Liên Hệ Mở Rộng Bài Làng [8+ Mẫu Ngắn Gọn Hay Nhất]

Liên Hệ Mở Rộng Bài Làng ❤️ 8+ Mẫu Ngắn Gọn Hay Nhất ✅ Bài Viết Tuyển Tập Văn Mẫu Liên Hệ Mở Rộng Bài Làng Của Kim Lân Đặc Sắc Nhất.

Cách Liên Hệ Bài Làng Của Kim Lân

Để giúp bạn đọc dễ hiểu hơn về cách làm bài liên hệ mở rộng “Làng” với các tác phẩm khác, mời bạn tham khảo ví dụ “Liên hệ mở rộng tình yêu làng yêu nước của nhân vật ông Hai trong Làng và tình yêu của nhân vật chị Dậu trong Tắt đèn.”

a. Bước 1:

  • Giới thiệu tác phẩm “Làng” của Kim Lân
    • Kim Lân là nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX. Ông là một trong những nhà văn tuy viết ít nhưng thành công lớn.
    • “Làng” là tác phẩm xuất sắc của Kim Lân xoay quanh tình yêu làng, yêu nước của nhân vật ông Hai. 

b. Bước 2:

  • Phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai trong “Làng” và làm nổi bật tình yêu làng, yêu nước của ông hai.
  • Liên hệ mở rộng tình yêu làng, yêu nước của ông Hai trong bài “Làng” với nhận vật chị Dậu trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố. Người phụ nữ mạnh mẽ dám đánh lại Cai Lậy để bảo vệ chồng và chống chính quyền thực dân.

c. Bước 3:

  • Nét tương đồng:
    • Họ là những hình tượng tiêu biểu cho số phận đau khổ, bi thảm của người nông dân Việt Nam trước cách mạng.
  • Sự khác biệt:
    • Chị Dậu: Là một mẫu mực vừa gần gũi vừa cao đẹp của người phụ nữ nông thôn Việt Nam thời kì trước cách mạng: Có phẩm chất của người phụ nữ truyền thống, có vẻ đẹp của người phụ nữ hiện đại. 
    • Ông hai người lành chợ Dầu là một lão nông hiền lành, chất phát. Điều khiến người ta chú ý ở ông Hai đó là ông Hai có một tình yêu làng tha thiết.

c. Bước 3:

  • Khái quát: Tình yêu nước không xa xôi, khó hiểu, mà nó đơn giản chỉ là yêu làng, yêu quê hương nơi ta sinh ra và lớn lên
  • Khẳng định tình yêu làng, yêu nước của ông Hai nói riêng của người nông dân nói chung
  • Liên hệ bản thân.

Học cách 🌸 Đóng Vai Ông Hai Kể Lại Chuyện Làng 🌸 ngắn hay!

Bài Làng Liên Hệ Với Bài Nào

Có nhiều tác phẩm có thể liên hệ mở rộng với bài “Làng”, điển hình là các tác phẩm mà SCR.VN chia sẻ dưới đây:

  • Khi phân tích đề tài ông Hai – người nông dân trong kháng chiến có thể liên hệ mở rộng với tác phẩm “Rừng xà nu” (Nguyễn Trung Thành) để thấy được tinh thần yêu nước, sự trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng, Cụ Hồ của nhân dân ta. Dù sống trong lòng địch, thường xuyên bị cám dỗ bởi các thế lực phản động nhưng trước sau nhân dân ta như ông Hai, người dân quê ông, nhân dân đồng bào miền núi vẫn kiên định với lý tưởng cách mạng, một lòng hướng về tổ quốc.
  • Khi phân tích tình yêu làng của ông Hai, ta có thể liên hệ mở rộng với bài thơ “Quê hương” của Đỗ Trung Quân với lời thơ sâu lắng, chân tình đã đi vào biết bao trái tim người Việt để rồi khi nhớ về mảnh đất chôn nhau, cắt rốn của mình, ai ai cũng không khỏi rưng rưng.

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là cầu tre nhỏ
Con về rợp bướm vàng bay.

  • Liên hệ mở rộng ông Hai trong bài “Làng” với hình ảnh Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao: Trong văn bản” Lão Hạc” của Nam Cao, lão Hạc là hình ảnh điển hình cho những người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng 8 có cuộc sống nghèo khổ nhưng phẩm chất vô cùng cao đẹp. Lão là 1 người giàu lòng yêu thương, sống nhân hậu và có lòng tự trọng cao. Trong xã hội thực dân phong kiến, lão Hạc như ngọn đèn lay lắt trước gió. Ông chính là đại diện cho tầng lớp nông dân đang sống trong hoàn cảnh chiến loạn.
  • Liên hệ mở rộng hình ảnh ông Hai trong bài “Làng” với hình ảnh Chị Dậu trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố: Nếu Kim Lân xây dựng một ông Hai nhiệt huyết vì kháng chiến, một lòng một dạ hướng tới cái chung của Tổ quốc, đất nước. Hướng tới cái tình yêu làng, tinh thần Cụ Hồ thì bằng chính đôi tay của mình, nhà văn Ngô Tất Tố đã xây dựng nên một chị Dậu có sức mạnh tiềm tàng. Cái đánh gục cai lệ của chị như đại diện cho sự phảm kháng của tầng lớp nhân dân dành cho chế độ phong kiến.
  • Liên hệ mở rộng tình yêu nước, sự giác ngộ cách mạng của những người nông dân như ông Hai trong “Làng” với sự giác ngộ cách mạng của Mị và A Phủ trong “Vợ chồng A Phủ” và hình ảnh lá cờ đỏ ở cuối tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân.
  • Liên hệ mở rộng tình yêu nước, sẵn sàng từ bỏ quê hương, bỏ làng, bỏ ngôi nhà của ông Hai trong bài “Làng” để ủng hộ cách mạng với hình ảnh các chiến sĩ trong “Đồng chí” bỏ lại ruộng nương lên đường đi kháng chiến.
  • Liên hệ lòng tin của ông Hai vào việc làng ông không theo giặc với bài “Sống mãi với Thủ Đô”, khi người dân Thủ Đô kiên trì quyết tâm bảo vệ Thủ Đô.
  • Liên hệ niềm tin vào kháng chiến, vào cách mạng của ông Hai với khát vọng cống hiến cho đời của Thanh Hải trong “Mùa xuân nho nhỏ”.

