Đạo Đức Là Gì, Biểu Hiện ? 15+ Ví Dụ, Dẫn Chứng Tiêu Biểu. Đón Đọc Ngay Những Thông Tin Hay Và Ý Nghĩa Nhất Sau Đây.
Khái Niệm Đạo Đức Là Gì ?
Đạo đức là một hệ thống các quy tắc, tiêu chuẩn và chuẩn mực xã hội giúp điều chỉnh hành vi của con người trong các mối quan hệ xã hội. Đạo đức không chỉ là những nguyên tắc trừu tượng mà còn là những giá trị cụ thể, hướng dẫn con người sống đúng đắn và tốt đẹp.
Một số điểm chính về đạo đức:
- Nguồn gốc: Khái niệm đạo đức xuất phát từ các triết lý cổ đại, như triết học Trung Quốc, Ấn Độ và Hy Lạp. Từ “đạo đức” trong tiếng Hán-Việt có nghĩa là “con đường” (đạo) và “đức tính tốt” (đức).
- Chức năng: Đạo đức có chức năng giáo dục, nhận thức và điều chỉnh hành vi. Nó giúp con người phân biệt đúng sai, thiện ác và hướng dẫn họ hành động phù hợp với lợi ích của cộng đồng và xã hội.
- Cấu trúc: Đạo đức bao gồm ý thức đạo đức (nhận thức về các giá trị và nguyên tắc đạo đức) và thực tiễn đạo đức (hành vi và cách ứng xử theo các nguyên tắc đó)
Khám phá thêm 💕 Ca Dao Tục Ngữ Về Đạo Đức 💕 nổi tiếng
Phi Đạo Đức Là Gì
Phi Đạo Đức Là Gì? Là những hành vi trái với các chuẩn mực, quan điểm, nguyên tắc đạo đức xã hội, xâm phạm đến những quan hệ xã hội được đạo đức bảo vệ, do các chủ thể thực hiện một cách cố ý, gây nên những tác hại nhất định cho lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội.
Ý Nghĩa Của Đạo Đức
Hãy cùng SCR.VN tham khảo ngay những thông tin về Ý Nghĩa Của Đạo Đức:
- Con người biết gắn kết lợi ích của cá nhân và lợi ích cộng đồng. Từ đó, tạo nên sự phát triển mang tính ổn định, bền vững hơn cũng như đảm bảo cho sự tồn tại của mỗi cá nhân trong cộng đồng xã hội nói chung.
- Là yếu tố bao hàm các quy tắc, chuẩn mực với những giá trị đúng đắn.
- Là động lực, mục tiêu phát triển chung của toàn xã hội.
Những Biểu Hiện Của Đạo Đức
Dưới đây là Những Biểu Hiện Của Đạo Đức mà bạn đọc có thể tham khảo:
- Biết tôn trọng và cảm ơn tới những người đã giúp đỡ mình
- Biết xin lỗi và sửa sai khi có hành vi sai trái
- Biết quan tâm, chăm sóc tới tất cả mọi người
- Chào hỏi, lễ phép với những người lớn tuổi, có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ khi ốm đau, già yếu,…
Tìm hiểu thêm 💚 Lễ Phép Là Gì 💚 chi tiết
15 Ví Dụ Về Đạo Đức Hay Nhất
Hãy cùng tham khảo ngay 15 Ví Dụ Về Đạo Đức Hay Nhất được chọn lựa kĩ càng sau đây nhé!
Tấm Gương Về Đạo Đức Nổi Tiếng – Mẫu 1
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự hội tụ đẹp nhất và trọn vẹn nhất về phẩm chất đạo đức cách mạng.
Người không chỉ để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, mà còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản cao quý, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời hy sinh phấn đấu quên mình cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân.
Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn coi trọng đạo đức, hình thành nên các chuẩn mực giá trị đạo đức tốt đẹp trong quan hệ gia đình, cộng đồng và xã hội, phù hợp với yêu cầu tồn tại, phát triển của dân tộc. Đó là truyền thống yêu quê hương đất nước, gắn bó với thiên nhiên, với cộng đồng; đoàn kết, dũng cảm, kiên cường; thuỷ chung nhân ái, quý trọng nghĩa tình; yêu lao động, hiếu học, sáng tạo…
Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành, phát triển trên cơ sở kế thừa, chọn lọc những tư tưởng, giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, phù hợp với thực tiễn hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam. Cùng với đó là sự tiếp thu, tiếp biến và vận dụng sáng tạo tinh hoa văn hóa nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác- Lênin. Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành bởi tư duy, trí tuệ, phẩm chất đạo đức và năng lực hoạt động thực tiễn của Người.
