Thơ Hay Là Hay Cả Hồn Lẫn Xác Hay Cả Bài [22+ Mẫu Nhận Định Hay]

Thơ Hay Là Hay Cả Hồn Lẫn Xác Hay Cả Bài ❤️️ 22+ Mẫu Nhận Định ✅ Đón Đọc Bài Văn Ngắn Gọn Để Làm Rõ Nhận Định Trên Của Nhà Thơ Xuân Diệu.

Thơ Hay Là Hay Cả Hồn Lẫn Xác Hay Cả Bài Nghĩa Là Gì

Chia sẻ đến bạn đọc thông tin ý nghĩa về câu nói ”Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài” chi tiết nhất.

  • ”Hồn” tức là nội dung, ý nghĩa của bài thơ.
  • ”Xác” tức là nói đến hình thức nghệ thuật của bài thơ thể hiện ở thể loại, việc tổ chức ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu, cấu tứ…

– Như vậy, thơ hay là có sự sáng tạo độc đáo về nội dung cũng như hình thức nghệ thuật, khơi gợi tình cảm cao đẹp và tạo được ấn tượng sâu sắc đối với người đọc. Chỉ khi đó thơ mới đạt đến vẻ đẹp hoàn mĩ của một chỉnh thể nghệ thuật.

Tham khảo những 🌷 Nhận Định Về Hoàng Phủ Ngọc Tường 🌷 ngắn gọn

9+ Mẫu Nhận Định Thơ Hay Là Hay Cả Hồn Lẫn Xác Hay Cả Bài

Đừng bỏ lỡ 9+ mẫu nhận định thơ hay là hay cả hồn lẫn xác hay cả bài được SCR.VN biên soạn sau đây nhé!

Nhận Định Câu Nói Thơ Hay Là Hay Cả Hồn Lẫn Xác Hay Cả Bài Văn Ngắn

Tác phẩm thơ là kết tinh những rung cảm của trái tim người nghệ sỹ trước cuộc đời, là tiếng nói của tình cảm, là tấm gương của tâm hồn. Thơ tác động đến người đọc bằng tình cảm chân thành, mang đến cho người đọc những liên tưởng, tưởng tượng phong phú.

Vì vậy khi đọc một bài thơ hay ta không bao giờ đọc qua một lần mà bỏ xuống được, ta sẽ dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi, và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc như Xuân Diệu đã nói” Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác hay cả bài’.

Nhà thơ Sóng Hồng đã nhận định về thơ: Thơ là nghệ thuật kì diệu bậc nhất của trí tưởng tượng. Song ông cũng khẳng định: Thơ biểu hiện cuộc sống một cách cao đẹp. Thế có nghĩa thơ gốc rễ của thơ vẫn là cuộc sống. Thơ tác động đến của người đọc vừa bằng sự nhận thức cuộc sống vừa bằng khả năng gợi cảm sâu sắc, vừa trực tiếp với những cảm xúc, suy nghĩ cụ thể, vừa gián tiếp qua những liên tưởng tưởng tượng độc đáo.

Thơ gắn liền với chiều sâu tâm hồn, thế giới nội tâm sâu kín của con người vừa gắn với cuộc sống khách quan chiều sâu của sự phong phú trong đời sống xã hội nên thơ có khả năng lay đông tâm hồn người đọc một cách kì diệu. Giải thích một bài thơ hay và cách thưởng thức một bài thơ hay.

Bàn về thơ hay nhà thơ Xuân diệu đã nói ”Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài ”. Nói thế có nghĩa một bài thơ hay là hay từ cảm hứng sáng tác, tình ý trong thơ, đến ngôn ngữ, đến nghệ thuật biểu hiện. – Bài thơ hay là bài thơ có sự sáng tạo độc đáo về mặt nội dung cũng như hình thức nghệ thuật.

Bài thơ hay là bài thơ có khả năng lay động, đánh thức những rung cảm sâu thẳm trong lòng người đọc ,có khả năng khơi gợi những tình cảm cao đẹp trong tâm hồn con người. Chính vẻ đẹp tình ý sâu sa, và cách biểu hiện độc đáo, sắc sảo mà thơ hay có sức lôi cuốn kì lạ khiến người ta không thể đọc qua một lần mà bỏ xuống được, nó khiến người ta phải dừng tay lại trên trang giấy đáng lẽ sẽ lật đi để đọc lại, và lần đọc lại ấy người đọc phải đọc bằng cả tâm hồn.

Vậy thế nào là đọc bằng cả tâm hồn, thơ là sản phẩm của cảm xúc, được viết ra bằng thứ ngôn ngữ tinh lọc, hàm súc, nhiều tầng, đẹp như hoa nhưng không dễ nhìn thấy như hoa. Vì vậy để cảm nhận hết được cái hay cái đẹp của một bài thơ ta phải dừng tay trên trang vở đáng lẽ sẽ lật đi để đọc lại bài thơ, đọc bằng cả tâm hồn » như vậy ta mới thấy hết cái hay, cái đẹp, cái tinh túy sâu sa, sức lan tỏa, lay động của nó.

Chứng Minh Nhận Định Thơ Hay Là Hay Cả Hồn Lẫn Xác Hay Cả Bài – Bài Thơ Sang Thu

“Hồn” của thơ là nội dung, cảm xúc, tư tưởng mà nhà thơ gửi gắm. “Xác” của thơ lại chính là hình thức nghệ thuật. Theo nhà thơ Xuân Diệu: Một bài thơ hay phải có giá trị về nội dung tư tưởng, đi từ cảm xúc của nhà thơ rồi chạm đến trái tim bạn đọc; đồng thơi nội dung tư tưởng ấy phải được chuyển tải bằng một hình thức nghệ thuật độc đáo.

Sang thu là bài thơ có bình thức nghệ thuật độc đáo: Nhà thơ chọn thể thơ tự do năm chữ, vần nhịp phù hợp với giọng điệu tâm tình. Mỗi dòng thơ tựa như một cánh hoa dịu dàng, e ấp bung nở giữa trời thu mênh mang để rồi quyến rũ người đọc lần theo từng câu thơ.

Thi liệu, ngôn ngữ thơ được chọn lựa, chắt lọc tinh tế với những từ ngữ, những hình ảnh giản dị, gần gũi với chốn quê mà gợi nhiều cảm xúc: hương ổi, sương thu, dòng sông, cánh chim… gợi được sự liên tưởng nhiều chiều nơi bạn đọc. Dấu ấn phong cách nghệ thuật của nhà thơ Hữu Thỉnh thể hiện trong từng dòng thơ: hồn thơ nhẹ nhàng, tứ thơ sâu sắc, chiều sâu triết lí.

Cái hồn của Sang thu đem đến cho người đọc những rung cảm nhẹ nhàng trước vẻ đẹp thiên nhiên trong phút giao mùa: Khoảnh khắc không gian giao mùa từ hạ sang thu được gợi tả khẽ khàng.