Những mẫu 🌸 Sơ Đồ Tư Duy Nhân Vật Ông Hai 🌸 dễ nhớ!

Những Mẫu Liên Hệ Mở Rộng Bài Làng Hay Nhất

Tuyển tập những bài văn liên hệ mở rộng bài “Làng” hay nhất, xem ngay bên dưới nhé!

Liên Hệ Truyện Ngắn Làng Đặc Sắc

Nếu bạn đang tìm kiếm bài văn liên hệ mở rộng bài “Làng” thì nên tham khảo mẫu mà chúng tôi gợi ý sau đây:

Trải qua hơn bốn ngàn năm thăng trầm của lịch sử, đất nước ta đã anh dũng chiến đấu chống lại sự xâm lăng của biết bao kẻ thù, từ ngàn năm vó ngựa phương Bắc giày xéo đến trăm năm đế quốc Pháp, Mĩ bốc lột, đô hộ nhân dân ta. Đó là nhờ vào nỗ lực cống hiến cũng như tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước sâu sắc của mỗi thế hệ.

Lòng yêu nước luôn là thứ tình cảm thiêng liêng, dạt dào trong trái tim mỗi người con yêu nước. Nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân đã để lại sự xúc động và những suy ngẫm về lòng yêu nước trong mỗi chúng ta.

Lòng yêu nước là tình yêu thương, gắn bó với quê hương đất, sự đóng góp công sức nhỏ bé của mỗi cá nhân cho sự phát triển giàu đẹp ở mảnh đất “chôn rau cắt rốn”. Đó là thứ tình cảm cao cả thiêng liêng nhưng cũng vô cùng gần gũi, giản đơn. Tình cảm ấy như tự bản năng, thôi thúc mỗi người khi nghĩ về quê hương đất nước và được nuôi dưỡng từ những ngày thơ bé trong câu ca, tiếng hát của người dân nước mình:

Quê hương mỗi người chỉ một 
Như là chỉ một mẹ thôi 
Quê hương có ai không nhớ…

Trong tác phẩm Làng, lòng yêu nước của ông Hai gắn với tình yêu làng – nơi ông đã sinh ra và lớn lên, ông yêu làng chợ Dầu và luôn nói về nó với sự tự hào, trân trọng. Và rồi, khi có tin làng chợ Dầu lập tề theo giặc, trái tim ông như đau đớn, vỡ tan “cổ ông như nghẹn đắng hẳn lại, da mặt tê rân rân” khi phải đón nhận tin đó. Ông căm thù những kẻ theo Tây, phản bội làng.

Rồi khi ông thoáng có ý nghĩ quay về làng nhưng rồi lại gạt phắt ngay bởi “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ là “cam chịu quay trở lại làm nô lệ cho thằng Tây”. Như vậy, tình yêu làng đã lớn dần thành tình yêu kháng chiến, một niềm tin sắt đá theo Đảng và Bác Hồ. Nhà văn Ê ren bua từng nói “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu quê hương tạo nên lòng yêu Tổ quốc”. Những tình yêu tưởng chừng như bình dị của ông Hai như vậy nhưng lại tạo nên một tình yêu lớn lao và cao cả hơn.

Đất nước ngày nay đã thanh bình, đang từng ngày dựng xây và phát triển. Lòng yêu nước gắn liền với ước mong cống hiến, làm nhiều việc có ích cho quê hương, đất nước mình..

Tùy theo sức của mình và từng hoàn cảnh khác nhau mà mỗi người có những đóng góp khác nhau: là bác nông dân chăm chỉ, cần mẫn trên những cánh đồng mang lại mùa màng bội thu; là nhà khoa học say mê nghiên cứu tìm ra những hướng đi mới cho nền kinh tế đất nước, là các cầu thủ bóng đá U23 Việt Nam đi vào lịch sử là những anh hùng sân cỏ, mang niềm tự hào vinh quang về cho dân tộc để biết bao người thấy yêu thương, thấy vẻ vang….

Với các bạn học sinh, chúng ta cần cố gắng, nỗ lực rèn luyện để phát triển bản thân, không ngừng học hỏi để tích lũy tri thức làm hành trang trong cuộc sống, đưa đất nước phát triển nhanh kịp cùng các cường quốc năm châu. Không chỉ vậy, chúng ta cần tích cực tham gia các hoạt động xã hội như các hoạt động tình nguyện trồng cây xanh nhằm bảo vệ môi trường, giữ gìn đường phố sạch sẽ, kêu gọi mọi người tham gia giao thông an toàn… đó cũng là biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước.

Trang sử dân tộc đã được dựng xây từ biết bao máu xương của cha anh, những giọt mồ hôi công sức của những người lao động đã rơi xuống. Họ là những con người vô danh nhưng cùng có chung một lòng yêu nước và tự hào dân tộc, âm thầm hi sinh và cống hiến sức mình cho quê hương, tổ quốc.

Vì vậy, thế hệ thanh niên hôm nay cần giữ gìn và phát huy lòng yêu nước qua những hành động và việc làm cụ thể để nối tiếp truyền thống quý báu của dân tộc.

Đọc thêm văn 🌸 Nghị Luận Về Nhân Vật Ông Hai 🌸 hay nhất!

Liên Hệ Bài Làng Với Vợ Chồng A Phủ Sáng Tạo

Các bạn học sinh đừng bỏ qua bài văn liên hệ mở rộng tình yêu và sự giác ngộ cách mạng của ông Hai trong bài “Làng” với bài “Vợ chồng A Phủ” sau đây nhé!

Kim Lân là nhà văn có sở trường về mảng đề tài cuộc sống và con người ở nông thôn Việt Nam. Theo Nguyên Hồng thì đó là một nhà văn “một lòng đi về với đất, với con người, với thuần hậu nguyên thủy” của cuộc sống, con người ở thôn quê.

“Làng” là một truyện ngắn thành công của Kim Lân ở giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám, gợi nhiều suy nghĩ cho người đọc về những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp.

Truyện có kết cấu đơn giản xoay quanh nhân vật ông Hai và tình yêu của ông đối với làng Chợ Dầu của mình. Với những biến chuyển trong nhận thức và suy nghĩ, ông Hai đã trở thành hình tượng điển hình cho người nông dân Việt Nam ở giai đoạn chống Pháp.