Đó cũng là quá trình tiếp thu, làm giàu, rèn luyện từ học tập, nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn, khám phá các quy luật vận động, đời sống văn hóa, xã hội và cuộc đấu tranh của các dân tộc vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội để khái quát thành lý luận, đem lý luận chỉ đạo hoạt động thực tiễn, kiểm nghiệm trong thực tiễn nên mang giá trị khách quan, cách mạng và khoa học.
Trong tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đối với con người, hay nói chính xác chính là ”yêu thương con người”. Yêu thương con người là làm mọi việc vì con người; dám hy sinh, dám dấn thân để đấu tranh giải phóng con người. Yêu thương con người tin vào con người.
Với mình thì nghiêm khắc; với người thì độ lượng, vị tha, kể cả với người lầm đường, lạc lối, mắc sai lầm, khuyết điểm. Yêu thương con người phải thực hiện tự phê bình, phê bình chân thành, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, giúp cho mỗi người ngày càng tiến bộ, tốt đẹp hơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính cần có của con người, mang một lẽ tự nhiên, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương. Cần, kiệm, liêm, chính có quan hệ chặt chẽ với nhau và với chí công vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư. Ngược lại, đã chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự hội tụ đẹp nhất, tuyệt vời nhất và trọn vẹn nhất về phẩm chất đạo đức cách mạng. Đó là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, là cả đời phấn đấu hy sinh, tất cả vì dân, vì nước, vì hạnh phúc con người. Dù ở đâu, làm bất cứ việc gì dù nhỏ hay lớn đều thể hiện phẩm chất cao đẹp của người cách mạng.
Ví Dụ Về Đạo Đức Y Học – Mẫu 2
Được nghe kể nhiều về Thạc sĩ – Bác sĩ CKII Lưu Ngọc Hùng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực 2, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa nhưng để được gặp trực tiếp trò chuyện với anh thực sự là điều rất “vất vả” đối với cánh phóng viên chúng tôi.
Bởi lẽ, anh là một người sống giản dị và khá nguyên tắc, không muốn “nổi bật” trong đám đông. Nhưng với một thầy thuốc có chuyên môn, tinh thần làm việc chuyên nghiệp và một lối sống đẹp thì tấm gương, hình ảnh của anh cần được nhân rộng để cho thế hệ trẻ noi theo.
Đây là động lực đã thôi thúc tôi phải làm cách nào đấy để được anh “mở lòng”. Sau nhiều lần “năn nỉ”, thuyết phục, cuối cùng tôi cũng may mắn có một khoảng thời gian trò chuyện với con người có tính cách “lập dị” này.
Mà đúng là như vậy, bác sĩ Hùng được học trò và các đồng nghiệp thân thiết trìu mến gọi là “động vật quý hiếm”, bởi sự “bảo thủ” đến mức khó chịu của anh trong nghề. Với anh, bệnh nhân là trên hết, không gì quan trọng hơn bệnh nhân nên nếu anh đang làm việc chuyên môn thì không ai, không lý do gì có thể khiến anh bận tâm.
Bản tính đó đã “ăn sâu vào máu”, nên vừa mở đầu câu chuyện, bác sĩ Hùng khẳng định một lần nữa vai trò của một người thầy thuốc nói chung và một bác sĩ phẫu thuật nói riêng. Trong đời, điều anh ám ảnh nhất là những ánh mắt của bệnh nhân. Khi người bệnh ngủ yên, người thân âu lo ngóng vọng, bác sĩ phẫu thuật bắt đầu bước vào trận chiến với hy vọng đè nặng hai vai.
Bởi khi ấy, bác sĩ là chỗ dựa, niềm tin, động lực của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong những giờ phút chiến đấu cam go nhất với tử thần. Một chút sơ sẩy, một đường dao run cũng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Có những cuộc phẫu thuật nhẹ nhàng. Có những cuộc phẫu thuật kéo dài mà đến lúc buông dao mổ, bác sĩ mới kịp thở phào nhận ra mình vừa tự bước qua những giới hạn tưởng chừng bản thân không thể vượt.
Có lẽ vì thế mà 20 năm trong nghề, bác sĩ Hùng phải mất 10 năm đầu để làm quen với các kỹ thuật cơ bản, trong đó bài học tưởng chừng như đơn giản mà lại khó khăn vô cùng là “đứng tấn”. Không chỉ cần nắm vững lý thuyết, ngành ngoại khoa đòi hỏi bác sĩ rất nhiều ở kỹ năng thực hành, phải “mắt thấy, tay làm” mới rèn được tay nghề.
