ từ từ chuyển động một cách nghiêm trang khi thực đây đâu phải là đám ma thật mà chỉ là đám hội đám rước vui vẻ như một trò hề hấp dẫn. Kết thúc đám tang của lão Gôriô là cái nhìn của Raxtinhắc về nguồn ánh sáng hấp dẫn của xã hội thượng lưu mà anh đang chuẩn bị lao vào.

Màn cuối cùng của đám tang cụ cố tổ là ông cháu rể quý hóa khóc rống lên, la oặt người đi trong khi tranh thủ thanh toán một món tiền với Xuân… Cảnh này là đỉnh cao của sự trào phúng trong màn kịch một đám ma gương mẫu” vì sự giả dối bịp bợm đã lên tới độ vô liêm sỉ đến ghê tởm.

Hai cảnh đám ma diễn ra với hai con người cùng thuộc giai cấp tư sản nhưng lại đối lập nhau. Sự đối lập về hình thức tổ chức đám tang nhưng lại thống nhất ở bản chất của nó. Banzắc và Vũ Trọng Phụng đã cùng gặp nhau ở một điểm. Đó là sự thống nhất ở cách nhìn nhận và đánh giá giai cấp tư sản và cả xã hội của những kẻ thượng lưu danh giá. Banzắc cố tình miêu tả sự giá lạnh về mọi thứ tình cảm trong xã hội ấy vì sự chi phối của đồng tiền. Mọi sự thật giả đều được phơi bày qua giọng văn lạnh lùng, phũ phàng đến tàn nhẫn.

Ngược lại Vũ Trọng Phụng lại thể hiện bút pháp đối lập sâu sắc qua nghệ thuật châm biếm cái thật giả. Mọi sự ồn ào, huyên náo của đám tang, mọi sự “tưng bừng”, nhộn nhịp của xã hội ấy cũng nhằm mục đích che đậy cái bản chất lạnh lùng đến vô tình vì đồng tiền.

Cảnh đám ma trong xã hội tư sản giả dối, bịp bợm. Con cháu lão Gôriô vô tình với lão vì chúng đã bòn rút hết tiền của lão. Con cháu cụ tổ làm đám ma linh đình như thế cũng chỉ nhằm mục đích chia tiền của cụ, để rồi khi đã chia xong rồi thì cụ cũng lại rơi vào quên lãng như lão Gôriô. Đó là điều mà Vũ Trọng Phụng đã gặp Banzắc ở cùng luồng tư tưởng: Hai cái chết là liều thuốc thử nghiệm với cả xã hội tư sản.

Xưa nay văn học thế giới viết về cảnh tang ma không hiếm. Nhưng lại như một sự vô tình những người biên soạn sách giáo khoa Văn học lớp 11 lại chọn cảnh hai đám ma này trong chương trình giảng dạy. Sự so sánh hai cảnh này có vẻ như khập kiễng nhưng ít nhất cũng đem lại cho người đọc một nhận thức mới về nội dung: Văn học phản ánh hiện thực bằng nghệ thuật điển hình hóa.

Mẫu 🌸 Kết Bài Hạnh Phúc Của Một Tang Gia 🌸 ngắn gọn

Viết một bình luận