Người đọc cùng đồng điệu với cảm xúc của tác giả: bâng khuâng ngỡ ngàng trước tín hiệu thu sang, say sưa ngây ngất trước đất tròi vào thu, suy tư về cuộc đòi và con người. Hơn thế, bài thơ gửi gắm triết lí về cuộc đời sâu sắc, cảm động: Hãy sống và trải nghiệm, ta sẽ vững vàng hơn trước những biến cố của cuộc đời.

Cả bài thơ là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, “hay cả bài”. Hình thức và nội dung của bài thơ có sự hài hòa, hai yếu tố này nâng đỡ nhau khiến toàn bài thơ có vẻ đẹp trọn vẹn. Nói như nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Thi: “Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh là một bài thơ như thế.

Để có được bài thơ “hay cả hồn lẫn xác”, người nghệ sĩ phải lao động sáng tạo không ngừng và phải có cái tâm trong sáng tác nghệ thuật. Hữu Thỉnh là nhà thơ tài hoa và nhân cách đáng trân trọng.

Từ sự trải nghiệm bài thơ Sang thu, chúng ta nhận ra rằng để có được một bài thơ hay dâng cho đời, người nghệ sĩ không chỉ có tâm hồn nhạy cảm, giàu cảm xúc, biết lắng nghe mọi biến chuyển khẽ khàng của thiên nhiên mà còn phải cần mẫn thâm canh trên cánh đồng chữ nghĩa để dâng cho đời những hông hoa nghệ thuật.

Chia sẻ 🌼 Phân Tích Bài Thơ Sang Thu 🌼 ngắn hay

Thơ Hay Là Hay Cả Hồn Lẫn Xác Hay Cả Bài Ông Đồ Ngắn Gọn

Lêonit Lêonop từng nói: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung”. Còn nhà thơ Xuân Diệu cho rằng: “Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài”.

Một bài thơ hay là một bài thơ đẹp cả ở nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Thiếu một trong hai thứ, giá trị bài thơ sẽ giảm đi nhiều, thậm chí là không giá trị gì. Ý kiên của nhà thơ Xuân Diệu là một lời nhắc nhở người nghệ sĩ phải có ý thức trách nhiệm cao cả về cái đẹp hoàn hảo trong sáng tạo nghệ thuật.

Bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên là bài thơ như thế. Nó hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài, hay bây giờ và hay đến cả mai sau.

Qua bài thơ “Ông đồ”, Vũ Đình Liên thể hiện niềm cảm thương sâu sắc đối với một lớp người đang trở nên lạc lõng và bị gạt ra ngoài lề cuộc đời; là niềm hoài cổ của tác giả với một nét đẹp truyền thống của dân tộc (thú chơi câu đối ngày Tết) bị tàn phai. Đó là cái hay thứ nhất và cũng là cái hay làm nên ý nghĩa nhân văn cao cả của bài thơ.

Ở khổ thơ đầu, qua hình ảnh ông đồ xưa trong thời kì huy hoàng, tác giả gửi gắm niềm kính trọng, ngưỡng mộ và nâng niu nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc:

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”

Ông đồ xuất hiện bên phố phường đông đúc vào mỗi dịp tết đến xuân về. Không khí mùa xuân, hình ảnh “hoa đào nở” đã tươi thắm nay lại thêm “mực tàu giấy đỏ” làm mọi nét vẽ trong bức tranh tả cảnh ông đồ rõ nét, tươi vui, tràn đầy sức sống.

Từ “lại” diễn tả sự xuất hiện đều đặn của ông đồ với mùa xuân cùng với công việc viết chữ Nho. Nét đẹp cổ kính và trang nghiêm của ngày tết, kết hợp với hình ảnh ông đồ với chữ thánh hiền khiến cho bức tranh gây được tình cảm kính trọng và gần gũi biết bao.

Dòng người đông đúc đều quan tâm và ngưỡng mộ, khâm phục tài viết chữ của ông đồ. (Bao nhiêu người thuê viết/Tấm tắc ngợi khen tài). Nghệ thuật so sánh và thành ngữ “Như phượng múa rồng bay” làm toát lên vẻ đẹp của nét chữ phóng khoáng, bay bổng,…

Ông đồ trở thành tâm điểm chú ý của mọi người, là đối tượng của sự ngưỡng mộ. Ông nổi bậc như một pho sử sống, tài hoa và đáng kính. Đó là thời chữ Nho còn được mến mộ, nhà Nho được trọng dụng.

Hai khổ thơ tiếp theo tác giả vẽ lên bức tranh ông đồ thời nay, một kẻ sĩ lạc lõng, lẻ loi giữa giữa dòng đời xuôi ngược:

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay”.

Mùa xuân vẫn tuần hoàn theo thời gian, vạn vật đổi, tưởng chừng như ông đồ, một vẫn mãi cùng mùa xuân vẽ nên cuộc sống dân tộc đến muôn đời.

Thế nhưng, thật tàn nhẫn, mùa xuân đã đến, phố vẫn đông người qua nhưng ông đồ đã bị lãng quên từ bao giờ. Khi văn hoa Tây phương thắng thế, nền Nho học bị thất sủng, người ta không còn mảy may quan tâm đến ông đồ, đến chữ ông đồ viết, đến nền văn hoá vốn đã tồn tại đến nghìn năm qua của dân tộc. Quốc hồn, quốc túy bị xem thường và hình ảnh đại diện của nó cũng bị bứt bỏ ra khỏi tầm nhìn.

Câu hỏi tu từ và biện pháp nghệ thuật nhân hóa (Giấy đỏ buồn không thắm/Mực đọng trong nghiên sầu) lan tỏa nỗi buồn, thấm cả vào những vật vô tri vô giác. Tất cả như đồng cảm với nỗi niềm của ông đồ trước con người và thời thế. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình (Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài giời mưa bụi bay) gợi không gian buồn thảm, vắng lặng nhấn mạnh sự lẻ loi, bẽ bàng của ông đồ…

Thiên nhiên đồng cảm, còn con người thì vô tình đến đáng sợ. Một nét đẹp văn hóa dân tộc bị mai một, chữ Nho đã trở nên lỗi thời, những người như ông đồ bị rơi vào quên lãng. Ông đồ trở thành “di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”. Đó cũng là tiếng thở dài của thế gian trước một lớp người sắp chìm vào quá vãng.

Khổ thơ cuối tác giả dùng để bày tỏ nỗi lòng, khơi gợi ở người đọc niềm thương xót đối với ông đồ cũng như đối với một nét đẹp văn hóa của dân tộc bị mai một:

“Nam nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”

Tết đến, xuân về, hoa đào vẫn nở nhưng không còn thấy ông đồ xưa. Sau mỗi năm ông đồ đã già và giờ đây đã trở thành người thiên cổ chăng? Sự đối lập giữ mùa xuân và ông đồ không biết hình thành từ bao giờ. Xưa rất gắn kết, giờ xa cách vô cùng.

Cái khoảng cách mênh mong ấy càng khiến cho người thấy chua chát, xót thương. Câu hỏi tu từ thể hiện niềm cảm thương của tác giả cho những nhà nho danh giá một thời, nay bị lãng quên vì thế thời thay đổi, thương tiếc những giá trị tốt đẹp bị lụi tàn và không bao giờ trở lại.