Trước Cách mạng tháng Tám, mỗi khi kể về làng, ông chỉ khoe và tự hào về cái sinh phần sừng sững ở cuối làng của viên tổng đốc làng ông, cho dù bản thân và nhiều người khác trong lòng đã phải khốn khổ vì cái sinh phần ấy.

Sau Cách mạng tháng Tám, làng ông trở thành làng kháng chiến. Ông Hai không còn khoe cái phần ấy nữa. Ông khoe làng ông có “những hố, những ụ, những giao thông hào”, “có cái phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa, rộng rãi nhất vùng, chòi phát thanh thì cao bằng ngọn tre, chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe thấy”. Tình yêu làng gắn với niềm vui của con người hòa vào cuộc sống kháng chiến dân tộc.

Đối với ông hai, làng là máu thịt, là nguồn cội của con người, không thể nào rời xa được. Ông đã sinh ra ở đây, muốn sống gắn bó với làng, với xóm. khi chết đi, ông cũng muốn được nằm lại trên mảnh đất này.

Ông vô cùng buồn khổ khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc “Cổ ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng lẽ đi, tưởng như đến không thở được”. “Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường”. Mấy ngày liền, ông không dám đi đâu vì xấu hổ.

Tâm trạng ông đầy sự giằng xé. Có lúc ông đã nghĩ đến việc “Hay là quay về làng”. Nhưng ông dứt khoát ngay “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ”, “làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Ông chỉ biết tâm sự với đứa con út bé bỏng để cho vơi bớt buồn khổ.

Khi nghe tin làng chợ Dầu được cải chính, ông Hai, sung sướng và hạnh phúc tột cùng. Gặp ai ông cũng khoe Tây đã đốt nhà mình để chứng minh cho làng Chợ Dầu không hề theo giặc “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn!”

Qua diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai, ta dễ dàng nhận thấy kháng chiến, cách mạng đã đem lại cho những người nông dân những nhận thức, những tình cảm mới mẻ, sự nhiệt tình hăng hái tham gia kháng chiến, lòng tin tưởng tuyệt đối vào kháng chiến, vào lãnh tụ.

Mị và A Phủ trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài cũng đã giác ngộ được lí tưởng cách mạng sau khi họ bỏ trốn khỏi Hồng Ngài xuống Phiềng Sa. Sống ở Phiềng Sa, vợ chồng A Phủ mới thực sự được làm người. Họ được cán bộ A Châu giác ngộ cách mạng.

Từ một chàng trai nghèo khổ, nô lệ, A Phủ đã trở thành một du kích dũng cảm, tự tin. Anh thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần của Mị. Sống bên A Phủ, Mị dần dần hết lo sợ, cô vững tin vào cuộc sống mới vào kháng chiến. Được đứng lên đánh lại kẻ thù áp bức mình trong tư cách mình là con người, ý thức ấy mới thực sự có ý nghĩa nhân đạo. Quá trình giác ngộ cách mạng của vợ chồng A Phủ tiêu biểu cho con đường đến với Đảng, với cách mạng của đồng bào các dân tộc ít người ở miền núi ta.

Ở nhân vật ông Hai, tình yêu làng, vốn là một tình cảm đẹp đẽ có tính chất truyền thống của người nông dân, đã được nâng lên thành tình yêu nước. Sự thống nhất và gắn bó giữa tình yêu quê hương và tình yêu đất nước của nhân vật ông Hai cũng chính là nét mới mẻ trong nhận thức của người nông dân, của quần chúng cách mạng trong văn hóa ở giai đoạn chống Pháp.

Nhân vật ông Hai đã để lại nhiều tình cảm đẹp trong lòng người đọc, sự yêu mến trân trọng và cảm phục. Qua nhân vật ông Hai, ta thấy được những biểu hiện cụ thể, sinh động về tinh thần yêu nước của nhân vật ta trong cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc.

Với tác phẩm Làng, Kim Lân đã thành công trong việc thể hiện những chuyển biến mới mẻ trong nhận thức và tình cảm của người nông dân Việt Nam ở giai đoạn chống Pháp. Nhân vật ông Hai trong truyện tiêu biểu cho những người nông dân Việt Nam cần cù, chất phác luôn cháy bỏng tình yêu đất nước, quê hương.

Thế hệ tuổi trẻ hôm nay, đứng trước sự vận động phức tạp của thế giới và tình hình trong nước cần học tập tình yêu làng yêu nước của ông Hai ra sức xây dựng và bảo vệ đất nước trước âm mưu phá hoại của thế lực thù địch đang hoạt động dữ dội. Với tài năng và sức trẻ, tuổi trẻ chính là lực lượng mạnh mẽ nhất của đất nước. Bởi thế tuổi trẻ hãy sống xứng xứng đáng với những gì nhân dân đã kì vọng, tổ quốc đã tin tưởng và giao phó.

Tổng hợp mẫu 🌸 Mở Bài Phân Tích Nhân Vật Ông Hai  🌸 giúp bạn ghi điểm!

Liên Hệ Bài Làng Với Lão Hạc Ý Nghĩa

Mẫu bài văn liên hệ mở rộng bài “Làng” với “Lão Hạc” ý nghĩa nhất đã được trình bày ở bên dưới, cùng xem ngay nhé!

Nhà văn Kim Lân là nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện đại của nước ta. Ông có một vốn sống vô cùng sâu sắc, gắn bó với làng quê, và người nông dân. Ông thường gắn liền tâm hồn mình với những trò chơi mang cốt cách của người nông dân như: Thả diều, nuôi chim bồ câu, chọi gà, câu cá, chơi hòn non bộ…Dường như Kim Lân hội tụ tất cả những gì thuộc về người nông dân Việt Nam.

Nhà văn Kim Lân không viết nhiều nhưng mỗi tác phẩm của ông đều mang tới cho người đọc một cái nhìn mới mẻ, sâu sắc về hình ảnh người nông dân.

Trong truyện ngắn “Làng” của mình nhà văn Kim Lân đã khắc họa thành công hình ảnh ông hai một ông lão nông dân, có tấm lòng yêu nước yêu làng, hiền lành chất phác. Nhưng khi cách mạng nổ ra ông tuyệt đối trung thành với con đường giải phóng dân tộc mà cụ Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Ông Hai nhân vật chính trong tác phẩm Làng là người nông dân, ngay thẳng sống lương thiện, cần cù. Ông hay làm hay làm lắm ở quê ông suốt ngày không lúc nào ông chịu ngơi tay. Công việc cứ luôn chân luôn tay, nhưng ông vui lắm. Những việc đồng áng của nhà nông như đi cày, đi cuốc, cấy, gặt… việc nào ông Hai làm cũng đều giỏi cả.

