Luyện Tập Miêu Tả Các Bộ Phận Của Cây Cối [22+ Bài Tập Làm Văn Hay]

Luyện Tập Miêu Tả Các Bộ Phận Của Cây Cối ❤️️ Tập Làm Văn ✅ Tham Khảo Hướng Dẫn Soạn Bài Với Đáp Án Chi Tiết Cùng Những Đoạn Văn Mẫu Đặc Sắc.

Luyện Tập Miêu Tả Các Bộ Phận Của Cây Cối

Soạn bài môn Tiếng Việt lớp 4 tập 2, với lời giải chi tiết Tập làm văn – Luyện tập miêu tả các bộ phận của cây cối. Giúp cho các em học sinh tham khảo, ôn tập lại các kiến thức quan sát và miêu tả một cây theo trình tự nào, để từ đó hoàn thiện bài văn miêu tả cây cối. Tham khảo nội dung cụ thể nhất trong bài viết dưới đây:

Tập Làm Văn Luyện Tập Miêu Tả Các Bộ Phận Của Cây Cối
Tập Làm Văn Luyện Tập Miêu Tả Các Bộ Phận Của Cây Cối
Luyện Tập Miêu Tả Các Bộ Phận Của Cây Cối Tập Làm Văn Lớp 4
Luyện Tập Miêu Tả Các Bộ Phận Của Cây Cối Tập Làm Văn Lớp 4

Câu 1 (trang 41 sgk Tiếng Việt 4): Đọc và nhận xét các đoạn văn tả thân, gốc một số loài cây. Theo em cách tả của tác giả trong mỗi đoạn văn có gì đáng chú ý.

Phương pháp giải:

Con đọc kĩ từng đoạn văn để tìm hiểu về những điểm đặc biệt trong từng đoạn văn.

Gợi ý trả lời:

Đoạn văn 1: Tả lá bàng của Đoàn Giỏi Tác giả đã miêu tả màu sắc của lá bằng biến đổi theo từng thời kì: mùa xuân lá bàng mới nảy trông theo như những ngọn lửa xanh. Mùa hè, lá lên thật dày mang màu xanh ngọc bích. Mùa thu lá chuyển sang màu lục. Mùa đông, khi sắp rụng lá bàng chuyển sang màu đồng hun.

Đoạn văn 2: Tả bàng thay lá của Hoàng Phủ Ngọc Tường: Tác giả chọn thời kì bàng thay lá với sự xuất hiện của lộc non và phát triển thành búp lá với những giai đoạn phát triển khác nhau. Sau đó lại tả tiếp sự xuất hiện của lứa lộc thứ hai. Lứa lộc này màu đỏ đọt. (Khi miêu tả, tác giả luôn chú trọng sử dụng các từ ngữ so sánh).

Đoạn văn 3: Tả cây sồi già của Lép-tôn-xtôi Tác giả chọn thời điểm từ mùa đông sang mùa hè với sự thay đổi của cây sồi: từ nứt nẻ đầy sẹo, già cỗi chuyển thành một cây sồi có một sức sống mới: vòm lá xum xuê tỏa rộng. Ngoài những hình ảnh so sánh, tác giả còn sử dụng biện pháp nhân hóa tạo cho đoạn văn sinh động cuốn hút người đọc.

Đoạn văn 4: Tả cây tre của Bùi Ngọc Sơn Tác giả tả cả một bụi tre gồm tre già và búp măng và những đặc điểm của loài tre: rậm rạp, bù xù, gai góc. Tác giả đã sử dụng biện pháp so sánh làm cho lời văn vừa cụ thể vừa có giá tri gợi hình, gợi tả cao.

Gợi ý cho bạn ☘ Tả Cây Cối Hay Nhất ☘ 15 Bài Văn Miêu Tả Cây Cối Điểm 10

Luyện Tập Xây Dựng Đoạn Văn Miêu Tả Cây Cối

Để giúp các em học sinh luyện tập xây dựng đoạn văn miêu tả cây cối, biết cách miêu tả từ bao quát đến cụ thể, cùng tham khảo hướng dẫn soạn bài và những đoạn văn tham khảo như sau:

Câu 2 (trang 42 sgk Tiếng Việt 4): Viết một đoạn văn tả lá, thân hay gốc của một cây mà em yêu thích.