Bài thơ Ông đồ đâu chỉ hay ở nội dung mà còn hay ở cả nghệ thuật biểu hiện. Trước hết, nhan đề bài thơ ngắn gọn nhưng gợi nhiều liên tưởng, chứa đựng chiều sâu chủ đề tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm qua thi phẩm. Hai tiếng “ông đồ” vang lên vừa gần gũi, ấm áp vừa xa lạ đến vô cùng. Ngày nay, ta đâu còn có thể trông thấy ông đồ chân thực nữa. Ông chỉ còn là hoài niệm, là nỗi nhớ thương mà dân tộc mãi còn muốn níu kéo.

Mạch cảm xúc, mạch ý tạo thành tứ thơ tự nhiên theo dòng thời gian. Kết cấu bài thơ giống như một câu chuyện kể về cuộc đời của ông đồ: Mở đầu câu chuyện ông đồ là tâm điểm mọi sự chú ý của công chúng, cùng thời gian ông dần bị quên lãng, đến cuối bài thơ ông đồ đã chìm vào quá khứ, từ đó nhà thơ bộc lộ tự nhiên niềm thương người và tình hoài cổ trước cảnh cũ người đâu.

Thể thơ ngũ ngôn gieo vần chân, lời thơ bình dị nhưng sâu lắng, cô đọng, kết cấu đầu cuối tương ứng chặt chẽ. Hình ảnh thơ giản dị, ngôn ngữ thơ hàm súc, gợi hình, gợi cảm. Kết cấu đầu cuối tương ứng, sử dụng câu hỏi tu từ, nhân hóa, bút pháp tả cảnh ngụ tình,… gieo vào lòng người đọc niềm tiếc thương, day dứt.

Giọng điệu trầm lắng, xót xa thể hiện đúng tình cảnh của nhân vật trữ tình và hồn thơ của tác giả. Nhịp thơ rộn ràng, tươi vui, lúc khoan thai, chậm rãi, lúc ngập ngừng, nghẹn nghẹn như dẫn bước người độc đi qua những trang sử của dân tộc, gieo vào lòng người nỗi ưu tư thiên cổ.

Sức hấp dẫn từ nội dung và nghệ thuật của bài thơ Ông đồ đã tác động sâu sắc đến người đọc bao thế hệ, khơi gợi niềm cảm thương chân thành đối với những nhà nho danh giá một thời, nay bị lãng quên vì thế thời thay đổi, thương tiếc giá trị văn hóa tốt đẹp bị lụi tàn.

Câu nói của nhà thơ Xuân Diệu là bài học cho người nghệ sĩ: Bằng tài năng và tâm huyết của mình, nhà thơ hãy sáng tạo nên những thi phẩm hay và giàu sức hấp dẫn từ nội dung đến hình thức. Điều đó vừa là thiên chức vừa là trách nhiệm của nhà thơ, là yêu cầu thiết yếu, sống còn của sáng tạo nghệ thuật.

Đối với người đọc, cần thấy thơ hay là hay cả hồn lẫn xác. Từ đó có sự tri âm, sự đồng cảm với tác phẩm, với nhà thơ để có thể sẻ chia những tình cảm đồng điệu. Khi ấy, thơ sẽ có sức sống lâu bền trong lòng người đọc nhiều thế hệ.

Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các bậc tình cảm, trở thành hồn tính, chứ không phải là cái tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy.

Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên cũng là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng tác phẩm lớn. Tất cả nếu được dung chứa trong một thể thức đẹp thì nó mới làm nên giá trị của bài thơ. Nhận định của Xuân Diệu quả thực hết sức có lí.

Xem thêm mẫu 🌈 Phân Tích Bài Thơ Ông Đồ 🌈 chi tiết

Thơ Hay La Hay Cả Hồn Lẫn Xác Hay Cả Bài Quê Hương Đặc Sắc

Bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh đúng với nhận định về thơ của thi sĩ Xuân Diệu. Xuân Diệu thật tinh tế khi quan niệm về thơ hay, thơ hay phải là “ hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài”. Hồn ở đây chính là nội dung, là tình cảm, là tấm lòng, là hiện thực và điều gửi gắm của tác giả vào bài thơ, còn xác là nghệ thuật thơ hay chính là hình thức thơ, là cấu tứ, thể thơ, ngôn từ, nhịp điệu, giọng điệu, hình ảnh thơ, là cái phản ánh nội dung của bài thơ.

Có thể thấy quan niệm của Xuân Diệu thật toàn vẹn, đầy đủ và hài hòa về thơ hay, phải là một thi sĩ, một người am hiểu và từng trải về nghệ thuật mới có cái nhìn sâu sắc đến vậy.

Cái hồn trong bài thơ Quê hương của Tế Hanh chính là tình cảm yêu nhớ quê hương của nhà thơ, tình cảm ấy hướng về vị trí địa lí, nghề nghiệp của làng, là cảnh dân làng ra khơi đánh cá, cảnh trở về, là hình ảnh con thuyền và những chàng trai miền biển đầy thơ mộng, là cánh buồm căng gió, là nỗi nhớ chơi vơi, da diết.

Còn xác trong bài thơ là thể thơ tám chữ, hình ảnh thơ bay bổng, lãng mạn, ngôn từ, giọng điệu trong sáng, thiết tha, là phương thức miêu tả kết hợp với biểu cảm và các biện pháp tu từ được sử dụng tinh tế, hài hòa.

Với Tế Hanh, chàng trai mười tám tuổi xa quê, nhớ về quê hương, một làng chài giáp sông, ven biển của mình, ông lại nhớ:

“Cánh buồn giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng, bao la thâu góp gió.”

Đây là hai câu thơ đẹp, Tế Hanh đã viết bằng cả tấm tình mến yêu tha thiết làng quê mình. Nhà thơ đã sử dụng, nghệ thuật so sánh, cánh buồm trên con thuyền ra khơi với mảnh hồn làng.

Cánh buồm là vật thể hữu hình, được so sánh với hồn làng, hồn vía của làng chài: cái vô hình, vô ảnh; cái cụ thể với cái trừu tượng, cái vật chất với cái tinh thần, cái bình dị với cái thiêng liêng. Nhà thơ đã linh hồn hoá cánh buồm, thể hiện sự cảm nhận tinh tế, chính xác về hồn quê hương, gợi rất đúng hồn quê thân thuộc.

Đến với huế thơ, ta sẽ đến với chùa Thiên Mụ, đến với dòng sông Hương dịu dàng pha lẫn trầm tư y còn đến miền quê quan họ vùng đồng bằng Bắc Bộ là ta lại đến với hương nếp thơm nồng, tranh Đồng Hồ gà lợn nét tươi trong: Đây chính là hồn quê hương. Còn với Tế Hanh quê hương ông là:

“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông.”

Thì điệu hồn ấy phải hoành tráng, lãng mạn giống như cánh buồm giương. Đó là hồn của miền quê biển, giản dị mà sức vóc tung toả biết bao. Phải chăng Tế Hanh đã hoá hồn mình vào cánh buồm đó để nghe thấy hồn làng trên một cánh buồm giương.