Làng của ông hai cái làng Chợ Dầu là nơi mà ông sinh ra và lớn lên, nơi chôn rau cắt rốn của ông. Nhưng do phải đi di tản nên ông đành tạm rời xa làng của mình lên một vùng kinh tế mới làm việc, sinh sống. Nhưng tận sâu trong đáy lòng ông Hai vẫn luôn mong nhớ về quê hương, về làng quê của mình.

Ông Hai yêu làng như thế nào thì Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao cũng yêu thương con trai mình như vậy. Lão Hạc khi còn sức lực thì cầy thuê, cuốc mướn tự nuôi thân mình. Chưa bao giờ lão làm phiền một ai, siêng làm giống như ông Hai vậy. Khi già yếu, lão vẫn gắng gượng, đem chút hơi tàn còn lại để kiếm sống.

Lão là người nghèo khó nhưng giàu lòng tự trọng, không nhận sự giúp đỡ của ai bao giờ. Cuộc đời Lão từ khi vợ chết có nhiều cơ cực, đau khổ. Là người nông dân nghèo, một mình nuôi con. Cái nghèo đói lắm cuộc đời lão càng thêm tăm tối, bất hạnh. Cuối cùng lão chọn đến cái chết như một sự giải thoát. Đó là một cái chết đau đớn, vật vã về thể xác (ăn bả chó tự tử) để giữ lấy lương tâm và phẩm giá trong sạch của mình.

Cuộc đời lão Hạc đi vào bước đường cùng không lối thoát. Dù lão đã gắng gượng hết mình nhưng cũng không thể thoát ra khỏi cái kết cục bi thảm. Cái chết của lão Hạc không khỏi khiến cho người đọc ngậm ngùi và cảm thương về cuộc đời khổ đau và số phận khắc nghiệt của người nông dân trước cách mạng tháng Tám.

May mắn hơn Lão Hạc, ông Hai nghèo khổ trong kháng chiến chống Pháp nhưng cách mạng đã đem cho ông sự suy nghĩ và hành động mới. Ông được sống trong tự do, được làm chủ bản thân và cuộc đời. Ông thoát khỏi sự áp bức nặng nề của chế độ thực dân phong kiến. Và vượt lên trên hết, ông còn có gia đình, có một nguồn vui sống dạt dào: tình yêu làng thiết tha.

Thông qua nhân vật ông Hai tác giả Kim Lân đã khắc họa lên hình ảnh người nông dân chân chính, khi đã giác ngộ cách mạng thì không có điều gì có thể lay chuyển được họ. Những người nông dân dù ít học, không hiểu biết nhiều nhưng một khi họ đã được cảm hóa thì tinh thần yêu nước, đấu tranh căm thù giặc của họ còn cao hơn bất kỳ một người tri thức nào.

Họ đã đặt tình yêu đất nước, yêu tổ quốc lên trên tình yêu làng, tình yêu với nơi mình sinh ra và lớn lên. Đó chính là bài học sâu sắc mà nhà văn Kim Lân muốn gửi tới chúng ta.

Liên Hệ Bài Làng Với Bài Đồng Chí Hay Nhất

Dưới đây là bài văn liên hệ mở rộng tình yêu nước của người nông dân trong bài “Làng” với bài thơ “Đồng chí” hay nhất, tham khảo ngay bên dưới:

Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 đã xây dựng thành công hình ảnh những con người Việt Nam kiên cường, bất khuất với một tinh yêu quê hương đất nước tha thiết, sâu nặng. Bên cạnh hình ảnh những chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trên mặt trận còn có những con người hi sinh lặng thầm nơi hậu phương đế góp phần vào thắng lơi của kháng chiến. Đó là những người nông dân có lòng yêu nước thiết tha, bình dị, sâu sắc.

Truyện ngắn Làng của Kim Lân đã xây dựng thành công hình ảnh nhân vật ông Hai – một người nông dân chân chất nhưng mang nặng tình yêu làng và lòng yêu quê hương, có tinh thần kháng chiến mạnh mẽ.

Những ai đã đọc Làng đều cảm nhận được ở ông Hai tình yêu, sự gắn bó sâu sắc với làng xóm, với quê hương. Đối với người nông dân chất phác ấy, tình cảm với làng quê, thôn xóm là tình cảm tự trong tim, ngấm sâu vào máu thịt. Cũng như bao người dân lao động khác, cả một đời ông Hai gắn bó với mảnh đất quê nghèo mà nặng sâu ân tình. Cái làng Chợ Dầu ấy đã trở thành nguồn vui sống của ông.

Nhưng khi nghe tin làng theo giặc, “cổ ông nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân.., ông lão lảng đi, tưởng như không thể thở được”. Trong ông đã diễn ra một cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt: ông tủi nhục, đớn đau, ông tự giày vò, ông hoài nghi rồi lại tự nhủ mình phải tin vì mọi chuyện đã hết sức rõ ràng.

“Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì ta phải thù”. Một thái độ dứt khoát, một tình yêu mạnh mẽ nhưng không mù quáng. Tình yêu làng trong ông rất mãnh liệt, nhưng làng phải gắn với nước. Giờ đây, làng Chợ Dầu của ông theo Việt gian, tức là hại nước, hại cách mạng thì không thế yêu làng như xưa được nữa. Niềm đau, sự oán trách cũng như thái độ kiên quyết… tất cả, tất cả đều là biểu hiện sống động nhất của tình yêu nước trong ông Hai.

Niềm vui sướng vỡ òa khi ông Hai biết rằng làng mình vẫn là làng Kháng chiến. Không còn nỗi tủi nhục đè nặng trong lòng, ông lại tiếp tục khoe về làng Chợ Dầu anh dũng của mình, “lại ngồi, trên chiếc chõng tre, vén quần lên tận bẹn mà nói chuyện về cái Làng của ông”.

