Liên Hệ Lặng Lẽ Sa Pa: 27+ Mẫu Liên Hệ Mở Rộng Hay Nhất

Liên Hệ Lặng Lẽ Sa Pa ❤️ 27+ Mẫu Liên Hệ Mở Rộng Hay Nhất ✅ Đọc Thêm Những Bài Liên Hệ Mở Rộng Lặng Lẽ Sa Pa Đặc Sắc Nhất.

Cách Liên Hệ Bài Lặng Lẽ Sa Pa Của Nguyễn Thành Long

Hướng dẫn cho bạn những bước đơn giản để bạn biết cách liên hệ mở rộng bài “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long với các tác phẩm khác:

  • Một số dạng liên hệ mà bạn có thể gặp khi làm bài văn nghị luận liên hệ mở rộng trong văn học:
    • Liên hệ bản thân về vấn đề nghị luận.
    • Liên hệ dẫn chứng 1 nhận định về tác phẩm.
    • Liên hệ mở rộng với tác phẩm khác.
    • Các bước để liên hệ mở rộng bài “Lặng lẽ Sa Pa”
  • Bước 1: Tìm hiểu đề
    • Nếu đề bài nêu cụ thể liên hệ “Lặng lẽ Sa Pa” với 1 nhận định/1 tác phẩm nào đó thì tập trung làm rõ vấn đề đó.
    • Nếu đề bài không nêu cụ thể liên hệ “Lặng lẽ Sa Pa” với bài nào thì bạn có thể lựa chọn 1 trong số gợi ý sau đây:
      • Liên hệ mở rộng vẻ đẹp của anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” với Phương Định trong “Những ngôi sao xa xôi”.
      • Liên hệ mở rộng vẻ đẹp người lao động trong “Lặng lẽ Sa Pa” với “Đoàn thuyền đánh cá”….
      • Liên hệ bản thân bài “Lặng lẽ Sa Pa”
  • Bước 2: Phân tích
    • Phân tích tác phẩm chính “Lặng lẽ Sa Pa”, nêu bật hình tượng anh thanh niên với các đặc điểm về ngoại hình, tính cách, công việc,…
    • Dẫn dắt vào tác phẩm phụ dùng để liên hệ, ví dụ “Đoàn thuyền đánh cá” hoặc “Những ngôi sao xa xôi”….
    • Nêu sự giống nhau, sự liên hệ giữa 2 tác phẩm.
  • Bước 3: Kết luận
    • Đánh giá về tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” về nội dung và nghệ thuật.

Văn mẫu 🌸 Tóm Tắt Lặng Lẽ Sa Pa 🌸 ngắn gọn!

Lặng Lẽ Sa Pa Liên Hệ Với Bài Nào

Dưới đây là các bài thơ, bài văn khác mà bạn có thể sẽ gặp khi liên hệ “Lặng lẽ Sa Pa”, xem ngay nhé!

  • Khi phân tích anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” ta có thể liên hệ mở rộng với những người lính lái xe trong “Tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật => Họ chính là biểu tượng đẹp đẽ của con người Việt Nam trong thời kì chống Mĩ: hăng say, cần cù lao động, người anh hùng trong chiến đấu.
  • Liên hệ mở rộng anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” với nhân vật Phương Định trong “Những ngôi sao xa xôi” => họ đều là những con người có phẩm chất cao đẹp, có lí tưởng sống đẹp đẽ, sẵn sàng cống hiến, hi sinh cho tổ quốc.
  • Liên hệ mở rộng “Lặng lẽ Sa Pa” với “Đoàn thuyền đánh cá” để thấy được vẻ đẹp của người lao động dù ở bất cứ công việc nào.
  • Liên hệ mở rộng “Lặng lẽ Sa Pa” với “Mùa xuân nho nhỏ” để thấy được khát khao cống hiến cho đất nước, những con người âm thầm, lặng lẽ góp tuổi trẻ vào “mùa xuân đất nước”.
  • Liên hệ mở rộng “Lặng lẽ Sa Pa” với thế hệ trẻ ngày nay trong công cuộc đổi mới đất nước.

Mẫu 🌸 Dàn Ý Lặng Lẽ Sa Pa 🌸 chi tiết!

Những Mẫu Liên Hệ Mở Rộng Bài Lặng Lẽ Sa Pa Hay Nhất

SCR.VN đã tuyển tập và biên soạn những bài văn liên hệ “Lặng lẽ Sa Pa” hay nhất gửi tặng quý vị đọc giả:

Liên Hệ Bản Thân Lặng Lẽ Sa Pa Đặc Sắc

Tham khảo bài văn liên hệ “Lặng lẽ Sa Pa” đặc sắc mà SCR.VN chia sẻ bên dưới nhé!

Một mùa xuân nho nhỏ 
Lặng lẽ dâng cho đời 
Dù là tuổi hai mươi 
Dù là khi tóc bạc.

Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa không chỉ là bức tranh đẹp về thiên nhiên vùng núi cao Tây Bắc, ở đó còn có những con người lao động giản dị, lặng thầm cống hiến sức mình để dựng xây đất nước. Đó là nhân vật anh thanh niên làm công việc khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Những nét đẹp ngời sáng về cách nghĩ, cách làm của anh đã truyền nguồn cảm hứng cho thế hệ thanh niên chúng ta về lí tưởng sống và cống hiến cho đất nước hôm nay.