Từ cách rạch da cho đến đường kim khâu, kẹp cắt, bóc tách… đều đòi hỏi nét tài hoa lẫn sự khổ luyện của mỗi người bác sĩ mổ. “Nếu sai lần đầu sẽ có lần sau, lâu dần sẽ thành cái lệ khó bỏ. Nên muốn đi đường dài, phải thận trọng từng bước nhỏ. Bởi, chiếc xe máy hỏng có thể mua lại xe khác, con người hỏng phải trả giá bằng những thương tật, thậm chí là cả mạng sống”, bác sĩ Hùng tâm niệm.
Với bệnh nhân, bác sĩ Hùng luôn tự nhủ phải cố gắng làm những gì tốt nhất có thể. Tốt nhất đôi khi là quyết tâm đi đến cùng để cứu sống bệnh nhân bằng mọi giá hay dừng đúng lúc để có cái kết ít đau đớn nhất. Anh vẫn thường dặn dò thế hệ đàn em nên biết tiến và lùi đúng lúc.
Có những ca bệnh bác sĩ phải cân não giữa việc tiếp tục phẫu thuật hay nên đưa bệnh nhân sang chăm sóc giảm nhẹ cuối đời. Không ít trường hợp, quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân tức là bác sĩ đang đặt cược bản thân vào chỗ một mất – một còn trong nghề nghiệp của chính mình.
Nếu bệnh nhân có mệnh hệ nào, bác sĩ phải đối diện với vô vàn áp lực từ cấp trên, đồng nghiệp, gia đình người bệnh cũng như chính những tranh đấu, dằn vặt nội tâm. Anh quan niệm: “Trong nhiều tình huống, nếu không mạnh dạn ra biển lớn thì người bác sĩ chỉ mãi quẩn quanh trong ao làng của những giới hạn, không thể làm được điều tốt hơn cho bệnh nhân”.
Ví Dụ Về Đạo Đức Và Pháp Luật – Mẫu 3
Một tấm gương về trí tuệ, nhân cách và đạo đức mẫu mực. Ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Duy Trinh cũng chứng tỏ được phẩm chất của một người chiến sỹ cộng sản kiên cường, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà ngoại giao xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh (tên khai sinh là Nguyễn Đình Biền), sinh ngày 15/7/1910 tại làng Cổ Đan, tổng Đặng Xá, nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống, chứng kiến nỗi cơ cực của người dân mất nước, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và hòa mình vào phong trào đấu tranh yêu nước, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, người học trò ưu tú, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh – người chiến sỹ cộng sản kiên trung, dũng cảm; Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước Việt Nam; tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực, trong sáng; người con ưu tú của quê hương Nghệ An.
“Là một nhà lãnh đạo trưởng thành từ cơ sở, hoạt động trong thời kỳ dựng Đảng, luôn đối diện với sự truy lùng, đàn áp khốc liệt của kẻ thù, cũng như phân lớn các đồng chí đảng viên tiền bối của Đảng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh luôn thể hiện bản lĩnh của người cộng sản kiên cường, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ và có những đóng góp quan trọng đối với phong trào cách mạng”, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chỉ rõ.
Trên các cương vị lãnh đạo, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, đồng chí có những đóng góp quan trọng trên mặt trận ngoại giao thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đồng chí là tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; nhà lãnh đạo tài năng, đảng viên cộng sản có tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng và dân tộc; giản dị trong lối sống, gần gũi hòa mình với đồng bào, đồng chí
Ví Dụ Về Đạo Đức Có Tính Địa Phương – Mẫu 4
Là một người khuyết tật, 10 năm nay, chàng trai ở Hà Tĩnh vẫn miệt mài giúp đỡ những cuộc đời khó khăn khác. Anh còn dựng tủ sách miễn phí tại nông thôn để học sinh và bà con nâng cao kiến thức.
Không may mắn như những người khác, Lê Thái Bình (SN 1988, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị bại não bẩm sinh do di truyền chất độc da cam từ ông nội.
12 tuổi, nhận thức được chỉ có việc học mới thay đổi cuộc đời, anh xin cha mẹ đến trường. Cha tôi lắc đầu: ‘Con tật nguyền, học thế nào?’ nhưng lúc ấy vì tôi quá khao khát nên ông đến xin thầy hiệu trưởng trường cho tôi được đến lớp’, anh kể.