Người nông dân vốn gắn bó với nhà cửa ruộng vườn… Phải bỏ nhà ra đi họ đã xót xa lắm, ông Hai cũng thế. Nhưng ta lại bắt gặp hình ảnh ông Hai tất bật đi khoe cái tin “Tây nó đốt hết nhà tôi rồi, hết hẳn”, ông sung sướng bởi việc Tây đốt nhà là biểu hiện của làng ông trong sạch, làng ông không làm Việt gian. Nhà ông bị đốt hết nhưng như thế có là gì. Đó chỉ là một phần ông cống hiến cho đất nước. Tài sản riêng mất mát nhưng cách mạng, đất nước sẽ vững mạnh hơn, đó mới thực sự là niềm vui, là hạnh phúc.

Hình ảnh những người nông dân đoàn kết đánh giặc cũng khiến ta liên tưởng đến hững người nông dân yêu nước đi bộ đội đánh giặc trong những năm đầu gian khổ thời chín năm kháng chiến chống Pháp trong “Đồng chí”.

Họ cũng là những người nông dân từ xuất thân từ “Làng”, từ những vùng quê lam lũ đói nghèo, quanh năm chỉ biết đến con trâu mảnh ruộng, các anh giã từ quê hương lên đường chiến đấu:

“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”

Tấm lòng của họ đối với đất nước thật càm động khi giặc đến các anh đã gửi lại người bạn thân mảnh ruộng chưa cày, mặc kệ những gian nhà bị gió cuốn lung lay để ra đi kháng chiến. Bình thường vậy thôi, nhưng nếu không có một tình yêu đất nước sâu nặng không thể có một thái độ ra đi như vậy.

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay “

Họ đứng lên chiến đấu chỉ vì một lẽ giản dị: yêu nuớc. Tình yêu đất nước, ý thức dân tộc là máu thịt, là cuộc đời họ, bởi vậy, nông dân hay trí thức chỉ mới nghe tiếng đau thương của quê hương, họ sẽ bỏ lại tất cả, cả ruộng nương, xóm làng. Cũng giống như ông Hai, dù giặc đốt nhà – tài sản lớn nhất của ông, ông cũng vui mừng khôn xiết.

Tình yêu làng, yêu nước, hòa quyện trong tâm hồn người nông dân mộc mạc, chất phác thật đẹp biết bao. Làng của Kim Lân là một khúc ca về tình yêu quê hương đất nước mà những người lao động nghèo là những thanh âm trong trẻo, réo rắt nhất, để lại bao dư âm lắng đọng trong lòng độc giả.

Những mẫu 🌸 Kết Bài Phân Tích Nhân Vật Ông Hai 🌸 ý nghĩa!

Liên Hệ Bài Làng Với Vợ Nhặt Ấn Tượng

Gửi tặng mẫu bài văn liên hệ mở rộng bài “Làng” với “Vợ nhặt” của Kim Lân về hình ảnh giác ngộ lý tưởng cách mạng đến quý vị độc giả:

“Làng quê”, hai tiếng thật êm đềm và thân thuộc biết bao. Đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ hướng ngòi bút của mình về giếng nước, gốc đa, con đò… hướng về những người nông dân thật thà, chất phác. Kim Lân là một trong những nhà văn viết truyện ngắn và khai thác rất thành công về đề tài này.

Truyện ngắn “Làng” là một truyện ngắn thành công của Kim Lân gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ về những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Câu chuyện xoay quanh nhân vật ông Hai và tình yêu làng Chợ Dầu. Với những chuyển biến trong nhận thức và suy nghĩ, ông Hai đã trở thành một điển hình của người nông dân Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám.

Như bao con người Việt Nam khác, ông Hai cũng có một quê hương yêu thương, gắn bó. Làng Chợ Dầu luôn là niềm tự hào và là kiêu hãnh của ông. Ông luôn khoe về làng mình, đức tính ấy như đã trở thành bản chất. Ông cũng như mọi người nông dân Việt Nam khác, có quan niệm rằng “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, đối với họ, không có bất cứ đâu đẹp hơn nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Trước cách mạng, mỗi khi kể về làng, ông đều khoe về cái sinh phần của viên tổng đốc sừng sững ở cuối làng. Sau Cách mạng, làng ông đã trở thành làng kháng chiến, ông đã có nhận thức khác. Ông Hai không còn khoe về cái sinh phần ấy nữa mà ông lấy làm hãnh diện với sự cách mạng của quê hương, về việc xây dựng làng kháng chiến của quê mình.

Ông khoe làng có “những hố, những ụ, những giao thông hào”, “có cái phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa, rộng rãi nhất vùng, chòi phát thanh thì cao bằng ngọn tre, chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe thấy”… Kháng chiến bùng nổ, ông Hai bất đắc dĩ phải rời làng đi tản cư. Trong những ngày buộc phải rời xa làng tâm trí ông luôn nhớ về nơi ấy, về những anh em đồng chí của mình, ông muốn “cùng anh em đào đường, đắp ụ, xẻ hào,khuân đá…’’.

Khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc từ người đàn bà đi tản cư, ông Hai vô cùng sửng sốt, “cổ họng ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được” . Đến khi nghe kể rành rọt, không thể không tin vào điều xấu ấy, niềm tin và tình yêu bấy lâu nay của ông về làng như sụp đổ.

Đã có lúc ông nghĩ đến việc “quay về làng” nhưng ông đã dứt khoát “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ”, “làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù”. Tất cả những cử chỉ của ông Hai khẳng định tình yêu làng của ông đã hòa quyện vào cuộc kháng chiến của dân tộc và ông sẽ gắn bó cả cuộc đời với nó bằng suy nghĩ và hành động.

Đau khổ là thế, lo âu là thế nhưng cái tin làng Chợ Dầu theo giặc đã được cải chính. Niềm vui trong ông Hai như vỡ òa. Ông chạy đi khoe ngay với bác Thứ rồi gặp bất cứ ai ông cũng khoe Tây đã đốt nhà mình như muốn chứng minh làng mình không theo giặc với tất cả niềm tin và tình cảm của ông. Đối với ông hai cũng như mọi người nông dân khác, con trâu, mảnh ruộng, gian nhà là vô cùng quý giá nhưng họ thà mất đi tất cả chứ không chịu mất nước và ý chí ý đã trở thành một truyền thống vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta.