Thơ Huy Cận sau Cách mạng tháng Tám đã có những hình ảnh đẹp, lãng mạn miêu tả về cánh buồm:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lưới giữa mây cao với biển bằng”

Ở đây Tế Hanh cũng miêu tả cánh buồm no gió, nhưng nhà thơ đã nhân hoá nó với dáng vóc của chàng trai mười tám khoẻ mạnh, vạm vỡ đẹp lãng mạn đến say người.

“Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”

Cánh buồm cảng là do có gió thổi vào nhưng ở đây có sự đảo ngược, cánh buồm ấy mang dáng vóc của một chàng lực sĩ rướn thân trắng, ưỡn căng lồng ngực mênh mông, hít một hơi dài chủ động thu hết sóng gió bao,la của biển khơi để bay lên, ngang tầm với không gian mênh mông của đại dương.

Hình ảnh thơ thật hào hùng, kỳ vĩ, mơ mộng đầy chất lãng tử, thi nhân. Đẹp biết bao cánh buồm ấy, như một sinh thể che chở bảo vệ cho con thuyền, cho làng chài bằng tất cả sức mạnh tích tụ từ biển khơi. Nó phập phồng hơi thở, sự sống, nhịp đập của trái tim biển cả.

Biển không chỉ cho ta cá như lòng mẹ, biển quê hương còn cho ta nguồn thơ đầy sức sống. Rõ ràng đây là hai câu thơ được viết ra từ tấm lòng tha thiết gắn bó miền quê giáp sông, ven biển, mặn mòi hương vị biển. Câu thơ đẹp nhưng quả thật nó linh diệu, lung linh giữa khả giải và bất khả giải.

Quê hương là bài thơ trữ tình, phương thức biểu đạt chủ yếu là biểu cảm. Ngòi bút miêu tả thẫm đẫm cảm xúc. Hình ảnh, ngôn từ đẹp, bay bổng, lãng mạn, biện pháp nhân hóa, so sánh độc đáo thổi linh hồn vào sự vật. Sáng tạo hình ảnh thơ rất phong phú, chính xác, chân thực qua ngôn ngữ giản dị.

Mời bạn xem nhiều hơn 🌹 Phân Tích Bài Thơ Quê Hương Của Tế Hanh 🌹 ngắn

Thơ Hay Là Hay Cả Hồn Lẫn Xác Hay Cả Bài Đoàn Thuyền Đánh Cá Chọn Lọc

Thơ hay là thơ lay động tâm hồn con người bằng tình cảm song để có thơ hay, người làm thơ bên cạnh sự sâu sắc, mãnh liệt của tình cảm, sự phong phú của cảm xúc cần nghiêm túc, công phu trong lao động nghệ thuật. Đây là hai yếu tố không thể xem nhẹ trong sáng tạo và thưởng thức thơ ca. Đoàn thuyền đánh cá là một trong những minh chứng cho câu nói ”Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác hay cả bài;;.

Huy Cận là một đại biểu xuất sắc của phong trào thơ mới và là một nhà thơ lớn của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Ông có nhiều tác phẩm như lửa thiêng, vũ trụ ca, hạt lại gieo… trong đó có bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”. Bài thơ là sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc về thiên nhiên, vũ trụ với cảm xúc của người lao động.

Mở đầu bài thơ là cảnh đoàn thuyền đánh cá ra ngoài biển trong thời khắc màn đêm dần bao xuống.

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.”

Tác giả đã sử dụng biện pháp so sánh, nhân hóa để miêu tả cảnh hoàng hôn, miêu tả cảnh đất trời đang đi dần vào bóng tối. Hình ảnh trong hai câu thơ đầu tiên là một hình ảnh liên tưởng khá đẹp về hoàng hôn “mặt trời” được so sánh giống như “hòn lửa” tạo nên một gam màu rực rỡ trong buổi hoàng hôn. Hình tượng “sóng cài then”, “đêm sập cửa” là những động từ mạnh miêu tả cảnh đất trời chuyển giao giữa ngày và đêm một cách chóng vánh.

“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi”, tác giả dùng từ “lại” với ý nghĩa là hành động lặp lại mỗi ngày của người dân làng chài vùng biển. Họ ra khơi đánh cá, ra khơi để kiếm nguồn sống, những người lao động vùng biển vất vả trong khi những người khác sắp sửa đi vào giấc ngủ thì những con người lao động nơi đây lại thức đêm đánh cá.

“Câu hát” gợi lên vẻ thanh bình mà cũng không kém phần nhộn nhịp. Người lao động ra khơi trong một tâm thế lạc quan, yêu đời, yêu nguồn sống, nên vừa ra khơi họ vừa hát. Hát để lấy sức căng buồm, hát để chèo thuyền, lái thuyền, hát để mọi người cảm nhận được niềm vui sướng trong mỗi chuyến tàu ra khơi.

“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!”

Câu hát vang vọng nơi đất trời, câu hát tạo nguồn sống, tạo niềm tin cho người lao động vùng biển. Lời hát ngợi ca sự giàu có và hào phóng của biển cả cùng vẻ đẹp lung linh, diệu kỳ của nó trong đêm.

“Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng”, hình ảnh của những chiếc thuyền đánh cá trong đêm với ánh sáng từ nhiều nguồn khác nhau rọi xuống: ánh sáng từ trăng, ánh sáng từ những chiếc đèn pin của ngư dân, hòa sắc màu tạo nên vùng sáng long lanh dưới mặt nước.

Chính nguồn sáng đó đã tạo cho mặt biển lấp lánh mà tác giả đã khéo léo đặt nó bên từ “dệt”. Một cảm giác hài hòa “dệt” giống như bàn tay mảnh mai của con người tạo nên những tấm lụa phát sáng ngay trên mặt biển.

“Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi”, một vụ cá đánh bắt xa bờ mong muốn thu được mẻ cá lớn để người lao động vùng biển được vui tươi, được no đủ. Bằng tài năng sử dụng bút pháp lãng mạn kết hợp với độ liên tưởng phong phú của nhà thơ mà bức tranh thiên nhiên hiện lên vừa thực lại vừa ảo.

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.”

Thiên nhiên, đất trời hòa quyện cùng với con người tạo nên một hình ảnh tuyệt đẹp trong liên tưởng của tác giả. Những hình ảnh “lái gió”, “buồm trăng”, “mây cao”, “biển bằng” là những hình ảnh đẹp mang đậm chất hiện thực. Mỗi một chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá cũng như tham gia đánh trận, cùng phải dàn binh, bố trận, cũng phải có vũ khí, cũng phải thăm dò, cũng phải đối chọi với thiên nhiên đất trời nơi bão bùng, sóng lớn…

Một trận chiến với cá cũng khiến cho con người phải suy nghĩ, phải sống chiến đầu với thiên nhiên nhưng cũng phải hòa quyện cùng với thiên nhiên để tạo ra một tâm thế tốt, một cảnh sắc hài hòa và có nhịp điệu trong cuộc sống.