Đến trường ở cái tuổi không còn nhỏ, bị trêu chọc rất nhiều nhưng anh vẫn nỗ lực để học tập. ‘Tiếc rằng học hết lớp 5, tôi phải nghỉ vì sức khỏe yếu’, anh nói. Nghỉ học ở trường, Bình đến với một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật để học tin học.
Năm 2008, hoàn thành khóa học, anh quyết định lập nghiệp bằng cách mở tiệm Internet tại quê nhà. Thời gian này, anh cũng bắt tay vào công tác làm từ thiện. Hiện, anh đang mở tủ sách miễn phí cho người dân đến đọc.
‘Việc người nông dân ở vùng nông thôn có thể tiếp cận với sách không hề dễ dàng. Mọi người xung quanh tôi, ai nấy đều phải lo làm ăn, kiếm sống, họ không có nhiều tiền để mua sách. Trẻ em ở đây ngoài sách giáo khoa, các em cũng không cơ hội tiếp cận với những cuốn sách hay’.
Với suy nghĩ đó, anh quyết định mở “Không gian đọc sách Thái Bình’ tại cơ sở Tin học của mình, rộng 15m2, nhằm khơi dậy văn hóa đọc cho người dân ở vùng nông thôn. Đồng thời, anh muốn tạo điều kiện cho các em cũng như những người dân có cơ hội đọc những cuốn sách hay, giá trị để nâng cao kiến thức trong cuộc sống, làm ăn.
Tủ sách của ‘Không gian đọc Thái Bình’ lên ý tưởng từ năm 2014 nhưng tháng 6/2019, mới đi vào hoạt động chính thức. Qua 4 tháng đi vào hoạt động chính thức, tủ sách của đã nhận được hơn 1000 cuốn sách thể loại văn học, truyện đọc thiếu nhi, sách khởi nghiệp, kỹ năng sống… thu hút hơn 500 độc giả là học sinh, thanh niên và bà con đến đọc và mượn.
Người dân có nhu cầu đọc sách điều có thể đọc và mượn miễn phí. Nếu độc giả ở xa có thể đăng ký làm thẻ mượn sách. Mỗi độc giả mỗi tuần đến mượn và trả sách hai lần.
Ví Dụ Về Đạo Đức Trong Xã Hội – Mẫu 5
Ông Nguyễn Văn Tác (50 tuổi) ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ có 17 năm đưa rước người bệnh miễn phí, hơn 70 lần hiến máu, hàng trăm lần hiến tiểu cầu và đã đăng ký hiến tạng.
Ông Tác sinh ra và lớn lên tại ấp Thạnh Quới 1, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. Ông Tác cho biết, 17 năm trước, ở quê ông, mỗi lần có ai đau ốm muốn đi bệnh viện rất khó khăn vì đường sá chưa thuận tiện, người bệnh đa phần là người nghèo khó. Mỗi lần gặp trường hợp đau ốm như thế là ông tình nguyện đến giúp ngay. Cũng từ đó, ông bắt đầu công việc chở người bệnh thiện nguyện của mình.
“Ban đầu tôi chuyển bệnh nhân bằng xe máy. Sau đó hai năm, đường sá đi lại dễ dàng hơn và tôi cũng để dành được một ít tiền nên mua lại một chiếc xe ô tô cũ với giá 30 triệu đồng. Từ đó, tôi chuyển bệnh nhân bằng xe ô tô và hoàn toàn miễn phí”, ông Tác cho biết.
Thấy được tấm lòng nhân ái và việc làm của ông Tác có ích nên nhân dân trong xã ai cũng ủng hộ. Sau khi được nhiều người ủng hộ, ông thành lập đội lái xe từ thiện. Khi bắt đầu hoạt động, đội lái xe chỉ có hai tài xế. Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 20 người thay nhau chuyển bệnh.
Năm 2012, với sự hỗ trợ của bà con nhân dân, các tổ từ thiện và các mạnh thường quân nên ông quyết định thành lập đội lái xe từ thiện. Người đứng đầu đội xe là ông. Cũng trong năm đó, đội xe đã mua được chiếc xe chuyển bệnh mới trị giá khoảng 600 triệu đồng. Tới năm 2014, đội của ông đã mua được chiếc xe thứ hai.
Chia sẻ đến bạn thông tin ✅ Lễ Độ ✅ là gì, biểu hiện cụ thể
Ví Dụ Về Đạo Đức Con Người – Mẫu 6
Người mua ve chai đem trả gần 250 triệu đồng trong chiếc tủ sắt cũ.