Cách mạng và sự nghiệp kháng chiến đã tác động mạnh mẽ, đem lại những nhận thức, những tình cảm mới lạ cho những người nông dân. Từ đó khiến họ nhiệt tình tham gia kháng chiến và tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng, vào lãnh tụ.

Kim Lân cũng đã đưa hình ảnh cách mạng mở ra con đường mới cho người nông dân Việt Nam trong tác phẩm “Vợ Nhặt”. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng hiện lên trong đầu Tràng ở cuối tác phẩm, Tràng đã bắt đầu mơ hồ tìm thấy con đường đi cho tương lai của mình đồng thời cũng nói lên bước đầu của sự nhận thức, giác ngộ với cách mạng của những người dân trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. 

Lá cờ là biểu tượng của 1 quốc gia thể hiện cho sự tự chủ, độc lập của quốc gia đó. Nó thể hiện niềm tin và hy vọng của cả dân tộc vào một tương lai tươi sáng đồng thời nó giống như ngọn đuốc chỉ đường đến mục đích cuối cùng là sự độc lập-tự do- hạnh phúc mà điều đó chỉ giành được khi đi theo con đường cách mạng và bằng đấu tranh vũ trang.

Tình yêu làng của ông Hai mang tính chất truyền thống đã được nâng lên thành tình yêu nước nồng nàn như “ dòng suối đổ vào sông, dòng sông đổ vào dải trường giang Vônga, dòng sông Vôn Ga đi ra biển..”. Qua nhân vật ông Hai như là nông dân với những phẩm chất tốt đẹp bước từ đời thực vào tác phẩm, có được những biểu hiện cụ thể, sinh động về tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc.

“Làng” đã trở thành một truyện ngắn đặc sắc, Kim Lân đã thành công trong việc thể hiện những chuyển biến mới mẻ trong nhận thức và tình cảm của người dân Việt Nam. Nhân vật ông Hai đã trở thành một hình tượng điển hình cho những người nông dân Việt Nam cần cù, chất phác nhưng luôn cháy bỏng tình yêu quê hương, yêu đất nước. Họ đã góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng và là nhân tố trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Bản thân mỗi chúng ta cần phải học tập tấm gương của họ, ngày càng yêu thương quê hương, đất nước mình hơn.

Trọn bộ 🌸 Suy Nghĩ Của Em Về Nhân Vật Ông Hai  🌸 sau khi đọc truyện ngắn “Làng”.

Liên Hệ Bài Làng Với Mùa Xuân Nho Nhỏ Nâng Cao

Tham khảo bài văn liên hệ mở rộng bài “Làng” với “Mùa xuân nho nhỏ” dưới đây để biết cách làm dạng đề này nhé!

Nhà văn Kim Lân được biết đến là nhà văn của nông dân và nông thôn Việt Nam. Những trang viết của ông luôn mang sự gần gũi, giản dị, gắn liền với hình ảnh con người, làng quê Việt Nam. Đến với truyện ngắn “Làng”, ta lại bắt gặp chân dung người nông dân Việt Nam chất phác, mang lòng yêu quê hương, yêu nước sâu sắc qua hình ảnh nhân vật ông Hai.

Ông Hai – nhân vật chính của toàn bộ câu chuyện- đã được tác giả Kim Lân khắc họa chân thực, mang trong mình tình yêu làng chân chất, tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt. Tình huống truyện éo le được đặt ra khi gia đình ông Hai phải đi tản cư do quân Pháp đến đánh chiếm làng. Dù không ở lại, nhưng trong lòng ông Hai vẫn luôn đau đáu nhớ làng, luôn nghe ngóng mọi tin tức về làng Chợ Dầu của mình.

Trớ trêu thay, ông Hai lại nghe được tin Làng Chợ Dầu của mình đi theo giặc. Đau đớn, tủi hổ, ông Hai không còn tin vào tai mình khi bắt đầu nghe tin làng quê mình theo Tây.

Lòng yêu làng từ trước đến nay không bao giờ thay đổi, tình yêu đó là nỗi nhớ mong khi phải xa, là niềm đau đáu mỗi khi nhớ về những kỉ niệm cùng anh em ở làng đào hào, đắp ụ… Mà giờ đây, ông Hai lại phải đứng giữa lựa chọn giữa tình yêu làng và tình yêu nước.

Và ông đã khẳng định chắc nịch “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Vậy là, niềm tin tưởng vào ánh sáng của Cách mạng, của Cụ Hồ của ông Hai dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn bền chắc nhất, cho dù nó là sự đánh đổi một tình yêu thiêng liêng với mảnh đất quê hương chôn rau cắt rốn.

Sự lựa chọn ấy đã thể hiện rõ nhất tình yêu cũng như niềm tin tưởng vào ánh sáng của Đảng của người dân Việt Nam. Cuối cùng, ông Hai lại như vỡ òa trong niềm sung sướng khi nghe tin cải chính, nghe tin làng mình không những không theo Tây mà còn đứng lên đấu tranh rất kiên cường.

Truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân đã thể hiện nổi bật và rõ nét phẩm chất, niềm tin của người nông dân Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Pháp, được thể hiện rõ qua hành động, suy nghĩ của nhân vật ông Hai. Tình huống truyện đã đặt nhân vật vào một sự lựa chọn không hề dễ dàng. Tình yêu nào cũng là thiêng liêng và đáng trân trọng, và nhất là tình yêu quê hương, yêu đất nước.

Thanh Hải trong “Mùa xuân nho nhỏ” cũng đã từng bộc bạch những mong muốn cống hiến cho đất nước qua những câu thơ sau:

“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”

Một người cống hiến một “mùa xuân nho nhỏ” sẽ tạo thành một mùa xuân lớn, vĩ đại, đầy đủ và trọn vẹn. “Mùa xuân nho nhỏ” ở đây là một ẩn dụ rất thông minh và sâu sắc. Nhà thơ muốn nhắc nhở mỗi chúng ta hãy khiêm tốn, chân thành, hãy biết cách sống cho tất cả, sống cho tình thân ái bao la và sống để cống hiến cho đất nước, đó là lẽ sống đẹp và lẽ sống cao cả.

Cũng giống như ông Hai trong “Làng” đã nói “tích tiểu thành đại làm gì mà thằng Tây chả bước sớm”. Ông Hai tuy chỉ là một người nông dân hết sức bình dị, chân thành nhưng ẩn sâu đằng sau đó là một tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt.