Điều đáng khâm phục ở anh thanh niên là lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Anh là một lao động bình thường như bao chàng trai trẻ khác. Hàng ngày, anh đo mưa, đo nắng, đo chấn động… công việc của anh cứ lặp lại như vậy nhưng anh không hề thấy buồn tẻ vì anh yêu công việc ấy. Anh luôn tự hỏi mình: “mình sinh ra làm gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?”

Chàng trai ấy ý thức được công việc thầm lặng của mình nhưng có ích cho cuộc sống của mọi người, anh đã lặng thầm hi sinh bản thân cho lợi ích của cả tập thể.

Không những vậy,nhân vật anh thanh niên còn biết lo toan sắp xếp cho cuộc sống riêng của mình một cách ngăn nắp, ổn định. Sống một mình nhưng anh không đơn độc bởi “lúc nào tôi cũng có người để trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà ”. Trong hoàn cảnh cô độc, anh tìm đến những thú vui lành mạnh và cũng là mở mang kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn mình. Điều đó khiến chúng ta thêm khâm phục anh.

Đáng trân quý ở anh còn là tấm lòng nhân hậu, sự quan tâm đến người khác. Anh là một trí thức có lối sống ứng xử lịch sự, ấm áp tình yêu thương. Niềm vui đón khách của anh toát ra qua nét mặt, qua từng cử chỉ, lời nói.

Từng món quà anh tặng là cả tấm lòng chân thành anh gửi gắm, là củ tam thất biếu bác lái xe dành cho vợ ốm hay bó hoa tươi thắm rực rỡ sắc màu cho cô gái mới quen. Tấm chân tình ấy khiến người nhận không khỏi bồi hồi, xúc động về tình người ấm áp giữa núi rừng Sa Pa lặng lẽ.

Trong cuộc sống hôm nay, có biết bao người trẻ cũng đang thầm lặng làm những việc có ích cho đất nước. Là tấm gương cô giáo trẻ vượt qua những chặng đường đèo, cõng con chữ lên vui núi để dạy chữ cho các em thơ.

Là những người lính đảo Trường Sa, nơi chỉ có sóng biển là người bạn tâm tình, nhưng vẫn ngày đêm nắm chắc tay súng, bảo vệ từng hòn đảo nhỏ, đem lại sự bình yên cho đất nước. Là các bác sĩ trẻ tốt nghiệp đại học tình nguyện về các trạm y tế vùng saau vùng xa chữa bệnh cho dân nghèo.

Dù biết công việc gian khổ nhưng họ vẫn cần mẫn, tỉ mỉ, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”. Tấm lòng yêu đời, yêu nghề, sẵn sàng hi sinh và cống hiến một phần tuổi trẻ của mình cho đất nước của họ thật trân trọng và đáng quý biết bao.

Không những vậy, cuộc sống đang ngày càng đổi thay, đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng. Do đó, mỗi người cần rèn luyện bản thân, nếu mãi bằng lòng với cuộc sống, ngủ vùi trong sự tẻ nhạt, buồn chán, con người sẽ không thể tìm thấy niềm vui, lí tưởng sống cho chính mình.

Vượt  lên hoàn cảnh, vượt qua chính mình là điều cần thiết đối với mỗi người trẻ trong cuộc sống hiện đại nhiều thử thách, khó khăn.

Chiến tranh qua đi nhưng để lại bao khó khăn cho đất nước. Sau bao mất mát, đau thương, giờ đây dân tộc cần lắm những khối óc tinh anh, những bàn tay khỏe mạnh để dựng xây, phát triển.

Thế hệ trẻ chúng ta cần phải làm gì để đưa đất nước đi lên, xứng đáng với bao máu xương của cha anh đã ngã xuống vì hòa bình dân tộc? Tôi tin bằng tình yêu với đất nước, sự cố gắng nỗ lực học tập ngày hôm nay và ý chí cống hiến cho dân tộc, chúng ta sẽ cùng đưa đất nước mình phát triển phồn vinh.

Liên Hệ Mở Rộng Bài Lặng Lẽ Sa Pa Ngắn Gọn

Gợi ý cho bạn bài văn liên hệ mở rộng bài “Lặng lẽ Sa Pa” ngắn gọn, xem thêm bên dưới:

Nguyễn Thành Long (sinh năm 1925, mất năm 1991) là một cây bút chuyên về truyện ngắn và kí. Ông viết văn từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là kết quả của chuyến đi lên Lào Cai trong mùa hè năm 1970 của ông. Qua tác phẩm này, Nguyễn Thành Long đã khắc họa thành công hình ảnh, vẻ đẹp những người lao động bình thường và ý nghĩa của những công việc thầm lặng, mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh núi cao.

Tình huống truyện được xây dựng khá đơn giản, đó là cuộc gặp gỡ tình cờ, ngắn ngủi giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư và anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn, Sa Pa. Nhân vật chính của truyện – anh thanh niên – chỉ xuất hiện trong chốc lát nhưng là điểm sáng nổi bật nhất trong bức tranh mà tác giả tập trung thể hiện

Từ ngòi bút của Nguyễn Thành Long, anh thanh niên hiện lên với tư cách là một người làm công tác khí tượng thủy văn, đo gió, đo mây. Hơn hết, anh là người yêu nghề, tâm huyết với nghề, không ngại khó khăn để thực hiện công việc được giao.