Gợi ý trả lời:

Các em học sinh trước khi viết đoạn văn tả một bộ phận của cây, cần chú ý:

  • Lựa chọn bộ phận cây muốn miêu tả.
  • Quan sát, lựa chọn những chi tiết tiêu biểu.
  • Viết thành đoạn văn có mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn.

Đoạn văn tham khảo:

Tả hoa mai:

Hoa mai cũng có năm cánh như hoa đào, nhưng cánh hoa mai to hơn cánh hoa đào một chút. Những nụ mai không phô hồng mà ngời xanh màu ngọc bích. Sắp nở, nụ mai mới phô vàng. Khi nở, cánh hoa mai xoè ra mịn màng như lụa. Những cánh hoa ánh lên một sắc vàng muốt, mượt mà. Một mùi hương thơm lựng như nếp hương phảng phất bay ra.

Tả hoa phượng:

Phượng vĩ là loài cây em yêu nhất. Bởi vậy, cây phượng vĩ ở góc sân trường đã gắn bó thân thiết với em. Phượng vĩ đẹp nhất trong em không chỉ là hoa hay lá, mà phượng còn đẹp ở cái dáng nghiêng nghiêng chiều lượn, chiều quằn. Thân cây to, tỏa nhiều cành. Dưới gốc, một vòng tay em ôm thân cây không xuể. Thời gian đã khoác lên cây chiếc áo nâu sần sùi, sờn bạc. Thế nhưng bên trong lớp áo ấy là dòng nhựa mát lành luôn vận chuyển chất màu. Nhờ dòng nhựa ấy mà cây quanh năm xanh tốt. Và có lẽ vẻ đẹp của cây hội tụ lại ở những chùm hoa đỏ thắm trên cành.

Tả lá cây chuối:

Lá cây chuối màu xanh. Thế nhưng cái màu xanh ấy cũng rất riêng biệt, lá chuối non màu xanh như lá mạ non, khi già mang màu xanh sậm. Trên thân lá từng đường gân song song đều đặn. và nếu mặt trên của lá chuối mang một màu xanh căng đẩy sức sống thì mặt dưới của nó lại như được rây lên một lớp phấn mịn màng màu trắnq bạc.

Lá chuối đương non mềm mịn bao nhiêu thì càng về già nó giòn bấy nhiêu và rồi cái màu xanh sậm ấy theo thời gian ngả dần sang màu vàng úa, dần sang màu nâu thì dòng đời của nó chính thức lụi tàn. Đặc biệt, rất ít tàu lá chuối nào giữ được sự nguyên vẹn trước những cơn gió ngày đêm trêu chọc. Cho nên khi nó chuyển sang màu nâu đất thì tàu lả chuối xác xơ trông thương lắm …

Tả quả vải tiến vua:

Trái vải tiến vua chỉ nhỉnh hơn cái chén hạt mít dùng để pha trà tàu một chút. Vỏ của nó không đỏ mà ong óng một màu nâu, nhẵn lì chứ không có gai gồ ghề. Khi bóc vỏ ra rồi thì không có nước tèm lem, mà hạt thì chỉ nhỏ bằng ngón tay út. Cùi vải dày như cùi dừa nhưng không trắng bạch mà trắng ngà. Đặt lên lưỡi, cắn một miếng thì nước chan hoà, ngọt sắt, nhai thì mềm mà lại giòn, nhai khe khẽ thì chính tai mình thấy như sậm sựt. Hương vị của trái vải đã khiến không ít người cứ vấn vương, lưu luyến mãi.