Cách mạng và kháng chiến đã đem lại nhận thức, tình cảm mới mẻ, mang đến niềm tin vững bền cho người nông dân. Tình cảm truyền thống yêu quê hương bao đời nay của người nông dân đã được nâng lên thành tình yêu nước sâu sắc. Đó cũng chính là tiền đề để tạo nên sức mạnh nhân dân, để có thể đánh thắng, đánh tan mọi kẻ thù xâm lược.

Truyện ngắn “Làng” cũng đã rất thành công khi xây dựng được hình ảnh nhân vật ông Hai tiêu biểu cho phẩm chất của người nông dân Việt Nam thời bấy giờ. Dù là ngày ấy hay bây giờ, thì tình yêu quê hương, yêu đất nước luôn cần được giữ gìn và phát huy.

Gợi ý khác 🌸 Liên Hệ Những Ngôi Sao Xa Xôi 🌸 bạn nên tham khảo!

Liên Hệ Bài Làng Với Rừng Xà Nu Ngắn Hay

Mẫu bài văn liên hệ mở rộng bài “Làng” với “Rừng xà nu” dưới đây được đánh giá hay và ngắn gọn, mời bạn xem ngay

Kim Lân được biết đến là một trong những nhà văn xuất sắc của văn học Việt Nam thời kỳ 1945-1954. Những sáng tác của ông chủ yếu xoay quanh đề tài về nông dân, cuộc sống của người nhân dân khi có ánh sáng của cách mạng soi đường chỉ lối. Làng là một trong những tác phẩm xuất sắc của nhà văn đã thể hiện được tài năng phân tích tâm lý nhân vật, sự khéo léo trong cách xây dựng cốt truyện, tình huống.

Viết về đề tài nông dân và kháng chiến có không ít các tác phẩm văn học. Tuy nhiên tác phẩm “Làng” vẫn có chỗ đứng riêng, và khẳng định được giá trị của mình qua bao thế hệ. Nhân vật chính của truyện là ông Hai một lão nông cần cù chất phác, giàu lòng yêu quê hương đất nước. Ông gắn bó với cách mạng, quyết tâm đi theo kháng chiến, trung thành tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.

Cũng như những người nông dân khác ông Hai là một người rất cần cù và chất phác. Ông đi làm suốt ngày, không ngơi tay nghỉ lúc nào, việc gì ông cũng làm được như đi cày, đi cuốc, gánh phân… những mong có cuộc sống đầy đủ đặc biệt là làm để có thể đóng góp, chi viện cho miền Nam đánh giặc. Đó là những nét đẹp phẩm chất đáng quý của ông – người nông dân trong kháng chiến.

Vẻ đẹp của ông Hai còn được thể hiện sâu sắc hơn trong tình cảm của ông dành cho làng chợ Dầu quê hương ông. Dù phải đi tản cư không còn ở làng nữa nhưng hễ gặp ai ông cũng khoe về cái làng của mình. Đó là một làng quê có phong cảnh hữu tình, nhà ngói san sát, sầm uất như tỉnh. Ông yêu cái làng chợ Dầu kháng chiến với tất cả niềm kiêu hãnh cao cả. Có thể nói từ ngày đi tản cư, phải xa ngôi làng của mình nỗi nhớ và niềm tự hào càng trào dâng gấp bội. Tình yêu làng ấy cũng là tình yêu quê hương, đất nước của người dân lao động.

Dù sống trong lòng địch, thường xuyên bị cám dỗ bởi các thế lực phản động nhưng trước sau nhân dân ta như ông Hai, người dân quê ông, vẫn kiên định với lý tưởng cách mạng, một lòng hướng về tổ quốc. Điều này có thể thấy rõ khi ông bị đặt vào tình huống nghe tin chợ Dầu theo giặc. Ban đầu ông không tin, ông đi khắp nơi để đính chính nhưng khi thông tin rõ mười mươi ông vô cùng đau khổ.

Yêu làng, tự hào về làng là thế nhưng khi nghe tin làng theo giặc thì ông nhất quyết không bảo vệ làng nữa. Có thể thấy với ông cách mạng, sự nghiệp giải phóng dân tộc là quan trọng hơn cả. Khi phải chọn giữa cách mạng và làng ông sẽ chọn cách mạng. Điều đó chứng tỏ ông rất thấm nhuần với lý tưởng cách mạng của dân tộc, kiên quyết không khoan nhượng với kẻ thù, căm thù giặc sâu sắc.

Tinh thần yêu nước của ông Hai có điểm tương đồng với rất nhiều các nhân vật người nông dân khác trong các tác phẩm văn học. Chẳng hạn như trong tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành.

Tác phẩm Rừng xà nu kể về câu chuyện của Tnú, Mai và dân làng Xô man trên miền núi Tây Bắc. Dù đang sống trong hoàn cảnh nghèo đói, thiếu thốn, nhưng họ vẫn luôn giữ được tinh thần yêu nước, ý chí căm thù giặc, sẵn sàng hy sinh cả thân mình để bảo vệ đất nước. Điều này cũng giống như tinh thần của ông Hai trong tác phẩm Làng, một người nông dân cần cù, gắn bó với cách mạng, kiên quyết đấu tranh với kẻ thù..

Tinh thần yêu nước, ý chí căm thù giặc của Tnú, Mai, của dân làng Xô man giống như một ngọn lửa. Chỉ cần một ngọn gió nhẹ ngọn lửa ấy sẽ bùng cháy dữ dội sẵn sàng thiêu đốt kẻ thù xâm lược. Để bảo vệ cách mạng, cán bộ người dân sẵn sàng hy sinh cả thân mình, quên đi hạnh phúc riêng của bản thân, kiên quyết đấu tranh với kẻ thù.