Cuộc sống của anh vốn bình lặng và giản dị, “ sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”. Với vài chi tiết này, chúng ta có thể tưởng tượng ra cuộc sống buồn tẻ và nhàm chán của anh.

Một con người còn tràn đầy sức trẻ, nhưng sẵn sàng cống hiến, sẵn sàng đánh đổi cả tuổi thanh xuân của mình để mang lại ấm no, hạnh phúc cho người khác. Đối lập với sự điềm tĩnh và yên bình trong công việc là thái độ điềm tĩnh, nhiệt tình và yêu công việc sâu sắc. Đây là phẩm chất đáng quý của chàng trai trẻ trong mắt mọi người.

Tuổi trẻ Việt Nam từ xưa tới nay luôn có những tấm gương sáng về ý chí, bản lĩnh, tình yêu nước. Họ là những người chẳng tiếc tuổi xuân, nguyện hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc. Cùng với anh thanh niên hăng say cống hiến cho cuộc đời chúng ta còn bắt gặp Tnú trong “Rừng xà nu”.

Trong “Rừng xà nu”, hình ảnh cây xà nu chính là là biểu trưng cho vùng đất Tây Nguyên, là đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp của con người nơi đây. Cụ Mết là đại diện cho thế hệ anh hùng đi trước đầy kinh nghiệm, đầy bản lĩnh và giàu lòng yêu nước, chỉ đường chỉ lỗi cho dân làng những bước đi đúng đắn trong chiến đấu.

Nổi bật là người anh hùng Tnú, Tnú mang trong mình những phẩm chất cách mạng, bất khuất gan góc, dũng cảm và trung thành với cách mạng là một người con ưu tú của làng Xô Man. Dù phải chịu nhiều đau thương nhưng anh vẫn hiên ngang, lập nhiều chiến công hiển hách. Tnú là đại diện tiêu biểu cho thế hệ trưởng thành, là niềm tự hào của người dân Tây Nguyên. Những nhân vật còn nhỏ tuổi như: Dít, bé Heng chính là thế hệ tương lai mai sau tiếp nối gương sáng cha anh đi trước.

Qua hình ảnh và câu chuyện của anh thanh niên làm công tác khí tượng ở Sa Pa, tác giả Nguyễn Thành Long đã đem đến cho chúng ta tấm gương của một người thanh niên nhiệt huyết, yêu đời, luôn say mê và hết mình cống hiến cho công việc. Từ đó, tác giả cũng muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng: Hãy sống một cuộc đời có ý nghĩa, không chỉ vì bản thân mà còn vì xã hội, đất nước, như hai câu hát:

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta
Mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”

Trọn bộ đoạn văn mẫu 🌸 Mở Bài Lặng Lẽ Sa Pa🌸 hay nhất!

Liên Hệ So Sánh Lặng Lẽ Sa Pa Ngắn Hay

Nếu bạn chưa biết cách viết bài văn liên hệ so sánh “Lặng lẽ Sa Pa” ngắn gọn mà súc tích thì bạn có thể xem thêm mẫu sau đây:

Lịch sử của dân tộc Việt Nam đã ghi nhận biết bao tấm gương anh hùng. Đó là những con người đã không tiếc máu xương, hi sinh bản thân và lợi ích cá nhân hoặc là để bảo vệ đất nước, hoặc là để xây dựng đất nước. Những con người anh hùng ấy đi vào trang văn, trở thành tấm gương sáng ngời lý tưởng yêu nước và tinh thần nhân đạo cao cả của dân tộc.

Nguyễn Thành Long với nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa đã khắc hoạ thành công vẻ đẹp của tuổi trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Lặng lẽ Sa Pa là kết quả từ chuyến đi thực tế ở Lào Cai của Nguyễn Thành Long. Tác giả đã khắc họa vẻ đẹp của người lao động, ca ngợi cuộc sống mới, con người mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, là hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn ở miền Nam.

Anh thanh niên là một cán bộ làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh cao Yên Sơn thuộc Sa Pa cao 2700m, một nơi vắng lặng và xa cách với con người. Hoàn cảnh sống đơn độc là một thử thách lớn đối với con người.

Trong công việc, anh là một người say mê công việc; có tinh thần trách nhiệm; có ý chí, nghị lực để vượt qua gian khổ; dũng cảm khi sống đơn độc giữa non xanh; biết lấy công việc làm niềm vui, thực sự hạnh phúc khi hiểu được ý nghĩa công việc của mình với lí tưởng, hoài bão sống là để cống hiến, phục vụ cho nhân dân, cho đất nước.

Trong cách sống, trong tâm hồn, anh có cuộc sống giản dị, biết tổ chức cuộc sống khoa học, ngăn nắp, sạch sẽ; ham học hỏi, cần cù, chịu khó; giàu tình cảm; sống cởi mở, chân tình; và cũng rất khiêm tốn.

Hình ảnh anh thanh niên làm chúng ta nhớ đến Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê. Phương Định vốn là một cô gái hà Nội, còn rất trẻ. khi tổ quốc kêu gọi, cô sẵn sàng rời bỏ ghế nhà trường tham gia chiến đấu nơi chiến trường ác liệt.