Mời bạn tiếp tục đón đọc ☘ Tả Loài Cây Em Yêu Thích ☘ 15 Bài Văn Mẫu Hay Nhất

Những Đoạn Văn Miêu Tả Các Bộ Phận Của Cây Cối Hay Nhất

Những đoạn văn miêu tả các bộ phận của cây cối hay nhất sẽ là tư liệu tham khảo hữu ích giúp các em học sinh trau dồi thêm vốn từ và nắm bắt được cách xây dựng những hình ảnh miêu tả chọn lọc và sinh động. Mời bạn đọc và các em học sinh cùng tham khảo:

Tả hoa của cây – Tả hoa bưởi:

Mỗi khi đến mùa cây bưởi ra hoa, cả khu vườn nhà em tràn ngập trong mùi hương nồng nàn. Lúc còn bé, hoa bưởi như một hạt kẹo tròn xoe, trắng muốt. Khi đã nở, thì hoa bưởi lớn như cái thìa, và vẫn giữ nguyên màu trắng tinh khôi của mình. Bông hoa bưởi thường sẽ có bốn hoặc năm cánh, thon dài như một đốt ngón tay. Cánh hoa khá dày, khi chạm vào cảm thấy mềm mại lắm. Mùi hương hoa bưởi rất thơm, nồng và lan xa. Nó khiến cho bao người phải đắm say, ngây ngất.

Tả lá của cây – Tả lá cây bàng:

Mùa thu trong Nam không đậm nét như ngoài Bắc nhưng cũng đủ làm cho những chiếc lá bàng to màu xanh thẫm từ từ chuyển sang màu vàng pha đỏ, có những chấm đen rồi dần dần pha màu nâu. Gặp cơn gió nhẹ thoảng qua, đôi ba chiếc lá vàng lìa cành, chao qua chao lại rồi rớt xuống sân trường. Bây giờ chỉ còn là đôi ba chiếc lá vàng rơi nhưng rồi một hai tháng nữa, lá bàng sẽ dần dần rụng hết, thân cành của nó sẽ trở nên khắng khiu, gầy guộc, in trên nền trời. Mùa ấy, bàng không đẹp, nhưng biết làm sao được?

Tả quả của cây – Tả quả cam:

Cây cam nhà em rất sai quả. Đầu tiên những quả cam chỉ bằng ngón tay út khẽ lộ ra bên những cánh hoa màu trắng, ít hôm sau đã to bằng hòn bi ve. Quả cam lớn nhanh như thổi, khi quả còn nhỏ, vỏ màu xanh thẫm. Nhưng sau đó chiếc áo ấy mỏng dần rồi từ từ chuyển sang màu xanh nhạt rồi đến màu vàng tươi. Chẳng bao lâu cây cam đã chi chít những quả vàng óng, da căng mọng như những chiếc đèn lồng nhỏ, lơ lửng thắp trong vòm lá xanh.

Tả thân của cây – Tả thân cây chuối:

Những cây chuối trong vườn đã được mấy năm tuổi rồi. Những cây chuối mẹ, chuối con sống quây quần bên nhau. Nổi bật hơn cả là những cây chuối mẹ cao lớn. Thân cây mọc lên cao, thẳng và hơi vững. Lúc còn nhỏ, da nó nhẵn, mịn màng và mỗi khi áp má vào đó em thấy mát như da em bé. Thân chuối được kết bởi rất lớp áo , lớp bẹ. Từng bẹ lớn nhỏ bao bọc lẫn nhau. Nhưng đến khi đã lớn, những cái bẹ bên ngoài khô đi và dần dần thay một cái áo mới.

Tả gốc của cây – Tả gốc cây dừa:

Thoạt nhìn cây dừa như một cái ô khổng lồ vươn thẳng lên trời, phủ bóng mát cả một góc ao. Gốc dừa lớn, em ôm cũng không vừa. Gốc tua tủa chùm rễ như những con giun đất ngoằn ngoèo ăn sâu, bám chắc xuống đất. Thân dừa bạch phếch tháng năm. Dừa cao không thẳng như cây chuối mà có dáng nghiêng nghiêng. Thân dừa xốp, có những khoanh tròn nối nhau. Ông em bảo: “ Nhìn gốc dừa là ông đoán được tuổi của cây dừa đó.”

Mời bạn khám phá thêm 💕 Tả Cây Cối Lớp 5 💕 15 Bài Văn Mẫu Hay Nhất Điểm 10

Viết một bình luận