Dù có hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng người đàn ông thu mua phế liệu đã không hề nảy sinh lòng tham khi nhặt được số tiền có giá trị lớn, đủ để giúp gia đình anh bớt vất vả hơn.
Không suy nghĩ quá nhiều, anh ngay lập tức đến trao trả lại số tài sản cho chủ nhân của nó. Nhận lại số tiền, gia đình người mất đã không kìm nổi cảm xúc và tỏ lòng biết ơn người đàn ông tốt bụng.
Theo thông tin, chiều 26/4, trong lúc đi mua ve chai anh Lư Ngọc Duy (32 tuổi, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) thấy chiếc tủ sắt cũ của gia đình chị Đinh Thị Nữ, trú cùng xã bỏ đi nên đã hỏi mua với giá 20.000 đồng. Sau khi mua được chiếc tủ, anh Duy chở về để đập bán phế liệu.
Lúc này anh bất ngờ phát hiện trong tủ có một túi ni lông đen chứa tài sản lớn. Tuy nhiên anh Duy không suy tính nhiều mà lập tức nói với vợ cùng cha mẹ, sau đó mang chiếc túi trên đến nhà trưởng Công an xã Đức Thuận – ông Phạm Nê để báo cáo sự việc. Tại đây, số tài sản trong chiếc túi ni lông được xác định bao gồm tiền mặt 180 triệu đồng và hơn 1,3 lượng vàng bao gồm các loại trang sức nhẫn, vòng.
Biết được số tài sản trên thuộc sở hữu của gia đình chị Đinh Thị Nữ nên ngay trong tối cùng ngày, anh Duy cùng đại diện Công an xã đã đến nhà chị Nữ để trao trả lại tài sản. Chị Nữ cho biết, số tiền vàng này là tài sản của 2 vợ chồng chắt chiu, tích cóp suốt hơn 10 năm qua để sửa nhà. Do chị cất tiền trong tủ, chồng chị không biết nên trong lúc chị đi xúc cát thuê, chồng chị đã bán chiếc tủ cũ.
Khi đi làm về không thấy chiếc tủ cũ đâu, chị hốt hoảng lục tìm khắp nơi và hỏi chồng thì được biết chiếc tủ đã đem bán phế liệu: “Tôi đã ngất lịm đi khi hay tin mất hết tiền vàng. May nhờ gặp anh Duy tốt bụng mang trả lại toàn bộ số tiền. Tôi thực sự rất biết ơn anh Duy”, chị Nữ tâm sự.
Ví Dụ Về Đạo Đức Ngắn Gọn – Mẫu 7
Đồng chí Võ Văn Tần là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu; người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, tấm gương tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản; suốt đời vì dân, vì nước, hiến dâng trọn đời mình, cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc.
Với tác phong giản dị, khiêm nhường, gần gũi và quý trọng nhân dân, quan tâm đến lợi ích thiết thực của nhân dân, thương yêu đồng chí, đồng bào, luôn chú trọng bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, đảng viên, đồng chí Võ Văn Tần được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân rất mực yêu mến, tin cậy và trở thành hạt nhân đoàn kết, lãnh đạo của tổ chức Đảng và phong trào cách mạng.
Bị thực dân Pháp bắt giam và tra tấn hết sức dã man, nhưng đồng chí Võ Văn Tần vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, nêu cao tinh thần bất khuất trước kẻ thù, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của chúng. Quyết tâm giữ trọn lời thề trung thành với Đảng, với cách mạng và nhân dân, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết và trước hết, đồng chí Võ Văn Tần đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Ví Dụ Về Đạo Đức Ấn Tượng – Mẫu 8
Cô gái trẻ trao trả 22 triệu đồng cùng vàng nhặt được cho cặp vợ chồng nghèo
Sáng 22-6, ông Nguyễn Thanh Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Sơn (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), cho biết vào sáng cùng ngày, tại trụ sở UBND xã, trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương, em Nguyễn Thị Xuân Phương (SN 1999; ngụ thôn Lâm Bình Phương, xã Trà Sơn) đã trao trả 22 triệu đồng và 1 chỉ vàng cho hai vợ chồng anh Bùi Văn Năm (SN 1997) – chị Hồ Thị Nhan (SN 1995; ngụ thôn 2, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My).