Hoàn cảnh sống và công việc rất khó khăn, nguy hiểm nhưng’ cô vẫn tự nguyện, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, hi sinh, làm việc với một tinh thần trách nhiệm cao. Dù vậy nhưng cô có một tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, vô tư, lạc quan, yêu đời; nhạy cảm, giàu mộng mơ; có tình cảm yêu mến, sự cảm phục và sẵn lòng giúp đỡ đồng đội trong tổ, trong đơn vị…

Một người ở hậu phương, một người ở tiền tuyến nhưng cả hai có điểm chung là đều có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; không ngại gian khổ hi sinh trong hoàn cảnh đơn độc hay ác liệt; sống có lí tưởng, sống là để cống hiến, phục vụ, sẵn sàng hi sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời, họ còn có tinh thần dũng cảm, lạc quan, yêu đời, trẻ trung, sôi nổi hồn nhiên; giản dị, khiêm tốn. Nơi họ toát lên vẻ đẹp của tuổi trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước mà hai nhà văn muốn khẳng định, ca ngợi.

Hai tác phẩm có đề tài phản ánh khác nhau, thể hiện hình tượng nhân vật khác nhau nhưng cùng hướng đến vẻ đẹp chung của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc sống lao động và chiến đấu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giữa những ngày tháng chống Mĩ ác liệt nhất.

Liên Hệ Anh Thanh Niên Trong Lặng Lẽ Sa Pa Ý Nghĩa

Chia sẻ đến bạn đọc bài văn liên hệ hình ảnh anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” ý nghĩa nhất:

Yêu biết mấy hình ảnh người thanh niên thời kỳ chống Mỹ: cần cù trong lao động, anh hùng trong chiến đấu. Văn thơ thời kỳ kháng chiến chống Mĩ đã dựng lại cả một thời kỳ máu lửa, đi sâu tìm tòi khám phá, ngợi ca vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong chiến đấu cũng như trong lao động.

Người đọc nhớ mãi anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, anh là hiện thân của vẻ đẹp con người Việt Nam, của sức sống dân tộc.

Anh thanh niên là nhân vật chính của truyện, hình ảnh anh thanh niên như một “kí họa chân dung” bị khuất lấp vào trong mây mù bạt ngàn và cái lặng lẽ muôn thuở của núi cao.

Anh thanh niên sống và làm việc một mình trên đỉnh Yên Sơn. Công việc hàng ngày đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất của anh phục vụ rất nhiều cho lao động, sản xuất và chiến đấu. Với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, anh thanh niên luôn đúng giờ “ốp” và mặc cho điều kiện thời tiết có khắc nghiệt cỡ nào cũng không thể cản trở anh ra ngoài làm việc.

Ở chàng thanh niên trẻ mới 27 tuổi này, việc chọn cống hiến lặng lẽ nơi đây cho ta thấy vẻ đẹp của một lòng yêu nghề, yêu lao động, ý thức được công việc thầm lặng của mình là có ích cho cuộc sống, cho mọi người. Anh thanh niên có những suy nghĩ rất đúng đắn và sâu sắc về công việc đối với cuộc sống “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi… Công việc của cháu khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”.

Bên cạnh anh thanh niên chúng ta còn bắt gặp những cô gái xung phong trong “Những ngôi sao xa xôi”. Tổ trinh sát mặt đường có ba cô gái là Phương Định, Nho, Thao. Họ còn rất trẻ, nhiều mơ mộng. Công việc chính của các cô là “đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom” – rất nguy hiểm và đòi hỏi ý chí cao. Nhưng ba cô gái ấy luôn hoàn thành tốt công việc.

Bất chấp những khó khăn của công việc họ vẫn tìm được cho mình những niềm vui, lấp đi nỗi buồn khi nhớ về gia đình, bạn bè. Say mê ca hát, làm đẹp cho cuộc sống. Và trong công việc họ là những người có tinh thần trách nhiệm, có lòng dũng cảm, không ngại hi sinh thân mình.

Tình huống truyện của “Những ngôi sao xa xôi” hay “Lặng lẽ Sa Pa” đã để lại nhiều dư vị, cả những suy nghĩ về cuộc sống, cuộc đời và nghệ thuật của mỗi nhân vật.

Chất thơ trong Lặng lẽ Sa Pa khiến ta mãi vấn vương về ý nghĩa và vẻ đẹp của những con người lao động rất bình dị, lặng lẽ. Qua tác phẩm, tác giả đã gợi ra cho chúng ta những suy nghĩ về niềm vui của lao động tự giác, lao động vì những mục đích chân chính, và hơn hết và vẻ đẹp trong những con người lao động luôn sáng ngời.

Xem ngay 🌸 Kết Bài Lặng Lẽ Sa Pa 🌸 ấn tượng!

Liên Hệ Lặng Lẽ Sa Pa Với Đoàn Thuyền Đánh Cá Nâng Cao

Bài văn mẫu liên hệ “Lặng lẽ Sa Pa” và “Đoàn thuyền đánh cá” nâng cao dưới đây sẽ giúp bạn đạt điểm cao khi gặp đề bài này!

Trong những năm tháng của thời kì đổi mới, khi mà con người đang cùng nhau gắng sức trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng xã hội chủ nghĩa, đã có biết bao bài văn, bài thơ ra đời nhằm cổ vũ tinh thần con người.