Trong khổ thơ nối tiếp cuộc sống lao động của người lao động, tác giả đã chuyển tiếp sang miêu tả cảnh biển giàu có nguồn cá.

“Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe,
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.”

Có rất nhiều loại cá: cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song… biện pháp liệt kê đã nhấn mạnh sự giàu có của biển cả. Lòng đại dương mênh mông rộng lớn, là nơi chứa những nguồn hải sản quý giá. Những hình ảnh chân thực mà ảo diệu đến tinh tường, dưới ánh trăng lấp lánh, dưới mặt nước phản chiếu lung linh, những chú cá quẫy đuôi mình để vùng vẫy, để tự do bơi lội thoải mái cũng đã mắc giăng mẻ lưới của con người.

Tiếng “đêm thở”, tác giả đã dùng biện pháp nhân hóa hình ảnh của màn đêm. Tiếng thở ấy, có lẽ là tiếng thở của chính những con người lao động vất vả trên mặt biển để mang về những sản phẩm sau một đêm dài lênh đênh nơi sóng nước. Màn đêm tĩnh mịch hòa cùng tiếng thở của con người tự như chính màn đêm đang thở vậy. Một hình ảnh rất đẹp mà lại rất gần gũi.

“Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,
Biển cho ta cá như lòng mẹ,
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”

Những hình ảnh giản dị lần lượt hiện lên qua khổ thơ. Tiếng hát một lần nữa lại được tác giả nhắc lại, phải chăng đó chính là tiếng hò dô của con người khi kéo được mẻ cá nặng. Tiếng hát, cùng với tiếng nhịp thuyền gõ vào mạn thuyền để gọi cá, vừa có lời bài hát, vừa có tiết tấu. Một hình ảnh đẹp hiện ra trước mắt ta như một đoàn hợp xướng chuyên nghiệp trên sân sấu.

Đó là những hình ảnh rất đẹp, rất giản dị mà lại rất gần gũi. Tác giả so sánh biển như lòng mẹ, lòng mẹ thì có bao giờ lại độc với con cái của mình, người mẹ bao giờ cũng mang đến cho người con những gì là của con nhất, mang đến cho người con những gì mà người con cần nhất.

Vì mẹ là mẹ, mẹ là người phụ nữ hy sinh cho con rất nhiều. Mẹ đã nuôi lớn ta từ khi ta còn trong lòng mẹ, cũng giống như biển cả cho con người lao động những mẻ cá để nuôi lớn con người, rồi cứ thế hệ này tới thế hệ khác.

“Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vảy bạc đuôi vàng lóe rạng đông
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”

Một vòng tròn quỹ đạo đang chuyển từ đầu đoạn thơ cho tới cuối đoạn thơ. Đoàn thuyền ra khơi từ lúc mặt trời xuống biển cho tới lúc mặt trời mọc, bình minh bắt đầu cho một ngày mới lên. Có thể nói, tác giả đã từng quan sát rất kỹ, đã từng trải nghiệm và cảm nhận về cuộc sống của người lao động làng chài rất kỹ mới có thể viết lên những câu thơ đẹp đẽ đến như thế.

“Kịp trời sáng”, “xoăn tay”, “rạng đông”, “nắng hồng” là những từ ngữ được sắp xếp rất đều đặn, rất đẹp, rất có ý tứ. Câu thơ đã nói lên thành quả lao động của con người, sản phẩm họ thu được là thành quả của một đêm dài lao động trên biển một đêm dài lênh đênh trên sóng nước. Phần cuối bài thơ là hình ảnh đoàn cá trở về:

“Câu hát căng buồm cùng gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.”

Câu hát cuối bài thơ mang một tâm thế vui tươi, thoải mái, những chiếc thuyền đang tức tốc quay về bờ, hải sản mà người lao động thu được sau một đêm dài miệt mài làm việc cũng đã được báo đáp.

Đoàn thuyền lao vun vút trên mặt biểu, “Mặt trời đội biển nhô màu mới” một màu hồng rạng rỡ, tinh khôi, và ánh mặt trời phản chiếu trong muôn ngàn mắt cá trên thuyền, khiến nhà thơ liên tưởng tới hàng ngàn mặt trời nhỏ xíu đang tỏa sáng niềm vui.

Đến đây, bức tranh biển cả ngập tràn sắc màu tươi sáng và ăm ắp chất sống trong từng dáng hình, đường nét của cảnh, của người. Cảnh bình minh thật huy hoàng nhưng người lao động không kịp ngắm nó, hầu như mọi tâm trí của họ chỉ tập trung vào công việc lao động. Đây chính là tinh thần lao động của nhân dân ta trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Với bút pháp nghệ thuật kết hợp với trí tưởng tượng phong phú, tác giả đã khái quát hóa hình ảnh người lao động qua những vần thơ làm cho người đọc như đang chứng kiến cảnh lao động của người dân vùng chài. Hình ảnh đẹp mà giản dị, giọng văn tinh tế mà lôi cuốn, bài thơ đã tạo chất nhạc, đã tạo nên khí thế cho người lao động thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nhà thơ đưa ta từ những hình ảnh này đến những hình ảnh khác vừa đẹp mà lại phong phú và hấp dẫn. Không khí lao động hang say cùng với cảnh đẹp của thiên nhiên đất trời mang lại một nguồn sống mới cho con người trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa. Bài thơ là động lực giúp cho người lao đọng vươn lên chính mình, vươn lên trong cuộc sống, xây dựng cuốc sống tốt đẹp, hạnh phú và gặt hái được nhiều thành công.

Giới thiệu cùng bạn 🍀Phân Tích Đoàn Thuyền Đánh Cá Huy Cận 🍀 hay nhất

Thơ Hay Là Hay Cả Hồn Lẫn Xác Hay Cả Bài Nhớ Rừng Chi Tiết

Nhà thơ Xuân Diệu cho rằng: Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài. Qua thi phẩm Nhớ rừng của nhà thơ Thế Lữ, ta đã phần nào làm sáng tỏ nhận định trên.

Nhớ rừng của Thế Lữ là một bài thơ hay, tiêu biểu của phong trào Thơ mới và của tác giả trên hai phương diện: tính điêu luyện, phóng khoáng, già dặn của Thơ mới và tình cảm yêu nước kín đáo, âm thầm.

Bài thơ có một cấu tứ độc đáo: mượn lời con hổ trong cũi sắt của vườn bách thú nhớ về nỗi nhớ cảnh rừng xanh và những ngày oanh liệt của ngày xưa để nói lên niềm khao khát những cảnh tượng hùng vĩ, tự nhiên, ghét cảnh chăm sửa giả dối, khát khao được tự do biểu hiện sức mạnh tự nhiên của mình, khao khát được giải phóng cá tính.

Bài thơ cũng gửi gắm chút tình cảm đối với thời oanh liệt nhất của đất nước. Bài thơ rõ ràng là lời của con hể rồi nhưng tác giả vẫn cứ chưa rõ thêm: Lời con hổ ở vườn bách thú, để tỏ rằng đây không phải là lời của con người. Lời chua này vừa có tác dụng che mắt, nhưng cũng có ý nhắc nhở các nhà suy diễn chớ suy diễn dễ dãi.