Trước đó, sáng 21-6, sau khi đưa con trai đi khám bệnh về, vợ chồng chị Nhan ghé vào chợ Bắc Trà My mua hàng thì bất cẩn để rơi chiếc ví có chứa 22 triệu đồng và 1 chỉ vàng. Đây là số tiền vợ chồng chị Nhan vay mượn để làm nhà và chữa bệnh cho con. Mất số tiền rất lớn này, cặp vợ chồng nghèo là người đồng bào dân tộc Cor như người mất hồn.
Họ cũng không còn tiền đổ xăng để về nhà cách chợ mười mấy cây số đường núi. Chứng kiến sự việc, một số người dùng mạng xã hội đã chụp ảnh đăng tải thông tin lên Facebook để mong tìm lại tài sản cho chị Nhan. Một số tiểu thương chợ Bắc Trà My đã đi quyên góp được một số tiền để giúp đỡ hai vợ chồng nghèo này.
Trao đổi phóng viên Báo Người Lao Động sáng 22-6, em Nguyễn Thị Xuân Phương cho biết sáng qua, em đi ra chợ thì vô tình phát hiện chiếc ví màu đỏ bị rơi giữa đường. Khi mở ví ra, Phương rất bất ngờ khi thấy số tiền lớn như vậy. Không đắn đo suy nghĩ, Phương đem về nhà rồi cùng mẹ đến Công an xã Trà Sơn trình báo sự việc.
Theo Phương, cả đêm qua em thao thức không ngủ được vì quá vui mừng khi tìm được chủ nhân của chiếc ví. “Em chỉ nghĩ rằng tài sản đó không phải của mình nên đem trả lại chứ không nghĩ gì khác. Nếu ai ở vào hoàn cảnh của em cũng làm như vậy thôi” – Phương khiêm tốn nói.Được biết, hoàn cảnh gia đình Phương cũng không mấy khá giả. Chính quyền xã Trà Sơn cho biết sẽ tuyên dương hành động ý nghĩa của Phương.
Ví Dụ Về Đạo Đức Ý Nghĩa – Mẫu 9
Lê Văn Công, 35 tuổi, bán đấu giá tấm huy chương vàng World Cup 2016 môn cử tạ để giúp đỡ cô bé hàng xóm bị ung thư gan.
Nam vận động viên công bố thông tin đấu giá HCV World Cup 2016 trên trang cá nhân hôm 21/10. Anh cho biết, toàn bộ số tiền bán được sẽ dành tặng bé Đoàn Thị Bích Hương – người hàng xóm đang bị ung thư gan.
Anh Đoàn Nguyên Trí (bố cháu Hương) cho biết, anh rất bất ngờ và cảm kích khi biết nghĩa cử của vận động viên Lê Văn Công. Con gái anh đang học lớp 11, cách đây ba tháng, bác sĩ thông báo cô bé bị ung thư gan phải, khiến gia đình anh suy sụp. Hai vợ chồng anh đều làm công nhân, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải vay mượn khắp nơi để chữa trị cho con.
“Tôi không nghĩ một người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn như anh Lê Văn Công lại có suy nghĩ thấu tình người đến vậy. Giữa những lúc đen tối nhất, anh Công thực sự là động lực để gia đình tôi tiếp tục cố gắng và cùng con gái chiến đấu với bệnh tật”, anh Trí cho hay.
Năm 2016, Lê Văn Công gây ấn tượng với ý chí mạnh mẽ, tinh thần vượt lên mọi khó khăn, nghịch cảnh để giành HCV Word Cup môn cử tạ cho người khuyết tật ở hạng cân 49kg với mức tạ 180kg. Một năm sau đó, nam vận động viên lại đem vinh quang về cho nước nhà, tiếp tục phá kỷ lục thế giới của chính mình khi nâng mức tạ lên 183,5kg.
Trở về sau cuộc thi, anh Công mở một cửa hàng sửa chữa và kinh doanh điện tử tại Ấp 7, Xuân Tới Thượng, Hóc Môn (TP HCM). 3 tháng trước, mọi người xung quanh nhà anh Công bàng hoàng nghe tin em Đoàn Thị Bích Hương bị mắc bệnh ung thư gan.
Tấm huy chương là thành quả khổ luyện sau nhiều năm, dù có tiếc nuối, anh Công vẫn quyết định bán vì tình làng nghĩa xóm, vì mong muốn góp chút sức lực giúp gia đình anh Trí vượt qua khó khăn.