Trong đó tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long đã tạo cho chúng ta những ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp của con người lao động thời kì mới. Tác phẩm là những con người lao động tuy làm những công việc khác nhau nhưng đều toát lên sự hăng say, phấn khởi khi được làm chủ cuộc đời.

Ở Lặng lẽ Sa Pa, người ta thấy vẻ đẹp lao động hiện lên rõ ràng qua hình ảnh của anh thanh niên – người làm “công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu” ở trên “đỉnh Yên Sơn, cao hai nghìn sáu trăm mét”. Đọc đến đây thôi người ta cũng đủ hiểu hoàn cảnh sống và làm việc của người thanh niên đó khắc nghiệt đến nhường nào!

Sống một mình trên đỉnh núi cao, anh phải chống chọi với sự cô đơn, chống chọi với nỗi nhớ nhà và cả những khó khăn trong công việc. Anh tâm sự cùng bác hoạ sĩ và cô kĩ sư, có những đêm mưa rét, anh vẫn phải thực hiện công việc của mình xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được”. Và hơn thế là nỗi cô đơn, khát khao được trò chuyện cùng con người “thèm người”.

Tất cả những điều đó đã làm nên vẻ đẹp của người thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa, người thanh niên yêu lao động, luôn nghiêm túc và khiêm tốn về công việc của mình.

Anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa hay những người ngư dân trong  “Đoàn thuyền đánh cá” đều là những con người lao động thầm lặng trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa của miền Bắc. Mỗi người một công việc khác nhau, thế nhưng ở họ toát lên là niềm hăng say lao động, niềm vui phơi phới trong thời kì đổi mới, khi chính họ được góp sức xây dựng lên xã hội mới tươi đẹp.

Công việc của họ là những vất vả, là những gian lao, anh thanh niên thì một mình trên đỉnh núi cao đo gió, đo mưa, những người ngư dân thì phải lăn lộn giữa biển cả mênh mông với công việc đánh bắt, thế nhưng, họ không hề mệt mỏi, không hề cảm thấy nặng nhọc.

Cả Nguyễn Thành Long và Huy Cận đều xây dựng hết sức thành công hình ảnh những con người lao động với vẻ đẹp của tinh thần lạc quan, hăng say xây dựng đất nước thời kì đổi mới. Họ là những con người đã góp công sức cùng với các chiến sĩ ngoài tiền tuyến đánh bại giặc Mỹ, mang thắng lợi về cho Tổ quốc Việt Nam. Noi gương những con người đó, thế hệ chúng ta phải gắng sức học hành để phát triển đất nước Việt Nam vươn xa cùng các cường quốc trên thế giới.

Liên Hệ Lặng Lẽ Sa Pa Với Mùa Xuân Nho Nhỏ Hay Nhất

Mời bạn đọc xem ngay bài văn liên hệ “Lặng lẽ Sa Pa” với “Mùa xuân nho nhỏ” hay nhất ở ngay bên dưới:

Nói về quan niệm sống trong văn thơ Việt Nam ta không thể không nhắc đến Lặng lẽ Sapa của Nguyễn Thành Long và Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.

Tác phẩm Lặng lẽ Sapa của nhà văn Nguyễn Thành Long nói về tình yêu cuộc sống, những đóng góp thầm lặng của những con người sống trên Sapa. Sapa mà người ta chỉ nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, tham quan, thư giãn nhưng sự thật lại hoàn toàn không phải thế.

Sapa không hề lặng lẽ, trong tác phẩm anh thanh niên là nhân vật tiêu biểu, anh mới hai mươi bẩy tuổi làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao tới 2.600 mét. Chỉ độc vị trí, địa hình làm việc của anh thôi cũng khiến người khác nghe mà nản lòng, nhưng anh thanh niên thì không. Con người trẻ trung hi sinh tuổi thanh xuân của mình để đến sống và làm việc tại nơi hoang vu lạnh lẽo đó cũng chính là lý do khiến anh thèm người

Tiếp tục với anh qua tác phẩm chúng ta sẽ thấy ngay được ước nguyện cống hiến cho đời, một sự cống hiến hoàn toàn tự nguyện âm thầm và lặng lẽ. Anh đã cống hiến những gì đẹp đẽ nhất cuộc đời mình cho đất nước với khát vọng: cống hiến hết mình cho đất nước, làm cho cuộc đời con người trở nên có ý nghĩa.

Cũng giống như nhân vật anh thanh niên về lý tưởng tâm hồn. Nhà thơ Thanh Hải đã thể hiện điểm chung đó của mình qua tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ. Có thể nói hồn thơ trong bài Mùa xuân nho nhỏ như thấp thoáng chính khát vọng, ao ước của nhà thơ. Ước được làm một mùa xuân nho nhỏ cống hiến cho đất nước, cho cuộc đời.

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Khổ thơ trên chính là khổ thơ nói rõ nhất về cái khao khát của nhà thơ. Người muốn là con chim, muốn làm cành hoa, những ước muốn nhỏ nhoi không có thực và sẽ không xảy ra được. Tác giả muốn ẩn mình trong mỗi ước nguyện đó để làm vui con người, để đóng góp vào cái chung. Chỉ riêng khổ thơ này đã làm nổi bật nội dung của cả bài thơ khiến bài thơ thêm cô đọng, giàu sức biểu cảm mà người đọc lại cảm thấy xúc động trước tình cảm cao quý đó.