Hai dòng đầu giới thiệu hiện trạng và tình cảm của con hổ:

Gặm một khối căm hờn trong củi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.

Gặm chứ không phải ngậm, nghĩa như mình tự gặm nhấm, nhấm nháp khối căn hờn của mình. Nhà thơ nói khối căm hờn, bởi khối là một tình cảm to lớn, nguyên vẹn, chưa tan. Người xưa khi nói tới những tình cảm chưa giải tỏa, những tình cảm u uất thường dùng chữ khối tình. Nhưng đó chỉ là bề ngoài, ơ trong tâm hồn, con hổ vẫn còn nguyên là con hổ với những kỉ niệm mãnh liệt, với những tình cảm ngang tàng.

Sáu dòng tiếp theo nói lên tình cảnh tủi nhục của con hổ, thể hiện ý thực muôn phân biệt với con người và các con vật khác. Còn gì đau khổ hơn là một con hổ – chúa sơn lâm – mà không ai sợ, bị đem dùng làm đồ chơi, và đặt ngang hàng với gấu, báo? Trong khi đó, so với hổ, chúng chi là một lũ ngẩn ngơ, dở hơi, vô tư lự (không suy nghĩ).

22 dòng tiếp kể về tình thương, nỗi nhớ một thời oanh liệt đã mất: Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa. Hai chữ ngày xưa nghe sao mà xa vời, như không bao giờ có thể trở lại!

Đoạn cuối bài thơ thể hiện một tình cảm tha thiết nhưng bi đát, vô vọng. Đã nằm dài trông ngày tháng dần qua rồi lại Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu, và cuối cùng là không còn được thấy bao giơ, mạch tình cảm làm cho nỗi nhớ nhung của tác giả mang ý vị vĩnh biệt.

Nhớ rừng vừa là khát vọng về thiên nhiên, tự do, khoáng đạt, khát vọng làm chủ giang sơn, vừa là tiếng thở dài mang ý vị vĩnh biệt không hòa nhập với thế giới giả tạo. Dù thời oanh liệt không còn nữa, dù nó một đi không trở lại, thì con hổ vẫn mãi mãi thuộc về thời dã mất ấy chứ không cam tâm làm đồ chơi, mua vui cho con người.

Bài thơ cũng gửi gắm một tình cảm yêu nước. Nhà phê bình văn học Lê Đình Kị viết: “Trong thơ ca lãng mạn 1932 – 1945 không nói tới tình yêu, không đi sâu vào những tình tự riêng mà gây được tác động mạnh, trước hết phải nhớ đến bài Nhớ rừng nổi tiếng của Thế Lữ.

Bài thơ đầy ắp những sáng tạo về câu chữ, nhịp điệu. Những từ mới tạo: bốn phương ngàn, giấc mộng ngàn; những từ văn xuôi: bọn gấu dở hơi, len dưới nách những mô gò thấp kém, cảnh rừng ghê gớm,… bên cạnh những từ thi vị. Những câu thơ vắt dòng, dài, với liên từ vốn làm cho ý thơ mở rộng khác hẳn thơ luật truyền thống.

Đón đọc tuyển tập 🌟 Phân Tích Bài Thơ Nhớ Rừng 🌟 chi tiết

Thơ Hay La Hay Cả Hồn Lẫn Xác Hay Cả Bài Khi Con Tu Hú Đặc Sắc

Đã bao lần tôi băn khoăn tự hỏi: điều gì khiến mỗi tác phẩm văn học mang hình hài một chiếc lá thả mình vào dòng chảy miên viễn của thời gian? Một cốt truyện li kỳ, hấp dẫn? Một vần thơ sâu chảy tự tâm hồn? Để rồi ngày kia khi tìm đến nhận định của Xuân Diệu :” Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác , hay cả bài ” tôi chợt hiểu rằng dáng lá chao mình ấy chính là vẻ đẹp của cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật mà tác phẩm chứa đựng.

Ý kiến của Xuân Diệu hoàn toàn xác đáng bởi nó xuất phát từ đặc thù sáng tạo của văn chương nghệ thuật . Cái hay của một tác phẩm văn học được tạo nên từ sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức. Một nội dung mới mẻ có ý nghĩa sâu sắc phải được truyền tải bằng một hình thức phù hợp thì người đọc mới dễ cảm nhận, tác phẩm mới có sức hấp dẫn bền lâu.

Bài thơ “Khi con tu hú” được sáng tác vào tháng 7 năm 1939 tại nhà lao Thừa Phủ (Huế), in trong tập thơ “Từ ấy”, là một trong những bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Tố Hữu. Qua bài thơ, người đọc thấy được tình yêu cuộc sống thiết tha và niềm khao khát tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cộng sản khi phải chịu cảnh tù đày khắc nghiệt. Trước hết sáu câu thơ đầu là bức tranh thiên nhiên mùa hạ thanh bình, rực rỡ nơi đồng quê:

Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào tầng không. . .

Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, hết sức tự nhiên, sống động, linh hoạt, nhà thơ đã dựng lên trước mắt người đọc khung cảnh thiên nhiên mùa hạ đẹp như một bức tranh lụa. Âm thanh của tiếng chim tu hú gọi bầy cứ réo rắc, ngân nga vang vọng như đánh thức cả thiên nhiên, dìu hồn người lạc vào thế giới của hoài niệm xa xăm về một mùa hạ sáng tươi, rộn rã, ngập tràn sức sống. Cảnh vật hiện lên thật lung linh với sự hòa trộn một cách hài hòa của âm thanh, màu sắc, hương vị.

Đó là âm thanh rộn ràng của tiếng chim tu hú, của tiếng ve gọi hè, của tiếng sáo diều vi vu trên tầng không; đó là màu sắc rực rỡ của màu lúa chín, của bắp rây vàng hạt; của ánh nắng đào dịu nhẹ; đó là hương vị ngọt ngào của trái cây; là bầu trời rộng lớn, tự do của trời cao, diều sáo. . . Tất cả như đang tấu lên khúc nhạc mùa hè với rộn rã âm thanh, rực rỡ sắc màu, chan hòa ánh sáng, ngọt ngào hương vị.

Chắc chắn Tố Hữu phải là nhà thơ có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và có trí tưởng tượng phong phú thì mới có thể dựng lên một bức tranh thiên nhiên mùa hạ đẹp, sinh động và giàu cảm xúc khi đang ở trong cảnh tù đày như vậy. Và qua đó chúng ta cũng thấy được tâm hồn trẻ trung, yêu đời và niềm khát khao tự do mạnh mẽ của thi nhân. Bốn câu thơ cuối là cảm xúc và niềm khát khao tự do cháy bỏng của người chiến sĩ:

Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!

Cách ngắt nhịp linh hoạt: 2/2/2; 6/2; 3/3; 4/4 kết hợp với các động từ tình thái mạnh như: “đập tan phòng”, “chết uất thôi”; cùng với những từ cảm thán như “ôi, làm sao, thôi” đã có tác dụng diễn tả tâm trạng uất ức đến tột cùng muốn phá tan cả ngục tù tăm tối. Điều đó cho thấy niềm khát khao tự do luôn thường trực, mạnh mẽ cháy bỏng trong lòng người chiến sĩ trẻ.