Ví Dụ Về Đạo Đức Ngắn Nhất – Mẫu 10
Thương cảm trước số phận của những cụ già neo đơn không nơi nương tựa, anh N.Đ.Thắng đã xây dựng nên một mái nhà mang tên “Nhà chung” để nhận nuôi các cụ.
Mỗi tháng anh đều rong ruổi khắp gầm cầu ‘phát lương’ cho khoảng 20 người khó khăn. Mái nhà nhỏ nhưng tình thương lớn, các cụ từ những người không có nơi nương tựa đã có cho mình một gia đình vui vẻ và hạnh phúc. Cứ thế thanh xuân của chàng trai trở nên ý nghĩa hơn từ những việc làm từ tâm.
Cập nhật thêm thông tin 🌷 Đức Hạnh Là Gì 🌷 ngắn gọn
Ví Dụ Về Đạo Đức Chọn Lọc – Mẫu 11
Khoảng 10h30 ngày 9/6, trên đường đi học về, hai em Phạm Văn Nhật Tuyên và Nguyễn Trần Anh Vũ (là học sinh cùng lớp 7/3 trường THCS Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) nhặt được một chiếc ví.
Mở ra xem, hai em thấy có 3.650.000 đồng cùng một số giấy tờ quan trọng. Hai nam sinh đã nộp lại cho nhà trường nhờ trả lại người mất. Ban Giám hiệu trường đã thông tin với quần chúng địa phương.
Đến sáng 11/6, anh Trần Vinh (trú thôn Bằng Lãng, xã Thủy Bằng) đã đến trường xin nhận lại. Trường đã mời hai em học sinh đến và làm biên bản trả lại cho người mất.
Điều đáng quý là anh Vinh đã tặng cho 2 em một số tiền để cảm tạ nhưng hai em không nhận. Tại địa phương, hoàn cảnh của hai học sinh trên nhà rất nghèo.
Ví Dụ Về Đạo Đức Đặc Sắc – Mẫu 12
em Hoàng Thị Khánh Nhung (học sinh lớp 8A5, Trường THCS Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) đã trao trả lại số tiền 39,5 triệu đồng cho người đánh rơi.
Theo đó, khoảng 16h ngày 8/6, trên đường đi học về nhà, em Nhung có nhặt được một bọc tiền mệnh giá 500.000 nghìn đồng nên đã mang quay lại trường báo cáo ban giám hiệu nhà trường cùng công an địa phương để trả lại người đánh rơi.
Nhà trường, cùng cơ quan công an, học sinh trao trả lại số tiền cho người đánh rơi.
Đến sáng 10/6, sau khi xác minh được số tiền trên là của bà Phạm Thị Hà, công an xã cùng nhà trường đã tiến hành làm các thủ tục trao trả lại số tiền 39,5 triệu đồng.
Tại địa phương, gia đình em có 4 anh chị em, bố làm nghề đi biển, mẹ làm nghề bán hàng. Ở trường Nhung có học lực khá, hạnh kiểm tốt.
Ví Dụ Về Đạo Đức Nổi Bật – Mẫu 13
Ngày 21-10, trong lễ chào cờ đầu tuần tại Trường THCS Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức khen thưởng em Phan Trung Hiếu, học sinh lớp 9A vì đã dũng cảm cứu hai em nhỏ bị đuối nước.
Trao bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và phần thưởng của Sở GD-ĐT Hà Nội tặng em Phan Trung Hiếu, ông Lê Ngọc Quang, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, hoan nghênh hành động dũng cảm và trí thông minh của em Hiếu.
Trước đó, khoảng 16h50 ngày 28-9-2019, trên đường đi học về, em Phan Trung Hiếu và bạn cùng trường là Kiều Văn Phong (học sinh lớp 9B) nhìn thấy hai em nhỏ đang chới với giữa ao, thuộc cụm 2 xã Sen Chiểu.
Đây là đoạn đường nối từ trường về làng, vắng người qua lại. Không hề đắn đo, em Hiếu đã nhảy xuống để cứu hai em, còn Phong ở trên bờ hô to để mọi người cùng đến hỗ trợ.
Sau khi vớt được nạn nhân đầu tiên là em Lê Tuấn Đạt (sinh năm 2012) lên bờ, nhìn xuống ao không thấy em thứ hai đâu, Hiếu tiếp tục quay lại lặn tìm. Hiếu đã phải lặn sâu xuống đáy ao mò tìm, nắm được tay em Lê Việt Quang (sinh năm 2014) để đưa lên bờ.