Những bài văn 🌸 Phân Tích Lặng Lẽ Sa Pa 🌸 đầy đủ!

Liên Hệ Lặng Lẽ Sa Pa Và Những Ngôi Sao Xa Xôi Chọn Lọc

SCR.VN đã chọn lọc ra bài văn liên hệ “Lặng lẽ Sa Pa” với “Những ngôi sao xa xôi” hay nhất để gửi đến các bạn ở bên dưới, mời bạn xem ngay:

Vẻ đẹp nghệ thuật trong các sáng tác của Nguyễn Thành Long không nằm ở những phát hiện sắc sảo, táo bạo xung đột mạnh mẽ mà nghiêng về tạo dựng chất thơ nhẹ nhàng trong trẻo lặng thầm, kín đáo nhưng vẫn có sức ngân vang sâu rộng lâu bền. Lặng lẽ Sa Pa tiêu biểu cho phong cách đó của ông. Tác giả đã giới thiệu với chúng ta một vùng đất lặng thầm nhưng ở đó vẫn có những con người đang ngày đêm làm việc cống hiến quên mình cho quê hương đất nước.

Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn nhưng giống như một bản nhạc nhẹ nhàng nhưng thú vị và ẩn chứa bên trong nhiều ý vị sâu sắc. Nó ca ngợi vẻ đẹp của một cuộc sống giản dị nhưng chất chứa tình người.

Câu chuyện kể lại một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi trong khoảng thời gian chưa đầy ba mươi phút đồng hồ giữa bốn người, giữa một không gian đẹp như hư ảo của Sa Pa đầy núi cao và mây trắng. Ở cái nơi lặng lẽ đến lạnh người ấy, kì lạ thay, tình con người lại bộc lộ ra trọn vẹn nhất, ấm áp nhất.

Nhân vật ấn tượng là anh thanh niên quan trắc khí tượng, anh ta sống và làm việc một mình giữa một trạm khí tượng trên đỉnh đèo cao, xung quanh đầy các thứ máy đo gió, gió nổi, nhưng vắng bặt con người và âm thanh của con người, anh khao khát được gặp con người, được nói chuyện với con người.

Ở chốn rừng sâu hoang vu vắng lặng, anh chỉ biết làm bạn với chim kêu vượn hót. Xuất phát từ lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm tự giác, ý thức được nhiệm vụ của tuổi trẻ: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Ở anh còn có một tấm lòng nhiệt tình say mê nghề nghiệp, nghiên cứu, sáng tạo và luôn tìm thấy niềm vui từ công việc. Anh từng tâm sự: “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi”.

Ngoài là người có học thức, có trình độ, anh thanh niên lại còn có một tâm hồn trong sáng, cao đẹp, yêu đời, yêu cuộc sống, yêu nơi mình gắn bó, làm việc bằng cách tự tạo ra niềm vui từ công việc hiện thực – đẩy lùi buồn tẻ cô đơn như đọc sách – nghiên cứu – trồng rau – trồng hoa, nuôi gà, cải thiện cuộc sống. Trong giao tiếp ở anh thanh niên toát lên một phong cách, một vẻ đẹp trong phong cách lời ăn tiếng nói khiêm tốn, vui vẻ, chân tình, lịch sự luôn biết sống vì mọi người.

Sống trong cảnh cô đơn, giữa chốn hoang vu ấy người ta dễ trở nên buông thả, bất cẩn. Nhưng anh thanh niên này lại là một con người đầy trách nhiệm với cả chính mình, với công việc, với mọi người. Ngôi nhà anh ở, không vì chỉ có một người mà tuềnh toàng, bừa bộn, trái lại, nó được sắp xếp gọn gàng, tươm tất, lại đẹp nữa, các thứ hoa tươi như lúc nào cũng sẵn sàng đón tiếp khách quý, mặc dù không có khách nhưng ngày nào anh cũng chuẩn vị tươm tất để đón khách của mình.

Với anh công việc nói chung dễ, chỉ cần chính xác. Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy, nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi… Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng yên ở bên ngoài như chỉ chực mình ra là ào ào xô tới…

Anh ta đã không bỏ qua, không chậm trễ một lần nào, dầu lúc giữa ngày hay lúc nửa đêm, khi gió lớn hay khi tuyết rơi, bởi vì anh đã có ý thức một cách rành rõ và dứt khoát về công việc của mình, một khâu nhỏ trong cả chuỗi công việc của mọi người. Dù mưa gió khó khăn gian khổ anh vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Anh cán bộ trẻ trên đài khí tượng này dẫu là một con người vô danh (có lẽ việc tác giả không đặt tên cho nhân vật là có dụng ý), nhưng thực là một con người với mọi ý nghĩa tốt đẹp của danh từ ấy, bởi anh đã sống với ý thức trách nhiệm đầy đủ của một con người.

Chàng thanh niên xuất hiện trong truyện mang một vẻ đẹp trong sáng của người thanh niên thời đại mang trong mình những hiểu biết về tri thức, sống tận tuỵ, yêu nghề, yêu đời, hiểu được việc làm và chỗ đứng của mình từ đó mà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ở anh còn toả sáng và sưởi ấm cho bao tâm hồn khác dẫu chỉ một lần gặp gỡ ngắn ngủi cho những người đến Sa Pa.