Âm thanh tú hú cứ kêu hoài không nghỉ như giục giã, thôi thúc người tù hành động, vẫy gọi người tù trở về cuộc sống tự do, yên ả, thanh bình. Cho nên, nếu tiếng chim tu hú mở đầu bài thơ là tiếng gọi vào hè náo nức, rộn ràng thì tiếng chim tu hú ở câu thơ kết lại là tiếng gọi của khát vọng tự do da diết, cháy bỏng.

Bài thơ được viết theo thể lục bát đậm đà tính dân tộc, kết hợp với một giọng điệu thơ linh hoạt, ngôn ngữ thơ tự nhiên, gần gũi. . . tất cả đã góp phần tạo nên cảm xúc nhất quán của bài thơ: tình yêu thiên nhiên, tâm trạng ngột ngạt khi phải sống trong cảnh tù đày và khát vọng trở về với cuộc sống tự do.

Gợi ý 🌿 Phân Tích Bài Thơ Khi Con Tu Hú 🌿 đặc sắc

Thơ Hay Là Hay Cả Hồn Lẫn Xác Hay Cả Bài Qua Bài Mùa Xuân Nho Nhỏ Ấn Tượng

Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải là bài thơ hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài. Bài thơ là cảm xúc mãnh liệt, chân thành của tác giả trước mùa xuân của thiên nhiên, đất nước.

Chỉ bằng vài nét vẽ đơn sơ mà đặc sắc, với những hình ảnh thân quen, bình dị, nhà thơ đã gợi lên một phong cảnh mùa xuân tươi tắn, thơ mộng, đậm phong vị xứ Huế: Dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, chim chiền chiện hót vang trời. Bức tranh xuân có không gian thoáng đãng, có màu sắc tươi tắn hài hòa, có âm thanh rộn rã tươi vui, cảnh vật tràn đầy sức sống.

Nhà thơ có cái nhìn trìu mến với cảnh vật. Đặc biệt, cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân được thể hiện trong một động tác trữ tình đón nhận, vừa trân trọng vừa tha thiết trìu mến: “Từng giọt…tôi hứng”.

Hình ảnh thơ trở nên lung linh đa nghĩa, vừa là thơ vừa là nhạc, vừa là họa, thể hiện được cảm xúc say sưa, ngây ngất của tác giả trước cảnh đất trời xứ Huế vào xuân. Phải có một tình yêu tha thiết, một tâm hồn lạc quan với cuộc sống mới có thể đón nhận mùa xuân và viết về mùa xuân như vậy.

Từ mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, tác giả cảm nhận về mùa xuân của đất nước. Hình ảnh lộc xuân theo người ra trận, theo người ra đồng làm đẹp ý thơ với cuộc sống lao động và chiến đấu, xây dựng và bảo vệ hai nhiệm vụ không thể tách rời. Có thể nói, chính con người đã tạo nên sức sống của mùa xuân thiên nhiên, đất nước. Sức sống của đất nước, của dân tộc cũng được tạo nên từ sự hối hả, náo nức của người cầm súng, người ra đồng.

Nhà thơ bộc lộ niềm tự hào về một đất nước anh hùng và giàu đẹp. Đất nước mãi trường tồn, vĩnh cửu cùng vũ trụ, sẽ tỏa sáng như những vì sao trong hành trình đi đến tương lai rực rỡ, đi đến bến bờ hạnh phúc. Đó là ý chí quyết tâm, niềm tin sắt đá, niềm tự hào lạc quan của cả dân tộc. Trước mùa xuân lớn của đất nước, nhà thơ tâm niệm về mùa xuân riêng của mỗi cuộc đời và dạt dào khát vọng hiến dâng.

Nhà thơ nguyện ước làm con chim hót dâng cho đời tiếng ca vui, làm bông hoa trong hương sắc của muôn hoa, làm nốt trầm xao xuyến trong bản hòa tấu muôn điệu, muôn lời ca, làm một mùa xuân nho nhỏ để hòa góp chung vào mùa xuân lớn lao của đất nước. Đó là khát vọng sống hòa nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung. Đây là một quan niệm sống đẹp và đầy trách nhiệm.

Làm một mùa xuân là sống đẹp, giữ mãi sức xuân để cống hiến, cống hiến khi ở tuổi thanh xuân – khi tóc bạc, bất chấp thời gian, tuổi tác: “Một mùa xuân…tóc bạc”. Đây không chỉ là khát vọng của mỗi con người mà là khát vọng của mọi lớp người, mọi lứa tuổi, tất cả đều phấn đấu không mệt mỏi cho đất nước.

Những câu thơ này không chỉ là lời tự nhắn nhủ bản thân mình mà còn như một sự tổng kết, đánh giá của tác giả về cuộc đời. Vượt lên đớn đau của bệnh tật, Thanh Hải vẫn sáng lên một bản lĩnh, một tình yêu cuộc sống mãnh liệt, một khát vọng mạnh mẽ được cống hiến cả cuộc đời mình, được hóa thân vào mùa xuân đất nước.

Nhan đề Mùa xuân nho nhỏ là một sáng tạo bất ngờ, độc đáo mà rất hợp lí , chứa đựng chiều sâu chủ đề tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm qua thi phẩm. Mạch cảm xúc, mạch ý tạo thành tứ thơ tự nhiên mà chặt chẽ, lô gích, dựa trên sự phát triển của hình ảnh mùa xuân. Từ mùa xuân của đất trời sang mùa xuân của đất nước và mùa xuân của mỗi người góp vào mùa xuân lớn của cuộc đời chung.

Bài thơ được viết bằng thể thơ ngũ ngôn không ngắt nhịp trong từng câu, nhạc điệu trong sáng, tha thiết, gần gũi với dân ca miền Trung, xứ Huế. Sử dụng cách gieo vần liền giữa các khổ thơ tạo sự liền mạch của dòng cảm xúc.

Hình ảnh thơ kết hợp những hình ảnh tự nhiên giản dị với những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng, khái quát. Điều đáng chú ý là những hình ảnh biểu trưng này thường được phát triển từ những hình ảnh thực, tạo nên sự lặp lại mà nâng cao, đổi mới của hệ thống hình ảnh (cành hoa, con chim, mùa xuân).

Ngôn ngữ thơ hàm súc, gợi hình, gợi cảm. Có những câu thơ cứ như câu nói tự nhiên, không trau chuốt từ ngữ nhưng vẫn mang âm hưởng thi ca. Cách sử dụng nghệ thuật đảo cấu trúc ngữ pháp, câu hỏi tu từ, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc ngữ pháp độc đáo, giàu ý nghĩa. Cách sử dụng đại từ nhân xưng: “tôi – ta”…

Giọng điệu bài thơ thể hiện đúng tâm trạng, cảm xúc của tác giả. Giọng điệu có sự biến đổi phù hợp với nội dung từng đoạn: Vui tươi, say sưa ở đoạn đầu; trầm lắng, thiết tha ở đoạn bộc bạch những tâm niệm; sôi nổi và tha thiết ở đoạn kết.