Khi lên bờ, em Quang đã trong tình trạng nguy kịch, có dấu hiệu ngừng thở. Sau khi được người dân sơ cứu tại chỗ bằng nhiều cách, em Quang đã nôn ra nước, thở trở lại và được đưa đi cấp cứu. Hiện sức khỏe của cả hai em Quang và Đạt đều ổn định.
Hiệu trưởng Trường THCS Sen Chiểu Lê Thị Văn cho biết ngay sau khi biết việc làm của học sinh Phan Trung Hiếu, trường đã tổ chức biểu dương tinh thần dũng cảm, ý nghĩa nhân văn trong việc làm của em vào ngày 30-9. Qua đó, trường mong muốn các học sinh học tập tấm gương của em và làm lan tỏa ý nghĩa nhân văn này ra toàn xã hội.
Ví Dụ Về Đạo Đức Hay – Mẫu 14
Câu chuyện kể về cậu học sinh lớp 3 đi trông em lấy tiền mua quà tặng khu cách ly: Con muốn làm việc tốt.
Thương các chú làm nhiệm vụ vất vả tại khu cách ly tập trung, cậu bé 9 tuổi Nguyễn Hoàng Quân (học sinh lớp 3, trường Tiểu học Sơn Kim 1, Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã xin đi trông em để có tiền mua quà tặng cho các chú. Hành động đẹp của cậu bé Nguyễn Hoàng Quân trở thành tấm gương sáng về sự sẻ chia yêu thương trong mùa dịch COVID -19.
Chị Trương Thị Hồng Nhung, mẹ của Quân kể, chị là giáo viên mầm non tại trường Mầm non Sơn Kim 1, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Học sinh nghỉ học vì dịch bệnh, chị đã xung phong tình nguyện đi nấu cơm phục vụ khu cách ly tập trung ở Cổng B, huyện Hương Sơn. Quân ở nhà một mình.
Tối về nhà chị thường thái thêm nhút mít để mang tặng khu cách ly. “Khi thấy việc làm của tôi, con hào hứng bảo con cũng sẽ làm việc để có tiền mua quà tặng người ở khu cách ly. Tôi cứ tưởng con nói chơi”, chị Nhung kể.
Ở nhà một mình, Quân sang nhà cậu mợ xin trông em với điều kiện được… trả phí. Mỗi lần trông em, Quân được cậu mợ “trả công” 5.000 – 10 nghìn đồng. Từ tiền trông em cùng với số tiền tiết kiệm được bấy lâu từ việc bán giấy vụn, vỏ lon bia, Quân gom lại đi mua 1 cân hạt hướng dương, 1 gói bánh, 1 dây cà phê hòa tan.
Sáng 30/3, Quân nhờ mẹ chở ra khu cách ly của xã. “Con tủm tỉm nói với tôi, con có một bí mật này, mẹ chở con đi nhé. Trước khi đi, con còn tự giác rửa tay bằng nước sát khuẩn, đeo khẩu trang. Khi chở con đến khu cách ly, con mang quà ra tặng, tôi cũng rất ngạc nhiên không biết con đã mua những thứ này từ bao giờ”, chị Nhung kể lại.
Dẫn Chứng Về Đạo Đức Chi Tiết – Mẫu 15
Tấm gương sáng ngời, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, suốt đời hy sinh, phấn đấu quên mình cho đất nước và nhân dân của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là tài sản vô giá trong giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lập trường chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Kế thừa truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương và sớm được tiếp thu tư tưởng cách mạng vô sản, Võ Nguyên Giáp đã giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng khi mới 14 tuổi (1925). Mười lăm năm sau, Võ Nguyên Giáp được kết nạp Đảng và được Trung ương cử sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (1940), khởi đầu quá trình phát huy tài năng, đức độ, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng.
Là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội, Đại tướng gương mẫu về phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống trung thực, đoàn kết, khiêm tốn, giản dị, chí công vô tư, gần gũi, hết mực thương yêu cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đại tướng cũng thể hiện bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản trung kiên, giữ vững khí tiết, tư tưởng tiến công, ý chí tự lực, tự cường, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó; luôn đề cao công lao, sự hy sinh to lớn của nhân dân, quân đội, những người trực tiếp chiến đấu trên chiến trường.
Danh tiếng, uy tín, phẩm chất đạo đức, nhân cách của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, chống áp bức, bóc lột, bất công ở các nước thuộc địa châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin; được thế giới vinh danh và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình ngưỡng mộ, cảm phục.
Đừng bỏ lỡ chia sẻ về 💧 Chính Trực Là Gì 💧 chi tiết