Thế hệ trẻ Việt Nam không chỉ hết mình với công việc ở thời bình mà ngay cả trong thời chiến, chúng ta không thể quên những cô gái của tổ trinh sát mặt đường trong “Những ngôi sao xa xôi”.

Công việc hàng ngày của họ là đếm bom, rồi lao ra trọng điểm sau những trận bom để đo khối lượng đất đá cần phải san lấp, đánh dấu vị trí bom rơi và phá những quả bom chưa nổ. Một khối lượng công việc vừa đồ sộ vừa nguy hiểm. Cái chết rình rập họ từng phút, từng giờ. Đời sống chiến trường gian khổ là thế. Sự sống và cái chết ở đây chỉ là gang tấc. Thế nhưng tình yêu thương đồng chí, đồng đội vẫn tỏa sáng lạ thường. 

“Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê ; “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long hiện lên một tập thể anh hùng đang ngày đêm chiến đấu kẻ thù và xây dựng với để giữ từng tấc đất, ngôi nhà cho quê hương, đất nước và xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp hơn .

Lặng lẽ Sa Pa không có những chi tiết đặc biệt, không có những nhân vật và hành động lạ lùng, không có những gay go, nhưng nó lại có sức lôi cuốn người đọc đến lạ thường. Truyện ngắn như một lời kể chuyện duyên dáng về những điều vẫn diễn ra bình thường trong cuộc sống bình thường. Cuộc đời thật là đáng sống, con người thật là tốt đẹp. Mỗi người cần phải sống tốt đẹp, bởi sống như thế thật là hạnh phúc. 

Dẫn Chứng Liên Hệ Lặng Lẽ Sa Pa Sáng Tạo

Nếu bạn đang gặp khó khăn về đề tài dẫn chứng bài văn liên hệ “Lặng lẽ Sa Pa” thì hãy dành thời gian tham khảo văn mẫu dưới đây:

Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long là một câu chuyện đẹp, nhẹ nhàng và bình dị về cuộc sống của người dân trong thời kỳ xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong câu chuyện của mình, tác giả đã bộc lộ vẻ đẹp hiếm có của anh thanh niên đi làm nhiệm vụ trên núi cao và khát vọng sống, khát vọng cống hiến cho đời của anh.

Với chất liệu văn chương mềm mại, trữ tình và sâu lắng, những trang viết mộc mạc, chân chất của Nguyễn Thành Long đã làm trái tim người đọc thổn thức, ​​xao xuyến. Hình ảnh anh thanh niên được khắc họa đậm nét trong từng trang viết. Người đọc có được cái nhìn mới mẻ và khách quan hơn về những người lao động đang ngày đêm âm thầm cống hiến cho quê hương đất nước. Anh thanh niên không có tên cụ thể, tác giả chỉ gọi đơn giản là “anh thanh niên”, có lẽ cũng chính là dụng ý nghệ thuật của nhà văn.

Anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long là một hình tượng đẹp về tuổi trẻ lao động trong văn học Việt Nam. Nhân vật anh thanh niên đã để lại trong lòng người đọc sự yêu mến và khâm phục sâu sắc. Làm sao mà không yêu và ngưỡng mộ một con người cởi mở, thân thiện, ngăn nắp… và hơn hết là tâm huyết, yêu nghề và có trách nhiệm với công việc của mình.

Theo lời kể của Nguyễn Thành Long, anh thanh niên cũng là một người rất khiêm tốn. Dù công việc vất vả, khó khăn nhưng anh không bao giờ than phiền hay tự kiêu. Anh luôn cảm thấy mình thật nhỏ bé trước người khác, nhất là khi họa sĩ mời anh vẽ chân dung, anh nói “bác đừng vẽ cháu, cháu sẽ giới thiệu cho bác một người xứng đáng hơn”. Đó là tinh thần học tập rất đáng quý cho thế hệ trẻ.

Kết thúc cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, anh thanh niên lặng lẽ tặng hoa cho cô kỹ sư trẻ và tặng những gói trà cho người họa sĩ già. Tất cả những cử chỉ ân cần ấy đều khiến người khác phải khâm phục và ngưỡng mộ bởi tấm lòng hiếu khách, sẵn sàng trao đi chẳng màng lợi ích cá nhân của anh. Trong xã hội mà thói vị kỷ lên ngôi, những đức tính ấy của anh, cả trong đời sống lẫn công việc, thật khiến người ta phải nể phục và ngẫm lại bản thân.

Khi phân tích nhân vật anh thanh niên, chúng ta nghĩ đến tư tưởng của nhân vật chính trong truyện “Thép đã tôi thế đấy” để làm phong phú hơn bài văn:

Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người….” – (Pavel Corsaghin nhân vật chính trong truyện “Thép đã tôi thế đấy” của tác giả Nikolai A.Ostrovsky)

Như vậy, với cốt truyện ngọt ngào, xúc động, Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long đã gieo vào lòng người đọc niềm xúc động về hình ảnh người “chiến sĩ thi đua trong lao động” âm thầm hi sinh nơi vắng vẻ cô độc, cống hiến cho tổ quốc.

Nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng và tình cảm thật tốt đẹp. Hình ảnh của anh thanh niên với tinh thần luôn tích cực trong công việc đã và đang động viên thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục noi gương để nối tiếp bước chân dũng cảm, cao đẹp và tinh thần lao động hăng say quên mình của cha anh ngày trước.

Tham khảo 🌸 Sơ Đồ Tư Duy Lặng Lẽ Sa Pa Nguyễn Thành Long 🌸 dễ nhớ!

So Sánh Liên Hệ Tác Phẩm Lặng Lẽ Sa Pa Học Sinh Giỏi

Cuối cùng là bài văn so sánh liên hệ tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” dành cho học sinh giỏi, bạn xem qua nhé!

Tuổi trẻ Việt Nam luôn là lá cờ đầu tiên phong cho những nổ lực cống hiến vì quê hương, đất nước. Sự cống hiến ấy còn đáng trân trọng hơn khi đất nước đối mặt với những thử thách sống còn của chiến tranh và họ đã dũng cảm chiến đấu, góp sức cho ngày độc lập.

Họ là anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, là Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, là những người anh hùng chúng ta không biết tên đã đem lứa tuổi tươi đẹp nhất hóa thân thành dáng hình xứ sở.

Anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lí, địa cầu; làm việc trên đỉnh núi cao và sống một mình với mây núi và cây cỏ Sa Pa. Công việc hằng ngày của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động địa cầu…để phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và chiến đấu.

Anh là người sống có lí tưởng, có cống hiến cho sự phát triển của đất nước và cống hiến một cách thầm lặng. Với công việc anh là người có tinh thần trách nhiệm, anh luôn hoàn thành nhiệm vụ, làm việc đúng kế hoạch mặc dù thời tiết rất khắc nghiệt. Anh xem công việc như một nghĩa vụ thiêng liêng, một người bạn nên không thấy cô đơn “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình”

Anh thanh niên còn là người sống nề nếp, ngăn nắp, tự lập và tự chủ trong mọi công việc. Nhà cửa của ông không to như gọn gàng, mọi thứ sắp xếp trật tự, anh còn tự trồng hoa, nuôi gà, trồng rau để cải thiện bữa ăn. Không chỉ vậy anh thanh niên luôn học hỏi, trau dồi kiến thức qua sách vở và những người xung quanh.

Là người con trai tế nhị, lịch sự, thân thiện và hiếu khách khi đã tặng củ tam thất cho vợ bác lái xe, mời bác họa sĩ và cô kỹ sư đến nhà uống trà, tặng hoa cho cô kĩ sư, biếu trứng cho mọi người trên xe… anh không nghĩ mình xứng đáng được bác họa sĩ vẻ vì còn nhiều người hi sinh lặng lẽ hơn như thế, qua đó cũng thấy được phẩm chất khiêm tốn của anh.

Còn Phương Định trong “Những ngôi sao xa xôi” là một cô gái Hà Nội, cô tự nhận xét mình “là một cô gái khá, hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Con mắt có cái nhìn xa xăm”.

Công việc của cô gái thanh niên xung phong này là đo và ước tính khối lượng đất đá bị bom địch đào xới, đếm những quả bom chưa nổ và dùng những khối thuốc nổ đặt vào cạnh nó để phá.

Làm việc ở trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, một công việc hết sức nguy hiểm nhưng Phương Định vẫn rất bản lĩnh và hoàn thành nhiệm vụ. Đối mặt với những quả bom không hẹn giờ, thần kinh cô có lúc vô cùng căng thẳng và lúc ấy cô trấn tĩnh bản thân cố gắng vì trách nhiệm.

Phương Định là cô gái trẻ Hà Thành nhiều mơ mộng, có lúc hồn nhiên như một đứa trẻ trong cơn mưa đá bất chợt nhưng vẫn là người thanh niên xung phong kiên cường, bản lĩnh, dành tình yêu thương cho đồng đội.

Hai nhân vật ở 2 câu chuyện có hoàn cảnh khác nhau, công việc khác nhau nhưng tựu chung trong họ là đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến anh hùng chống đế quốc Mĩ cứu nước ; giàu nhiệt huyết, niềm tin và ước vọng ; tự nguyện cống hiến và hi sinh cho đất nước.

Nếu như Phương Định trong “Những ngôi sao xa xôi” (Lê Minh Khuê) là cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trinh sát phá bom trên tuyến đường Trường Sơn.Tiêu biểu cho tuổi trẻ Việt Nam trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Thì anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi cao ở Sa Pa, tiêu biểu cho lớp trẻ xây dựng tổ quốc.

Qua 2 nhân vật trên ta thấy được hình ảnh của thanh niên VN trong 2 thời kì: thời chiến và thời bình . Trong mọi hoàn cảnh nào , trong mọi thời điểm nào thì người thanh niên VN vẫn toát lên những giá trị tốt đẹp đó chính là sự dũng cảm , là sự cương quyết , là sự mãnh mẽ , luôn luôn đối đầu với hiểm nguy và gian khó. Dám hy sinh tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng dân tộc .

Hai nhân vật còn là tấm gương, điểm tựa để thế hệ trẻ hôm nay phấn đấu góp một phần sức lực của mình cho đất nước.

Đọc thêm mẫu 🌸 Liên Hệ Đoàn Thuyền Đánh Cá 🌸 đặc sắc!

Viết một bình luận