Dù sống trong lòng địch, trước sau nhân dân ta như ông Hai và nhân dân đồng bào miền núi Tây Bắc vẫn kiên định với lý tưởng cách mạng và tận tụy với đường lối của Đảng và Cụ Hồ. Dù bị cám dỗ bởi các thế lực phản động, họ vẫn luôn trung thành với đất nước và nhân dân, sẵn sàng đánh đổi tất cả để bảo vệ sự độc lập, tự do và thống nhất của đất nước. Tác phẩm Rừng xà nu và Làng đều thể hiện sự tận tụy, trung thành của người dân Việt Nam với đất nước và cách mạng, là những tác phẩm đáng để người đọc tham khảo và suy ngẫm về tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Số phận của nhân vật ông Hai cũng có điểm tương đồng với một số nhân vật khác trong tác phẩm của Kim Lân. Chẳng hạn trong tác phẩm Vợ nhặt, cùng khai thác đề tài số phận người nông dân nhà văn đã gửi gắm những thông điệp ý nghĩa sâu sắc: đó là ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất của người lao động tuy trong hoàn cảnh nghèo đói, thiếu thốn vẫn giữ được tính người, cốt cách con người. Niềm trân trọng với những khát vọng rất đời thường của người lao động. Đó cũng là chủ nghĩa nhân đạo trên trang văn của Kim Lân.

8 Bài văn 🌸 Phân Tích Tình Huống Truyện Làng🌸 đặc sắc!

Liên Hệ Bài Làng Với Sống Mãi Với Thủ Đô Học Sinh Giỏi

Mời bạn đọc xem ngay bài văn liên hệmở rộng bài “Làng” với “Sống mãi với Thủ Đô” dành cho học sinh giỏi ở ngay bên dưới:

Kim Lân là một nhà văn có sở trường viết truyện ngắn với đề tài về người nông dân. Truyện ngắn “Làng” được sáng tác năm 1948 trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Truyện viết về vẻ đẹp ông Hai với tình yêu làng quê mãnh liệt, tin tưởng vào Đảng, vào cách mạng và có lòng tự trọng coi danh dự của làng quê hơn tài sản vật chất.

Đọc truyện ngắn “Làng” người đọc rất ấn tượng về nhân vật ông Hai là người dân hiền lành, cần cù, chăm chỉ, chất phác và có tình yêu dành cho làng chợ Dầu luôn bùng cháy mãnh liệt. Khi chiến tranh xảy ra ông phải đi tản cư ” tẩn cư âu cũng là kháng chiến” ông nhớ làng, khoe về làng đẹp, giàu: nhà ngói san sát, xầm uất.

Ông vui, tự hào, hãnh diện về làng. Ông còn khoe cả cái sinh phần của viên tổng đốc mà không nhận ra viên tổng đốc là kẻ thù của mình. Ánh sáng cách mạng đã soi rọi tới cuộc đời tăm tối của ông để biết ai là kẻ thù để ông không còn khoe về nó nữa. Ông từng tham gia xây dựng những công trình kháng chiến: đào đường, đắp u, xẻ hào… những công việc vất vả nhưng ông tham gia với tinh thần hăng say, vui vẻ, trách nhiệm.

Tình yêu làng quê của ông Hai không chỉ thể hiện bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể người nông dân ấy sẵn sàng bảo vệ tổ quốc. Tình yêu làng quê đã hòa quyện trong tình yêu nước. Ông Hai có thói quen là đến phòng thông tin niềm vui sướng khi nghe được tin chiến thắng của quân ta dù có nhỏ nhưng với suy nghĩ “tích tiểu thành đại làm gì mà thằng Tây chả bước sớm”. Những suy nghĩ ấy của người nông dân về kẻ thù khi còn rất đơn giản nhưng nó cũng thể hiện niềm tin nhất định thành công của cách mạng. Đó chính là nhận thức tư tưởng mới của ông Hai khi có ánh sáng cách mạng.

Nhà văn đã khéo léo đưa vào tình huống truyện bất ngờ được đẩy lên cao trào khi để nhân vật bộc lộ rõ một chuỗi diễn biến trong tâm lí. Tin làng chợ Dầu theo Tây giồng như ” một gáo nước lạnh” làm tắt ngấm ngọn lửa yêu làng bấy lâu trong lòng ông Hai. Tin đến đột ngột bất ngờ khiến cho ông choáng váng ” tưởng như không thở được” tưởng như tai nghe nhầm.

Để vơi đi nỗi đau đớn ông lại trò chuyện với con ” Con có muốn về làng chợ Dầu không? Con ủng hộ ai?” Và người cha ấy nhận được câu trả lời “Con có muốn về làng. Con ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm.” Đoạn đối thoại tuy ngắn các câu hỏi và câu trả lời đều xoay quanh làng chợ Dầu.

Có thể nói rằng cuộc trò chuyện chỉ là cái cớ để ông Hai giãi bày nỗi lòng mình mặc dù nói thù làng nhưng trong lòng ông vẫn rất nhớ và muốn quay lại làng. Cho dù đã có lúc tình yêu ấy có bị thay đổi nhưng lòng tin vào cụ Hồ vẫn bền chặt thiêng liêng chưa bao giờ thay đổi.

Và rồi niềm tin của ông Hai trở thành hiện thực khi ông nhận được tin làng cải chính. Lòng kiêu hãnh của ông trở lại thói quen khoe tin làng không theo Tây khoe cả nhà bị Tây đốt. Trong lời khoe ấy vẻ đẹp nhân vật ông Hai nhận ra lòng tự trọng coi danh dự của làng quê hơn tài sản của mình.

Trong tác phẩm “Sống mãi với thủ đô” của Nguyễn Huy Tưởng, tác giả cũng đã thể hiện sự kiên trì, quyết tâm bảo vệ thủ đô Hà Nội của những người dân trong cuộc kháng chiến. Tương tự, ông Hai cũng không muốn làng chợ Dầu của mình bị phản bội cách mạng, và tin rằng những người dân quê ông sẽ không làm điều đó. Tình cảm gắn bó sâu sắc với quê hương, đất nước đã thấm sâu vào tâm trí của ông Hai, giúp ông vượt qua những thử thách và khó khăn trong cuộc sống, đồng thời giữ vững niềm tin vào cách mạng.

Cả hai tác phẩm đều thể hiện sức mạnh của tình yêu quê hương và đất nước, là nguồn động viên để người dân chiến đấu vì cuộc sống tự do, hạnh phúc.

Đọc xong truyện ngắn Làng nhưng tinh thần, vẻ đẹp của nhân vật ông Hai, của người nông dân thì để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó quên. Hiểu về họ ta càng thêm yêu quý và khâm phục họ hơn. Nhìn lại người nông dân trong thời đại ngày hôm nay họ vẫn phát huy truyền thống yêu làng, yêu nước xây dựng quê hương để trở thành làng quê đẹp, nông thôn mới.

Viết một bình luận