Sức hấp dẫn từ nội dung và nghệ thuật của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ đã tác động sâu sắc đến người đọc bao thế hệ, khơi gợi từ tình yêu thiên nhiên đến tình yêu quê hương, đất nước, từ khát vọng nhỏ bé, khiêm nhường của một cá nhân nâng lên thành lẽ sống cao đẹp giàu giá trị nhân văn. Vì thế với Mùa xuân nho nhỏ ta không thể chỉ đọc một lần, không chỉ đọc bằng lí trí hay tình cảm mà phải đọc bằng cả tâm hồn.

Bài học cho người nghệ sĩ: Những bài thơ hay góp phần làm phong phú thêm cho thơ ca nhân loại. Vì vậy, bằng tài năng và tâm huyết của mình, nhà thơ hãy sáng tạo nên những thi phẩm hay và giàu sức hấp dẫn từ nội dung đến hình thức . Điều đó vừa là thiên chức vừa là trách nhiệm của nhà thơ, là yêu cầu thiết yếu, sống còn của sáng tạo nghệ thuật.

Sự tiếp nhận ở người đọc thơ cần thấy thơ hay là hay cả hồn lẫn xác. Từ đó có sự tri âm, sự đồng cảm với tác phẩm, với nhà thơ để có thể sẻ chia những tình cảm đồng điệu. Khi ấy, thơ sẽ có sức sống lâu bền trong lòng người đọc nhiều thế hệ.

Tham khảo trọn bộ 🌹 Phân Tích Bài Thơ Mùa Xuân Nho Nhỏ 🌹 hay nhất

Thơ Hay Là Hay Cả Hồn Lẫn Xác Hay Cả Bài Qua Bài Cảnh Khuya Văn Mẫu

Bài thơ Cảnh khuya của tác giả Hồ Chí Minh đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp ở chiến khu Việt Bắc, cùng với đó là thể hiện tình yêu thiên nhiên. thú lâm tuyền, tinh thần lạc quan và tinh thần thép của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh. Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu từng có ý kiến rằng “Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài”. Theo em, đây là một quan điểm hoàn toàn chính xác và đúng đắn với bài thơ Cảnh khuya.

Thơ hay là một bài thơ không những truyền tải thành công một nội dung, một thông điệp tới bạn đọc mà còn gây ấn tượng sâu sắc với bạn đọc và để lại một giá trị nào đó đối với bạn đọc, với đời sống con người. Hồn của bài thơ là thông điệp, là nội dung, là hồn cốt, là giá trị tư tưởng mà bài thơ truyền tải tới bạn đọc. Hồn của bài thơ chính là nội dung truyền tải tới bạn đọc và gây ấn tượng tới người đọc.

Xác của bài thơ là những dấu hiệu nghệ thuật, những hình thức nghệ thuật mà tác giả sử dụng trong bài thơ để truyền tải được phần “hồn”. Chính vì thế, một bài thơ hay, xuất sắc chính là một bài thơ hay cả phần hồn cả phần xác, vừa có những dấu hiệu nghệ thuật để truyền tải được nội dung. Bài thơ hay chính là những bài thơ để lại ấn tượng sâu sắc và lâu dài cho bạn đọc.

Câu thơ đầu tiên “Tiếng suối trong như tiếng hát xa” đã gợi ra âm thanh tiếng suối trong màn đêm tĩnh mịch ơ Việt Bắc. Âm thanh tiếng suối trong trẻo được so sánh với âm thanh tiếng hát xa vọng lại. Hình ảnh so sánh tuyệt đẹp này cho thấy sự tài hoa trong thơ Bác. Trong màn đêm tĩnh mịch của núi rừng Việt Bắc, người đọc dường như nghe thấy được âm thanh trong trẻo, róc rách và bình yên của tiếng suối từ xa vọng lại.

Tiếp theo, câu thơ thứ hai đã cho thấy nghệ thuật tả cảnh tài hoa vô cùng của nhà thơ Hồ Chí Minh “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Hình ảnh của vầng trăng thường xuyên xuất hiện trong thơ của Bác, lúc nào cũng là một hình ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp hoặc là một người bạn tri âm tri kỷ. Có lẽ cũng vì lý do này mà ta nói “Thơ Bác đầy trăng”. Bác Hồ sử dụng nghệ thuật gợi tả để miêu tả vầng trăng thiên nhiên và cảnh rừng núi.

Chỉ bằng một câu thơ, người đọc đã có thể hình dung ra được bức tranh tuyệt đẹp của núi rừng việt Bắc vào một đêm trăng sáng. Vầng trăng trên cao chiếu bóng lồng lộng xuống những tán cây cổ thụ, và bóng của những tán cây cổ thụ ấy lại lồng vào hoa cỏ bên dưới. Người đọc có thể hình dung được tầng tầng lớp không gian của núi rừng thiên nhiên.

Đó là một không gian tầng tầng lớp lớp đan xen nhau, tạo nên một không gian tuyệt đẹp mà tĩnh mịch nơi núi rừng Việt Bắc. Vì thế, chỉ với hai câu thơ mà nhà thơ đã vẽ nên được cả một không gian thiên nhiên có đầy đủ hình ảnh và âm thanh tuyệt vời.

Đến hai câu thơ cuối “Cảnh khuya như vẽ Người chưa ngủ/Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”đã khẳng định được vẻ đẹp nên thơ, trữ tình tuyệt vời của thiên nhiên núi rừng Việt Bắc. Và Bác cũng lí giải nguyên nhân vì sao Người chưa ngủ. Đó chính là lo nỗi nước nhà, lo cho nhân dân , lo cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, nước nhà vẫn chưa được giải phóng hoàn toàn.

Đến đây bạn đọc hoàn toàn có thể cảm nhận được toàn bộ giá trị tư tưởng tuyệt vời và cao cả trong bài thơ của Bác. Ta không chỉ thấy được tình yêu thiên nhiên của Bác, sự hòa hợp với thiên nhiên và thú lâm tuyền của Bác, mà ta còn thấy được đó là nỗi lo lắng cho vận mệnh nhân dân của vị lãnh tụ vĩ đại, thấy được tinh thần lạc quan và tinh thần kháng chiến thép của Người.

Ở Người, ta không chỉ thấy được sự hài hòa giữa chất cổ điển và hiện đại, mà còn thấy được chất chiến sĩ và chất thi sĩ. Tất cả hài hòa tổng hợp nên nhân cách tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tóm lại, bài thơ Cảnh khuya của tác giả Hồ Chí Minh chính là điển hình mẫu mực của một bài thơ hay toàn diện, cả về nội dung và nghệ thuật. Từ đó, ta thấy được sự tài hoa của Người, thấy được chất thi sĩ hài hòa với chất chiến sĩ, thấy được một bài thơ xuất chúng của nền thơ ca cách mạng Việt Nam.

Gửi đến bạn 🍃 Phân Tích Bài Thơ Cảnh Khuya 🍃 Của Hồ Chí Minh

Viết một bình luận